T |
ôi đã gặp trong các vở kịch của anh một câu thoại, dưới nhiều hình thức, trong nhiều tình huống kịch khác nhau nhưng mang một hồn cốt rất rõ:
“Anh cứ nói thật. Tôi là một người lính, suốt đời tôi không chịu được những việc mập mờ…” (Lời của Thông trong vở Một người mất tích). Có lẽ câu thoại ấy cũng đã từng được nhiều người khác dùng cho tác phẩm của mình, nhưng với riêng Xuân Đức: “Tôi là một người lính” có thể hiểu đấy là một chứng chỉ của cuộc đời anh- cuộc đời lính, một đời lính được bảo chúng bởi máu và nước mắt, giữa sống và chết, trên lằn ranh của mất- còn. Tôi hiểu điều ấy khi tình cờ tìm được một tư liệu, một câu chuyện ít người biết:
… Dạo ấy, để chuẩn bị cho toàn mặt trận Quảng Trị tổng tiến công, Tiểu đoàn 47 từ Vĩnh Linh được lệnh vượt sông Bến Hải vào cắm chốt vùng Cửa Việt. Tiểu đoàn có nhiệm vụ thu hút sự bám trụ của Mỹ, tạo điều kiện cho mặt trận “vào cuộc”. Nhiệm vụ nặng nề, sau hai ngày bám trụ, trước sức công phá của bom pháo và sức ép của một lực lượng quá đông liên quân Mỹ- ngụy, ban chỉ huy tiều đoàn đã dao động. Sau nhiều họp bàn, ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định rút. Nhưng khi rời vị trí chiến đấu chừng ba cây số, có một chiến sĩ đã không đồng tình với sự rút lui này. Thái độ của người chiến sĩ ấy đã làm cho ban chỉ huy suy nghĩ lại. Đoàn quân dừng bước. Ban chỉ huy họp ngay trên đường. Cuối cùng tiểu đoàn trưởng tuyên bố: “Vừa rồi ban chỉ huy tiểu đoàn có một quyết định tiêu cực, bây giờ chúng tôi cử chính trị viên phó tiểu đoàn ra gặp Bộ Tư lệnh để báo cáo và nhận kỷ luật, còn toàn bộ tiểu đoàn phải quay trở lại quyết tử với mảnh đất cấp trên giao ta bám trụ…” Tiểu đoàn 47 đã quay trở lại, ngoan cường chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ… Câu chuyện có thật ấy, ai cũng biết đã được nhà văn Đào Hồng Cẩm làm thành cái “sườn” để viết “Đại đội trưởng của tôi”- một vở kịch rất có tiếng vang những năm bảy mươi- tám mươi. Nhưng ít ai biết rằng người lính có công can gián sự rút lui của tiểu đoàn 47 ấy là anh lính trẻ Nguyễn Xuân Đức, nguyên mẫu của nhân vật Thục trong vở kịch nói trên.
Gần ba mươi năm lăn lộn trần ai với miền đất gió cát này, anh lính trẻ của Đội Tuyên truyền văn hóa Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 trở thành Trung tá nhà văn Xuân Đức và bây giờ là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Quảng Trị, nhưng những chức sắc kia nhiều lúc hẳn làm anh vất vả như người lính phải thay bộ đồ ka ki bằng bộ com lê, và hàng vạn người biết đến anh, yêu quý anh bởi một lẽ: đã viết cho mọi người những: “Cửa gió” (Tiểu thuyết- giải thưởng Hội nhà văn năm 1982), “Người không mang họ”, nhiều năm qua, anh còn được giới sân khấu xem như một trong số ít tác giả kịch bản mà ngòi bút đã được “đảm bảo bằng vàng” với số huy chương vàng không ít cho các vở. “Một người mất tích”, “Chuyện đời thường vớ vẩn”, “Cái chết chẳng dễ dàng gì”. “Chứng chỉ thời gian”, “Ám ảnh”, “Cuộc chơi”, “Chuyện ấy không phải là cổ tích”…
Tôi không có cái may mắn xem hết những vở kịch anh đã viết, càng không đủ sức để làm cái công việc đánh giá, phê bình… nhưng có một điều này tôi có thể nói mà không ngần ngại: Những câu chuyện kịch của anh, dù diễn ra ở đâu, bối cảnh ở một vùng đất nào thì cái chất Quảng Trị, chất miền Trung vẫn hiện ra rất rõ. Chỉ có thể là Quảng Trị chứ không thể ở nơi đâu khác, cái vùng đất nhọc nhằn nắng gió này đã hiện ra trong tác phẩm của anh với tất cả những trần ai cay cực, cuộn xoáy, ngột ngạt, bao dung và khốc liệt. Thế giới nhân vật của anh cũng thế, như nhà xuất bản sân khấu trong lời giới thiệu cho tập kịch “Chứng chỉ thời gian” đã nhận xét: “Những nhân vật của nhà viết kịch Xuân Đức trong tuyển tập này là những người cùng thời với chúng ta. Họ hít thở cùng chúng ta một không khí thời đại. Họ đã qua cái khốc liệt của những năm chiến tranh. Họ hiểu rõ thế nào là cái vấp váp của thời kỳ quá độ. Họ hiểu những thử thách của đời sống hòa bình. Họ đã biết thế nào là vinh quang. Họ cũng thấm thế nào là tủi nhục… nghĩa là họ đã trải qua một trường đời khắc nghiệt, trong đó đan xen giữa tầm cao cả và cái thấp hèn, mỗi số phận đều buộc phải trả giá, buộc phải nhìn lại, không một ai thoát được những ám ảnh”…
Với Xuân Đức, nỗi ám ảnh ở trong từng trang viết của anh vẫn là ký ức chiến tranh. Nhưng chiến tranh không chỉ hiện ra với những khói lửa hoành tráng, những con người mang “hồn thời đại”, những xe pháo chiến dịch…Ở một khía cạnh nào đó, chiến tranh như một “phép thử”, một loại “thuốc hiện hình”. Con người, nhân vật kịch của anh, giữa hoàn cảnh khốc liệt của cuộc chiến, trên bờ vững sống chết đã hiện ra đúng bản chất của mình, chính vì thế mà những vở kịch của anh, dù câu chuyện xảy từ rất lâu nhưng dường như các nhân vật ấy ta vẫn thấy tồn tại bên ta, mỗi ngày vẫn gặp.
Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, anh đã bộc bạch rằng có một “loại nhân vật” thường xuất hiện trong các vở kịch của anh là những kẻ cơ hội và hèn nhát. Nhân vật quyền bí thư Tỉnh ủy Trần Oanh trong “Cái chết chẳng dễ dàng gì”, Giám đốc Phan trong “Chứng chỉ thời gian”,… là loại người như thế. Quả thực kẻ cơ hội còn nguy hiểm hơn kẻ thù. Thà kẻ thù, đối diện nhau nhận mặt nhau, còn kẻ cơ hội hèn nhát thường khoác chiếc áo đồng chí, đồng đội, ăn ở cùng ta, nhưng có thể hai ta bất cứ lúc nào. Dĩ nhiên, điều ấy không chỉ xảy ra trong chiến tranh! Và vì thế những tác phẩm của anh luôn thức gọi trong người đọc một sự xáo động khôn cùng.
* Thưa anh, tất cả nhưng kẻ cơ hội, hèn nhát và phản bội xuất hiện khá thường xuyên trong kịch của anh có phải bắt nguồn từ một nguyên mẫu nào đó mà anh đã gặp?
- Phải nói rằng đó là một ám ảnh đối với tôi. Thời chiến tranh có một tay chính trị viên, lúc đánh nhau hắn hèn nhát bỏ chạy, bỏ mặc đồng đội bị thương đã bíu lấy chân y mà kêu “cứu em với, cứu em.” . Con người đó tàn nhẫn đến mức rảy ra chạy thoát, ra khỏi chỗ ấy gặp một tổ cứu thương, sợ lộ chân tướng hèn nhát của mình hắn bảo mọi người: “Không còn ai ở trong ấy cả”. Vậy là tổ cứu thương quay ra, còn người bị thương kia bị bỏ mặc. Điều mà kẻ hèn nhát ấy không ngờ là người thương binh ấy không chết mà đã được một tổ cứu thương khác cứu thoát và sau đó gặp lại gã thủ trưởng hèn nhát kia…
Một thời, hay nói đúng hơn, gần một đời mang áo lính, những tác phẩm của anh đã phôi pha, tượng hình trong khốc liệt của chiến tranh, như có lần anh tâm sự về chiến tranh và những trang viết:... “Một phần đời của tôi, hồn tôi được đắp bồi bởi những năm tháng ấy. Con sông có bên lở bên bồi. Đời người ta có kẻ may, người rủi, nếu không phải vậy có lẽ đã không có hai tiếng “số phận” nghe đến nao lòng. Riêng tôi cái phần lở và bồi không ở hai phía của cuộc đời mà lại ở cùng một điểm. Cùng một phần đời ấy vừa lở lại vừa bồi. Đó chính là sự xáo động khôn cùng mà cho đến giờ này vẫn chưa phải đã nhận ra hết. Cái nhận ra ấy bắt tôi phải viết ra. Tôi không thể nói: May mắn thay được đi qua một cuộc chiến tranh, nhưng cũng không thể nghĩ rằng: Bất hạnh thay, đen đủi thay, vì đã sinh ra bởi cái thời cuộc ấy. Tôi không muốn, ngàn lần không muốn nhìn thấy chứ đừng nói lại trải qua một lần nữa cái chiến cuộc rùng rợn ấy. Nhưng tôi không hề nuối tiếc với tuổi xuân đã qua. Thậm chí tôi sẽ mãi tự hào… Tôi, cùng bao nhiêu bạn bè dấn thân vào cuộc chiến tranh hoàn toàn không ngây ngô, cuồng tín đến mức tê liệt cảm xúc con người như cách xét đoán của một vài bạn trẻ bây giờ. Mỗi một giai đoạn lịch sử, con người có cách ứng xử đúng nhất. Không nên dùng sự ứng xử hôm nay để miệt thị cách ứng xử hôm qua. Rồi tương lai sẽ đánh giá cách ứng xử hôm nay thế nào? (Tạp chí Văn hóa Quảng Trị 12.1992).
Xem kịch Xuân Đức người ta dễ có cái cảm giác kịch của anh không có cái liên lạc thông suốt của mạch chuyện, thay vào đó là những mảnh đời, từng bi kịch, từng số phận chồng chất lên nhau, đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa âm thế và dương gian, câu thúc bởi ám ảnh muôn đời về sống và chết, về kiếp người hữu hạn và vô cùng. Cái chết của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong “Cái chết chẳng dễ dàng gì” mang một biểu tượng đầy ý nghĩa: “Nhưng cuộc sống vẫn đi lên… cây đời vẫn tươi tốt… Cái chết có thể quật ngã những con người vĩ đại nhất nhưng những điều thiện, sự tốt, lành, những ước mơ tuyệt vời của dân tộc thì không thể chết được, mãi mãi không bao giờ gục ngã…” (Tiếng vọng kết thúc vở). Đôi khi, ngoảnh nhìn trong đời, ta vẫn bắt gặp điều ấy: Có những kẻ ngàn lần đáng chết vẫn cứ nhơn nhơn sống, còn không ít người những người tốt, cuộc sống của họ, điều thiện họ làm cần cho mọi người, mọi người cần họ, thế nhưng lại ra đi quá dễ dàng. Hình như với những điều ấy, người xem không chỉ đồng cảm với tác giả mà sâu xa hơn thế, đó là sự khám phá bản chất của đời sống con người, cái vô cùng trong cái hữu hạn, giữa cái chết và sự bất tử.
Với vốn sống thâm hậu của mình, trải nghiệm những buồn vui, sướng khổ đủ điều nên mỗi tác phẩm của Xuân Đức không chỉ đưa con người ta đi đứng khóc cười trên trang giấy, anh còn thổi được hồn cốt đất đai vào từng nhân vật. Nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm suốt bao nhiêu năm gắn bó với đất thép Vĩnh Linh, nghiền ngẫm thai nghén nên vở “Tổ quốc” với hình tượng lá cờ bên sông Hiền Lương nhưng rồi vẫn cứ thấy thiếu cái “chất Vĩnh Linh” ở trong đó, đã mời người học trò của mình là Xuân Đức cộng tác chỉ vì chính Đào Hồng Cẩm đã thừa nhận “cái Vĩnh Linh” Xuân Đức là thầy của ông. Cũng như bây giờ, nhiều vở của anh được dựng ngoài Bắc, trong Nam nhưng thế nào cũng lộ ra cái khí chất miền Trung tuy nhọc nhằn, nghiệt ngã nhưng lại ẩn ý thâm trầm.
Một thời lính vào sinh ra tử, rồi mang cái hàm chuẩn úy chuyên nghiệp phục viên về cuốc ruộng, trồng khoai, nuôi gà nơi góc làng Vĩnh Thủy, rồi trở lại nghiệp lính, lăn lộn với sân khấu của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, mang hàm Trung tá, rồi lại rời quân ngũ mặc áo dân sự làm cán bộ quản lý, trần ai lắm nỗi nhưng bao giờ tiếp xúc với anh tôi vẫn có cảm giác chất lính- một người lính gốc ruộng vẫn bắt rễ vào anh trong từng phút sống. Có câu chuyện ngoại đề mà anh em vẫn “truyền khẩu”, xin vô phép anh mà kể lại rằng: Có lần họp hội nghị giám đốc các Sở VHTT toàn quốc, khi giới thiệu nhà văn Xuân Đức lên phát biểu mọi người cười ồ, có tiếng vọng lên: “Về bồi dưỡng mập mạp cho có “phoọc” giám đốc đã ông Đức ơi!”. Hóa ra thấy anh không có “bụng bự”, không “đường bệ” nên người ta đùa vậy”. Quái quỷ, người ta cứ nghĩ làm giám đốc phải bụng bự. Còn anh thì tôi biết khó mà bự được khi rời công việc quản lý ở Sở, đêm đêm anh lại vắt kiệt mình cho trang viết, không chỉ để giải thoát những ám ảnh mà đấy là sự trả nợ của anh với quá khứ, cái quá khứ trui rèn nên CON NGƯỜI mà nhiều người hình như đã quên.
L. Đ. D