Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một số vấn đề bản quyền tác phẩm mỹ thuật

 bài viết này chúng tôi không có tham vọng đề cập đến nhiều khía cạnh chuyên môn sâu mà chỉ đặt ra một số vấn đề cần lưu tâm. Đó là một số khái niệm ở lĩnh vực bản quyền tác giả mỹ thuật chưa chuẩn; tình trạng xâm hại là phổ biến nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu; tác phẩm mỹ thuật Việt Nam đã thích ứng với chơ chế thị trường chưa, có thì thích ứng ở mức độ nào; vấn đề quản lý tập thể bản quyền tác giả và cuối cùng là giải pháp cho những vấn đề chúng ta đang quan tâm.

Quy định pháp luật về quyền tác giả - một số khái niệm chưa chuẩn

Các quy định pháp luật về quyền tác giả đã đóng vai trò tích cực thúc đẩy các hoạt động sáng tạo nghệ thuật, khuyến khích, động viên ngành mỹ thuật nghiên cứu, sáng tạo ra các giá trị nghệ thuật đích thực. Nhiều cuộc triển lãm, các trại sáng tác mỹ thuật của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung ương, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội văn nghệ địa phương đã được tổ chức, tạo điều kiện cho hoạ sĩ phát huy nặng lực sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, tính nhân bản, nhân văn sâu sắc. Các chính sách đầu tư chiều sâu cho hoạt động mỹ thuật, tài trợ, đặt hàng của nhà nước đã góp phần tạo ra cơ chế đồng bộ thúc đẩy hoạt động sáng tạo. Các giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước đã được trao tặng cho những cá nhân có nhiều sáng tạo trong lĩnh vực mỹ thuật là sự tôn vinh của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng tác, tạo ra các giá trị mới về nghệ thuật.

Các quy định pháp luật về quyền tác giả đã bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sáng tạo, nhà sử dụng, kinh doanh tác phẩm và công chúng hưởng thụ tác phẩm mỹ thuật. Nhìn chung, các quyền cơ bản của tác giả đã được tôn trọng, từ quyền đặt tên cho tác phẩm và đứng tên trên tác phẩm do mình sáng tạo, quyền công bố, phổ biến tác phẩm; cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm, bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, đến quyền được hưởng nhuận bút, thù lao, và lợi ích vật chất khác do việc sử dụng tác phẩm mỹ thuật để xuất bản, trưng bày, triển lãm. Những tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có nhu cầu đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền tác giả được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công việc bảo hộ quyền tác giả đã được định hình, nhưng chưa được hoàn thiện, cụ thể hoá phù hợp với lĩnh vực mỹ thuật. Một số khái niệm chưa chuẩn và không hợp lý, gây ái ngại cho các hoạ sĩ khi muốn đăng ký bản quyền tác giả, ví dụ:

Tại khoản 3, điều 3, công ước Berne quy định: “Tác phẩm đã công bố là những tác phẩm đã được phát hành với sự đồng ý của tác giả, không phân biệt phương pháp cấu tạo các bản sao, miễn là sự ra đời của các bản đó đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng, tuỳ theo bản chất của tác phẩm. Trình diễn một tác phẩm sân khấu, trình chiếu tác phẩm điện ảnh, đọc trước công chúng một tác phẩm văn học, phát thanh hay truyền hình một tác phẩm văn học nghệ thuật, triển lãm một tác phẩm nghệ thuật hay xây dựng một tác phẩm kiến trúc không được coi là công bố”.

Văn bản pháp luật về quyền tác giả ở Việt Nam cũng dựa trên cơ sở này. Vì vậy, trong tờ khai đăng ký quyền tác giả có mục tác phẩm công bố hoặc chưa công bố đối với tác phẩm mỹ thuật, không phải thông qua việc triển lãm, mà phải hiểu là tác phẩm mỹ thuật được chụp qua ảnh, in trên tạp chí, sách, báo, vựng tập… sự ra đời của các bản đó đáp ứng nhu cầu của công chúng, mới được gọi là tác phẩm mỹ thuật đã công bố.

Việc hệ thống văn bản pháp quy chưa đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả không phải là vấn đề mới mẻ, và đã được không chỉ các chủ sở hữu mà cả các cơ quan quản lý cũng nêu ra nhiều lần. Sự thiếu rõ ràng về khái niệm (như tác phẩm; tác giả - chủ sở hữu; công bố, phổ biến…), về hệ thống quyền tinh thần và quyền tài sản (quyền cho phép hoặc không cho phép sử dụng tác phẩm, độc quyền sử dụng tác phẩm) là những yếu tố gây ảnh hưởng đến hiệu quả bảo hộ quyền tác giả.

Quyền tác giả mỹ thuật đang bị xâm hại

Việc tham gia các công ước về quyền tác giả tạo cho Việt Nam cơ hội phát triển dựa trên sự đầu tư hợp lý, đồng thời khai thác hiệu quả những thành tựu trí tuệ chung của nhân loại. Nếu từ chối tham gia các công ước về quyền tác giả có nghĩa là đứng ngoài xu hướng phát triển của đời sống nhân loại. Vấn đề quan trọng hơn cả là phải nhận thức lại về chính hoạt động quyền tác giả hiện nay. Còn nhiều tổ chức và cá nhân vẫn mang nặng tư duy cũ mà chưa nhìn nhận vấn đề về quyền tác giả dưới góc độ kinh tế thị trường và không tạo điều kiện để phát triển các hoạt động quyền tác giả trong bối cảnh mới. Nếu không tôn trọng các quyền tác giả, để cho tình trạng vi phạm quyền tác giả diễn ra khá nghiêm trọng như hiện nay thì không thể khích lệ hoạ sĩ sáng tạo. Vấn nạn tranh giả trong những năm gần đây đã trở thành vấn đề nhức nhối trong giới mỹ thuật và quản lý nhà nước. Tranh giả đã làm ảnh hưởng đến uy tín của mỹ thuật Việt Nam trên thị trường nghệ thuật thế giới. Một gallery ở Bangkok chuyên sưu tầm tranh mỹ thuật Thái Lan, Việt Nam và Miến Điện thành lập năm 1998, vậy mà thời gian gần đây số tranh Việt Nam được sưu tập và bán ra thị trường so với tranh Thái và Biến Điện, chỉ còn tỷ lệ 29%, lý do là vì tranh Việt Nam giả nhiều quá và thiếu đổi mới. Từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, hay ở đô thị cổ như Hội An (Quảng Nam) hiện có hàng trăm các cửa hàng bán tranh, trong đó không ít cửa hàng bán tranh giả, tranh nhái, tranh sao chép không đúng quy định. Một hãng đấu giá nước ngoài đã tổ chức đấu giá tranh giả của danh họa Bùi Xuân Phái, hay những tranh chép tác phẩm của danh họa Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm…

Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005, trong số những tác phẩm đoạt giải, tác phẩm “Bình minh trên công trường” của Lương Văn Trung đoạt huy chương đồng giống hệt với tác phẩm Brigada (Đội lao động) của họa sĩ Nga M.C.Cuznhexov (Cuz-nhê-xốp) sáng tác năm 1981. Việc “đạo tranh” này đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp - yếu tố làm nên nhân cách nghệ sĩ, tuy nhiên chỉ bị thu hồi giải thưởng và không bị pháp luật xử lý nghiêm khắc.

Một vụ xâm phạm bản quyền mỹ thuật khác, trong cuốn lịch bàn năm 2006 của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin có in tới 96 bức tranh của các họa sĩ Việt Nam. Tiếc thay, chỉ có 44 bức được ghi tên tranh và tên tác giả đầy đủ, còn lại 36 bức không có tên tranh và tác giả sáng tác, 16 bức khác được in ghép đôi trong cùng một trang thì bị chú thích lẫn lộn, tranh nọ tên kia… Còn nhiều trường hợp khác bị xâm hại quyền tác giả về lĩnh vực mỹ thuật một cách công khai như đăng tranh của tác giả mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu, nếu tác giả biết thì báo chí vội vàng xin lỗi vì không liên hệ được với tác giả.

Các tác phẩm mỹ thuật được chứng nhận quyền tác giả sẽ mang lại lợi ích cho cá nhân chủ sở hữu, nhưng nếu chỉ nhìn nhận một cách hạn hẹp như vậy thì không đủ, quan trọng hơn, quyền tác giả còn là tài sản chung và là nguồn lực phát triển xã hội.

Tác phẩm mỹ thuật Việt Nam thích ứng với cơ chế thị trường chưa?

Việc nhà nước Việt Nam tham gia vào công ước và tổ chức quốc tế cũng là những bước đi tất yếu của sự hội nhập với thế giới, tạo một tình thế mới cho sự phát triển nhiều mặt của đất nước, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ và quyền tác giả. Nhiều tác phẩm, công trình mỹ thuật đã ra đời, các triển lãm mỹ thuật diễn ra trong và ngoài nước đã thực sự góp phần tích cực vào việc nâng cao mức hưởng thụ nghệ thuật của các tầng lớp công chúng. Các tác phẩm hội họa của Việt Nam đã được tiêu thụ với số lượng khá lớn và hiện nay tác phẩm mỹ thuật Việt Nam có vị trí quan trọng trong khu vực. Những tác phẩm mỹ thật muốn thích ứng với cơ chế thị trường đương nhiên phải mang tính hàng hóa. Tính chất đó càng cao thì càng dễ tiêu thụ. Người có quyền lực nhất là người có tiền mua. Thị hiếu của họ, sở thích của họ, nhu cầu sử dụng của họ là đòn bẩy, là tiêu chí, là động lực cho các họa sĩ muốn tiêu thụ được tác phẩm của mình. Hoặc nói cách khác, những người có tiền mua vừa giúp cho một số người trong giới mỹ thuật giàu lên, nhưng cũng làm cho không ít họa sĩ chao đảo, lúng túng. Chính họ đã thích nghi và chung sống với cơ chế thị trường nhưng hiểm họa là nhiều họa sĩ tự lặp lại chính mình trong sáng tạo nghệ thuật, thậm chí không xấu hổ khi sao chép lại chính bức tranh của mình đã bán đến lần thứ 10…

Mỹ thuật Việt Nam trong cơ chế thị trường là những vấn đề phải giải quyết ở tầm vĩ mô, phải mang tính toàn diện về chính sách hết sức cụ thể và hữu hiệu. Các tổ chức quốc tế, các công ước quốc tế về quyền tác giả đều được hình thành bởi việc đáp ứng nhu cầu cũng như tác động cơ bản của kinh tế thị trường.

Những quốc gia đang phát triển đã tạo ra sự xâm lấn các nền kinh tế, tạo ra sự phát triển không biên giới của các nhà kinh doanh tác phẩm mỹ thuật; và quyền tác giả cũng như Hiệp ước quốc tế về quyền tác giả được đánh giá như các mốc sở hữu rất quan trọng trong đời sống quốc tế hiện đại. Một điều đáng lưu ý là hoạt động sáng tạo mỹ thuật theo nhu cầu của cơ chế thị trường thì họa sĩ không cần đến sự xác lập quyền tác giả, nhưng nhìn dưới góc độ kinh tế, những hoạt động sáng tạo như vậy thì tính chuyên nghiệp không cao. Đầu tư tác phẩm chưa đủ, ở đây tính chuyên nghiệp không nên hiểu là họa sĩ bán được nhiều tác phẩm của mình, đã trở thành chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp ở đây là tính khoa học trong hoạt động sáng tạo cũng như trong vấn đề bản quyền. Cũng có thể giải thích vì sao tác phẩm mỹ thật Việt Nam lại thích ứng với cơ chế thị trường và trong hoạt động sáng tạo của họa sĩ Việt Nam chưa đạt nhiều thành tựu lớn.

Quản lý tập thể quyền tác giả

Quản lý tập thể là hình thức tập trung quyền vào một chủ thể mới, chủ thể tập thể, đại diện cho quyền lợi của từng cá nhân tác giả. Với tư cách tập thể như vậy, vì thế của các tác giả sẽ tăng lên đáng kể, có thể đảm bảo được việc thực thi các quyền lợi hợp pháp của tác giả, đặc biệt là ngành mỹ thuật. Quản lý tập thể quyền tác giả đồng nghĩa với việc giảm nhẹ gánh nặng về quản lý hành chính cho các cơ quan nhà nước liên quan. Mặt khác, sức ép ban hành các văn bản pháp luật mới về mức phí bản quyền đối với các cơ quan lập pháp cũng sẽ không còn, bởi những mức phí đó sẽ do tổ chức quản lý tập thể, tùy từng trường hợp có thể cùng các tổ chức văn hóa thiết lập cho từng thời điểm. Việc quy định mức phí như vậy sẽ khách quan và sát thực hơn là những quy định mang tính cứng nhắc của các văn bản pháp luật. Khi đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ lui về làm đúng chức năng quản lý nhà nước của mình là kiểm tra và điều chỉnh hoạt động của tổ chức quản lý tập thể sao cho phù hợp với các quy định của pháp luật.

Trên thế giới, quản lý tập thể quyền tác giả đã trở thành một hình thức thực thi quyền tác giả hữu hiệu ở hầu hết các quốc gia có hệ thống pháp luật bảo hộ quyền tác giả. Tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả thường được thành lập dưới dạng tổ chức dân sự ở các nước phát triển, trong khi một số nước đang phát triển lại lựa chọn hình thức hành chính cho tổ chức này. Khả năng hoạt động của cả hai hình thức là như nhau nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy hình thức tổ chức dân sự hoạt động hiệu quả cao hơn.

Điều kiện cho việc thành lập tổ chức quản lý tập thể là độc quyền khai thác tác phẩm. Điều này đã được quy định trong Bộ luật Dân sự và được khẳng định nhiều lần trong các quyết định của tòa án các cấp, vì vậy về lý thuyết có thể thành lập những tổ chức như vậy tại Việt Nam. Tổ chức quản lý tập thể có thể được thành lập dưới hình thức hiệp hội hoặc công ty, có thể là một tổ chức phụ thuộc vào Hội Mỹ thuật Việt Nam, hay trực thuộc cơ quan quản lý là Cục bản quyền của tác giả.

Mỹ thuật Việt Nam đương đại thực hiện một bước nhảy vọt lớn với đổi mới trong nhiều lĩnh vực: phong cách, đề tài, loại hình, thị trường mỹ thuật. Dù muốn hay không, sự ra đời của tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả mỹ thuật là việc tất yếu trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Một số kiến nghị

Có thể khẳng định một cách chắc chắn, công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật quyền tác giả cần phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp, cũng như dự tính thời gian hợp lý cho việc thực hiện các thay đổi cần thiết để có thể thực thi có hiệu quả các quy định về quyền tác giả; hướng dẫn chi tiết và toàn diện hơn đối với từng loại hình đối tượng, từng loại quyền riêng biệt.

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền tác giả có thể đụng chạm đến các văn bản pháp luật. Do đó nhất thiết phải lập kế hoạch cụ thể, chi tiết cho việc sửa đổi bổ sung này.

Đưa chương trình giáo dục pháp luật về bản quyền tác giả trở thành môn học bắt buộc cho sinh viên các trường mỹ thuật, các trường văn hóa nghệ thuật trong cả nước.

Tổ chức các hiệp hội gallery nghệ thuật và khuyến khích thành lập công ty, hiệp hội quản lý tập thể quyền tác giả mỹ thuật, để chủ động đăng ký bản quyền tác phẩm và bảo vệ quyền lợi cho tác giả mỹ thuật. Một yêu cầu đáng quan tâm khác, do tính hiệu quả của các công ty, hiệp hội là mở rộng phạm vi bảo hộ của các tác phẩm Việt Nam ra thế giới; điều này cho thấy việc thành lập công ty, hiệp hội bản quyền tác giả mỹ thuật là vô cùng cần thiết.

Cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp liên ngành kiểm tra thường xuyên và ngăn chặn triệt để các hoạt động sao chép, trích ghép tranh mỹ thuật của các gallery, cửa hàng nghệ thuật, đã khai thác tác phẩm mỹ thuật xâm hại quyền lợi các họa sĩ sáng tạo. Lập văn bản thu hồi giấy phép hoạt động gallery và đề nghị khởi tố các đối tượng xâm hại bản quyền tác giả theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hiện nay nhà nước Việt Nam chưa bắt buộc tác giả phải đăng ký bản quyền, vì vậy các chủ thể tác phẩm ngại đi đăng ký, mặc dù biết rằng lệ phí phải nộp đăng ký bản quyền tác giả đối với lĩnh vực mỹ thuật không cao. Cái quan trọng là tác giả mỹ thuật muốn tránh khỏi những phức tạp sau này, cần phải đến Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tại địa phương mình đang trú quán hoặc đến Cục Bản quyền để thực hiện việc đăng ký quyền tác giả.

    T.H.T

 

 
 
Trịnh Hoàng Tân
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 186 tháng 03/2010

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

1 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground