Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một dòng thơ lặng lẽ

P

han Văn Quang - Một dòng thơ lặng lẽ tự nhiên chảy ra từ tình yêu sâu nặng chân thật với quê hương. Một dòng thơ ít biến đổi về mặt hình thức nhưng không hề lạt lẽo giả tạo về tình cảm. Một dòng thơ hiền lành chân chất, man mác buồn trong cấu trúc truyền thống quen thuộc mà sự hoài niệm, theo tôi là âm hưởng chủ đạo của tập thơ mang tên Dấu mùa se lạnh này.

Tôi hình dung, bên chiếc thúng đời, gã ngồi trệt xuống cỏ nhặt ra những hạt thóc thơ, dù lép, dù chắc nhưng đều thấm đẫm nắng gió quê nhà và mồ hôi nước mắt của bao kiếp người cơ khổ. Những hạt thóc thơ của gã chưa qua xay giã giần sàng, phảng phất hương đồng gió nội, rặm rụa xa xót và gần gũi làm sao. Thơ gã - Phan Văn Quang - đáng yêu chính là ở điểm ấy. Thơ như đời, thô mộc, bình dị mà ân nghĩa trước sau.

Như nhiều người làm thơ khác, mẹ - cha luôn là nỗi nhớ thương và yêu dấu của cuộc đời. Về chợ Tỉnh, giữa eo xèo ồn ã cảnh bán mua, Quang vẫn để lòng mình lắng lại với những kỷ niệm cũ xưa và ngẫm suy về mẹ - cha, về cuộc đời:

Chợ chiều quang gánh đừng buông

Đếm bao lưng thúng vô thường nghiêng qua

Con từ máu thịt mẹ cha

Chông chênh giữa chợ bước ra cuộc đời

                   (Con về chợ Tỉnh)

Mới chỉ mấy chấm phá, những thân phận đã hiện ra, cuộc sống gạo chợ nước sông bấp bênh, chông chênh biết mấy. Và, cái điều hiển nhiên, rất hiển nhiên của loài người thêm lần nữa được trình bày qua thơ của thi sĩ chân đất Phan Văn Quang: không ai chọn trước được cho mình quê hương và mẹ. Ở một hoàn cảnh khác, khi đưa các con về viếng mộ ông bà, Phan văn Quang cũng có những câu thơ đầy lay động:

Chiến tranh ngăn cả lối về

Con sông cách một rẻo quê mẹ nằm

Tính ta già ba chục năm

Từ nay mẹ lại được nằm bên cha

 

Cháu chưa biết mặt ông bà

Lạy hai phần mộ chia xa lại gần

                   ( Mẹ và Cha)

Hình ảnh quê nhà trong thơ Quang hiện lên bao giờ cũng nét và ngập tràn tình thương mến. Dù nói tới cái buồn, sự khắc khổ, nhưng nó vẫn mang nét Quảng Trị và dấu riêng của người cầm bút:

Đất nẫu lòng chênh dáng mẹ gian nan

Thân chuối úng nghiêng chiều quê lạc gió

Phù sa núi phủ bạc đầu ngọn cỏ

Bàn chân trần nứt nẻ dấu bùn non

 

Đời làng và khúc sông con

Đêm mờ ảo lay ngọn đèn leo lắt

Chiếc lá - mẩu trăng vàng mẹ nhặt

Ngọn tre buồn lẳng lặng giữa đêm riêng

(Mảnh trăng qua mùa lũ)

          Có lẽ, cuộc đời Quang, chông chênh từ chợ bước ra nên hình ảnh chợ quê luôn là nỗi ám ảnh của gã. Hình ảnh chợ xuất hiện với tần suất khá dày trong thơ gã. Đó là một góc quê nhà yêu dấu gắn liền với tuổi thơ, tuổi trẻ. Ai ngờ rằng ẩn trong dáng bộ có vẻ bụi đời của gã là một tâm hồn trong trẻo hồn nhiên:

Chợ quê

Tháng Giêng

Mờ sương trong vắt

Tìm mua con gà đất thổi mừng bình minh

                   (Chợ đình Bích La mồng ba Tết)

          Sau phiên chợ tuổi thơ là buổi chợ tuổi yêu, gã thanh niên có tên gọi là Quang ấy, bần thần thương nhớ người con gái vừa quen:

Chợ tan rồi lại nhớ nhau lên

Em mướt tóc ngực nêm màu áo

          Hình ảnh ngực nêm màu áo cho ta một hình dung đầy đặn nền nã về cô gái chốn quê. Té ra, gã cũng là kẻ đa tình tinh quái, đằng sau vẻ xù xì bụi bặm là tâm hồn rạo rực yêu thương, là những khát khao mãnh liệt.

          Với Phan Văn Quang, càng đắm sâu vào hồi ức dĩ vãng bao nhiêu thơ càng rung động bấy nhiêu. Làng quê xưa cũ là không gian thơ chủ yếu của Quang. Cái giọng hoài niệm, bâng khuâng, có chút nuối tiếc ngậm ngùi cứ trở đi trở lại trong thơ Quang. Gã cứ mê say với cũ xưa, xa ngái:

Về quê ở giữa triền sông cũ

Mây nước xanh trong bãi đất bồi

Con dế rong chơi lòng cỏ hát

Một làn sương mỏng ngậm đầu môi

          Rồi:

Đầu quê ngồi trệt nơi triền cỏ

Thở chút hương đồng gió heo may...

          Tuổi đã gần lục tuần, thế mà cái gã chân đất, đầu trần làm thơ ấy vẫn nao lòng thương mến về tuổi học trò đã qua rất lâu của mình. Thử hỏi, còn mấy người như gã, giữa thời bùng nổ thông tin này còn tơ tưởng tới:

Con ve gạo bài râm ran mặt phố

Áo trắng thong dong mỗi sớm đi về

 

Em chưa lớn mái trường đã cũ

Lòng thầm vương trang lưu bút còn xanh

Câu thơ rụng phía chân trời rộng mở

Mùa thi ơi ngày tháng qua nhanh

                                                (Con đường bằng lăng tím)

          Kẻ si tình cũng là người ân tình, ấy là gã. Quang ôm bọc quá khứ thật nhiều. Nhiều đến mức ta có cảm giác, với gã, thời gian ít chuyển động vô cùng; thời gian còn đọng lại với những Cau khô ghép miếng trầu tươi/ Quệt vôi ngậm thắm chiều rơi mặc chiều và Cánh buồm cứa gió luồng xa/ neo lưng néo chặt phôi pha lững lờ...Và, với những người đã khuất, từ một nhà thơ trẻ bạc mệnh đến em gái của mình Quang có những câu thơ ứa lệ. Nhớ Nguyễn Tiến Đạt, tác giả câu thơ Vô vi thì buồn...viết thì sợ. Trời rộng đành nâng chén ngang mày, Quang viết:

Một ly cụng đêm sâu

Ngang mày - Đừng nhăn mặt

Ai còn và ai mất

Đất chờ người bao dung

                                        (Ly cuối cùng nhà thơ Nguyễn Tiến Đạt)

          Với em gái đã thành người thiên cổ, Quang có những cảm nhận riêng:

Trong chiếc áo bằng vỏ cây

Người đàn bà tận tuỵ ngủ yên

Buông thỏng tay

Để lại những vô cùng...

                                                (Phút cuối)

          Phan Văn Quang trong Dấu mùa se lạnh chưa có mấy đổi thay trong bút pháp thơ. Tuy đây đó có chút vùng vẫy, ngang dọc nhưng ấn tượng để lại cho người đọc có lẽ vẫn là những bài thơ đẫm chất hoài niệm chân chất truyền thống, kiểu như:

Rượu làng uống với bạn thơ

Mùa nay hong chút dại khờ xa xăm

                                                (Uống rượu ở làng)

          Hay:

Em núp phố rộng như đời lãng

Rét ngọt lưng chừng giữa giêng hai

(Hẹn xuân)

          Gã tuồng như rất thấm thía điều đó, gào rống lên để làm chi, cứ chân thật da diết với mình, với người may ra còn nhặt được đôi câu thơ tình nghĩa. Bởi, cái gì cũng có giới hạn của nó. Giới hạn như gã đã ngẫm ra rằng:

Giới hạn đất là biển

Giới hạn biển là bờ

Vượt qua bờ là sóng

Sóng ôm nhầm nỗi đau

 

Giới hạn anh và em

Thời gian ngoài khung cửa

Hoài công chờ ai nữa

Tuổi già cầm trên tay

          Vâng, tuổi già cầm trên tay rồi nhưng gã vẫn còn đắm đuối với thơ lắm. Biết đâu, trong chặng cuối cuộc đời gã sẽ nhặt được những hạt thơ chắc mẩy. Biết đâu đấy, Quang nhỉ, Cuối năm nhen bếp lửa hừng /Chồi non đỏ tía lộc vừng hửng duyên...

                                                                                        N.H.Q

 

 

     (*) Đấu mùa se lạnh - Thơ - Phan Văn Quang - Nhà xuất bản Hội nhà văn - Tháng 7 năm 2009

 

Nguyễn Hữu Quý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 179 tháng 08/2009

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

24/04/2024 lúc 23:00

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground