Yêu quê, nhớ quê rồi tìm hiểu phương ngữ Quảng Trị để gom nhặt lời ăn tiếng nói của ông cha bao đời truyền lại như một báu vật văn hóa cần phải nâng niu, gìn giữ; và sợ mai một nên in thành sách, quả thực tâm huyết này thật đáng trân trọng. Ngay trong lời tựa, người viết đã nói rõ mình là người làng Trà Liên (Triệu Giang, Triệu Phong, Quảng Trị) chạy bom đạn năm 1972 khi vừa một tuổi: Mới vừa chập chưng, chưa bỏ bụ / Mạđã bồồng tui chạy khỏi làng /Pháo tạt sau lưng, người bươn tới / Trời côi đại lộ nắng chang chang.
Tập sách chia ba phần rõ rệt, phần đầu có tên “Miền hoài niệm”, phần hai là “Theo dòng thời sự”, hai phần này là thơ; phần cuối là phụ lục, gồm những bài văn xuôi, tất nhiên dùng phương ngữ Quảng Trịđến mức tối đa, rặt Quảng Trị.
“Miền hoài niệm” như phù sa ký ức, lắng đọng những vần thơ chân tình, mộc mạc nhưng là gan ruột chắt chiu. Có mối tình đơm bôông từ chiếng mội / Trong vạn ngày chị sương nác ê bai / Có bầy em lấm lem dòm bắt tội / Đã nậy khun theo tiếng mạ thở dài / Có một thời béc mắt chộ sắn khoai / Đa vàng óóng, chinh trần đi vô rậy / Côi độộng / Ngồi nghe hơi heo may... (Thời gian vô tình)
Nhưng ấn tượng hơn cả là những bài thơ về gia đình ruột thịt xốn xang lòng người, những hoài niệm thân thương đã hóa thành trai ngọc trong ký ức mỗi người Quảng Trị. Khi neng cỏ đã theo về với đất / Mệ ngoại tui vẫn trệu trạo méng trù / “Nói bờ hớ, lối mi còn nhò nhỏ / Tau đi mần, mi cứ dọi sau khu”. Đây là những câu đặc tả mệ ngoại bằng phương ngữ Quảng Trị rất chân thực, hay vào bậc nhất trong số những vần thơ dân dã mà tôi từng được đọc. Rồi thần thái mệ như một ký họa sắc nét không thể lẫn lộn khi ngồi nhớ người đã khuất: Mười năm trước, ôông râng còn mạnh mẹ / Cũng chín mươi bỗng khuất núi về trời / Từ bựa nớ, mệ buồn hay lặng lẹ / Ngồi nhai trù mà mắt ngó xa xôi... Và bài thơ kết thúc lại vui như ruột rà hội ngộ, chân tình mà xúc động khi muốn tìm về lại tuổi ấu thơ: Mệ ơi mệ, gắng khỏe nhiều nghe mệ / Hè năm ni, con nhích định chạy về / Chừ khun nậy, cứ sèm in lối nớ / Mệ đi mô, miềng dọi nấy thôi tê / “Cấy thằng Nhỏ, mi cứ toàn nói trạng / Mi khung về, tau đi trước đó nghe”... (Mệ ngoại tui).
Hay một bài thơ khác kể chuyện một vợ chồng nông dân đang nông vụ tấn thời thì chồng bị cảm... Bài thơ có tên Ố ố lác lác (ý nói chuyện linh tinh, chẳng đâu vào đâu) nhưng lại như một hoạt cảnh sinh động, giàu chi tiết đời thực, khắc họa sắc nét tâm tình chân quê và kết thúc bằng một nụ cười như nông dân được mùa, tinh nghịch và nói hoang phải biết, đúng chất thôn quê Quảng Trị: Ngay ni người rệu rạo / Mà việc vàn thì hung / Cả dà tứng rựng rựng / Nằm lâu cũng ngại ngùng / Ló chín rạp đưới nác / Mụ vợ cứ càm ràm / Đổ bệnh khung đúng lúc / Chộ việc ngó cũng ham / Rứa bơ xéc kỳ hái / Lưa vợ vác kỳ kiềm / Hai cấy dôông ra rọọng / Bích một buổi mấy triêng / Đầm nác bưa càng bệnh / Mệ cấy cũng thương dôông / Đánh xe bò chở ló / Còn bích lá cho xôông / Mồ hôi in thể tắm / Xôông rồi người dẹ bơng/ Rứa bơ thương vợ lắm / “Mạ mi ơi, vô buồng”.
Phần hai “Theo dòng thời sự” cũng có nhiều bài đọc được. Chuyện bão lụt cũng được ghi lại rõ ràng: Mả cha cấy bạo số 10 / Mần cu su lọi giữa trời tang thương / Eng miềng quệt hột sầu vương / Lấm lòa lấm luện ngó nương đạ sèm / Mạ tra chống cậy hom hem / Cha ngồi mắt nụi kèm nhèm thở ra: / “Bạo ni mạnh dữ bây nà/ Đời tau hung lắm chộ ba bốn lần”... (Bạo về rồi bạo lại đi). Bài Giả giọng cũng là một bài thơ vui, thiệt bụng vàý nghĩa khi nhắc nhở người Quảng Trị phải giữ lấy bản sắc và cốt cách của mình: Eng ni răng lạ ri hè? / Đi mô mấy bựa mà về trạng tra / Giọng mô lờ lớ a nà / “Cửa nhà” eng nhớ, “cựa dà” eng quên / “Rau chêêng” bày đặt “rau dền”/ “Cai chăn” eng chịu,”cái mền” eng chê / Vô Nam ba bựa eng về / Chưa chi giả giọng rứa mà két tê / ...Răng mà tui két dữ ri / Tiếng miềng hay rứa họọc chi tiếng ngoài / Nỏ thè eng nói với ai / Chơ nơi làng cộ ô ngai lắm tề...
Ký ức tuổi thơ - Ảnh: T.L
Phần cuối phụ lục với những bài văn xuôi, nghe tên cũng biết hồn vía và giọng điệu quê nhà: Tiếng làng tui, Dạy kèm tiếng Quảng Trị, Đi mô cũng gặp người miềng, Nông thôn chặng chừ... Cuối bài Đàng về quê mạ, tác giả tâm tình: Ngày cuối ở Quảng Trị mấy eng tam tui đi khắp trung tỉnh, thăm nhà lưu niệm Lê Duẩn, thăm Thành Cổ, địa đạo Vịnh Mốc, bại biển Cửa Việt, Nghĩa trang Trường Sơn... Lưa cha mạ tui tiếp tục đi queng làng thăm bà con. Cha tui cứ càm ràm: “gấp quá, thăm người ni thì bỉ người tê”. Với mấy ôông mụ tra, họ sợ khung biết lần sau có còn sức, còn minh mẩn đi mà về thăm bà con e khôông nữa. Mà kỳ lòng họ thì cứ luôn hướng về làng...”.
Sau mỗi bài dù văn vần hay văn xuôi đều có chú thích, để“dịch” tiếng Quảng Trị ra tiếng phổ thông. Vì không phải ai cũng hiểu hết đặc sản phương ngữ quê nhà, kể cả người Quảng Trị đang sống nơi chôn nhau cắt rốn.
Mặc dù còn đôi chỗ cần bàn luận thêm để thống nhất về mặt ngữ nghĩa nhưng tựu trung, tập sách Eng về Quảng Trị đi eng là một ấn phẩm có chất lượng, khá độc đáo và rất đáng đọc. Trong chừng mực nào đó có thể coi tác giả Ngọc Hồ là một chuyên gia về phương ngữ Quảng Trị. Một điều có ý nghĩa không nhỏ khi mà tiếng quê hương vì nhiều lý do khác nhau đã dần mai một. Xin ghi nhận công sức và tâm huyết của nhà báo Ngọc Hồ, hiện là biên tập viên báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh.
Bởi vậy, đọc tập sách này của Ngọc Hồ là có thêm một tiếng nói tri âm, là thêm ấm lòng khi đón nhận được một tình yêu Quảng Trị nồng nàn và sâu nặng, tha thiết với quê nhà, là món quà chân quê thắm đượm lòng thành, những mong sẻ chia với đồng bào sống khắp mọi nơi, cho dù ở tận chân trời góc bể. Để mỗi khi nhớ ngọn nguồn bản quán thì hãy ới nhau bằng tiếng Quảng Trị quê miềng...
Bài in trên Cửa Việt số chuyên đề 2 (9.2021)