Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một dòng sông âm thanh xanh tình Việt Lào

T

ừ ngày cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược bán đảo Đông Dương, có một nhiệm vụ quan trọng của cách mạng Việt Nam là nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ bạn bè các nước láng giềng trong cùng bán đảo để chống kẻ thù chung. Thời đó, những bộ đội Việt Nam tình nguyện sang Lào chiến đấu đã được mô tả trong tráng ca hào sảng “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Đầu những ngày hoà bình sau kháng chiến trường kỳ với hiệp định đình chiến Genèver 20/07/1954, chúng ta lại được đọc những áng văn chương về hữu nghị đặc biệt này qua các tác phẩm của nhà văn Lê Khâm (sau đổi là Phan Tứ) như “Bên kia biên giới”, “Trước giờ nổ súng”… và nhà văn Văn Linh như “Tiểu đoàn Hai”… Đến thời kháng chiến chống Mỹ, tình cảm sâu nặng ấy còn được thể hiện qua các ca khúc của các nhạc sĩ Lào mà các nhạc sĩ Việt Nam dịch lời và một dòng sông âm thanh xanh tình Việt-Lào là những giai điệu mà các nhạc sĩ Việt Nam viết về đất nước Lào anh em.

Ngay từ trước khi chiến tranh với Mỹ xảy ra, trong thập kỷ hoà bình ngắn ngủi ở miền Bắc Việt Nam (1954-1964), hai bản dân ca Lào là “Hoa Chăm Pa” và “Lăm Tơi” qua giọng hát thánh thót của ca sĩ Tường Vy đã làm rung động biết bao con tim Việt Nam và Lào. Đến khi cuộc chiến bùng nổ, thì đã có một cuộc giao hoà đầy xúc động giữa các nhạc sĩ Lào và các nhạc sĩ Việt Nam. Những tác phẩm như “Dải đất tự do”, “Chống đế quốc Mỹ xâm lược”, “Mừng chiến thắng Nậm Na” của Si Sa Na Si San đã được các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hồ Bắc, Trọng Loan dịch ra tiếng Việt. Các tác phẩm của Khăm Mường, Xu Văn Thoong, Ma Li Chăn, U Tam Mạ, Hủm Phăm, Xổn Bun, Pa Xớt… đã được các nhạc sĩ: Lê Lôi, Xuân Tứ, Đỗ Nhuận, Vũ Thanh và các ca sĩ Trần Hiếu, Phương Thảo, Trần Tiến (lúc ấy là ca sĩ đoàn văn công Hà Nội) dịch ra tiếng Việt. Nhưng dòng chảy mạnh mẽ nhất thì vẫn là dòng giai điệu mà các nhạc sĩ Việt Nam cảm xúc về đất nước, con người và cuộc chiến đấu của nhân dân Lào. Theo lời kể của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, cách đây bốn mươi năm tròn, vào giữa 1967, ông đã đưa một Đội xung kích gồm mười hai diễn viên thuộc Đoàn văn công Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam từ Hà Nội lên Tây Bắc, vượt biên giới sang chiến trường Lào phục vụ bộ đội công binh Lào- Việt làm đường từ Bản Ban đi Cánh Đồng Chum. Dù máy bay địch oanh tạc dữ dội, đội vẫn biểu diễn được hai mươi cuộc và sau đó bổ sung thêm diễn viên từ Việt Nam sang để biểu diễn phục vụ Hội nghị Trung ương Pa Thét Lào vào tối 10/8/1967 tại Hang Loong. Đích thân chủ tịch Xu Pha Nu Vông và nhiều đồng chí lãnh đạo tới xem biển diễn. Giữa chừng, máy bay địch bắn phá ác liệt. Hai quả bom rơi trúng cửa hang nhưng do hang sâu nên mọi người đều an toàn. Sau cơn khói lửa, cuộc biểu diễn vẫn tiếp tục cho đến kết thúc. Khi anh em văn công về Nhà khách thì khu vực đã trúng bom, đồ đạc quân trang tan nát hết. Các bạn Lào phải tặng cho mỗi người một bộ quân phục. Trong tư trang của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác có một quyển vở chép nhạc, trong đó có ghi một sáng tác mới về Lào của ông mang tên “Tình hữu nghị Việt Lào”, có cả phần dịch tiếng Lào của một cán bộ thích giai điệu này. Quyển vở đã bị thủng lỗ chỗ vì mảnh bom và trong đó có cả trang ghi bài hát chan chứa tình hữu nghị này. Sau chiến tranh, mùa thu 1981, ông Trác lại có dịp sang giúp đỡ cũng cố Đoàn văn công Quân đội Lào. Bài hát của ông đã được các bạn hát theo nhịp Lăm Vông:

Bao năm đã qua mối tình đôi ta

Càng thêm sâu xa hát vang nên bao lời ca

Lòng ta thương nhau như núi cao Trường Sơn

Nước sông Hồng Hà Cửu Long sóng dâng…

Ngày đó, để có tiết mục cho chương trình, còn có thêm các bài hát “Tiến lên quân đội giải phóng nhân dân Lào” của Doãn Nho, “Tình bạn Việt Lào như núi như sông” của Trọng Loan, “Chào đường 9 anh hùng” của Huy Thục… đều là anh em nhạc sĩ quân đội cả.

Còn với nhạc sĩ Đỗ Nhuận, câu chuyện có vẻ ly kỳ hơn. Với tinh thần chia sẻ: “Việt Nam có một bát cơm là Lào có nửa bát cơm” của Bác Hồ từng nói từ  1949, vào năm 1968. Sau Tổng tấn công Mậu Thân ít lâu, Đỗ Nhuận đã dẫn một đoàn nhạc sĩ và nghệ sĩ sang Lào. Đỗ Nhuận lấy tên là U Đon Xiha Lạt. Nếu Nguyễn Văn Tý có bài hát về phụ nữ Lào, Chu Minh có “Hành khúc thiếu nhi Lào”, “Ca ngợi Sầm Nưa”, Đức Minh vừa đệm guitare vừa sáng tác ra “Các dân tộc Đông Dương là anh em”, “Hoa huệ trắng”, “Việt Lào là anh em”… thì Đỗ Nhuận viết ra một vệt gồm có “Hành khúc quân đội nhân dân Lào”, “Đàn vỏi đàn voi”, “Du kích ca”, “Mường Lau ơi”, “Tình yêu Việt- Lào”… Để viết ra một vệt giai điệu như vậy, Đỗ Nhuận đã ghi chép khá kỹ lưỡng. Những nhận xét thấu gan ruột: “Thực ra, người Lào rất chất phác, sôi nổi, con gái tiếp khách nói năng rất hoạt bát. Để cho họ ghét, gột rửa rất khó. Người Lào ít nói, nhìn hành động là chính. Đã tin là tin đến cùng. Già trẻ bình đẳng và rất văn nghệ…” Có lẽ vì đất nước Lào đáng yêu đến thế mà chuyến đi này đã tạo ra một nhạc sĩ tên tuổi cho đất nước vốn xuất thân là ca sĩ, đó là nhạc sĩ Trần Tiến. Khi đi cùng đoàn với Đỗ Nhuận, Trần Tiến vẫn là ca sĩ của Đoàn văn công Hà Nội và mới viết được một bài hát là “Thanh niên lên đường ra tiền tuyến” với tiết tấu đảo phách trẻ trung. Nhờ chuyến đi Lào, Trần Tiến đã cảm hứng mà viết ra một tình ca mang tên “Cô gái Sầm Nưa” cho đến nay vẫn là giai điệu giao lưu giữa các cuộc gặp gỡ Lào- Việt thường xuyên diễn ra. Sau tình ca này, Trần Tiến còn phổ thơ Phạm Tiến Duật “Tớ là Zin ba cầu”, rồi còn vào học khoa sáng tác Nhạc Viện Hà Nội, để giờ đây trở nên một nhạc sĩ đầy ấn tượng với biệt danh “Chàng Vư-xốt-xki Việt Nam”.

Ngoài những chuyến đi có tính nghề nghiệp, thì cảm hứng để viết nên những giai điệu Lào còn được các nhạc sĩ quân đội viết ra trong những chuyến đi chiến dịch như trường hợp Ánh Dương và Nguyễn Trọng Tạo. Khi đi công tác Xiêng Khoảng, nơi bộ đội ta mở đường qua đèo Pu Chom Xy đánh vào H1, giải phóng vùng Mường Khan, Ánh Dương đã viết một hợp ca nam nữ hoành tráng mang tên “Pu chom xy”:

Ơi Pu chom xy

Đèo núi vút cao vắt ngang lưng trời

Chắn con đường bộ đội vào đồn thù

Ơi Pu chom xy

Bộ đội ta như có cánh bay qua đèo mịt mù

Làn mây phủ trắng ngày đêm

Ta yêu nước Lào có những bản mường

Đẹp mùa hoa chăm pa…

Còn Nguyễn Trọng Tạo qua bài thơ Bum Coong đã viết ra “Cô gái Lào và anh bộ đội Việt” khá tình tứ:

Khi trăng vừa lên trên bản Lào

Anh có nghe nhịp khèn ai đón anh bộ đội về đây cùng bản mường…

Dịp chiến thắng Nam- Lào, anh còn viết thêm “Hoa Chăm pa và đàn guitare” lấy chất liệu từ bài dân ca “Hoa Chăm pa” mà cảm hứng ra.

Chiến dịch Đường Chín - Nam Lào, quân ta đập tan ý đồ “Việt Nam hoá chiến tranh” đập tan ý đồ cắt ngang đường Trường Sơn chiến lược, đoạn đường Chín nối Đông Hà với Xê Pôn; bắt sống đại tá Nguyễn Văn Thọ tại Bản Đông, đây là chiến thắng lịch sử để những giai điệu chảy trào xiết nhất. Hàng loạt các bài hát kịp thời tung ra sau chiến thắng như “Từ Đông Hà qua Bản Đông” của Trần Chung, “Bài ca đường chín chiến thắng” của Văn Dung, “Như hoa Chăm pa” của Ngọc Thanh, “Hát mừng quân dân Lào diệt xâm lược Mỹ” của Phạm Tuyên, “Dưới ngọn cờ mặt trận yêu nước Lào” của Lưu Lầu, “Nhắn anh đi tòng quân” của Mộng Lân, “Tiến bước dưới cờ giải phóng” của Vũ Thanh, “Bài ca Việt Lào” của Nguyễn Văn Thương… Có những sáng tác về Lào- Việt hữu nghị đã trở thành những giai điệu không thể nào quên. Bài hát “Tình đoàn kết hai dân tộc Việt Lào” của Hoàng Vân được viết bởi cấu trúc một đoạn đơn ngắn gọn nhưng lại có sức lay động thật lớn lao:

Dài như nước sông Cửa Long

Cao như dãy núi Trường Sơn

Tình đoàn kết hai dân tộc

Việt Lào thân thiết đã bao đời

Từ trong bóng đêm nô lệ

Càng vùng lên đánh tan thực dân

Khi những bài hát về đề tài này còn ít ỏi thì bài “Gửi anh bộ đội yêu nước Lào” của Hồ Bắc qua giọng nữ trung chững chạc của Kim Oanh đã chinh phục tâm hồn bao người yêu nhạc thuở ấy. Đoạn phát triển thật tha thiết và ấn tượng:

Bàn chân các anh đã băng qua trên đất nước đầy gian khổ

Gió nóng mưa rừng đâu ngăn nổi bước anh đi

Lời Tổ quốc thiết tha như đang giục giã

Theo bước chân anh dân Lào đời đời ghi nhớ…

Chính từ những nét nhạc rung cảm này, Hoàng Hà đã đẩy cảm hứng tới cung bậc tráng ca chất ngất qua “Gặp nhau trên dải Trường Sơn”. Trước tác phẩm tiêu biểu này, với bút danh Cẩm La, Hoàng Hà đã từng viết “Gửi người bạn chiến đấu Lào” và cũng đã từng làm lời cho một bài hát khác của Hồ Bắc về đề tài này mang tên “Chiến công diệt Mỹ vui chung Việt Lào”. Đó là sự chuẩn bị cho một sáng tạo đỉnh cao. Mở ra tác phẩm này, Hoàng Hà đã trình bày thật đĩnh đạc:

Trên đỉnh Trường Sơn ta gặp nhau giữa đường đi đánh Mỹ

Anh giải phóng quân Lào biên giới đẹp sao

Cây lá lao xao rộn ràng lẫn trong màu áo

Những người chiến sĩ yêu nước Lào

Đến đoạn phát triển, để tận dụng hết ưu thế giọng nam cao mà cụ thể là nghệ sĩ Trung Kiên, Hoàng Hà đã đẩy giai điệu phát triển đến tận cùng:

Trường Sơn bao la cao như quyết tâm ta diệt thù

Việt Lào một lòng như sắt đá

Quê hương vẫy gọi từ hai miền vách núi

Việt Lào chung đường tiến tới

ấm lửa đoàn kết tình yêu đời…

Cùng những bài hát viết về Lào và tình đoàn kết Việt- Lào trực diện, còn những bài hát viết về Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây cũng gián tiếp ca ngợi tình Việt Lào qua hai phía mái nhà của hai Tổ quốc như “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của Hoàng Hiệp (thơ: Phạm Tiến Duật), “Sợi nhớ, sợi thương” của Phan Huỳnh Điểu (thơ: Thuý Bắc). Ở một thể loại tầm cỡ hơn, ca khúc là Operet, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đã viết tác phẩm “Hai chị em” cùng thời với bài hát “Bài ca Việt- Lào- Cam pu chia”.

Từ ngày thanh bình, những giai điệu trong dòng chảy này vẫn tiếp tục róc rách qua năm tháng. Ta có thể chia sẻ với Thuận Yến qua “Phu Xi ơi” được viết tại Luăng Pha Băng vào cuối năm 1985 hay “Tình Việt Lào” của Hồ Hữu Thới với giai điệu đậm chất của “Lào Lum Lào thương” pha trộn cùng “Câu hát dân ca của quê mình quan họ”. Trong cuộc thi viết về đề tài này năm 1993, Nghệ sĩ nhân dân Tường Vy đã thành công và đoạt giải A khi phổ bài thơ của Bác Hồ thành bài hát “Thương nhau mấy núi cũng trèo” đậm chất dân gian. Nhạc sĩ Vũ Mão- một sứ giả của tình hữu nghị này ở cương vị Chánh Văn phòng Quốc hội cũng đã có những giai điệu Lăm vông rất dễ thương về “Những cô gái bên dòng Mê Kông” và một nỗi nhớ “Từ Viên Chăn nhớ về Hà Nội” đến nao lòng:

Tôi đến Viên Chăn một ngày đầu xuân

Muốn bông hoa tươi khoe sắc nơi nơi

Từ  Viên Chăn nhớ về Hà Nội

Thủ đô thân yêu tha thiết tự hào…

Nhạc sĩ An Thuyên- Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội kiêm Phó Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam từ “Hành khúc quân đội Lào” ngày nào đã ngẫu hứng: "Đêm Lăm Vông" bởi rung động từ những học sinh Lào ở nhà trường

Lăm Vông em như lửa

Đốt cháy anh đêm nay

Lăm Vông hiền đến thế

Mà lửa yêu bừng bừng…

Riêng với người viết bài này thì tình bạn Việt - Lào như một định mệnh để tôi bỏ nghề kỹ sư thông tin đi theo nghề nhạc. Khi còn học Đại học Thông tin liên lạc, sinh viên chúng tôi rất thân với sinh viên Lào. Chính vì tình cảm ấy, khi cả nước mừng chiến thắng Đường Chín - Nam Lào, tôi đãviết bài hát “Hát mừng chiến thắng Nam Lào” cho tốp ca nữ nhà trường biểu diễn. Không ngờ bài hát được Đài Tiếng Nói Việt Nam thu thanh và phát trong chương trình “Khắp nơi ca hát”. Người thu thanh là nhạc sĩ Trần Chung. Nhờ sự khuyến khích của ông, tôi đã quyết tu nghiệp theo NS Trần Chung khi vào bộ đội. Những năm tháng ấy, ở Tây Trường Sơn, tôi đã hành quân qua nhiều rừng Lào và ghé lại nhiều bản Lào. Kỷ niệm đó đã khắc sâu trong tôi. Vào dịp 1984, khi Đài Tiếng Nói Việt Nam yêu cầu anh em viết về Lào, kỷ niệm đã thôi thúc tôi viết “Kỷ niệm rừng Lào” với lòng chân thành và sự đổi mới trong ngôn ngữ âm nhạc. Từ một nét nhạc của bản dân ca “Lăm tơi”, tôi đã phát triển thành kỷ niệm rưng rưng này:

Thâm nghiêm rừng Lào

Mênh mang Trường Sơn bên Tây

Hú a hú à ha Hú a hú à hà

Đêm xanh huyền thoại

Trăng sáng dòng Xê Băng Phao

Lúa thắm đồi nương tiếng hát thiết tha

Đoạn cao trào vút lên quãng tám và kéo dài tiết tấu nhạc qua các đảo phách:

Nhớ mãi nhịp chày giã gạo

Mùa vàng long lanh trời sao

Rừng vầu đang thay mùa măng,

Hội làng reo vui cười nói…

Tự nhiên bài hát xuất hiện đoạn coda như dư âm của kỷ niệm:

Kỷ niệm nở trắng như hoa Chăm Pa

Kỷ niệm rực sáng như đuốc là boong

Kỷ niệm đằm thắm năm xưa chiến tranh

Kỷ niệm đằm thắm âm vang tháng năm

“Kỷ niệm rừng Lào” đã được Đăng Khoa và tốp nam Đài Tiếng Nói Việt Nam thể hiện và cũng là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời một nhạc sĩ đã vào tuổi lục tuần như tôi - Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha.

       N.T.K

 

 

 

______

*(Đọc tập truyện ký Cầu Vồng Hiền  Lương của Nguyễn Hữu Qúy - NXB Quân đội  Nhân dân 2006)

Nguyễn Thụy Kha
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 154 tháng 07/2007

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

45 Phút trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground