Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một vài suy nghĩ về phương pháp phê bình Mác- xít trong văn học Việt Nam hiện đại

T

hế kỷ XX, trên thế giới có nhiều phương pháp phê bình văn học. Tuy nhiên nếu có bất kỳ một ai đưa ra câu hỏi rằng phương pháp nào đáng tin cậy nhất, thì câu trả lời duy nhất vẫn chỉ là: Phương pháp phê bình văn học mác-xít.

Sở dĩ chỉ có thể trả lời như vậy, vì chỉ có phương pháp phê bình mác-xít mới phù hợp với thực tiễn, phù hợp với qui luật vận động khách quan của tiến trình lịch sử. Để có được điều đó, phương pháp phê bình mác-xít đã được xây dựng hàng mấy trăm năm trên cơ sở triết học Mác - Lênin, triết học tiến bộ nhất của loài người.

Nói cụ thể hơn: Phương pháp phê bình mác-xít xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trong hệ thống triết học của chủ nghĩa Mác, phương pháp này tìm mối quan hệ giữa tác phẩm và nhà văn, giữa nhà văn và thời đại, đặc biệt nó quan tâm đến thái độ của nhà văn đối với cuộc đấu tranh tư tưởng trên lĩnh vực ý thức hệ, đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc. Phương pháp phê bình mác-xít nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa nhà văn và xã hội, văn học và thời đại và bác bỏ mọi luận điểm của chủ nghĩa duy tâm chủ quan, chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa nghệ thuật vị nghệ thuật, đồng thời cũng chống lại mọi thứ xã hội học dung tục, mọi thứ duy vật máy móc, mọi thứ quyết định luận của huyết thống, của hoàn cảnh theo kiểu quan niệm của chủ nghĩa thực chứng. Chủ nghĩa Mác-Lênin đặt con người, hiện tượng trong xã hội, trong giai cấp để khảo sát, giải thích, tìm ra qui luật vận động khách quan của đối tượng tiếp cận. Tuy nhiên, không phải vì thế mà phủ nhận cái riêng biệt, cái ngẫu nhiên, cái cá thể, phủ nhận cá tính, phong cách, phủ nhận chủ thể sáng tạo.

Chủ nghĩa Mác-Lênin phấn đấu vì sự tiến bộ của loài người. Trong văn nghệ, lý luận phê bình mác-xít đề cao lý tưởng, trí tuệ, luôn luôn bảo đảm tính khách quan, khoa học, đồng thời cũng rất chú ý đến vai trò của tình cảm. Nhà phê bình mác-xít phải cảm thụ say mê sáng tác như người đọc, người sáng tác, lại vừa phải tỉnh táo, sáng suốt, phát hiện như một người quản lý, một người dẫn đường. Phương pháp phê bình mác-xít dựa trên những nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, về mặt triết học nó vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, về mặt chính trị và văn nghệ, nó lấy đường lối cách mạng, đường lối văn nghệ của Đảng làm hệ qui chiếu.

Một số nhà phê bình vừa thiếu phương pháp luận cơ bản, tiến bộ để định hướng, vừa chưa nhận thức sâu sắc những thuộc tính phê bình mác- xít trong tình hình mới mà trong nhiều văn kiện của Đảng đã nêu ra: tính Đảng, tính khoa học, tính khách quan của nghiên cứu, phê bình. Ba thuộc tính này có quan hệ qua lại với nhau một cách hữu cơ. Trong việc nghiên cứu có phê phán những khuynh hướng triết học tư sản, tính khoa học được thể hiện ở “kinh nghiệm phủ định”, tức là sự phê phán, phủ định không phải mục đích tự thân mà là phương tiện để đạt mục đích khác căn bản hơn. Lênin đã đồng tình với Hê-ghen và ghi trong Bút ký triết học: “phê phán hệ thống triết học không có nghĩa là quẳng nó đi, mà là phát triển nó tiếp theo, không thay nó bằng cái đối lập khác, một chiều, mà đưa nó vào một cái gì đó cao hơn”. Về tính Đảng trong phê bình văn nghệ, tránh hiểu giản đơn, tránh đánh đồng nó với công tác tuyên truyền, tránh dùng những tiêu chí chính trị đơn thuần, nhất thời làm thước đo mọi giá trị của tác phẩm văn nghệ. Nhà phê bình mác-xít là nhà phê bình có tri thức rộng, có kinh nghiệm xã hội, có cảm thụ tinh tế cái đẹp, bảo vệ cái đẹp.

Những phương pháp phê bình của nền nghệ thuật tư sản dựa vào những quan điểm học thuật, triết lý tư sản như thực chứng luận, phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa cấu trúc, hiện tượng luận, chạy theo những quan điểm mỹ học tư sản như lý thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật, mỹ học của Kant, Hegel và Bergson, mỹ học của các nhà hiện đại chủ nghĩa và các trường phái suy đồi khác ở phương Tây.

Trước cách mạng tháng Tám, trừ một số rất ít các nhà lý luận, nghiên cứu, phê bình mác-xít, còn phần lớn các nhà phê bình ở nước ta đều chịu ảnh hưởng ít nhiều ở những phương pháp phê bình của nghệ thuật tư sản. Sau cách mạng, hầu hết họ đều từ bỏ những phương pháp phê bình lạc hậu, phản động để tiếp cận phương pháp phê bình, nghiên cứu văn học mác-xít.

Từ những vấn đề của cuộc tranh luận nghệ thuật 1935-1939 gợi ra, Đảng ta từ Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943) đến nay đã càng ngày càng khẳng định vai trò lãnh đạo trên lĩnh vực này. Đảng ta đã định hướng sáng rõ và giải quyết mềm dẻo các vấn đề của thực tiễn, kiên trì nêu cao vị trí của văn nghệ cách mạng, nhấn mạnh vai trò xã hội của nhà văn, tập hợp đội ngũ nghệ sĩ xây dựng nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc. Qua các văn kiện của Đảng, các ý kiến của các cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước am hiểu văn nghệ và gắn bó với văn nghệ sĩ, Đảng ta đã tác động sâu sắc đến sự phát triển, trưởng thành của sự nghiệp văn hoá, văn nghệ nước nhà. Những nỗ lực đó là sự kế tục và tiếp nối phát triển, làm phong phú thêm quan điểm mác-xít.

Nền lý luận, phê bình văn nghệ ở một số nước thuộc phương Tây, hoặc châu Âu đã phát triển trước ta hàng mấy trăm năm. Văn chương của ta đã có hàng nghìn năm, còn phê bình, nghiên cứu văn học thì hầu như chỉ mới hình thành rõ nét, lập ngôn một cách có ý thức, có hệ thống, từ đầu thế kỷ XX, chính xác hơn là từ những năm 30. Dân tộc ta chậm phát triển về tư duy lý luận. Ông cha ta từ xưa đã có tư duy lý luận, nhưng rất non nớt, rời rạc, lẻ tẻ, hầu hết là phỏng theo tư duy lý luận Trung Hoa. Phải đến khi giao lưu với phương Tây, ta mới bước vào đường ray hiện đại. Đã nói đến lý luận, phê bình, muốn trưởng thành thì phải khoa học hoá, hiện đại hoá. Đó là điều rõ ràng.

Cuối những năm 30, nước ta đã có những nhà phê bình mác-xít dấn thân vào cuộc đấu tranh chống lại phương pháp nghệ thuật vị nghệ thuật: Hải Triều, Hải Thanh, Hải Khách (Trần Huy Liệu), Đặng Thai Mai, v.v...

Đến cuộc “Nhận đường” lần thứ nhất đã có các cuộc tranh luận chống lại chủ trương tự do tuyệt đối, nghệ thuật vị nghệ thuật, chống lại các khuynh hướng quyết định luận, duy vật máy móc, xã hội học dung tục mà một số kẻ trot-kit cơ hội muốn thay thế chủ nghĩa Mác bằng một thứ chủ nghĩa Mác giả hiệu.

Đến cuộc nhận đường lần thứ hai, cũng diễn ra cuộc đấu tranh chống bọn mác-xít giả hiệu. Chúng chính là những tên trot-kit và xét lại hiện đại trong nhóm Nhân văn giai phẩm. Đến thời kỳ này, một lần nữa vấn đề nguyên lý của chủ nghĩa Mác, những nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn nghệ lại được khẳng định.

Có thể nói, về cơ bản, nền lý luận phê bình văn học hiện tại Việt Nam ra đời cùng với phương pháp phê bình văn học mác-xít du nhập vào Việt Nam và được Việt Nam hoá. Như đã nêu trên, phê bình đã có từ trước, nhưng còn lẻ tẻ, rời rạc. Những tác giả đầu tiên của lý luận, phê bình ở ta lại chính là những tác giả mác-xít. Thời kỳ đầu có Đặng Thai Mai, Hải Triều, Vũ Ngọc Phan, Như Phong, Hà Xuân Trường, Hồng Chương, Hoài Thanh, v.v... Mức độ mác-xít ở mỗi tác giả có đậm nhạt khác nhau. Riêng Hoài Thanh, ban đầu ông theo phái nghệ thuật vị nghệ thuật, phê bình theo khuynh hướng ấn tượng, sau này ông chuyển sang mác-xít.

Phải nói là, nếu tính tổng thể cả lý luận, phê bình, khảo cứu, biên soạn, thì số tác giả có đến vài trăm. Tuy nhiên, số tác giả làm việc chuyên trong suốt nhiều năm thì lại ít. Nhìn chung, các tác giả lý luận, phê bình đều kiêm nhiệm, ít ai chỉ sống bằng viết phê bình. Họ công tác ở các khu vực như: Viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan báo chí. Một số còn là nhà văn sáng tác.

Qua hai cuộc kháng chiến, đến hoà bình lập lại, cho đến ngày đất nước được giải phóng và tiến tới công cuộc đổi mới, giới lý luận, phê bình đã làm được nhiều việc nhằm bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, nâng cao chất lượng sáng tác văn học và làm phong phú thêm lý luận.

Nhiều hiện tượng văn học xuất hiện trước đây được đánh giá lại có lý có tình, làm cho không khí học thuật được dân chủ hoá thêm một mức. Nhiều vấn đề lý luận được nhận thức lại, phù hợp với thực tiễn mới. Trên cơ sở mỹ học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiều vấn đề học thuật lớn được đặt ra và được biện giải thoả đáng: văn nghệ và việc phản ánh cuộc sống mới, vai trò chủ thể sáng tạo, sự lãnh đạo của Đảng và tự do sáng tác, tự do phê bình, những ý kiến đánh giá giai đoạn văn học trước cách mạng và từ 1945 đến 1975. Những cuộc đấu tranh, bút chiến chống lại văn xuôi, thơ rơi vào chủ nghĩa tự nhiên hoặc suy đồi... đã góp phần đẩy lùi khuynh hướng xuyên tạc lịch sử, bôi đen cuộc sống, hạ thấp văn chương.

Lý luận, phê bình hôm nay đã biết kế thừa, nâng cao, bổ sung, hoàn chỉnh những gì trước đây đã đạt tới và dừng lại. Nó không thể tự thoả mãn với cái đã có mà đang lật xới những tầng vỉa mới. Nhìn nhận những người thuộc phái nghệ thuật vị nghệ thuật ngày nào, chúng ta có thể thông cảm với những hạn chế, thậm chí lệch lạc của họ. Một số nghệ sĩ tài năng trong số đó về sau đã đi theo cách mạng, trở thành nghệ sĩ của nhân dân, tích cực đóng góp vào nền văn học mới.

Nền phê bình, lý luận, nghiên cứu văn học xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã và đang dựa vào chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, phê bình mác-xít không thể dị ứng với ký hiệu học, văn học so sánh,v.v... Chúng ta vừa vận dụng phương pháp mới để làm giàu có thêm cho phê bình mác-xít chúng ta càng ngày càng giải quyết tốt mối quan hệ giữa phương pháp phê bình mác-xít với phương pháp tiếp cận văn chương khác như ký hiệu học, loại hình học, thi pháp học, văn học so sánh,v.v...

Những năm gần đây, sự giao lưu với thế giới đã nhanh chóng, đã mở rộng, kịp thời và khá đầy đủ, đa chiều. Sự tìm tòi cái đúng, cái hay, cái tiến bộ được khuyến khích. Lý luận, phê bình mác-xít không hề là một chỉnh thể thụ động, khép kín, mà đến nay nó càng tỏ ra là một hệ thống mở. Nó là mỹ học vận động. Hơn lúc nào hết, yêu cầu kết hợp hài hoà, sâu sắc giữa dân tộc và quốc tế, giữa truyền thống và hiện đại đang được đặt ra một cách khẩn trương, toàn diện. Phê bình mác-xít ở Việt Nam luôn luôn nằm hợp lý trong bối cảnh xã hội đang phát triển cùng với loài người đang bước tới những bước văn minh cao hơn. Chưa có sự thống kê về tác phẩm, tuy vậy, có thể nói rằng những năm mới đây số lượng tác phẩm phê bình văn học được công bố rất nhiều, các cuộc luận bàn, đối thoại về văn chương cũng rất nhiều. Trình độ lý luận, phê bình của từng tác giả đã được nâng lên. Và, nhìn bao quát, trình độ lý luận, phê bình của cả nền văn học cũng được nâng lên rất nhiều. Nếu trước kia, phê bình chỉ thu hẹp ở một vài vụ việc thì nay phê bình đã chú ý nhiều đến chất thẩm mỹ của tác phẩm. Chưa bao giờ như những năm gần đây, sách chung và sách riêng đủ loại được in ra nhiều đến vậy. Nhiều công trình có giá trị tổng kết đã được công bố. Lý luận hiện đại của thế giới đã được các nhà phê bình Việt Nam nghiên cứu, dùng làm công cụ khảo sát đối tượng.

Chúng ta đã và đang chống lại sức ỳ của lý thuyết lạc hậu.

P.T.S

 

Phan Thư Soan
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 142 tháng 07/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground