Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một vài cảm nhận về các cây bút trẻ

N

ói theo cách “cục bộ” nào đó, những cây bút trẻ đang là biểu tượng của nền văn học. Bởi lẽ, họ chính là tương lai của nền văn học. Hơn thế họ đang trở thành điểm ngắm nhiều chú mục hơn các thế hệ đàn anh, tuổi trẻ bao giờ cũng chịu khó hơn, cấp tiến hơn, và dễ nhận những lời chê bai hơn  để còn đi xa.

Người xưa đã dạy: “Ngọc bất trác bất thành”. Dù có quí như ngọc nếu không được mài giũa sao có thể thành báu vật? Không một con người nào nếu thiếu phản tỉnh ý thức, có thể trở thành tác giả viết văn. Bởi văn học là một nghề hết sức đặc biệt, thậm chí còn được đặt lên hàng cao quí, ở Việt Nam, giới văn nghệ sĩ thường nói nửa đùa nửa thật để tôn vinh văn học rằng: “Hội liên hiệp văn học và nghệ thuật” như vậy chứng tỏ, riêng văn học thôi đã được đặt ngang vai với mọi ngành nghệ thuật. Còn triết gia Hegel thì khẳng định văn học là loại hình nghệ thuật cao nhất vì chỉ có văn học mới trực tiếp bàn được về những triết lý của cuộc sống. Một bức tranh dù đẹp hay sâu sắc chỉ là biểu tượng về cuộc sống. Một bản nhạc dù rung động lòng người cũng không thể đưa ra triết lý. Chỉ có văn học mới có thể nói thẳng ra một câu: “Anh em khinh trước lòng nước khinh sau”…

Văn học là Nhân học! Con người nếu không biết mài giũa bằng phản tỉnh ý thức cũng không thể thành nhân! vì người không biết xấu hổ tức “vô sỉ” sao có thể thành nhân? Muốn biết chữ “sỉ” ra sao? Thì người ta phải học.

Qua đời sống của các cây bút trẻ thế hệ 8x, 9x, để dễ hiểu hãy so sánh với đời sống văn học của giới trẻ ở Trung Quốc, thì thấy, chúng ta có quá ít những cây bút có ý định cầm bút viết các tác phẩm đồ sộ. Chưa nói đến cái tài, cái đức, giới văn nghệ sĩ nước nhà. Mới đây có nhiều cuộc bàn luận (Kể cả trên truyền hình), cho thấy: thái độ lao động nghệ thuật của chúng ta còn yếu quá. Chẳng hạn đóng một bộ phim, từ khâu viết kịch bản, đến đạo diễn, đến diễn viên thường làm quấy quá cho xong, nhưng ngay cái cảnh đạn bắn mà chẳng thấy kính vở, đã thấy xuê xoa đến mức nào!

Tại cuộc gặp mặt các cây bút trẻ lần thứ bảy ở Hội An (8/2006) thấy nổi lên vấn đề gì? Thấy vẫn cái cảnh rất cũ theo lối ngày xửa ngày xưa, lên lên xuống xuống diễn đàn đọc thơ, và nói chuyện phơn phớt vòng ngoài về văn. Chúng ta thử đối mặt với một câu hỏi thẳng thắn như: Để xong thẳng vào những vấn đề dấn thân của văn chương những cây bút trẻ đã đủ bản lĩnh và hành trang tinh thần hay tri thức chưa? Hỏi để phản tỉnh vậy thôi. Thực ra câu trả lời còn đến sớm hơn câu hỏi. Các cây bút trẻ còn chưa đủ sức! Nào hãy nhìn xuống con đường hành hương vạn dặm để làm thành tác phẩm lớn, đâu có thấy những dấu chân sốt sắng miệt mài đang hành hương, phía về đích- cũng chưa! giữa chừng cũng chưa! Thậm chí còn không có cả những dấu chân khởi đầu. Hầu hết và hầu hết chỉ thấy những dấu chân nhảy lò cò hay chân sáo quanh vài bài thơ xúc cảm tức thì, vài truyện ngắn… Chúng ta hãy nhớ người phương Tây có một phương ngôn chí tử: “Thành La Mã không xây trong một ngày”. Một bài thơ được làm trong lúc trà dư tửu hậu, thậm chí có dày vò xuyên thủng màn đêm cũng đừng bao giờ ta nên hy vọng nó sẽ trúng số độc đắc để trở thành vĩ đại. Chữ “vĩ đại” như nó vốn có” phải cao- lớn, rộng- dài. Một truyện ngắn có xuyên thủng vài đêm cũng đừng nghĩ nó gặp may hơn, nếu một đêm không xây xong kinh thành La Mã, thì vài đêm cũng thế thôi. Vậy thì muốn trở thành “vĩ đại” bạn hãy bắt tay vào xây dựng lâu đài cho tác phẩm. Tôi đã tâm sự với một cây bút rằng: này, anh thử xây lâu đài xem, cho dù bằng gạch mộc thôi, đã thấy nó đòi hỏi biết bao phẩm chất, sự đầu tư công sức: Người Việt có câu:

Ngựa hay phải chạy đường dài

Nước kiệu mới biết tài trai anh hùng

Hãy chạy đường dài đi, như Maraton chẳng hạn, chỉ sau vài chục phút người ta sẽ phát hiện ra khả năng của mỗi người, ai chạy nhanh, ai chạy dai sức, ai sẽ đến đích? Trái lại nếu mà chạy ở trong sân, thì làm sao biết được ai tài ai khéo? Đó chính là cách lý giải cho thứ văn học quá bé- quá vừa, sân lớn không dám chơi, chơi sân nhỏ sau đó xúm xít lại từng nhóm một chê bai dè bỉu chẳng ai chịu ai. Thử chạy đường trường xem nào, biết nhau ngay! Trên thế giới vẫn thường có phong tục, người ta đổ ra bến cảng, cả người thân lẫn người dưng đón đợi những con tàu vượt đại dương trở về. Sự trở về đó qua bao nhiêu hải lý sóng to gió lớn trên đại dương, tự thân nó là một thành công, một thắng lợi. Còn những chiếc thuyền thúng múa trong ao, thì có khoe vẽ giỏi hay chê người ta kém cũng để làm gì?

Cuộc tập hợp của hàng trăm cây bút trẻ, những người nổi tiếng nhất hiện thời, tự thân nó đã là một câu trả lời. Một đại hội lớn như vậy, tập trung những con người về xúc cảm đang dào dạt tinh khôi nhất, về sức viết đang mạnh mẽ nhất, đáng lẽ nó phải đập vào vách núi thời đại một tiếng vang mãnh liệt, nhưng dường như chỉ có mấy tiếng thì thào đang đọc thơ. Như vậy có nghĩa gì? Nghĩa là, đáng lẽ, bạn đọc phải được chứng kiến một hàm lượng văn học tinh hoa, đặc sắc, có sức năng nào đó nén lên lồng ngực một sức ép tức thở, nhưng tất cả dường như chỉ là một thói quen tập hợp nào đó.

Muốn làm nhà văn lớn thì chí ít trước hết chúng ta hãy phải làm nhà văn chuyên nghiệp. Đó là điều không cách nào khác được! Thử hỏi, trong các cây bút trẻ hiện nay mấy ai dám dấn thân vào con đường chuyên nghiệp? Đây, chúng ta thử nhìn đàn anh đi trước bày tỏ, trong tạp chí Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam, số 7-2006, nhà văn Xuân Đức đã viết như sau: “Đảng và Nhà nước ta chủ trương văn nghệ là một mặt trận, các văn nghệ sĩ là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đó… Suốt mấy chục năm qua một đội ngũ văn nghệ sĩ công chức đã được đào tạo và bồi dưỡng để thực hiện sứ mạng đó… hầu hết các văn nghệ sĩ đều ăn lương, đều nhận được tài trợ sáng tác và công bố…” Qua đó, có thể nói ngắn gọn, lớp đàn anh đã tâm sự, hầu hết là công chức viết văn theo lối “mậu dịch” với cơ chế xin cho, có rất ít… rất ít ai đó bứt phá lên thành tác giả chuyên nghiệp. Giờ đến các cây bút trẻ thử đặt câu hỏi xem mấy ai không là công chức viết văn? mấy ai là tác giả chuyên nghiệp?

Tất cả những câu hỏi từ đầu bài đến giờ chỉ có một nhã ý, cùng các cây bút trẻ phản tỉnh ý thức sáng tạo và làm việc. Các triết gia dứt khoát rằng: không có câu hỏi nào sai (Chỉ có câu trả lời sai). Vậy thì bạn chớ bao giờ căm tức hay nóng giận trước các câu hỏi. Bởi khi nào còn được hỏi là lúc ta được hưởng sự tự giác, dân chủ, tự đánh giá lấy mình, mà chưa bị người khác áp đặt.

Nay, tôi muốn đi vào nội dung chính của bài viết, người đời vẫn nói: “Nhà văn già con hát trẻ” và còn nói: “Khôn đâu đến trẻ khoẻ đâu đến già”. Cầu thủ thì nổi tiếng lúc trẻ, nhưng huấn luyện viên phải nổi tiếng lúc già. Nghề viết văn không phải là nghề ăn xổi ở thì như con hát, vậy thì nếu bạn càng nổi tiếng lúc trẻ, thì bạn càng phải nên đề phòng với nó. Cá mè ăn nổi, cá chép ăn chìm. Trong ao nuôi cá mè, trông tưởng nhiều lắm, nhưng tất cả đã nổi lên trên hết rồi, dưới đáy chẳng có gì cả. Như người đời vẫn ví: nổi tiếng như phần nổi của tảng băng, liệu có được bao nhiêu, chẳng được mấy chốc vừa trôi vừa chảy tan, rồi mất tích trên mặt nước bao la, còn lại dấu vết gì? Với rất nhiều nhà thơ, thậm chí từng rất nổi tiếng, chúng tôi đã từng đặt câu hỏi: anh hãy đọc một vài câu đáng ghi nhớ nhất của đời anh! Vậy mà chắc gì đã có?

Nhìn vào các cây bút trẻ hiện nay, thấy rất rõ một điều, họ có quá ít những liều thuốc đắng dã tật để trau dồi rèn luyện chính mình, trong khi đó có quá nhiều đường sữa làm hỏng những “hàm răng” sáng tạo. Họ được tung hô, lăng xê nhiều gấp mười lần, một trăm lần sự phê bình, phán xét giá trị. Có quá nhiều cây bút trẻ vang danh một thời. Vậy mà nay chìm nghỉm đi không phải chỉ theo kiểu “bây giờ không có gì” mà còn là “không có gì” ngay cả cái thời ầm ĩ nhất. Người viết có câu “thùng rỗng kêu to”, càng nổi ầm ỉ bao nhiêu, ta càng nên thận trọng bấy nhiêu.

Có nhiều cây bút vẫn còn đang mơ hồ vào việc ta có thể đang tìm ra cái lạ, làm ra cái mới, bạn cũng chớ nên ảo tưởng về điều này, như người ta vẫn nói: núi cao sông sâu mới có kỳ hoa dị thảo, con tắc kè trên núi cao sẽ khác con tắc kè sinh ra từ mô đất. Vậy núi cao là gì? đó chính là tư tưởng, tri thức, văn hoá của tác phẩm, nếu nó còn lè tè thì chớ nên hy vọng những kỳ hoa dị thảo?

Muốn đi xa thì phải sắm hành trang- đó cũng là cách duy nhất để thành công, đừng bao giờ nên hy vọng nhón chân vài bước trong vài câu thơ đã làm nên cả chặng đường. Muốn xây nhà cao thì phải đào móng, chớ nên thấy tiếng nổi như cồn đã an tâm, có khi đó chỉ là mái nhà lợp lên ngôi nhà chưa kịp xây móng? Muốn xây lâu đài cho sự nghiệp của mình, bạn hãy xây móng trước khi lợp mái. Móng đó chính là vốn kiến thức của mình.

Trên đây là một vài cảm nhận, có thể sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Song vẫn mạnh dạn nói ra để bạn đọc tham khảo.

   N.H.Đ

 

Nguyễn Hoàng Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 153 tháng 06/2007

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

34 Phút trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

1 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground