T |
hế là xong - một cuộc chơi! World cup 98 đã khép lại. Sau già một tháng thức gần trắng đêm với 64 trận đối chọi, lúc huy hoàng, lúc tàn khốc, giờ chỉ còn lại một dư vị, có cái gì đó thật là hùng vĩ lại pha một chút ngậm ngùi đắng chát có lẽ cũng phải nhiều đêm nữa may ra mới phôi phai.
Làm sao vậy. Tôi chẳng có dây mơ rễ má gì với các anh Brazil hay là anh Pháp cả. Ai thắng cũng được, miễn là thắng xứng đáng. Mà Pháp giật chiếc cúp vàng trong rạng sáng ngày 13.7 (giờ của ta) là hoàn toàn xứng đáng, thậm chí còn quá thừa xứng đáng nữa. Ấy vậy mà sao vẫn thấy đau. Có chút gì đó như là nỗi giận hờn, chua xót?
Mấy lại, ngay cả đại sự chiến tranh thì được thua cũng là chuyện bình thường, huống chi là một cuộc chơi! Có người nói, đã chơi quan trọng là chơi hết mình, thắng thua không cần tính đến. Tôi nghĩ khác. Phần cái gì đã có phân định thắng thua thì giá phải trả không chi bằng cái phần thưởng mấy ngàn đô sau khi tàn cuộc... Huống hồ đấy là cuộc chơi hùng vĩ có tầm vóc cỡ toàn cầu. Cuộc chơi có màu cờ sắc áo của Tổ quốc, có danh dự và lòng tin của hàng triệu người hướng theo nó, và quan trọng hơn nữa, nó liên quan đến số phận của những con người trong cuộc, có khi chỉ một bước lên trời, có khi chỉ một tấc là gục ngã, nếu không vĩnh viễn chôn vùi sự nghiệp thì cũng trần ai vất vưởng giữa chốn bụi đời. Trường hợp R.Bátzo sau Worldcup 94 là một bài học nhãn tiền đó. Lại còn có kẻ gục ngay ở cổng khi vừa ra khỏi sân chơi chỉ vì vấp chân để bóng lọt lưới nhà như chàng cầu thủ của xứ trùm mafia thế giới. Ấy là bài học của World cúp 94. Còn France thì sao?
Đã đành là trái bóng tròn, mọi cái đều có thể. Mấy lại, cái hay, cái hấp dẫn tuyệt vời của môn chơi này chính là sự bất ngờ. Nên chi dân cá độ nhiều kẻ sạt nghiệp. Nên chi tân binh Croatia mà đập tan “Cỗ xe tăng” bách chiến bách thắng của người Đức bằng 3 bàn không gỡ, lại đồn “Cơn lốc màu da cam” vào thế trận quẫn trí tối tăm. Lại một Nigêria hôm trước phá bóng tanh bành đội hình Tây Ban Nha hôm sau lại trở nên ngơ ngác, trẻ con trước các chú lính chì Đan Mạch... Tất cả đều có thể... và mỗi lần như thế người bình luận viên truyền hình lại đổ cho “Trái bóng tròn”.
Nhưng đâu phải trái bóng tròn muốn lăn đâu cũng được. Nếu chỉ vì trái bóng thì lòng ta đâu đến nỗi bần thần, cái buồn, thậm chí cũng là cay đắng nữa đâu có gặm nhấm lòng ta đến vậy. Ngẫm ra, cái gì cũng có nguyên nhân. Cái gì cũng có bài học để đời của nó.
Tôi đã thức hơn một tháng để dán mắt vào 64 trận đấu đua chen. Tôi tự thấy không thể không thức thêm một đêm nữa để tự mình chiêm nghiệm rút ra những bài học nhãn tiền. Để làm gì, tôi cũng chẳng biết nữa, có lẽ chỉ cốt để giải tỏa tâm trạng sau trận chung kết bàng hoàng và cay đắng dường ấy thôi. Theo riêng tôi, có bốn bài học cần nói tới. Hai điều về tổ chức, hai điều về thế hệ cá nhân con người.
1- Tiến lên, đừng quên giá đỡ phía sau mình.
Người ta nói Brazil, bóng đá đồng nghĩa với tiền đạo. Từ “Vua” Pê Lê đến kẻ ngoài hành tinh Rônanđô muốn thành danh phải là chân tiền đạo. Ngay cả chú Caclốt, bác Cafu dù được phân công đứng thủ ở nhà vẫn cứ phải nhô lên có khi còn cao hơn cả tiền đạo. Ai cũng nói, cái yếu nhất của Brazil là hàng phòng ngự. Nhưng sao lại thế được khi mà ở hàng hậu vệ lại có tên tuổi nhất nhì thế giới? Có lẽ phải nói lại thế này, cái yếu nhất của Brazil là lãng quên phòng ngự, là không có khái niệm ấy trong sự hình thành phẩm chất bóng đá của mình và không bao giờ ghi nhận công lao những người giữ sân nhà trong chiến công của đồng đội. Người ta quên mất rằng, người đưa Brazil đoạt cúp vô địch ở USA 94 là thủ môn Taffarel bằng cú đẩy bay quả đá phạt luân lưu 11 mét của Italia. Người ta cũng không nhớ trước đó nữa, ở Olympic Seoul anh cũng đã đánh bật đến ba quả luân lưu của người Đức. Chẳng là gì cả. Brazil vô địch là nhờ tiền đạo. Lần này nữa, cả đội giằng dai với Hà Lan 120 phút, không phân thắng bại. Nếu Taffarel không đẩy liền hai quả luân lưu thì sự thể sẽ thế nào?
Là ta nói với nhau vậy, chứ Brazil chỉ có tiền đạo mới là kẻ siêu phàm, còn thủ môn, hậu vệ chỉ là chân đất. Và cái kết cục bi thảm rạng sáng 13/7 là vậy đó.
Chợt liên tuởng vu vơ đến bản tin thời sự phát trong cùng đêm với trận chung kết, có cảnh người Inđônêxia đang chia nhau từng đấu gạo vì khủng hoảng kinh tế. Một đất nước con rồng, có thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 đô, bất thần một vài tháng khủng hoàng đã lâm vào cảnh đó. Vì sao? Người bình luận viên nói: Đó là do sai lầm trong việc bỏ rơi nông nghiệp, chạy theo tăng trưởng...
Đạo làm quân tử của người Trung Quốc nói rằng, tu thân, tề gia, trị quốc, rồi mới bình thiên hạ. Đúng thế không? Tôi không muốn nói theo người Trung Quốc, tôi muốn thở dài mà than rằng, nhân loại ơi, trên con đường hãnh tiến, đừng quên cái giá đỡ phía sau mình.
2- Càng đông người tài trong một tổ chức càng cần biết bao một kẻ dắt dẫn, điều phối
Trước trận chung kết ngoạn mục xưa nay chưa từng có giữa một đội là chủ nhà với một đương kim vô địch thế giới, hầu hết dư luận, kể cả danh chính ngôn thuận trên báo chí, kể cả cá cược chốn chợ trời đều nghiêng về những người hùng Brazil, chí ít là chấp nửa trái. Trận đấu đã diễn ra đúng như bản chất của nó, là một thế tương phản âm dương thật rõ nét. Một bên là số cộng của hầu hết anh tài đến mức vượt ra khỏi khuôn khổ trái đất như là Rônanđô, Cáclốt, Cafii... hay chí ít cũng là câu thủ đắt giá nhất thế giới. Nhưng là một tập thể mạnh ai nấy đá, tất cả đua nhau phô diễn, trổ tài, thiếu hẳn người nhạc trưởng, thiếu kẻ phân phối chiến thuật, thiếu những đường banh mang tính triết học kích thích tư duy đồng cảm của cả đội ngũ...
Một bên kia, là một tổ chức, trong đó các thành viên có yếu, có mạnh, có xuất sắc và có tầm thường, nghĩa là có mọi cái như sự đời vẫn có. Nhưng quan trọng nhất là họ có Didane, con người biết làm chủ mọi không gian, biết tổ chức cho tất cả mọi cá thể gắn chặt lại và khi cần biết tự mình làm bộc phá lệnh.
Toàn bộ cuộc chơi Wold cúp 98 không thiếu những người tài. Cú đột phá đến bàng hoàng của tiền đạo trẻ măng người Anh, hất mũi nhọn hiểm hóc đến điên đảo Sa-Da của Chi Lê, hậu vệ gầy guộc Thuram một mình lập hai bàn thắng trong một trận cho Pháp... Và người ngoài hành tinh Rônanđô, vật lạ bay có tên Cáclốt nữa... Nhưng họ chỉ như những đóa sao băng, chói lên rồi tắt. Khó mà biết họ sẽ lóe sáng vào giờ khắc nào. Còn như Didane... tận tụy; mẫn cán, nhạy cảm, đều đặn. Giờ nào cũng tin được ở anh. Có anh là cả đội có linh hồn. Cái thua đến ngơ ngác, bải hoải của Brazil chính là không thể có một Didane như vậy.
3- Con gái có thì, người hùng có giới hạn
Ấy là bài học để mà tự biết mình. Nói ra thì cay đắng đấy, nhưng không thể làm thinh. Bởi cuộc chơi này, cầu thủ không chỉ vì mình mà còn vì danh dự, vì Tổ quốc, vì đồng đội và hàng triệu cổ động viên nữa. Nhìn những Ivanốp những Stôichicốv hổn hển vật vờ chạy, run rẩy đá, ta vừa giận vừa thương... Đội tuyển Đức được coi là ý chí thép, chí ít trong toàn bộ cuộc chơi này họ đã hai lần lội ngược dòng để minh chứng cho cái chất từng trải lì lợm ấy. Nhưng mà này, họ chỉ lật được thế cờ với những ai còn sợ vía họ. Chứ đến cái anh tân binh Croatia thì cóc cần trời đất, chẳng nể sợ gì cái vía lão làng. Thế nên, một bàn, hai bàn, rồi ba bàn... Đội Đức rã ra, tan nát, phạc phờ không còn manh giáp. Và hãy nhìn ánh mắt lơ láo của người thủ môn lão thành một đời sương gió Zubizarétta, tấm thân im lìm như chiếc bóng giữa cầu trường hoang vu, anh biết rõ cái giây phút cuối cùng của sự nghiệp đã đến. Đội bóng Tây Ban Nha bị loại, thì có sao, vô khối đội khác cũng bị loại, có đội còn tả tơi hơn. Nhưng nói như nhà thơ Anh Ngọc, thật tinh tế mà sâu cay, bao nhiêu cây cò tan tác rồi tới mùa sau gió thuận mưa hòa, sẽ có cơ may trỗi dậy. Nhưng với Zubizaretta, hay Ivanốp và Stôichicôv... và cả một đội ngũ trên cỗ xe tăng Đức thì sẽ không còn trỗi dậy được nữa đâu... Người đời ơi, hãy biết lấy giới hạn của mình.
4- Còn bài học cho lớp trẻ thì sao?
Rằng hào quang là con dao hai lưỡi. Tôi muốn dừng lại ở những con người đã làm cho tôi mê muội, đến mức tôi tự coi là “đội nhà” và vì thế mà cái kết cục đêm chung kết đã gieo cho lòng tôi một nỗi buồn chua xót. Giá như người ta đừng gọi anh là người từ hành tinh khác đến, đừng gọi là vật lạ bay, đừng xếp vị trí số I, số II thế giới... Anh cứ chơi bóng, chơi hết mình, có phải tốt hơn không. Có một chuyện ngụ ngôn thế này. Con rết đang bò thoải mái với hai dãy chân tít tắp và đều đặn. Bỗng có một con ếch nhảy đến hỏi rằng, này anh rết khi chân số 3 bên phải anh bước lên thì chân số 5 bên trái đang thế nào, chân số 9 bên phải, chân số 11 bên trái ra sao... Con rết ngẫm nghĩ, nghĩ mãi không ra, nghĩ đến mức nó co quắp cứng đờ cả ra không sao buớc được. Rônanđô đã bước vào France 98 hệt như là con rết ấy vậy.
Trong làng văn nghệ cũng có bao nhiêu bài học về chuyện này. Cứ một lần tung hô một cây bút trẻ nào đó ấy là hồi chuông báo tử liền kề. Ôi, hào quang là gì mà cay nghiệt thế.
Thôi, tạm biệt France 98, cố quên đi những cảm giác buồn để cùng nước Pháp đổ bia ra đường đón cúp vàng thế giới.
X.Đ