Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một số so sánh về hình tượng nhân vật người phụ nữ trong ca dao của VN và trong Kinh thi của TQ

K

inh Thi của Trung Quốc và Ca Dao của người Việt đều là những tác phẩm văn học dân gian. Kinh thi có 305 bài, Ca Dao Việt Nam là cả nghìn bài. Cả hai đều được người đời sau san định lại và cố định hoá bằng văn bản. Giữa Ca Dao người Việt và Kinh Thi của Trung Quốc có nhiều nét tương đồng và dị biệt, thử đưa một ví dụ đơn giản mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra một nét khu biệt giữa chúng là: Kinh Thi thường được làm bằng thơ 4 câu, 4 chữ; còn Ca Dao của ngừơi Việt lại được làm bằng thể lục bát; còn một điều tương đồng là ca dao người Việt và Kinh thi của Trung Quốc đều có một địa vị quan trọng trong đời sống tinh thần, trong lòng quần chúng đông đảo của hai nước. Ở đây chúng tôi chỉ giới hạn bài viết trong phạm vi cụ thể: đi tìm một số nét tương đồng và dị biệt nơi hình tượng nhân vật người phụ nữ trong Kinh Thi của người Trung Quốc và trong Ca Dao người Việt. Với quan niệm: trong tác phẩm tự sự hình tượng nhân vật là nơi thể hiện tập trung lý tưởng đạo đức thẩm mỹ của tác giả, là cái tác động đến người đọc trên ba mặt: nội dung nghệ thuật, trình độ và  hiệu lực của sáng tạo nghệ thuật ngôn từ. Ở đây chúng tôi nghĩ rằng vẫn có một sự rào đón trước sau. Khi chúng tôi gọi Ca Dao là loại tác phẩm tự sự mà trước nay theo quan niệm chung của nhiều người thì Ca Dao - Dân Ca là thuộc loại hình trữ tình dân gian mà trữ tình và tự sự hai khái niệm này được các tác giả trong Từ điển thuật ngữ văn học phân định một cách rạch ròi. Thế nhưng đi sâu vào khảo sát Ca Dao Dân Ca. Chúng tôi thấy Ca Dao Dân Ca là thể loại dung chứa trong đó nhiều điều phức tạp. Trong ca dao dân ca ta thấy có sự tham gia của những yếu tố tự sự và trữ tình đậm đặc và sự tham gia của những yếu tố tự sự lại chiếm một vai trò rất quan trọng trong việc kiến tạo bài Ca Dao, trong việc phản ánh cái tôi trữ tình những yếu tố trữ tình nhiều khi được bắt rễ từ cái nền tự sự. Nhiều bài Ca Dao có thật đầy đủ những đặc trưng tính chất của loại hình tự sự mà các tác giả trong Từ điển thuật ngữ văn học đã nêu. Ví dụ như bài: “Sáng ngày mai em đi hái dâu”, có đầy đủ yếu tố của một câu truyện: từ cốt truyện nhân vật, sự đối thoại giữa nhân vật. Nói như thế để thấy rằng trong ca dao yếu tố tự sự trữ tình xen hoà quyện lẫn nhau khó có một cái nhìn tuyệt đối để phân định. Nên chăng đã đến lúc chúng ta cũng cần phải nhìn nhận những yếu tố tự sự trong Ca Dao - một loại trữ tình dân gian như ta hằng quan niệm. Lẽ dĩ nhiên nếu chúng ta chấp nhận sự có mặt của tự sự trong Ca Dao, hoặc là xem ca dao cũng là một tác phẩm tự sự, thì khái niệm tự sự này, có ít, nhiều sự khác với những quan niệm về tự sự trong văn học viết.

Đặt Ca Dao người Việt và Kinh Thi trong cùng một hệ thống, nhìn hình tượng người phụ nữ theo cái nhìn loại hình (types) chúng ta sẽ thấy nét tương đồng đầu tiên giữa hai hình tượng người phụ nữ, đó là những người phụ nữ này đều là những người đẹp, tràn trề sức sống, đều muốn phô vẻ thanh xuân của mình ra.

                       Cổ tay em trắng như ngà

                       Con mắt em sắc như là dao cau

                       Miệng cười như thể hoa ngâu

                       Cái khăn đội đầu như thể hoa sen

Người con gái trong Ca Dao Việt Nam xuất hiện với một vẻ đẹp thật hoàn mỹ, với làn da trắng con mắt sắc, cái miệng cười rất xinh, thêm vào đó lại còn rất khéo tay thể hiện ở chi tiết biết vấn khăn. Và đây là người phụ nữ trong Kinh Thi.

                       Hữu nữ đồng xa

                       Nhan như thuấn hoa

                       Tương ngao tương tường

                       Bội ngọc quỳnh cư

                       Bỉ mỹ Mạnh Khương

                       Tuân mỹ thả đô

                                      (Hữu nữ đồng xa - Trịnh Phong 9)

Dịch nghĩa: Có người con gái ngồi chung xe với mình dung nhan đẹp đẽ như hoa cây Thuấn, sắp sửa ngao du, thì nàng đeo ngọc cư. Nàng Mạnh Khương đẹp đẽ kia, thật là đẹp đẽ lại nhàn nhã.

Người phụ nữ trong Kinh Thi cũng có một vẻ đẹp không kém cạnh gì: tuy nhiên đấy là cái vẻ bề ngoài, cái hình, cái đập vào mắt người đối diện; còn cái tính bên trong, trong hai bài thơ vừa dẫn thì chưa được nêu một cách trực tiếp nhưng người đọc vẫn có thể mường tượng ra. Mặc dầu vậy, chúng tôi vẫn phải viện dẫn ra đây những bài Ca Dao, Kinh Thi để thấy trong sự thể hiện nghệ thuật của mình, tác giả dân gian đã khắc hoạ tính nết của người con gái như thế nào. Người Việt Nam nói: cái nết đánh chết cái đẹp, người Trung Quốc cũng rất coi trọng cái tính tình đạo đức bên trong, sự kết hợp hài hoà giữa văn và chất là tốt nhất, cho nên cả Ca Dao và Kinh Thi đều kết sức coi trọng những người phụ nữ đẹp người đẹp nết, xem đó là một tấm gương để giáo hoá thiên hạ.

                       Em thì về cấy ruộng bông

                       Anh đi cắt lúa để chung một nhà

                       Đem về phụng dưỡng mẹ cha

                       Muôn đời tiếng hiếu người ta lưu truyền

Còn ở trong Kinh Thi:

                       Yếm ấp hành lộ

                       Khỉ bất túc dạ

                       Vị hành đa lộ

                                              Hành Lộ (Thiệu nam 6)

Dịch nghĩa:

                       Ẩm ướt sương lộ trên đường đi       

                       Há đâu chẳng muốn đi đường sớm khuya

                       Ngại đường sương lộ đầm đìa

                                                        (Đi đường)

Tuyên dương những phụ nữ đẹp người đẹp nết, tức là đầy đủ công - dung - ngôn - hạnh, cũng là chê bỏ những người phụ nữ không giữ được nề nếp, không giữ được nét đúng đắn trong các mối quan hệ xã hội.

                       Quân từ giai lão

                       Phó kê lục gia

                       Uy uy đà đà

                       Như sơn như hà

                       Tượng phục thị nghi

                       Tử chi bất thục

                       Vân như chi hà?

Dịch nghĩa: Sống đến già với chồng. Đầu tóc cài trâm có kết sáu viên ngọc. Dáng thung dung tự đắc. Vững vàng như núi và rộng rãi như sông xứng đáng là trang phục đúng theo pháp lộ lễ nghi. Nhưng nàng không phải là người đức hạnh thì biết số làm sao?

Ca Dao người Việt phê phán những người con gái đi ngược với những gì được xem là chuẩn mực xã hôi, chuẩn mực cộng đồng, trên bộc trong dâu hoặc là đanh đá chua ngoa; cho nên những bậc làm cha làm mẹ lại luôn dạy con cách ứng xử:

                       Con ơi mẹ bảo câu này

                       Học buôn học bán cho tày người ta

                       Con đừng học thói chua ngoa

                       Họ hàng ghét bỏ người ta chê cười

Trong cuộc sống con người luôn hướng đến cái đẹp, cái toàn diện, cái chân thiện mỹ.

Một điểm tương đồng nữa mà độc giả và các nhà nghiên cứu có thể nhận diện là trong Kinh Thi và Ca Dao đều hiện diện nhân vật nữ yêu, lập gia đình, có chồng sinh con đẻ cái. Trước tiên chúng ta hãy nói đền tình yêu của nhân vật nữ, những người này có một tình yêu rất đằm thắm nhưng cũng không kém phần mãnh liệt. Cái đích tiến đến là tình yêu đôi lứa, là hạnh phúc của con tim, nên ao ước chung đôi, ao ước người tình.

                       Biểu hữu mai

                       Kỳ thực thất hề

                       Cầu ngã thứ sĩ

                       Đài kì cát hề

 Dịch: Quả mai đã rụng, mười phần còn bảy, ai đến tìm ta, kịp ngày tốt này.

Hoặc:

                       Vào vườn hái quả cau xanh

                       Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu

                       Trầu này têm những vôi tàu

                       Giữa đệm cát cánh hai đầu quế cay

                       Trầu này ăn thiệt là say

                       Dù mặn dù nhạt dù cay dù nồng

                       Dù chăng nên đạo vợ chồng

                       Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương

Người con gái đến tuổi yêu, khát khao tình yêu mời gọi tình yêu và rất sợ tuổi xuân của mình đi qua mà chưa được hưởng trọn vẹn hương hoa của tình yêu, nhưng một mặt vẫn sợ, vẫn dặn lòng vì những ràng buộc của xã hội, của luân thường, như trong bài Tương Trọng Tử (Kinh Thi) hay sang ngày em đi hái dâu trong Ca Dao. Nhưng khi lòng đã gặp lòng tình yêu bén rễ, nhớ ai bổi hổi bồi hồi, như đứng đống lửa, như ngồi đống than (ca dao), thì trong mắt những cô gái cũng chỉ còn tình cảm yêu đương, còn lại những lời thề thốt hẹn hò, đòi kết mối đồng tâm, mong nguyện là vợ là chồng của nhau cho bõ ngày xa cách.

                       Tĩnh nữ kỳ xu

                       Sĩ ngã ư thành ngu

                       Ái nhi bất kiến

                       Tao thủ trì trù

Dịch: Người con gái đẹp, hẹn đợi ta ở góc thành yêu nàng mà không thấy mặt, làm ta gãi đầu giậm chân.

Từ ngày ăn phải miếng trầu

Miệng thơm môi đỏ dạ sầu đăm chiêu

Cái chung cuộc cho một tình yêu hoàn hảo trọn vẹn là đôi lứa được ở với nhau, được kết tóc se duyên, làm vợ làm chồng của nhau như người con gái trong Đào yêu, Thước sào, Thạc nhân... trong Kinh Thi, trong Ca Dao người Việt cũng có nhiều bài, có thể thấy trong lời khẳng định của cô gái.     

                       Đêm thanh anh mới hỏi nàng

                       Tre non đủ lá, đan sàng nên chăng

                       Đan sàng thiếp cũng xin vâng

                       Tre non đủ lá nên chăng hỡi chàng

Kết cục của một tình yêu đẹp là thế đấy, gặp nhau, mến nhau rồi yêu nhau, ước không gặp sự cản trở nào để đi đến một chung cục hôn nhân sống yên ấm hoà thuận là ước muốn chung của toàn nhân loại, nhất là của những người phụ nữ, là một điểm gặp gỡ giữa Kinh Thi và Ca Dao người Việt.

Một điểm tương đồng nữa không thể không nói đến là khi người phụ nữ trở thành vợ thì đều chăm giữ bổn phận, yêu thương lo lắng cho chồng con người phụ nữ Việt Nam sẽ “làm thân cò” nuôi chồng thương con, vui trong giàu sang nhưng nếu là nghèo hèn thì cũng vẫn một mực thuỷ chung.

Chồng em áo rách em thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người

Ta cũng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ thương chồng, chăm lo cho chồng cho gia đình chồng trong Kinh thi qua những bài Nữ viết Kê minh.

                       Dực ngôn gia chỉ

                       Dư tử nga chi

                       Nghi ngôn ẩm tửu

                       Dư tử lại bỗng

Cầm sắt tại ngư

Mặc bất tĩnh hầu

Dịch nghĩa: Chàng bắn tên rất trúng vào con chim nhạn. Thì em lo những món ăn ngon cho chàng dùng. Phải cùng uống rượu và hẹn cùng chàng sống với nhau đến già. Song cuộc sống thực tế là phong phú phức tạp thậm chí là pha tạp và luôn không chủ diễn ra một chiều tốt đẹp theo ước nguyện nhiều người, mà trong cuộc sống sẽ còn có những mặt trái, mặt khổ đau của một mong ước không thoả, cuộc sống ái ân giữa vợ và chồng không hạnh phúc ấm yên, tình yêu đôi lứa vỡ tan... Trong hoàn cảnh ấy người phụ nữ luôn là người chịu đựng nhiều đau khổ thiệt thòi. Nói lên nỗi buồn của một cuộc sống không thoả, đòi hạnh phúc ái ân... cũng là một điểm gặp gỡ giữa Ca Dao và Kinh Thi. Ở trên chúng tôi đã nhìn vào Kinh Thi và Ca Dao để thấy một diễn tiến thuận chiều của cuộc đời cô gái từ lúc biết yêu, được yêu và kết hôn, sống một cuộc sống hạnh phúc bên chồng thì bây giờ độc giả cũng sẽ thấy một hành trình ngược chiều; của những điều tốt đẹp ấy, tức là cái diện mạo đau khổ của số phận người phụ nữ, vì một quá trình sống chưa bao giờ thoả mãn. Sự đau khổ là một ám ảnh đè nặng lên cuộc đời những người phụ nữ, là những người trong cuộc họ nhận thức rõ ràng về điều này.

                       Thân em như hạt mưa sa

                       Hạt vào lầu tía hạt ra ngoài đồng

Thân phận người phụ nữ hiện rõ trong ca dao là như vậy, và khi đi vào tình yêu người con gái xưa không phải lúc nào đường tình cũng suôn sẻ mà gặp nhiều cảnh gai góc trớ trêu, gặp cảnh phụ bạc vì người con trai, có thể gặp lại những tình cảnh ấy trong Manh (người dân). Hay:

                       Một nong tằm là năm nong kén

                       Một nong kén là chín nén tơ

                       Công em chín đợi mười chờ

                       Qua cầu rút ván bây giờ quên em

                                                          (Ca dao)

Không chỉ dừng lại ở những điều như thế mà những người phụ nữ còn phải chịu cái cảnh chồng chung vợ chạ, cam chịu bởi quan niệm “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên mới có một chồng” như tình cảnh của phận hầu thiếp may mắn được hầu hạ vua (Tiểu tinh); Mong được đoái hoài (Giang hữu tự); Tình cảnh người vợ cả bị bỏ rơi, bị lạnh lùng (Bách chu, Lục Y)... người con gái trong ca dao người Việt đã từng đau đớn thốt: “chồng một thì lấy chồng chung thì đừng”.

                       Lấy chồng làm lẽ khổ thay

                       Đi cấy đi cày chị chẳng kể công

                       Đến tối chị giữ lấy chồng

                       Chị cho manh chiếu nằm không nhà ngoài

Lời người phụ nữ không chỉ dừng ở đấy, mà sẽ còn kéo dài uất hận cho kiếp chồng chung chịu bao cảnh đau khổ ghen tuông, làm lụng như đứa ở. Nhận chân cái cảnh ấy người phụ nữ đay nghiến:

                       Chớ tham ngồi mũi thuyền rồng

                       Tuy rằng tốt đẹp nhưng chồng người ta

                       Chớ tham vóc lĩnh khừu  hoa

                       Lấy chồng làm lẽ người ta giày vò

Những điều trình bày như trên, cho thấy hình tượng người phụ nữ trong Kinh Thi và trong Ca Dao có nhiều điểm tương đồng về sự thể hiện trong cảm xúc tình yêu dạt dào sôi nổi, về nỗi đau khi bị phụ bạc ruồng bỏ, hay phải sống trong cảnh chồng chung.

Những điểm tương đồng là như thế. Lẽ dĩ nhiên giữa Ca Dao và Kinh Thi còn có nhiều sự khu biệt. Tuy nhiên Ca Dao hay Kinh Thi đều là tiếng nói của người bình dân, thể hiện những tình cảm, sự ý thức của con người (ở đây là người phụ nữ) trước những sự việc, trong một hoàn cảnh nào đó. Buồn, giận, ghét, thương... là thuộc tính tâm lý chung của con người, những tình cảm ấy có ít ở người này, nhiều ở người kia nhưng không ngoại lệ. Sự ít, nhiều đó chính là một điều khác biệt, sự khác biệt nơi hình tượng nhân vật phụ nữ trong Ca Dao và Kinh Thi là ở chính những tình cảm, cách thức thể hiện tình cảm của họ đối với những người xung quanh, gia đình, người thân với chồng với con.

Nói về tình cảm người thân với gia đình của người phụ nữ trong ca dao, như phụng dưỡng, tỏ hiếu với cha mẹ hiện diện một cách lằn lằn ví dụ như câu ca dao nói về sự nhận thức chung sau đây:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Cho nên người con gái sẽ có lúc ứng xử

                       Ơn sinh thành như biển

                       Nghĩa dưỡng dục tựa sông

                       Em nguyền ở vậy không chồng

                       Lo nuôi thầy mẹ hết lòng làm con

Còn ở trong Kinh Thi người con gái không thấy bộc lộ tình cảm ấy, duy chỉ có hai bài con cái nghĩ về cha mẹ, nhưng đó là những tâm sự của người con trai, đó là bài Lục nga, Từ mẫu. Trong Kinh thi việc người con gái bày tỏ nỗi thương chồng cũng rất ít, có bài như Nữ viết minh kê (vợ thương chồng, lo phụng sự chồng không được chu đáo) ngược lại những bài kiều:

Chồng ta áo rách ta thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người

Hoặc:

Qua đình ngả nón trông đình

Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu

là rất nhiều, ngược lại trong Ca Dao người Việt lại không thấy người con gái bộc lộ tâm trạng nhớ chồng nhiều như ở trong Kinh Thi (mặc dù cũng có), nỗi nhớ chồng chinh chiến ít.

Thương ai bằng nỗi thương con

Nhớ ai bằng nỗi gái son nhớ chồng

Còn trong Kinh Thi thật đậm đặc... Quyển nhĩ, Nhữ phần, Thảo Trùng, Ẩn kỳ lôi, Hùng trĩ, Hà Quảng, Bá Hề, Cát sinh, Tiểu nhung Thần phong...; Nỗi nhớ chồng trong những bài vừa dẫn là nỗi nhớ chồng xa cách, phần nhiều vì người chồng phải đi chinh chiến theo mệnh vua, theo việc nước. Hãy đọc bài Cát sinh:

                       Cát sinh mông sở

                       Liêm man vu dã

                       Dư mỹ vong thử

                       Thuỳ dữ độc xử?

Dịch nghĩa: Dây sắn kia phủ lên mông sở. Cỏ liêm mọc lan ra ở ngoài đồng. Chồng của ta không có ở đây. Cùng ai mà ta phải cô độc nơi chốn này.

Để cảm nhận thêm nỗi nhớ nhung do sự ngăn trở của chiến tranh. Thế thì do đâu mà có sự khác biệt như vậy, có lẽ là do cái ý thức cá nhân ở Trung Quốc là lớn tồn tại song song và như là một đối trọng với ý thức cộng đồng, còn ở Việt Nam ý thức của một cá nhân cho đến mạt kỳ phong kiến mới có điều kiện trỗi dậy, còn trước đó nó luôn lép vế trước ý thức cộng đồng, vì cộng đồng tan biến vào trong cộng đồng, phục vụ chiến tranh tức là phò đời giúp nước, là đang làm nghĩa vụ đối với cộng đồng nên phải gạt bỏ những tình cảm riêng tư, bên cạnh đó do đặc tính dân tộc, dân tộc Việt Nam hay nói nhiều đến “thương” hơn là nhớ, thương nhớ hoà quyện, thương là tính chung là phạm trù chung, nhớ là riêng lẻ, riêng rẽ. Thương được đưa lên địa hạt dân tộc, dùng thương ta thấy có đầy đủ mọi lẽ: thương là cái nghĩa, cái tình cao cả, là quán xuyến tạo một ám ảnh lớn trong đời sống tinh thần người Việt, thương là nhân đạo. Thương là cái gốc từ đó lan toả đi và tất cả quy tụ lại. Nhớ nước thương nhà, cái nhớ đang dần chuyển hoá về thương.

Đọc ca dao ta cũng thấy người con gái “gánh vác giang san nhà chồng, nhưng đó là băm bèo, thái khoai, cấy cày, chăm dưỡng cha mẹ già, chứ ta ít thấy người con gái lo việc cúng tế như trong Kinh thi như ở bài Thái Phiền, Thái Tần.     

                       Vu dĩ thái phiền

                       Vu chiểu vu chỉ

                       Vu dĩ dụng chi

                       Công hầu chi sự

Dịch nghĩa: Thì để hái rau phiền. Ở bên ao hay bên cồn bãi, thì để dùng về việc cúng tế của chư hầu.

Qua những gì đã trình ở trên qua một số thuộc tính của hình tượng phụ nữ trong Ca Dao và Kinh Thi chúng ta có thể rút ra những kết luận sơ bộ: Trong Kinh thi những người phụ nữ nói về: thân phận những người phụ nữ ít (2 lần), nỗi thương chồng (3 lần); còn những kiểu người phụ nữ chăm sóc cha mẹ, bênh vực người phụ nữ, công việc của người phụ nữ... lại là không có nhưng những kiểu phụ nữ trên trong Ca Dao người Việt là đậm đặc, trở thành một hằng số trong ca dao; trong Kinh thi và ca dao Việt kiểu người phụ nữ oán chồng, nhớ trai... xuất hiện với một tần số vừa phải. Oán chồng trong Kinh thi là( 7 lần), nhớ trai (6 lần), tỏ tình với trai (10 lần). Ngược lại người phụ nữ nhớ chồng trong Kinh thi chiếm 10 lần mà trong ca dao Việt lại có khoảng 2 lần.

Việc người phụ nữ cúng tế xuất hiện trong Kinh Thì 2 lần còn trong Ca Dao người Việt thì vắng bóng, cùng với sự xuất hiện những người phụ nữ quý tộc cũng làm cho sự Kinh Thi và Ca Dao có những khác biệt nhất định.

Hình tượng người phụ nữ xuất hiện cùng lúc trong Ca Dao người Việt và trong Kinh Thi, là một hiện tượng. Điều này chứng tỏ trong cuộc sống xã hội người phụ nữ đã có vai trò nhất định nếu không muốn nói là quan trọng, đã trở thành đối tượng trong sự chiếm lĩnh nghệ thuật của các tác giả dân gian. Những người phụ nữ này đã có một cuộc sống nội tâm phong phú, gặp gỡ nhau ở nhiều điểm, ở nhiều trạng thái tình cảm lý giải sự gặp gỡ nhiều mặt nơi  hình tượng phụ nữ trong hai tác phẩm, ở đây chúng ta cần chú ý đến ý kiến của Marx trong hệ tư tưởng Đức. Trong tác phẩm này Marx đã lưu ý chúng ta: “Những điều kiện giống nhau, sự đối lập giống nhau những quyền lợi giống nhau, xét trong toàn bộ nhất định, phải nảy sinh ra những phong tục giống nhau khắp mọi nơi. Và rõ ràng là trong thời kỳ nguyên thuỷ cũng như trong thời kỳ phong kiến đã sống trong nhiều môi trường sống có nhiều nét giống nhau. Điều kiện tự nhiên cùng một mô hình xã hội, phải chăng chúng ta cũng phải chú ý sự tác động mạnh mẽ của phương thức sản xuất châu Á của xã hội phong kiến phương Đông mà trong những tác phẩm cuối cùng của mình Marx đã nói. Người phụ nữ trong Ca Dao và trong Kinh Thi có nhiều nét tương đồng, nhưng cũng thể hiện nhiều sự khác biệt. Sự khác biệt trong tần xuất của sự xuất hiện, với những tâm trạng, trạng thái xã hội, những tác phong việc làm đậm nhạt là khác nhau. Sự khác nhau này, theo chúng tôi nghĩ là do họ bị quy định bởi những điều kiện lịch sử, cụ thể ở từng giai đoạn khác nhau. Ở từng giai đoạn lịch sử xã hội nhất định, tuỳ tình huống ứng xử xã hội nhất định, thì người phụ nữ phải xuất hiện với một vị thế tương ứng với nó. Sự khác nhau này cũng còn do sự khác nhau về tính cách, nếp sống, nét tâm lý, bản sắc dân tộc của từng dân tộc quy định, cũng như vai trò sáng tạo của những nghệ nhân dân gian của từng dân tộc gắn liền với nơi họ sinh sống. Một điều cần chú ý là Kinh thi xuất hiện với một tư cách khác, có chỗ giống có chỗ khác với Ca Dao người Việt. Kinh Thi đã trở thành sách luân lý, tri trí cho mọi hành động của con người trong xã hội, đã được san định kỹ càng và sau đó trở thành một thứ uy quyền trong văn hoá và trong văn học, lan toả, ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới trong có Việt Nam, hình tượng người phụ nữ trong Kinh Thi cũng đã xuất hiện trong Ca Dao người Việt. Đó là do giao lưu, ảnh hưởng. Nhưng những hình tượng người phụ nữ ở trong từng tác phẩm sống được là do sức mạnh “nội sinh” chứ không phải là do “ngoại nhập”. Sự tương đồng phần nhiều là do tương đồng về loại hình là chính, không phải sự tương đồng do ảnh hưởng như trong văn học viết ở thời trung đại.

Tất cả các hình tượng nhân vật phụ nữ nói trên khẳng định giá trị tư tưởng nghệ thuật bền vững, sẽ tạo ra một thế năng lớn, để độc giả còn thấy những hình tượng nhân vật phụ nữ này trong dòng chảy văn học của hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông. Ở đây chúng tôi muốn nói rằng tác phẩm văn học không chỉ mang những giá trị luỹ tiến sinh động trong diễn trình của dòng lịch sử sự tiếp theo; trong diễn trình như thế, cái cục bộ, cái cá biệt lu mờ dần đi, nhường chỗ cho cái thuộc tính chung của tâm lý con người, và cho yếu tố toàn nhân loại. Khi đào sâu vào văn học dân tộc, chúng ta sẽ gặp văn học toàn nhân loại.

 

L.H.H

 

Lê Hồng Hải
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 174 tháng 03/2009

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/04

25° - 27°

Mưa

19/04

24° - 26°

Mưa

20/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground