Cũng như đặc trưng của nhiều nền văn học cách mạng khác, văn học cách mạng Lào cũng có nét chung là thơ ca phát triển sớm, tự hào về đất nước Lào giàu đẹp, kêu gọi tinh thần yêu nước và cách mạng, đấu tranh chống thực dân, chống áp bức, bóc lột, ca ngợi tình đoàn kết các dân tộc anh em trên bán đảo Đông Dương, đặc biệt là tình hữu nghị Lào - Việt...
Trong tác phẩm thơ Đất nước Lào giàu đẹp của nhà thơ Phu-Mi-Vông-Vi-Chít đã thể hiện tình yêu đất nước:
Đất nước Lào một miền xinh đẹp
Phía bắc có núi non trùng điệp
Thích thú thay bát ngát rừng cây
Như vườn thượng uyển rộng lớn bốn mùa xanh dầy
Tháng hai, tháng ba, tháng tư mùa xuân ấm áp
Muôn loài hoa nở đua san sát
Khắp rừng xanh tím đỏ xen vàng
Như sao trên trời rực rỡ huy hoàng...
Núi Phu -Xỉ rực rỡ ở Luông Pha Băng
Tượng Phật Pha Bang đúc bằng vàng đặc là vật báu bản mường
Ngự tại chùa Vát-mây vĩ đại
Có lịch sử từ ba đời để lại
Tại Viêng-Chăn, Thạt Luổng cao ngất trời...
Một đất nước giàu đẹp, hiền hòa, mến khách như vậy hà cớ gì chịu xâm lược và thống trị của thực dân, đế quốc, chịu cảnh lầm than rên xiết khôn cùng. Bài thơ đã chỉ mặt chính danh thủ phạm và thức tỉnh mọi người đứng lên tranh đấu giành lại tổ quốc và cuộc sống yên bình:
Vậy tôi xin kêu gọi toàn thể nhân dân
Đừng nằm ngủ nữa, hãy thức dậy ngay!
Đoàn kết nhau lại thành một khối !
Chung sức giành lại đất nước khỏi bàn tay quỷ ác.
Nhà thơ Phu-Mi-Vông-Vi-Chít cũng là tác giả những vần thơ tình cảm chân thực ngợi ca tình hữu nghị giữa hai dân tộc có truyền thống ngàn xưa, đặc biệt được vun đắp ngày càng thắm thiết trong bài Tình đoàn kết Lào - Việt:
Lào - Việt hai nước chúng ta
Xưa nay gắn bó thiết tha nghĩa tình
Đất trời một dải đẹp xinh
Khi gian khổ, lúc quang vinh, ta cùng...
Cửu Long sông nước một dòng
Bắc Lào chảy xuống cánh đồng miền Nam
Sợi dây xiết chặt yêu thương
Mối tình đoàn kết dễ thường nhạt phai
Trường Sơn hùng vĩ chạy dài
Tường thành vững chắc của hai Việt - Lào...
Còn nhà thơ Thoong In trong bài thơ Ba anh em trên bán đảo Đông Dương với tình hữu nghị lâu đời và tình đoàn kết chiến đấu keo sơn, đã khẳng định như đinh đóng cột, rằng:
Đông Dương đất dài rộng lớn
Dải Phu-Luông hùng vĩ điệp trùng
Ôm ấp ba anh em
Cùng dựng xây quê hương hạnh phúc
Ai ai cũng biết từ thưở trước
Ba anh em kết thành một khối, đá núi không vững bằng...
So với thi ca thì tiểu thuyết, truyện ký cách mạng Lào phát triển muộn hơn và số lượng cũng ít hơn nhiều. Tựu trung các tiểu thuyết, truyện ký đều có điểm chung tố cáo chế độ phong kiến, địa chủ hà khắc, bóc lột, hành hạ những người thấp cổ bé họng và mô tả sự giác ngộ của họ khi Cách mạng Lào kêu gọi đứng lên giải phóng cho chính mình và quê hương đất nước.
Truyện ký Chiến đấu bảo vệ thành phố Thà-khẹc của tác giả Xinh Ca Po Khôt-Chun-Na-Ma-Li đã tái hiện khá sinh động trận đánh bảo vệ người dân Thà-Khẹc và lãnh tụ Lào: hoàng thân Xu-pha-nu-vông trong kháng chiến chống Pháp, thể hiện tinh thần dũng cảm, hy sinh của những chiến sĩ cách mạng Lào trong những giờ phút nguy nan. Nó là còn là bản anh hùng ca của tình hữu nghị trong chiến đấu của hai dân tộc Lào - Việt trước kẻ thù chung.
Một đoạn miêu tả quang cảnh và không khí trước trận đánh: Với tinh thần cảnh giác, người dân Thà-khẹc cũng khẩn trương chuẩn bị "đón" bọn kẻ cướp. Trên các đường phố, ngã ba, ngã tư, việc đào đường hào, đắp ụ súng được tiến hành khẩn trương. Từng tốp gái trai, vai mang cuốc xẻng rầm rập nối tiếp nhau đổ về các phố. Bên cạnh các chị em ta đầu trùm pha phe, còn có các cô gái Việt kiều, quần thâm, nón lá, sát cánh cùng nhân dân Lào trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền vừa dành được...
Sau một cuộc chiến đấu cam go và dù không cân sức, quân dân Thà-khẹc vẫn anh dũng vô song trước quân xâm lược dã man. Đoạn kết như những lời trong bản anh hùng ca trên đất nước Cham-pa: Máu người Lào, người Việt đã nhuộm đỏ dòng Mè khoỏng. Mối hận thù quân xâm lược Pháp đời đời ghi sâu trong cốt tủy người dân Thà-khẹc. Ngày hai mốt tháng ba năm 1946, là ngày căm thù chung của cả hai dân tộc đối với bọn thực dân cướp nước, đồng thời cũng là ngày gắn chặt xương máu tình đoàn kết sống chết có nhau giữa hai dân tộc Lào-Việt.
Tiểu thuyết hai tập Bé xỉ (Xỉ-nọi) của nhà văn Khăm-Liêng Phôn-Xê-Na được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1969 kể lại cuộc đời của một gia đình bần nông Lào trong thập kỷ 50 của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông Xa-lỳ từ một nông dân nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột, hành hạ đủ đường đã giác ngộ và hy sinh cho cách mạng. Con gái ông là Xa-lỳ cũng thế. Đó cũng là sự vận động chung của nhân dân Lào trong sự vận động của cách mạng Lào cũng tương tự như ở nhiều nước khác, đi từ tự phát đến tự giác.
Đây là đoạn Xa-lỳ được giao nhiệm vụ quan trọng và vô cùng nguy hiểm:
Ông Khăm nghiêm nghị nói từng lời rành rọt:
- Xa-lỳ, con hãy nghe thật kỹ. Bố đã già rồi, mắt không tinh, chân tay không còn nhanh nhẹn như trước nữa. Đi đâu cũng phải vịn tay vào gậy. Bố muốn giao cho con nhiệm vụ hết sức nguy hiểm nhưng cũng hết sức vẻ vang. Nhiệm vụ của cách mạng giao cho chúng ta là nội trong đêm mai phải phá cầu sắt để cản bước tiến của địch vào làng.
Xa-lỳ rất xúc động vì ông hiểu dân làng đã tin mình...
Và ông đã hy sinh như một chiến binh can trường vào bậc nhất sau khi nhiệm vụ sinh tử đã hoàn thành.
Con ông Xi-nọi từ một cô bé nhút nhát, luôn bị mụ chủ đay nghiến, hành hạ nhưng rồi tức nước vỡ bờ và cũng là lúc làn sóng cách mạng lan đến nơi cô sống. Sự chuyển biến đột ngột nhưng cũng biện chứng cho tính cách nhân vật này cũng hợp lý.
...Mụ giận dữ chạy theo đến tận bếp cố bắt cho được. Xi-nọi co người trốn trong một góc nhà bếp, mụ chạy vào quờ quạng tìm Xi-nọi, Xi-nọi liền nhảy ra khỏi nhà bếp, vớ lấy con dao nhọn trên mặt đất, vừa lau nước mắt vừa thét:
- Vào đây, nếu mày muốn chết. Trước khi bắt được tao, tao phải đâm cho mày chết đã.
Mụ lạnh cả người, không ngờ một "đứa bé nhà quê" mới mười tuổi đầu lại dám trả lời mình một cách như thế. Mụ cảm thấy sợ hãi...
Có vẻ như về phương diện phản ánh chiến tranh cách mạng thì thơ và truyện ký, tiểu thuyết đã có những thành công đáng kể, nhưng về mảng đề tài xây dựng đất nước trong hòa bình vẫn còn thiếu vắng các tác phẩm tương xứng, và điều này cần được tiếp tục bù đắp, nhất là với thể loại văn xuôi, đặc biệt là tiểu thuyết. Hy vọng văn học cách mạng Lào sẽ tiếp tục khởi sắc trong chặng đường sắp tới.
P.X.D