Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một điểm sáng của "bóng đêm" sân khấu kịch nói miền Trung

M

ột ngày cuối năm 1990, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, giữa những rực rỡ màu sắc, náo nhiệt bầu không khí hội hè của giới sân khấu của cả nước quần tụ về, có một chiếc xe u-oát lấm đỏ bụi đường vượt hơn 1000 cây số từ đất Quảng Trị vào dự hội. Một chiếc u-oát chở đủ cả phông màn đạo cụ, diễn viên kiêm quản lý, lái xe kiêm... hậu đài... Một đoàn kịch đã bắt đầu hành trình như thế. Sáng 01.01.1991, tại Nhà hát lớn thành phố Hồ Chí Minh, vở diễn khai sinh của đoàn “Chuyện đời thường vớ vẩn” – kịch bản nhà văn Xuân Đức, đạo diễn NSUT Xuân Đàm (nay đã là NSND), với 3 diễn viên Kim Quý (NSUT), Chánh Phùng và Tiểu Hoa. “Chuyện đời thường vớ vẩn” đã giành huy chương vàng của liên hoan và huy chương vàng cho hai diễn viên Kim Quý, Chánh Phùng; Huy chương bạc cho tiểu Hoa. Từ vở diễn đầu tiên của đoàn kịch Quảng Trị, bây giờ đã thoáng chốc ngót nghét 10 năm. Và thật khó tin khi nói rằng suốt một dãi đất miền Trung dằng dặc từ Bình Thuận ra tận Thanh Hóa lại chỉ có một sân khấu kịch nói ở miền đất trần ai nắng gió này, nhưng đó lại là sự thật! Ngay cả những thành phố lớn của miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang... vẫn chưa hình thành nên sân khấu kịch nói của mình hoặc có cũng đã giải thể...

MẢNH ĐẤT CỦA KỊCH NÓI:

Ngay sau khi tái lập tỉnh Quảng Trị, lực lượng kịch nói của sân khấu Bình Trị Thiên hầu như dồn cả về mảnh đất này. Các tác giả Xuân Đức, Nguyễn Quang Lập, Lê Bá Sinh... đã có nhiều kịch bản hay từ trước trở thành nguồn cung cấp kịch bản. Một đạo diễn có “máu mặt” là Xuân Đàm cùng vợ là nghệ sĩ ưu tú Kim Quý, hai vợ chồng Sĩ Cừ - Kim Phú... trở thành nòng cốt cho sân khấu kịch nói Quảng Trị ngày đầu thành lập – những con người ấy quả là niềm mơ ước của sân khấu nhiều tỉnh, bởi hơn mười năm qua sự tồn tại của một đoàn kịch nói như ở Quảng Trị là minh chứng của thế mạnh đội ngũ này.

Và thế mạnh đội ngũ ấy đã được phát huy ngay trên mảnh đất vốn chứa đựng những xung đột nóng bỏng trong cái bề bộn, ngổn ngang của hiện thực cuộc sống. Những năm trước khi đoàn kịch Quảng Trị ra đời, sân khấu Bình Trị Thiên cũng như nhiều đoàn kịch ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều vở diễn với bối cảnh xảy ra ngay tại vùng đất này như Bão tố ngoài khơi, Chứng chỉ thời gian, Mùa hạ cay đắng...Và mạch đời với bao xung đột của số phận một vùng đất, thân phận những con người lại được tác giả đưa lên sân khấu mang vác, chuyển tải tới người xem những trăn trở, khắc khoải về cuộc sống sâu thẳm ở phía sau đời sống thường nhật. Cái mạnh ấy đã được khai thác triệt để mà không hề bị lặp lại, sáo mòn, ngược lại càng cho người xem những khám phá mới. Ngay từ vở diễn đầu tiên của đoàn “Chuyện đời thường vớ vẩn”, thông qua một câu chuyện đời thường, tác giả đã đề cập tới một quan niệm sống, một thái độ ứng xử với những ràng buộc của những phép tắc, chế định được gọi là “đạo lý” khiến con người không dám sống thực với mình. Và tiếp theo đó là những vở: “Sự tích nước mắt” (Kịch bản Nguyễn Quang Lập). “Đứa con nối dõi” (Xuân Đức - Cao Hạnh), “Cuộc chơi”, “Ám ảnh” (Xuân Đức)... Dấu ấn của vùng đất được coi như một bản lề lịch sử này được tái hiện trên sân khấu kịch nói với tất cả những giằng xé của ý thức hệ, của đòn xoáy nghiệt ngã, bi kịch hậu chiến và những dáng vẻ trần trụi, thô ráp, gân guốc, những dục vọng phải trả giá... Không ai khác hơn, chính những nghệ sĩ của đoàn với một lớp diễn viên trải nghề, bản lĩnh như Kim Quý, Thế Hùng, Quang Hà... hay một lớp trẻ yêu nghề, thông minh và chịu khó như Thương Huyền, Hoàng Hà, Linh Thủy... đã mang đến cho sân khấu Quảng Trị một hình hài riêng, môt tiếng nói riêng đầy bản lĩnh nghệ thuật giữa điệp trùng gian khó. Người xem cả nước đã biết đến Quảng Trị không chỉ là một vùng đất có số phận lịch sử đặc biệt. Khi tấm màn nhung sân khấu kéo ra, khán giả đã tìm thấy một điều gì sâu thẳm hơn, bao la hơn về cuộc sống và đất nước thông qua những vở kịch của đoàn. Với khá nhiều huy chương vàng qua nhiều liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đặc biệt tại liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Huế năm 1996, vở diễn “Ám ảnh” của đoàn là Huy chương vàng duy nhất cho kịch nói tại liên hoan - một thành công mà ngay cả các sân khấu kịch nói mạnh như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vẫn mơ ước. Lần này, đoàn đã đến với liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc tại Hà Nội với vở diễn mới “Chuyện dài thế kỷ” (kịch bản Xuân Đức, đạo diễn NSUT Xuân Huyền – Thế Hùng) để tranh tài với hơn hai mươi đoàn của cả nước (nhưng Quảng Trị là đại biểu duy nhất của sân khấu kịch nói miền Trung). Như tên vở kịch, đây là cả một câu chuyện dài về những đổi thay của đời sống, cuộc chuyển giao thế kỷ giữa các thế hệ nhưng cuộc chuyển giao ấy sẽ như thế nào giữa muôn trùng hệ lụy và trần ai oan khiên khi con người đã “thả rong cho tội lỗi chạy đi”. Nhà văn Xuân Đức – tác giả kịch bản đã bắt đầu vở kịch bằng một ý tưởng như thế của T.Aimatov nhà văn Xô viết: “Nếu ta thả rông cho tội lỗi chạy đi khắp nơi thì việc lấy roi quất vào chỗ nó vừa ngồi liệu có ích gì?”. Nhân vật Thiếu tướng Hồng Căn đã bắt đầu từ một sai lầm chân thành để rồi những biến cố cuộc đời đã khiến các nhân vật vở kịch cứ miên man trong những bi kịch, những giằng xé rồi gánh lấy những hậu quả do chính họ gây ra chỉ vì một lần - chính xác hơn một tội lỗi đã “chạy rông” qua bao số phận con người. Phía sau vở kịch là một ẩn ngữ thâm hậu khiến người xem băn khoăn. Cuộc chuyển giao thế hệ, chuyển giao thế kỷ với thời khắc đặc biệt này không chỉ là chuyện thời sự mà đấy là thời gian – cái thời gian mịt mùng hằng cửu kia liệu có đủ để chặn lại những tội lỗi đi rông kia đứng lại bên này lằn ranh cuộc giao thừa thế kỷ, giao thời thế hệ cho tất cả bước vào một thời đoạn mới và tất cả những trong sáng, trinh bạch của phận người hay vẫn là sự tiếp nối ma-ra-tông của những sai lầm “chân thành” để rồi gánh lấy hậu họa?

BÍ QUYẾT ĐỂ TỒN TẠI

Trao đổi với chúng tôi, nhà văn Xuân Đức – Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Quảng Trị đã tâm sự rất chân thành vế cái thế đứng “chòng chành” của sân khấu Quảng Trị - Tuy nhiên ông cũng hóm hỉnh nhắc lại một câu châm ngôn khắc trên khải hoàn môn Pari: “Chòng chành nhưng không chìm”. Kịch nói miền Trung gặp nhiều trở ngại tự thân mà các đoàn kịch hai đầu đất nước không phải chịu – đấy là ngữ âm của miền Trung, đặc biệt là Khu Bốn cũ (Từ Nghệ An đến Huế) khi thoại trên sân khấu rất ...buồn cười, vừa không lột tả được hết kịch tính trong ngữ điệu vừa có phần phản cảm với người nghe. Và đoàn kịch Quảng Trị đã quyết định cho diễn viên thoại bằng giọng... Hà Nội, không hoàn toàn 100% giọng thủ đô, vẫn có cái thô ráp cứng cỏi của giọng Quảng Trị pha vào và có lẽ khán giả đã chấp nhận được. Ngoài khó khăn “đáng kể” này, bù lại đoàn kịch Quảng Trị đã được cung cấp kịch bản khá đầy đủ và đều là những kịch bản chững chạc (trong khi đó với khá nhiều đoàn kịch khác kịch bản là vấn đề nan giải nhất) bởi các nhà văn Xuân Đức, Nguyễn Quang Lập vốn luôn ưu ái cho miền quê của mình, dành kịch bản tâm huyết cho đoàn kịch Quảng Trị dàn dựng. Bên cạnh đó, đạo diễn Xuân Đàm (NSND) và đạo diễn Thế Hùng (tốt nghiệp đạo diễn tại Bungari) đã cáng đáng hầu hết các vở của đoàn trong mười năm qua. Vậy là bù qua sớt lại, đoàn kịch Quảng Trị ngày càng khẳng định mình tìm được tiếng nói riêng trong sân khấu toàn quốc. Nhưng không phải đã hết thử thách khi những nghệ sĩ sân khấu kịch nói Quảng Trị muốn cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Không như các chương trình ca múa nhạc có thể “lắp ghép” các tiết mục có thể linh động được chương trình theo thị hiếu khán giả. Sân khấu kịch nói với số công chúng dường như vừa ít vừa khắt khe lại đòi hỏi sự “chính quy” của một tổng thể từ kịch bản – đạo diễn – diễn viên nên để đầu tư cho một chương trình vừa tốn kém, vừa... phiêu lưu bởi nếu vở kịch tốn công dàn dựng mà không ai quan tâm thì... “đứt bóng”, không như sân khấu ca nhạc dễ “chữa cháy” hơn. May sao mười năm qua với sự khổ luyện của tài năng và tình yêu nghệ thuật sân khấu Quảng Trị, vẫn là điểm sáng lung linh gần như duy nhất của sân khấu kịch nói miền Trung, âu cũng là niềm tự hào không dễ có của người Quảng Trị vậy.

                                                                                    L.Đ.D

Lê Đức Dục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 63 tháng 12/1999

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

10 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground