Vinh dự và sứ mệnh cao cả của tác giả là cống hiến, là sáng tạo. Từ hiệu ứng hưởng thụ thưởng ngoạn của công chúng tác động, nâng cấp sáng tạo của tác giả. Lúc sinh thời Bác Hồ từng chỉ ra: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm mỹ thuật có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức biểu hiện trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì thấy bổ ích”. Đó là quan hệ nhân quả, sống còn, bất di bất dịch giữa tác giả và công chúng, giữa mỹ thuật và xã hội. Hình thành chu trình liên hoàn khép kín liên tục diễn ra, thúc đẩy mỹ thuật qua tranh minh hoạ và trình bày măng- sét không ngừng thăng tiến.
Dù nghệ thuật trình bày măng- sét bìa và minh hoạ đã trở về với sự quan sát tự nhiên, những sáng tác của các hoạ sĩ lớn nhất ở Vơ-ni-dơ và Hà Lan trong lĩnh vực này được thể hiện với lối hoà trộn đường nét và mảng tinh khiết, rực rỡ trên sách minh hoạt thời trung cổ vẫn đem lại nhiều gợi ý. Lấy ví dụ như bức minh hoạ “Những người chăn cừu” của Poussin cho thấy một hình mẫu đẹp đẽ, hài hoà mà các hình thể đều có sự hô ứng với nhau. Mọi vật đều được đặt đúng chỗ, không có gì ngẫu nhiên hoặc mơ hồ.
Có lẽ chưa bao giờ mỹ thuật qua tạp chí Cửa Việt lại đi vào công chúng, đi ra các tỉnh, thành phố nhiều và rộng rãi như bây giờ. Đã qua rồi cái thời chỉ Nhà nước cao cấp cho văn nghệ, nhưng văn nghệ dù bất cứ tỉnh nào thời đại nào cũng cần có “Mạnh thường quân”, cần có sự bảo trợ của Nhà nước, của tập thể hoặc cá nhân. Sự bảo trợ không phải là bao cấp, không phải là sự ban phát, cho không mà là sự thúc đẩy mỹ thuật, văn học của Cửa Việt tiến lên theo định hướng của mình.
Trong công việc của hoạ sĩ, khi nhận sáng tác một kiểu thức măng-sét cho phần bìa, ấy là lúc bước vào cuộc lao động căng thẳng nhưng đầy hứng thú, chẳng khác nào bắt đầu một cuộc phiêu lưu để tìm ra viên ngọc qúy cho vương quốc riêng của mình. Và để đảm bảo thành công thường phải hội đủ các yếu tố như tri thức khoa học, kiến văn xã hội, sức tưởng tượng nhạy bén và xúc cảm nghệ thuật tinh tuý, kết hợp với kỹ xảo của nghệ thuật đồ hoạ.
Tuy kiểu thức bìa măng- sét chỉ là một tín hiệu thị giác để nhận biết về một đơn vị mà nó đại diện, nhưng cái khó đạt tới nhất là sự hàm súc và tối giản. Ví như kiểu thức măng- sét Cửa Việt hiện nay, chính nó đã qua nhiều thăng trầm nay lại trở về vị trí cũ. Chữ và biểu tượng Cửa việt đơn giản nhưng chứa đầy ý nghĩa. Cái mà mọi người chấp nhận nhưng không dễ nghĩ ra được. Nó có cấu trúc chặt chẽ và mạch lạc, gây được tín hiệu ẩn tàng sức mạnh nội tại. Chính vì vậy nó là một kiểu thức măng sét độc đáo. Một khi đã ra đời thì mặc nhiên sẽ trở thành một đại diên tinh thần, giao lưu rộng rãi với cuộc sống và có vận mệnh lâu dài cùng lịch sử.
Tạp chí Cửa Việt măng-sét bìa từ số 1 đến số 17 ra đời là của tác giả Hoàng Ngọc Biên (Tp. Hồ Chí Minh). Sau đó Tạp chí Cửa Việt dừng lại và hoà nhập cùng Tạp chí Văn hoá của tỉnh để trở thành Tạp chí Cửa Việt ngày nay.
Từ số 1 tháng 6 năm 1994 đến số 12 tháng 6 năm 1995, kiểu thức măng-sét Cửa Việt thay đổi qua một dạng khác. Cách trình bày chữ đã không gây được ấn tượng lớn ngay khi nó mới bắt đầu ra đời, trái lại gây sự tranh cãi rất nhiều trong giới mỹ thuật và công chúng. Mỗi chữ nổi bật rõ ràng bằng kiểu thức đường viền xung quanh cứng nhắc, thiếu tính thẩm mỹ, sự thanh thoát, tan biến lung linh của nét. Đôi khi “co” chữ còn tự mâu thuẫn, du nhập một phương pháp sáng tác cách tân duy lý, đơn điệu, thiếu lô gích, thiếu sức thuyết phục chúng ta, do vậy tự nó đã mai một.
Về phần trình bày tranh bìa thì đưa tràn hết bìa một, đó cũng là một kiểu thức trình bày nhưng không nên lặp lại đúng như thế ở các số sau. Cách trình bày tranh tràn chiếm lĩnh hết phần bìa tạo ra ảo giác về không gian, như đã từng vốn có ở bìa tạp chí “Mỹ thuật thời nay” của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nhưng kiểu thức trình bày ấy chỉ phù hợp với khổ 20x25cm của tạp chí “Mỹ thuật thời nay’, hơn nữa, các số kế tiếp họ đã suy tính rất kỹ để có sự thay đổi hợp lý, luân phiên.
Kiểu thức trình bày măng- sét Cửa Việt lại một lần nữa khẳng định giá trị tự thân qua những số sau, từ số 13 năm 1995 đến số 27.1996. Sự khám phá trở lại đã được ghi nhận rõ nét qua sự tiếp thu học tập, khai thác cái đã có ở măng-sét đầu tiên, là sự kết hợp nhuần nhị Đông Tây, mới cũ trong thế cân bằng lý tính - tình cảm, xét cho cùng là điều hợp lẽ tự nhiên…
Những năm trước cách mạng tháng Tám, những bài nghiên cứu của Nguyễn Đỗ Cung về kiểu thức trình bày mỹ thuật đăng trong tạp chí của các nhóm “Thanh Nghị” và “Xuân Thu nhã tập”, chẳng những có giá trị lúc bấy giờ mà nhiều nhận định đánh giá về mỹ thuật trong đó có kiểu thức trình bày măng-sét của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung. Các bạn đọc đã quen những những bìa sách, tạp chí Pháp thì hơi thấy khiếu thẩm mỹ của mình bị lạc đi khi đứng trước một cái bìa cuốn sách “Việt Nam cổ văn học sử” của Nguyễn Đổng Chi 1942, bìa “Mai hạc”-1942, bìa “NGõ hẻm”-1943, bìa “Nguồn sinh lực”, “Ngoại ô” năm 1944 do hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung trình bày. Nhưng khiếu thẩm mỹ cũng như các cái khác, rồi cũng phải tiến hoá nghĩa là biến đổi.
Lại từ một phía khác, thấy bìa cuốn Truyện Kiều của cụ Tố Như, ngày đầu thế kỷ in ở Hàng Gai, cái bìa một kiểu. Và từ đó đến nay đã biết bao lần “Kiều” được tái bản. Song đã có lần nào bìa “Kiều” giống lần nào.
Trong thế kỷ hai mươi này, kể từ khi có cuốn sách đầu tiên in bằng chữ Quốc ngữ, bìa sách, sau đó là tạp chí đã gắn cới các thế hệ hoạ sĩ. Những bậc cao niên hội hoạ như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn đã từng là những người tạo “mốt” đầu tiên cho trang phục sách, những kiểu thức bìa. Sau đó là đến các hoạ sĩ lớp kế tiếp như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên. Đặc biểt ở thế hệ này, các hoạ sĩ như Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Sĩ Ngọc… đã tạo một ấn tượng mạnh cho văn minh bìa sách. Cũng chính những người này đã ghi đậm dấu ấn cho tranh minh hoạ, tranh phụ bản ở các tạp chí. Sau đó lại đến thời của những Lê Huy Hoà, Trần Lưu Hậu… Nổi lên là măng-sét bìa Hoàng Hữu, là đặc sản một thời trong thế giới măng-sét. Bìa sách Hoàng Hữu nổi tiếng như bài thơ “Hai nửa vầng trăng” của anh. Cùng thời này ở miền Nam cũng không thể nào quên được những tên tuổi như: Đinh Cường, Hoàng Ngọc Biên… Còn đến bây giờ là thời kỳ của những Thành Chương, Hoàng Hồng Cẩm, Phạm Quang Vinh, Việt Hải, Văn Sáng…
Còn về bìa Tạp chí Cửa Việt - Quảng Trị ngày nay là của tác giả Hoàng Ngọc Biên, sự chinh phục độc giả mới được hoàn chỉnh. Nghiên cứu ta thấy nó hội đủ về tư tưởng, về tạo hình, về cơ chế phản ánh… Chính vì thế sự hài hoà tổng hợp về bố cục chung của bìa trong đó có hình khối, tỉ lệ, màu sắc, ánh sáng, không gian… đều rất quan trọng để thể hiện giá trị thẩm mỹ của nó.
Minh hoạ trong Tạp chí Cửa Việt đến với độc giả nhanh và nhạy hơn ngôn ngữ văn học. Vì nó được người đọc nhìn bằng trực quan cụ thể thông qua hình ảnh. Gọi là minh hoạ vì nó diễn tả khoảnh khắc tiêu biểu, điển hình nhất toàn bộ cốt truyện bằng ngôn ngữ hội hoạ đưa vào lòng những trang Tạp chí. Nó chính là khoảnh khắc điển hình của không gian điển hình. Nó là hình tượng tiêu biểu, thú vị nhất mà hoạ sĩ bằng cảm hứng chủ quan của mình đã chớp lấy trong tác phẩm văn học để vẽ lên những hình tượng cụ thể cô đọng, khái quát đáp ứng được tác phẩm. Từ đó làm giàu trí tưởng tượng cho bạn đọc hiểu sâu hơn về nội dung văn học. Hơn nữa nó là công việc đầy sáng tạo của người hoạ sĩ với mục đích truyền thụ tình cảm và thẩm mỹ bằng hình ảnh và đường nét tạo hình cốt làm sáng tỏ thêm, rõ nghĩa thêm về nội dung văn học. Nó có tác dụng tăng sự hấp dẫn và tạo sức lôi cuốn để thu hút bạn đọc, đồng thời nó làm cho toàn bộ tờ tạp chí trở nên đa dạng, sinh động hẵn lên. Chỉ kể riêng Tạp chí Cửa Việt thời kỳ đầu những tranh minh hoạ sáng giá của Nguyễn Trọng Tạo: “Ông lang vườn” (Truyện ngắn Franz Kafka, số 3-1990), “Khúc tâm tư thầm lặng” (bút ký-Hạnh Lê), “Chuyện hệ trọng của Điền” (Truyện ngắn - Lê Hùng Vọng, số 6-1991). Minh hoạ của Nguyễn Đính: “Cả một cuộc xung đột máu” (truyện ngắn Rôhêriô Sinan, số 2-1990). Minh hoạ của Phạm Đại: “Bếp lửa” (Truyện ngắn Phạm Ngọc Cảnh Nam, số 3-1990), “Những người không biết nhau” (Truyện ngắn Hồng Nhu)… một thời đã tạo ra được những tranh minh hoạ gấy ấn tượng sâu sắc tới bạn đọc.
Thực ra minh hoạ là một loại hình của nghệ thuật đồ hoạ nằm trong nghệ thuật tạo hình. Song nó phát triển theo một giọng điệu riêng, một yêu cầu riêng mà tự bản thân nó có những khái niệm thẩm mỹ, một phong cách sáng tạo riêng của mỗi hoạ sĩ, như minh hoạ của Thế Hà trong truyện nhắn “Xóm chợ đèn chong”, (Truyện ngắn Nguyễn Hữu Quý, số 10-1995), “Kỷ niệm về sông” (Truyện ngắn Phạm Giáp Phê, số 12-1995), hoạ sĩ thể hiện rất lạ những điều gần như tôi chưa hề biết đến. Chính sự không biết đó làm tôi đâm bối rối và quyến rũ tôi. Tôi thấy người ta không có quyền vẽ một cách không chính xác sao? Tôi cũng cảm thấy mạnh mẽ rằng trong tác phẩm này không có chủ đề. Nhưng rồi tôi lại cảm thấy rất ngạc nhiên hình như nó có chủ đề ẩn mà họa sĩ đã phát hiện, kịp nắm bắt? Nó như tự in sâu một cách không xoá nhoà được trong ký ức.
Người không biết chữ, người ít chữ, trẻ em… đều có thể tiếp nhận minh hoạ và thông qua minh hoạ trong Tạp chí Cửa Việt để hiểu thêm cốt truyện. Vì thế minh hoạ đòi hỏi hoạ sĩ phải thấu hiểu với người viết, có cốn sống thực tế dồi dào, có lập trường chính kiến vững chắc và có trình độ văn hoá nhất định để tạo được xúc động thích ứng với nội dung văn học, như minh hoạ D.M.C trong truyện ngắn “Vết thương’ của Hà Đình Tuấn, số 10-1995.
Ưu thế chủ yếu của minh hoạ là ở chỗ dù văn học tuy miêu tả giỏi đến đâu cũng không thể thay thế bằng hình tượng cụ thể và khái quát cô đọng như nghệ thuật tạo hình được. Như vậy, minh hoạ là sáng tác một lần nữa cái mà văn học không thể cụ thể hoá bằng hình tượng được. Có thể nói hoạ sĩ là tác giả thứ hai sau nhà văn. Trong minh hoạ Trịnh Hoàng Tân “Trái bóng mùa xuân” của Nguyễn Hoàng Đức (số 9-1995), “Câu chuyện mèo hoang” Truyện ngắn của Lê Thị Tuyết Nga (số 11-1995)… Gồm những đường thẳng đứng (Vetical - diễn tả ý chí) và đường nằm ngang (Horizontale- tượng trưng sự nghỉ ngơi) đối chọi với nhau, loại bỏ mọi sự tham khảo đến vật ngoại giới. Chúng ta biết rằng không phải dễ gì tạo thành hiệu suất với minh hoạ chỉ có sự tổ chức các đường nét. Các bức minh hoạ của họa sĩ thuần tuý và suy tư.
Minh hoạ bao giờ cũng vẽ sau nội dung văn học. Hình tượng được thể hiện không gò bó, không thụ động. Đó là thể loại nghệ thuật đòi hỏi phải có trí tuệ. Sự giáo dục thẩm mỹ của nó trực tiếp ngay vào từng ngày như từng hạt cát vào biển cả. Với bao nhiêu phong cách, bao nhiêu bút pháp của mỹ thuật qua tạp chí Cửa Việt tạo cho người xem hiểu dần cái đẹp.
Các bước minh hoạ của Trần Đình Huy có một phong cách riêng, chắt lọc, ý tưởng dễ hiểu, thẩm thấu, cô đọng. Minh hoạ của anh thật sự gây ấn tượng mạnh, theo tôi, chỉ có hai bức: “Chú heo chơi đểu” (Truyện ngắn Georges G. Toudouze số 8- 1995) và “Người bạn trong mơ” (Truyện ngắn Việt Hùng, số 16- 1996). Bố cục ngoạn mục do sắp xếp các mảng, các nét dung dị, có ngôn ngữ hội hoạ. Rõ ràng hai bức minh hoạ của anh phải có cảm hứng sáng tạo và tính độc lập riêng của mình mới đảm đương nỗi chức năng này.
Có thể cảm xúc của hoạ sĩ để sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật không trùng khít với ý định, cảm xúc của văn học, bởi nguyên tắc của minh hoạ phải cùng đi với văn học, ra trình diện trước công chúng bạn đọc. Như có lúc nó tựa hồ vượt lên trước, vẫy gọi người đọc lại gần mở đường cho văn học đi sâu vào lòng người. Nó không nhất thiết phải nhiều tình huống lắt léo như văn học. Nhưng phải là một hình ảnh thật cụ thể trực tiếp. Và dù cốt truyện thế nào chăng nữa, tâm lý người xem bao giờ cũng khao khát cái đẹp trong hình tượng của nghệ thuật minh hoạ. Lấy minh chứng trung thực qua cuộc thi tranh Bắc miền trung do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tháng 11-1996. Loạt tranh minh hoạ tạp chí của hoạ sĩ Tiêu Cao Sơn - Nghệ An, đoạt giải nhì. Bên cạnh đó tranh minh hoạ của hoạ sĩ Trịnh Hoàng Tân - Quảng Trị chỉ đoạt giải Ba. Điều ấy, cho thấy minh hoạ là nghệ thuật đồ hoạ đích thực có tiếng nói riêng biệt, sắc bén, cũng tiềm ẩn nội dung và hiệu quả nghệ thuật không thua gì các tranh hội hoạ khác.
Tờ tạp chí Cửa Việt được đi khắp mọi phương trên đất nước, do đó minh hoạ có một ưu thế hơn mọi ngành khác của mỹ thuật là nó có địa bàn rộng lớn để phát triển chức năng giáo dục thẩm mỹ và hơn thế nữa là để tự giới thiệu những gương mặt sáng giá về mỹ thuật của tỉnh nhà với khát vọng sáng tạo. Sau khi tờ Tạp chí Cửa Việt đã qua nhiều bước ngoặt, bước ngoặt nào cũng dứt khoát.
Do lòng yêu thương Tạp chí Cửa Việt, các hoạ sĩ thường có cái nhìn đam mê về mọi thứ trong tờ tạp chí, làm cho ta có thể xác định được: Mỹ thuật qua Cửa Việt sẽ dần dần đạt được những thành tựu đầy ấn tượng, đầy hứa hẹn và là dòng chảy dây chuyền chuyển biến trong nhận cảm.
Có thể kể ra đây những hoạ sĩ từng chinh phục mọi người qua Tạp chí Cửa Việt ở giai đoạn từ số 13.1995 đến số 27.1996. Minh hoạ Trương Minh Dự “Người xe tơ” (Truyện ngắn Đỗ Quốc - Hải Lăng, số 15.1995). Minh hoạ Phạm Phi Trường “Hai người mẹ” (Truyện ngắn Lê Thị Mây, số19.1996), “Gặp gỡ” (Truyện ngắn Trần Cao Tiễn, số 20.1996), “Phiên chợ” (Truyện ngắn Nguyễn Tiến Đạt, số 23.1996), Minh hoạ Trần Nguyên Lưu, “Dì tôi (Truyện ngắn Trần Thanh Hà, số 11.1995), “Nơi heo may không thổi tới” (Truyện ngắn Trần Thanh Hà, số 17.1996).
Nhìn vào Tạp chí Cửa Việt, người ta có thể đánh giá bộ mặt văn hoá, chính trị và trình độ nghệ thuật của Ban biên tập. Minh hoạ đẹp là gieo hạt mầm thẩm mỹ, thậm chí nó phải làm cái mà văn học không nói lên được. Cửa Việt thường xuyên bao hàm, chứa đựng mọi khả năng đó. Thật vậy, bằng ngôn ngữ của nghệ thuật hội hoạ, ngoài việc đóng góp vào giáo dục thẩm mỹ rất lớn cho độc giả, mỹ thuật qua Tạp chí Cửa Việt còn làm cho họ biết khám phá, biết phân biệt cái cao thượng, cái tầm thường, cái đẹp và cái xấu... trong mọi mặt. Hình tượng trong minh hoạ càng chân thực, cảm quan bao nhiêu càng đậm đà và có sức truyền cảm bấy nhiêu.
Chính trong thời gian này, những kiến thức vi- nhét đề mục và hoạ tiết trang trí chỗ trống trong tờ Tạp chí Cửa Việt cũng đã trưởng thành thêm một bước. Các hoạ sĩ đã có những sáng tác vi- nhét mục đề trong hình vuông mang đậm tính cảm xúc trực giác. Đây là bộ sưu tập vi- nhét phản ánh bình diện các chuyên mục trong tờ Cửa Việt. Kiểu thức vi- nhét và hoạ tiết trang trí chỗ trống được hình thành một cách khách quan, chuẩn xác.
Những đỉnh điểm, sự kiện và bước ngoặt quan trọng của Cửa Việt được đặt vào quỹ đạo phát triển nhiều năm qua hoàn thiện dần, trong đó phải kể đến sự chuyển hoá vi- nhét, hoạ tiết trang trí chỗ trống từ các số đầu tiên là một hiện tượng thẩm mỹ lặp đi lặp lại không phải là không đáng kể. Cũng chính từ sự trưởng thành của tờ tạp chí mà những nhận định về mỹ thuật được đính chính, được trả về vị thế xứng đáng của nó của nó trong mạch thẩm mỹ dân tộc.
Cửa Việt thời kỳ khởi đầu thường dùng các vi- nhét mục đề bằng những đường thẳng, đường ngang, tạo ra những chỗ cắt chéo, hoặc phân biệt tách rời nhau để biểu hiện cái thăng bằng của bố cục hình vuông. Và hơn thế nữa là các vi- nhét ấy thường qúa lớn so với tỉ lệ trang giấy, không bộc lộ mối liên hệ và khuynh hướng vào với mục đề. Các vi- nhét ấy dần dần bị đẩy vào lỗi thời. Nó không làm được sứ mệnh hội hoạ trên phương diện hai chữ Cái đẹp tạo hình và Ý nghĩa hình tượng.
Hành trang của những vi- nhét thời kỳ sau đã có sự chuyển đổi, có tính thuyết phục, nhất là tự bản thân nó đã hoàn chỉnh về hình tượng, về bố cục, về phong cách, về bút pháp và giá trị thẩm mỹ. Nó hoàn toàn có giá trị độc lập của một sáng tác vi- nhét biểu trưng. Sự biểu hiện bằng phương tiện hội hoạ thích hợp với từng vấn đề được nảy ra tư duy thẩm mỹ, từ trình độ nghệ thuẩt khái quát hoá tính chất của mỗi mục đề cần giới thiệu. Đó là cánh cửa, là trang đầu của GÓC BIỂN HCÂN TRỜI, NGƯỜI VÀ ĐẤT QUÊ HƯƠNG, THƯ TOÀ SOẠN… được mở rộng ra dẫn độc giả đến với sự hiểu biết ngày càng thú vị. Thời kỳ này hoạ sĩ sáng tác vi- nhét mục đề cho tạp chí Cửa Việt thành công nhất phải kể đến T.H.T.
Ngoài các vi- nhét mục đề, ta nhận thấy hình tượng trang trí khác cũng không kém phần quan trọng. Đó là hình thể hoạ tiết trang trí phần trống của trang sách. Các hoạ sĩ nhất là hoạ sĩ trình bày Hồ Thanh Thoan đóng góp một phần không nhỏ trong xử lý và làm đẹp thêm các hoạ tiết trang trí phần trống. Những hoạ tiết ấy xây dựng được hình tượng những con người mới lành mạnh, những điệu múa dân gian, những tĩnh vật sinh động nêu được nội tâm nhân vật, và sự vật bằng phương pháp đi những đường nét rất mảnh, không diễn tả mảng, khiến người xem cảm thụ được vẻ đẹp của những người lao động làm chủ với giá trị cái đẹp của hình tượng nêu lên.
Mỹ thuật qua Tạp chí Cửa Việt vẫn còn tiếp tục như một đề tài vĩnh cửu, nguồn cảm hứng bất tận của nhiều thế hệ hoạ sĩ. Những hình tượng trong minh hoạ, vi- nhét mục đề, hoạ tiết trang trí chỗ trống như một phần kỷ niệm nhắn gửi của các hoạ sĩ. Đề tài tâm huyết và những tác phẩm của họ đã ghi một dấu ấn không thể phai mờ về NỘI DUNG- HÌNH THỨC, một dấu son của mỹ thuật trong Cửa Việt. Có thể tin được rằng, những khám phá sáng tạo của các hoạ sĩ trên những bình diện khác nhau đã gióp phần quan trọng vào sự đổi thịt thay da của Cửa Việt.
Những tác phẩm đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, không phải chỉ về mặt tư liệu mà còn bao hàm cả nghệ thuật tạo hình. Ta không thể quên măng-sét bìa của Hoàng Ngọc Biên (TP Hồ Chí Minh), minh hoạ của Phạm Đại, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Vũ Trọng Thi, Nguyễn Đính, Thế Hà, Phi Trường, Lê Quang Thỉ, Trương Minh Dự, Trần Đình Huy, Trần Nguyên Lưu, Vi- nhét mục đề của Trinh Hoàng tân, Hoạ tiết trang trí chỗ trống của Hồ Thanh Thoan… Đó là những hoạ sĩ gần gũi và thật đáng yêu. Có thể tự hào rằng tờ Tạp chí Cửa Việt so với Tạp chí của nhiều tỉnh bạn, Măng- sét trình bày, minh hoạ, vi- nhét mục đề, hoạ tiết trang trí mỹ thuật thực sự đứng vững và chuyển tải được nội dung mới từ cuộc sống cũng như chuyển tải tốt phẩm chất văn hoá nghệ thuật, có bản lĩnh tự tin và trung thực.
Vì vậy, để xây dựng thị hiếu thẫm mỹ thật tốt và hỗ trợ đúng nội dung tác phẩm văn học, mỹ thuật phải luôn luôn nằm trong mối tương quan với văn học. Điều đó không một nhân tố chủ quan hay ngẫu nhiên nào lay chuyển nổi. Thị hiếu tốt đó là biết công nhận và phát hiện những ưu điểm trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Hơn nữa nó còn biết nâng cao được cái đẹp trong thiên nhiên để sáng tạo thành cái đẹp trong nghệ thuật. Nó phải vừa dễ hiểu, mà vẫn có tác động qua lại với văn học. Vì cả hai VĂN HỌC và MỸ THUẬT cùng đảm đương nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ và mọi phương diện khác. Trong thời mở cửa, tự do sáng tác, đòi hỏi trách nhiệm Cửa Việt phải phát huy cao độ tính độc lập, sáng tạo để những tác phẩm có chất lượng mang đậm tính nhân văn, góp phần xây dựng Tạp chí Cửa Việt giàu bản sắc văn hoá của một vùng đất.
6.1.1997
T.H.T