1- Quảng Trị một vùng quê nằm giữa Đất Nước lưng tựa vào Trường Sơn hùng vĩ, mặt hướng ra biển Đông bao la qua những thăng trầm thế cuộc đã để lại những dấu tích lịch sử xã hội- văn hóa đặc sắc. Nó vừa hòa chung trong những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam vừa có bản sắc riêng của một miền đất thân thương “hiền lành giản dị”. Dải đất hẹp này đã đi suốt chặng đường dài dân tộc, từ thuở Lý Thường Kiệt, vị tướng tài ba, người viết bản Tuyên ngôn độc lập thứ nhất, ruổi ngựa tới Cồn Tiên vẽ bản đồ Tổ quốc, định cương vực của “Nam quốc Sơn hà” tới Cửa Việt muà thu năm 1075. Địa giới như ngày nay với cái tên Quảng Trị bắt đầu có từ đời Gia Long nhưng mảnh đất này, sông núi này hiển nhiên đã tồn tại từ ngàn năm trên bản đồ nước Văn Lang của các vua Hùng. Điều đó nói lên rằng con người ở đây vẫn mang trong mình dòng máu của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, là con Rồng cháu Tiên. Nền móng đời sống tinh thần của cộng đồng người Quảng Trị không khác lạ so với cộng đồng người Việt Cổ xưa trong các di sản văn hóa chung của dân tộc gọi là nền “văn minh sông Hồng”. Từ thuở bình minh của lịch sử, người Quảng Trị đã đồng nhất với dân tộc của mình.
Qua những biến thiên của lịch sử dữ dội kéo từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, với vị trí địa lý như vậy Quảng Trị trở thành một cửa ngõ giao lưu đồng thời là một nền đất chồng chất nhiều tầng văn hóa khác nhau. Con cháu ta nhận diện quá khứ không chỉ qua huyền thoại, cổ tích, tục ngữ, cao dao, dân ca mà còn có thể cầm trên tay một di vật người Chàm, một nét giao hòa của hai nguồn Bắc Nam người Việt, cộng thêm di sản của người Vân Kiều, Pa Kô thuần khiết, chủ nhân của trùng điệp Trường Sơn. Nói như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì: “Một mảnh đất từng đánh bạn, giao hòa và tiếp nhận nhiều vốn sống của con người như thế, hiển nhiên rất xa lạ với một lối sống tinh thần khép kín, nông cạn và tự thủ. Những lối sống trải qua sàng lọc, tinh chọn của con người, sẽ còn lại những giá trị bền vững, sáng lạn và khôn ngoan, tạo thành ý thức văn hóa của một cộng đồng. Người Quảng Trị trước hết là những con người mang ý thức văn hóa mạnh mẽ”.
Vùng đất này, hàng chục thế kỷ nay con người đã phải gồng lên để chống trả kẻ thù hai chân và kẻ thù bốn chân. Thiên nhiên khoáng đạt và hào phóng với chúng ta bao nhiêu thì cũng khắt khe, khắc nghiệt với chúng ta bấy nhiêu. Xứ sở của cát trắng gió Lào cũng là miền đất hứng chịu nhiều bão lũ nhất. Hạt lúa củ khoai mặn chát mồ hôi, nước mắt con người. Mấy nghìn năm dằng dặc, quê hương chưa thoát khỏi cái nghèo. Sau lũy tre làng, đó đây vẫn rưng rưng câu ru buồn tủi:
Cây khô xuống nước cũng khô
Phận nghèo đi tới nơi mô cũng nghèo
Và chiến tranh! Khói lửa binh đao đã nhiều phen trùm lên mảnh đất này. Mất mát đau thương phủ lên mảnh đất này. Từ đó, bật dậy ý chí kiên cường bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn, dám xã thân vì độc lập tự do của dân tộc. Từ sự chia cắt, hun đúc mãnh liệt thêm khát vọng thống nhất sơn hà, từ đau thương tang tóc càng ước ao đến cháy lòng cuộc sống thanh bình, và cuộc sống chiến đấu chống lại kẻ thù của dân tộc mình, người dân càng ý thức hơn sự gắn bó, đoàn kết, đồng cam cộng khổ để giành chiến thắng. Nói về Quảng Trị bè bạn năm châu và nhân dân cả nước không thể không nhắc đến Tân Sở, Thành Cổ, Đường Chín, Cầu Hiền Lương, Khu Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN, Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn… Những di tích lịch sử hào hùng của Đất nước được ghi dấu trên mảnh đất Quảng Trị thân thương này.
Chịu sự tác động mạnh mẽ và bền lâu của những biến thiên lịch sử dữ dội, cùng với điều kiện địa lý tự nhiên khắc nghiệt Quảng Trị đã tạo ra cho mình một bản sắc văn hóa đặc trưng nền văn hóa dân tộc. Đó là: Những nét đẹp truyền thống của dân tộc hình như được tô đậm hơn, sắc sảo hơn trên mảnh đất và con người ở đây. Có sự pha trộn, bổ sung cho nhau của nhiều nguồn văn hóa. Chính vì thế nó tạo ra được sự phong phú đa dạng. Có phải vì thế mà con người Quảng Trị chân chất, cởi mở “thương người như thể thương thân”. Con người Quảng Trị coi trọng tình nghĩa, thủy chung rất mực với bạn bè, người thân.
“Rồi mùa tóc rạ rơm khô
Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm”
(Ca dao)
Và:
“Chàng về thiếp dặn thêm câu
Ai kêu nỏ đứng, ai trao trầu nỏ ăn”
(Hò giã gạo)
Dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động, chịu thương chịu khó và cũng rất lạc quan (Cứ xem chuyện trạng Vĩnh Hoàng thì rõ) thể hiện rất sinh động nét đẹp tinh thần của con người nơi đây.
Con người Quảng Trị trung thực, không ham danh, không ham lợi rất muốn được học hành để trở thành con người có văn hóa. Nói như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Đó là một đặc trưng có tính phổ quát của điều gọi là Tính Quảng Trị”.
2- Chỉ là một tỉnh lẻ như người ta thường nói nhưng Quảng Trị không thiếu hiền tài, không nghèo danh nhân và nhà văn nhà thơ thì không đến mức đếm trên đầu ngón tay.
Với Quảng Trị, hào kiệt thời nào cũng có, nhà văn nhà thơ thời nào cũng có. Những cái tên Đặng Tất, Bùi Dục Tài, Trần Đình Ân, Hoàng Kim Hùng, Nguyễn Hữu Thận, Khoá Bảo, Lê Thế Hiếu, Lê Duẩn,… đã được ghi vào sử sách đất nước. Đội ngũ những người cầm bút cũng không hiếm những người nổi tiếng. Đó là nhà thơ Chế Lan Viên, nhà báo, nhà lý luận Hồng Chương, nhà văn Nguyễn Khắc Thứ, nhà thơ Vĩnh Mai, nhà thơ Dương Tường, nhà thơ Lương An… Đó là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn Xuân Đức, nhà thơ Lê Thị Mây…Một đội ngũ trẻ hơn, đông đảo hơn trong đó có những tên tuổi dần dần trở nên quen thuộc với bạn đọc cả nước như Hàn Vũ Phùng, Trần Thanh Hà, Lê Đức Dục, Nguyễn Tiến Đạt, Lâm Chí Công, Hàn Nguyệt, Phan Bùi Bảo Thi.v.v..
Đội ngũ nhà văn nhà thơ Quảng Trị lớp trước lớp sau dù ở xa hay gần đều yêu thương gắn bó mảnh đất quê hương mình để góp phần phản ánh cuộc sống con người ở đây. Nhiều tác phẩm không những không bị lớp bụi thời gian phủ mờ trái lại như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Có thể nào quên được “Kết nạp Đảng trên quê mẹ” của Chế Lan Viên, “Trận Thanh Hương” của Nguyễn Khắc Thứ, “Cô lái đò” của Lương An, “Rất nhiều ánh lửa” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Cửa gió” của Xuân Đức, ‘Những mùa trăng mong chờ” của Lê Thị Mây…
Những nhà thơ có tài của quê hương Quảng Trị lần lượt giữ trọng trách Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Xuân Đức, Lê Thị Mây.
Nhiều cây bút trong cả nước đã đến với Quảng Trị qua tạp chí Cửa Việt. Đội ngũ viết văn làm thơ của tỉnh nhà hầu hết đã coi Cửa Việt như một địa chỉ đáng tin cậy để giới thiệu những đứa con tinh thần của mình.
Trong bài viết này chúng tôi chỉ muốn nói đến những cây bút là cộng tác viên của tạp chí Cửa Việt là người Quảng Trị hoặc đang sống và viết trên quê hương Quảng Trị.
Đội ngũ khá đông đảo. Hầu hết hội viên Phân hội văn học Quảng Trị đã có bài in ở Cửa Việt. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Xuân Đức, Lê Thị Mây, trước đây có cả Nguyễn Quang Lập hiển nhiên đã “chốt” ở Cửa Việt những bài ký, truyện ngắn và chùm thơ hay.
Kế tiếp, có một lực lượng viết văn “tay trái” thường xuyên gửi bài cho tạp chí Cửa Việt và đã được Ban biên tập mở rộng vòng tay đón nhận một cách chân thành cởi mở. Có lúc tưởng như hơi dễ dãi. Chính đội ngũ này đang đóng góp phần quan trọng trong việc tạo nên “Bản sắc văn hóa của một vùng đất” trên tạp chí văn hóa văn nghệ của tỉnh nhà. Qua tác phẩm của họ, gương mặt, tâm hồn của miền đất Quảng Trị được thể hiện khá rõ nét. Những hay dở của tác phẩm ta nói sau, bản sắc văn hóa của vùng đất như thế nào xin chưa được hỏi, chỉ muốn điểm danh những gương mặt tiêu biểu nhất đã xuất hiện trên Cửa Việt.
Văn xuôi, không thể không nói đến Tấn Hoài, Trần Biên, Trần Đình Phùng, Lê Đức Dục, Đinh Như Hoan, Y Thi, Nguyễn Hoàn…(thể ký); Thái Đào, Trần Thanh Hà, Hàn Vũ Hùng, Nguyễn Tiến Đạt, Cao Hạnh… (truyện ngắn); Võ Văn Luyến, Nguyễn Hữu Quý, Phan Văn Quang, Hàn Nguyệt, Hoài Quang Phương…(thơ).
Một số tác giả trẻ, cộng tác viên thân thiết của Cửa Việt, dần dần tự khẳng định được mình, từng bước vươn lên và trở thành cộng tác viên gần gụi của nhiều tờ báo Trung ương như Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội… Có những tác phẩm sau khi đăng ở Cửa Việt được giới thiệu lại ở báo Trung ương đã gây được tiếng vang hoặc được tặng thưởng như bút ký “Đi tìm đồng đội” của Trần Biên, “Khe Sanh, miền đất vàng” của Lê Đức Dục (Tặng phẩm Báo Văn nghệ năm 1996), thơ “Bông huệ trắng” của Nguyễn Hữu Quý (Tặng thưởng Tạp chí Văn nghệ quân đội 1995).
Cửa Việt là bà đỡ cho những tác phẩm văn học của các tác giả nghiệp dư ở Quảng Trị. Đó là chưa nói đến việc tạp chí duy trì mục “Văn hóa thiếu nhi” nhằm phát hiện, giới thiệu những cây bút của tỉnh nhà.
Sự ưu ái đối với những người viết đang sống và làm việc trên quê hương Quảng Trị, khuyến khích giúp đỡ họ viết về mảnh đất này là một thái độ hoàn toàn đúng, một hướng đi tích cực của Cửa Việt. Chính nhờ thế mà trên tạp chí Cửa Việt luôn nóng hổi hơi thở cuộc sống của miền đất này. Hiện tại được phản ánh khá kịp thời trung thực, quá khứ luôn được nhắc tới với lòng tri ân và tương lai cũng đã được phác thảo phần nào trong những dự cảm phập phồng của người cầm bút.
Họ đã sống và viết như thế. Với Quảng Trị! Bằng cái tâm trong sáng. Viết hết lòng mình, viết bằng niềm yêu quê hương da diết, bằng sự tự hào với quá khứ dựng và giữ nước hào hùng, bằng sự cảm thông sâu sắc với những thân phận khổ đau, bằng sự phẫn uất trước những việc làm sai trái… Viết để bảo tồn nét đẹp truyền thống của dân tộc, của quê hương. Viết để lưu tồn, gìn giữ, truyền gửi những nét đẹp văn hóa của vùng đất này cho thế hệ mai sau. Viết… khi biết rằng mình tài hèn sức mọn!
3.1- Biết ơn, trân trọng truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và làm đẹp thêm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là sự gửi gắm tâm huyết của nhiều tác giả có bài in trên Cửa Việt. Mảng hồi ký Cửa Việt không chỉ đơn thuần làm cái việc kỷ niệm một thời đã qua mà cái chính là tác giả muốn nhắc nhở với cuộc sống rằng: Đừng bao giờ bắn vào quá khứ. Trong khi có kẻ muốn bôi lem vào sự chính nghĩa của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta thì chính những bài hồi ký kiểu ấy…đã góp phần lay gọi những ai mơ hồ tin vào giọng điệu kẻ xấu và thức tỉnh sự cảnh giác. Hồi ký Trần Đình Phùng, Lê Bá Tạo… in trên Cửa Việt nghiêng về sự thổ lộ, tâm tình nhắn gửi hơn là sự kể lể, hoài niệm…
3.2. Văn học có cái nhìn đúng về hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của nhân dân ta. Yêu nước, yêu quê hương nồng nàn và gan góc đánh giặc là nét đẹp văn hóa thể hiện đặc sắc rõ rệt nhất ở con người Quảng Trị. Văn thơ in trên Cửa Việt ít nhiều đã góp phần làm sáng tỏ điều này. Truyện ngắn và thơ viết về cuộc kháng chiến vừa qua khẳng định thêm cái chất anh hùng của con người Quảng Trị. Không né tránh việc mất mát hy sinh. Không có sự lợi dụng việc viết về nó để đánh nhòe ranh giới giữa chính nghĩa hoặc đề cập chiến tranh một cách chung chung, tù mù lập lờ để làm nên lộn sòng bản chất của nó.
3.3- Nhiều tác phẩm trên tạp chí để cập sâu sắc đến cuộc sống hôm nay. Bên cạnh những vầng sáng là những quầng tối. Cái tốt và cái xấu. Hay và dở… Bằng cái tâm trong sáng người viết ngợi ca, tôn vinh cái đẹp. Đó là sự thủy chung, nhân hậu là tấm lòng “thương người như thể thương thân”, dám xả thân vì nghĩa của con người Quảng Trị. Và, ngược lại với điều đó là sự phê phán gay gắt. Rõ ràng, những tiêu cực xấu xa, sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận trong cộng đồng. Cùng với sự phê phán là tiếng nói bảo vệ những cái đẹp của cuộc sống, bênh vực kẻ yếu, chống lại sự bất công bằng. Ký của của Đinh Như Hoan, Lê Đức Dục, Nguyễn Hoàn, Y Thi, truyện của Cao Hạnh, Trần Thanh Hà, Thái Đào, Việt Hùng… đã thể hiện khá rõ điều đó.
Bản sắc văn hóa của miền đất Quảng Trị đã có trên tạp chí Cửa Việt. Phải làm cho nó rõ nét và đậm đà hơn, sinh động hơn. Với tạp chí Văn hóa văn nghệ của Quảng Trị, không thể làm khác được.
N.H.Q