Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Môtip mùa thu trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du

Mùa thu và tâm cảm của Nguyễn Du trong mùa thu có vị trí lớn trong thơ chữ Hán của ông, tạo thành một môtip. Đó là môtip mùa thu. Môtip này là sự lặp đi lặp lại của các thành tố như gió thu, đêm thu, trăng thu... trong hàng loạt các bài thơ viết về mùa thu hoặc có cảm hứng về mùa này. Các thành tố trong môtip mùa thu có khi đậm nhạt khác nhau, tần số xuất hiện nhiều ít khác nhau trong từng bài thơ thu. Sự xuất hiện dày đặc của môtip mùa thu là một yếu tố hình thức, là bằng chứng giúp giải mã, phân tích tư tưởng trong thơ chữ Hán Nguyễn Du.
Trong 249 bài thơ chữ Hán, có 61 bài thơ trình bày cảm xúc về mùa thu hoặc trực tiếp miêu tả tâm trạng, cảnh sắc, không khí mùa thu, chiếm 25% trong tổng số thơ chữ Hán Nguyễn Du. Đây là con số không nhỏ, nếu so sánh với các bài thơ viết về mùa xuân hay đông và hạ. Sự trở đi trở lại của mùa thu và các thành tố của nó (như đêm thu) làm thành một môtip có tính chủ âm trong thơ chữ Hán Nguyễn Du.
Đối với Nguyễn Du, mùa thu (và mùa xuân) là mùa quan trọng, là biểu tượng và dấu mốc đánh dấu cho sự tuần hoàn, chu chuyển của thời gian, hay cảm thức và thời gian, năm tháng được biểu lộ qua ý thức về sự chuyển dịch lặp đi lặp lại của mùa thu (Xuân thu đại tự bạch đầu tân) (Xuân thu đắp đổi đầu thêm bạc) (Tự thán II). Sự luẩn quẩn của cuộc đời, nỗi bi ai vì thời gian qua mau được Nguyễn Du nhìn thấy trong sự trở đi trở lại đầy ám ảnh của mùa thu (Thu chí, Tặng nhân). Mùa thu ám ảnh Nguyễn Du là bởi theo thuyết âm dương, thu thuộc âm, là mùa của âm khí, chướng khí, của gió lạnh rào rạt, của sự rơi rụng, tàn úa. Nguyễn Du u uất vì thân phận mình do đó có sự gặp gỡ giữa tâm cảnh và ngoại cảnh, làm khơi gợi cảm hứng thơ ca trong ông, do vậy mùa thu, các môtip của nó trở đi trở lại trong thơ ông.
Môtip mùa thu có những môtip thành tố nhỏ khác như gió thu, trăng thu. Có một số môtip cố định, không thể thiếu vắng, giúp nhận biết một bài thơ nào đó thuộc về thơ thu như gió thu, trăng thu và đêm thu. Có những bài thơ có tới 7 - 8 môtip thành tố như Thu dạ với các môtip như tiếng côn trùng, lá rụng, sắc lạnh, hơi sương, rét, tiếng chày nện vải và hình ảnh nhân vật trữ tình cô độc, u uẩn. Trong khi đó có những bài chỉ có 1 môtip là “gió thu”.
Thành tố đầu tiên cần xem xét trong môtip thơ thu Nguyễn Du là âm thanh mùa thu (thu thanh). Chúng đa dạng và do đó có thể nói tới sự lặp đi lặp lại, làm thành những môtip nhỏ như tiếng côn trùng, tiếng lá rụng, tiếng chày nện vải, tiếng trống canh, tiếng tù và, gà gáy... Tất cả các âm thanh này với Nguyễn Du đều “nghe buồn khổ”, làm day dứt, không ngủ được, rơi vang trong đêm.
Tuy nhiên, môtip lặp lại có tần số rất lớn, có mặt hầu hết ở các bài thơ thu Nguyễn Du là môtip “gió thu” hay “gió tây”. Gió thu với Nguyễn Du bao giờ cũng gấp gáp, tiêu điều, xơ xác, rào rạt, bạo mạnh, tê tái, se sắt, làm u buồn, nôn nao, xao động (Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp) / (Một mảnh cỏ bồng đứt rễ ở dưới ngọn gió tây thổi gấp) (Tự thán II). Gió đối với các nhà thơ Trung Quốc và quốc gia đồng văn với nó là Việt Nam, “là xung động của vũ trụ, bay trên thế giới giữa tinh thần và vật chất. (I.S Lisevich, Tư tưởng văn học Trung Quốc cổ xưa, Trần Đình Sử dịch, NXB ĐH Sư phạm TP. HCM 1993, tr.93). Gió mang thông tin, sức lực của vũ trụ và tự nhiên, mang sự sinh tạo và lụi tàn, là sự va chạm của âm và dương và bay giữa hai cõi này. Riêng gió thu, bay giữa mùa của khí âm nên làm xao động các khí âm trong tâm hồn thi nhân, làm nên những hồi cố, xót xa. Với Nguyễn Du, gió nối liền hai cõi âm - dương, u - hiển (Thấy hiu hiu gió thì hay chị về) (Truyện Kiều). Nhiều khi ông không gọi gió thu bằng gió thu mà gọi là “gió tây”. Phía tây thường là hướng đầy ghê rợn, sợ hãi, lạnh lùng, là nơi trú ngụ của những linh hồn đã khuất. Hướng tây thuộc âm nên cũng là thế giới của cõi âm, âm khí, lạnh lẽo. Đạm Tiên nói với Kiều: “Hàn gia ở mé tây thiên”, còn cô gái trong ca dao nói: “Anh về để áo cho em / Phòng khi em đắp ngọn gió tây lạnh lùng”. Do vậy, có thể nói, gió tây còn nối liền quá khứ (thuộc âm) và hiện tại (thuộc dương). Gió thu (gió tây) làm cho âm khí trong tự nhiên và con người trỗi dậy, gây nên đau khổ, sầu sát, bi ai. Nguyễn Du lại có thân phận buồn khổ, thất vọng, bất đắc chí, những tâm cảm thuộc âm nên không khí mùa thu hô ứng với thế giới tâm cảm của ông. Những lý do ở trên giải thích vì sao khi mô tả không khí thu, Nguyễn Du rất hay nói đến môtip “gió thu”. Có hai vấn đề được nói tới khi môtip gió thu xuất hiện, đó là thân phận và sự hưng phế của lịch sử, nhân sinh. Ở tiểu đề về thân phận, như thấy trong U cư, Lưu biệt Nguyễn đại lang, Biệt Nguyễn đại lang, Ký Giang Bắc Huyền Hư Tử, Sở vọng, Ngẫu hứng, Giản công bộ thiêm sự Trần..., hình ảnh nhân vật trữ tình hay tiêu tao, u uẩn ngậm ngùi, bất đắc chí, hồi nhớ cố hương, muốn trở về, qui khứ, bất bình vì bị hình sắc sai khiến, không giữ được thiên chân, thiên tính. Ở tiểu đề về sự tồn vong, hưng phế, còn mất của nhân sinh hay là cảm xúc về sự bất định của lịch sử, thấy nhiều trong Bắc hành tạp lục, với các bài Quế Lâm Cù Các bộ, Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cố trạch, Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu..., cái nhìn xem lịch sử, cuộc đời như một sự tàn lụi, hư huyền trong cảm xúc u buồn, tiêu sơ. Khi môtip gió thu xuất hiện thì thấy xuất hiện nhân vật trữ tình hùng tâm đã tiêu tán, không còn nhuệ khí, dương khí và u sầu nhìn về quá khứ lịch sử, thấy ở đó đầy những bại vọng, suy vi, bất định, bất trắc. Ở một số bài thơ thu như Bùi Tấn công mộ, Nhạc Vũ Mục mộ, Từ Châu đê thượng vọng, Dự Nhượng kiều..., có cảm giác Nguyễn Du đã mùa thu hóa cảnh vật và các di tích nơi ông đến, không hẳn những cảnh vật và di tích ông đề cập đang ở trong mùa thu. Mùa thu với đặc trưng (u buồn), do đó cần lắp ghép vào bài thơ để có cơ hội, có dịp giãi bày, trữ tình hay có sự đồng dạng, cộng hưởng giữa tâm cảm và đặc trưng của mùa thu. Do đó, có thể nói tới tính công thức của thơ thu hay khi nói tới những điều thương cảm, bi ai, cần thu hóa các sự kiện, các biến cố. Một cách cụ thể, có thể nói tới bài thơ Bùi Tấn công mộ. Ở đây có một dấu hiệu duy nhất cho biết rằng nhà thơ suy tư về nhân vật lịch sử này trong cảnh thu: Đãng đãng thu nguyên khâu lũng bình (Cánh đồng thu hoang vắng, gò đống bằng phẳng). “Cánh đồng thu” như một sự lắp ghép ý vị thu, sắc khí thu vào bài thơ để nói cái tiêu sơ, tiêu sái của lòng mình về quá khứ, hay nhà thơ đã cố ý chọn lấy một sắc thái, một cảnh thu để làm cho quá khứ thêm tiêu tao, chứ chưa hẳn nhà thơ đang chứng kiến cảnh thu nơi ông đang đề cập. Trong những bài thơ có môtip mùa thu, Nguyễn Du hay nói đến sự tồn vong, còn mất, hay dở, đúng sai của nhân sinh, của lịch sử, của chiến chinh trong quá khứ (Kinh kha cố lý, Dự Nhượng chủy thủ hành, Đồng Tước đài...). Vì sao lại có điều này? Theo thuyết ngũ hành, thu thuộc kim. Kim gợi nhắc tới binh khí, chiến tranh. Nguyễn Du do vậy, theo truyền thống, thường nhìn nhận, suy tư về việc chiếu phạt, giết chóc, biến loạn trong mùa thu. Cũng theo truyền thống có từ đời Chu, thu là mùa của hình quan, mùa của việc xét phán kẻ có tội. Theo đó Nguyễn Du cũng phán xét, cân nhắc tội trạng của các nhân vật lịch sử trong mùa này, qua các bài thơ thu. Mùa thu còn là mùa của tế lễ, cầu khẩn (xuân thu nhị kỳ), cầu hồn, độ vong (như thấy trong Văn tế thập loại chúng sinh cũng của Nguyễn Du). Vì thế Nguyễn Du thường hồi cố, quay về dĩ vãng để nhớ thương, điếu phúng, gọi hồn (Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu, Tương Âm dạ...).
Trong những bài thơ có môtip mùa thu của Nguyễn Du, môtip “đêm thu” lặp lại với tần số cao, dù Nguyễn Du cũng có nói đến chiều thu (Tạp ngâm, Giang đầu tản bộ, Đồng Lung giang...). Nguyễn Du rất hay suy tư và ông chọn không gian đêm thu, một không gian thích hợp, để làm điều đó. Đêm thuộc âm, đêm thu khí âm càng dày, phù hợp với trạng thái u uẩn, trầm uất trong nội tâm thi sĩ. Trong những đêm thu, nhà thơ thường bồi hồi, dằn vặt, day dứt, miên man ngẫm nghĩ, cô độc một mình (Ngẫu hứng, Giản công bộ thiêng sự Trần) hoặc u buồn, đau khổ (Thu dạ, Bát muộn). Đêm thu có khi thanh vắng, tịnh mịch nhưng phần nhiều là có những âm thanh “buồn thương” (tiếng tù và, tiếng nhạn, gió tây thổi, tiếng côn trùng...). Trong ngũ âm, âm thanh mùa thu, nhất là đêm thu thuộc về thương (bi thương). Đó cũng là chủ âm trong thơ thu của Nguyễn Du. Với môtip “đêm thu”, nhân vật trữ tình không suy tư về điều gì khác mà hướng nội, lấy thân phận mình làm đối tượng trung tâm trong sự ngẫm ngợi.
Trong thơ thu Nguyễn Du, như vậy nhân sinh, con người, đền miếu, lăng tẩm, quá khứ, đều được nhìn từ lăng kính mùa thu. Nhà thơ không vịnh cảnh, tả cảnh, vịnh vật để từ đó tỏ lòng, thuật chí mà để trình bày thân phận và biểu thị cảm hứng về nhân sinh, về lẽ đời.
Thu với Nguyễn Du là mùa của chướng khí, hàn lạnh, sương móc, bệnh tật, mùa làm tiêu tan tráng chí, làm u ám, âu lo, tóc bạc (Lam giang, Khai song, Tạp ngâm...). Môtip gió thu và đêm thu biểu lộ điều đó. Hơn thế, màu sắc trong thơ thu cũng góp phần cho thấy thế giới bên trong của thi nhân. Màu sắc chủ yếu thuộc gam màu lạnh, héo úa, tàn tạ, tiêu điều. Đó là màu lá vàng, màu mây vàng, nước bạc, màu cỏ thu xơ xác... (Thu chí, Tạp ngâm, Ngẫu hứng...). Rất hiếm gặp màu xanh, màu đỏ, những gam màu của sự sống, sự hưng phấn. Những màu sắc này được miêu tả những khi nhân vật trữ tình gắng gượng sau bệnh tật. Có khi dù màu sắc có sắc độ của sự hồ hởi, của sức sống nhưng nhà thơ vẫn là kẻ đau khổ hay tâm trạng của ông đã u sầu hóa cảnh vật, nhìn cảnh vật với con mắt sầu đau (Tạp ngâm, Tân thu ngẫu hứng, Giang đầu tản bộ...).
Như vậy, môtip thơ mùa thu Nguyễn Du có hai tiểu môtip lớn là “gió thu” và “đêm thu”. Đây là hai thành tố quan trọng, làm nên cấu trúc các bài thơ thu Nguyễn Du. Chúng là những hình thức giúp biểu đạt tư tưởng nhà thơ. Có cùng hai môtip lớn, cơ bản đó nhưng sắc thái, tình điệu, giá trị biểu cảm của mỗi bài thơ thu là khác nhau, không giống nhau. Chẳng hạn hai bài thơ thu Sở vọngNgẫu hứng đều có chủ đề là nhớ quê hương trong mùa thu nhưng bài đầu biểu đạt nỗi buồn nhớ khi đang trầm tư về sự hưng vong của cuộc đời, làm nỗi buồn nhớ thêm u uất, nặng trĩu. Bài thứ hai nói nhà thơ quay đầu lại nhìn quê hương, thấy mây trắng bàng bạc trôi. Quê hương ở bài thơ này nằm trong hình ảnh mây trắng, gợi lên tình điệu, cảm xúc man mác, dịu vời, không u uất như ở bài một.
Thơ thu Nguyễn Du hướng nội, nói về thân phận cá nhân và trầm tư về lẽ đời trong sự suy tưởng, liên hệ đến thân phận của riêng nhà thơ, khác với thơ thu Đường thi (như thơ Lý Bạch, Cao Thích, Lý Đoan, Tiền Khởi, Bạch Cư Dị, Trương Cửu Linh...) hướng ngoại, với môtip chủ yếu là trăng sáng, với không gian cơ bản là không gian vũ trụ rộng dài, mang phong khí thời đại. Nói chung thơ thu Đường thi tinh tế, lắng đọng, có màu sáng, không u uất, buồn tối như thơ thu Nguyễn Du. Với những đặc trưng riêng về màu sắc, ánh sáng, các môtip và tâm cảm của nhân vật trữ tình, thơ thu Nguyễn Du có vị thế riêng, đặc thù, khác biệt với thơ thu các nhà thơ trước ông như Nguyễn Trãi và sau ông như Nguyễn Khuyến. Điều này cũng góp phần cho thấy sự độc đáo của thơ thu Nguyễn Du nói riêng và văn chương ông nói chung trong di sản văn học dân tộc.

T.N.H.T

TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 229 tháng 10/2013

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

8 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

13 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground