C |
âu đối chiếm một vị trí quan trọng trong văn học Việt Nam. Câu đối là một hình thức sinh hoạt độc đáo, tao nhã của người Việt. Câu đối là nghệ thuật chơi chữ, thể hiện tài năng, trí tuệ thông minh, sắc sảo, khí phách và tình cảm, thái độ trước một con người, một sự việc hoặc một cảnh vật, một đối tượng nào đó mà tác giả quan tâm chú ý đến. Đề tài câu đối cũng khá phong phú và đa dạng nhưng thường tập trung vào: Xuân Tết vui mừng, mừng hỉ sự, ghi công, tang ma, châm biếm; câu đối danh lam, di tích... Trong đó, câu đối xuân vẫn được xem là một nét văn hoá truyền thống trong đời sống sinh hoạt của người Việt.
Về mặt thể loại, hiện nay có rất nhiều cách phân chia. Nếu dựa vào cách làm, người ta phân câu đối thành ba loại: Câu đối sách (lấy chữ hoặc nghĩa trong sách mà đối); Câu đối tức cảnh (thấy cảnh gì thì làm câu đối về cảnh ấy); Câu đối chiết tự (“bẻ chữ” ra mà đối, chữ ở đây là chữ Hán bao gồm cả hình nét và nội dung ý nghĩa của câu chữ). Dựa vào cách tổ chức ngôn từ, câu đối được phân chia thành: Câu tiểu đối (câu đối nhỏ, mỗi vế từ ba đến sáu tiếng), câu đối thơ (câu đối đặt theo lối thơ thất ngôn), câu đối phú (câu đối làm theo thể phú)... Nguyên tắc quan trọng nhất của câu đối là tính đối ngẫu. Hai vế trong câu đối phải cân bằng với nhau từ số lượng từ, thanh âm đến ý nghĩa.
Câu đối bất luận ngắn hay dài, chữ Nôm hay chữ Hán, hoặc nửa Nôm nửa Hán điều cốt ở sự mới mẻ, sâu sắc về nội dung và hoàn thiện độc đáo về hình thức.
Câu đối có từ lâu đời, có nguồn gốc ở bên Tàu. Người Tàu xem câu đối là một thứ “đặc sản văn hoá thượng hạng”, và họ quan niệm: Nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa, thì câu đối tinh hoa của tinh hoa. Câu đối có tên gọi xưa là Đào phù - vốn có nghĩa gốc từ tấm ván (phù) bằng gỗ đào được treo trước cửa để xua đuổi ma quỷ. Theo sách “Tống sử - Thục thế gia” thì câu đối đầu tiên chính chúa nước Thục là Mạnh Sưởng viết trên tấm gỗ đào vào năm 959, câu đối như sau: “Tân niên khai dư khánh/ Giai tiết hạ trường xuân” (Năm mới bày tiệc lớn/ Tiết đẹp mừng xuân dài). Trần Hậu Chủ có một câu đối được xem là chuẩn mực mà các bậc túc nho lấy đó là chuẩn mực là: “Nhật nguyệt quang thiên đức / Sơn hà tráng đế cư” (Nhật nguyệt sáng đức trời / Núi sông ân (vua) nhuần thấm).
Câu đối được du nhập vào nước ta từ rất sớm, lúc đó cùng với sự bành trướng về phương Nam thì văn hoá Trung Hoa đã hoà nhập với văn hoá phương Nam của người Việt cổ và đã trở thành một thành tố văn hoá của dân tộc Việt. Từ lúc nào không hay, câu đối đã trở thành món ăn tinh thần truyền thống của người Việt, một thú chơi tao nhã, phù hợp với nhiều trường hợp, hoàn cảnh và sinh hoạt xã hội khác nhau.
Ngày xuân, nhâm nhi chén rượu, viết đôi câu đối cũng là một cái thú của người Việt ta. Những câu đối bằng mực Tàu giấy đỏ bên cạnh các loại tranh Đông Hồ đã tạo nên quang cảnh ngày Tết. Ngày xưa, Tết đến xuân về trong mỗi gia đình dù có thiếu thốn gì nhưng “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” (Trần Tế Xương) là không thể thiếu. Đây là nét đặc trưng đã có từ lâu đời trong những ngày Tết cổ truyền của người Việt. Những ngày giáp Tết ở những phiên chợ, những phố đông người thường có những ông đồ bày viết thuê:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
(Vũ Đình Liên)
Câu đối Tết thường là câu đối đỏ. Theo quan niệm dân gian, màu đỏ vốn được coi là màu rực rỡ nhất, là biểu tượng của sức sống mãnh liệt. Màu đỏ vừa nổi trội vừa hài hoà với màu xanh của bánh chưng, màu vàng của hoa mai... làm không gian sáng tươi, tạo cảm giác ấm áp trong ngày xuân mới.
Trước hết, tôi xin mở đầu bằng một gia thoại về câu đối: Ngày xuân, có hai ông đồ cùng ngồi nhắm rượu. Ông đồ thôn Đông gắp một miếng chả nhai tóp tép rồi tung ra một vế đối: Chả ngon. Ông đồ thôn Đoài cũng đang bí vì cái từ “chả” hai nghĩa ấy, thì may nắm thay từ gầm gường một con Cóc nhảy ra, miệng cũng nhai tóp tép, ông liền đối ngay: Cóc sướng. “Cóc” đối với “Chả” thật tuyệt vời vì nó cũng mang hai nghĩa như vậy. Ông thôn Đông vờ cắn phải cái lưỡi kêu lên: Ái (vừa là tiếng kêu vừa có nghĩa yêu). Tiếng kêu làm ông thôn Đoài giật cả mình, đánh rơi miếng thịt, bị dính hoen chiếc quần sộp, ông đối ngay: Ối(có nghĩa là hoen ố, lại có nghĩa là ghét). Người ra đối hóm hỉnh, người đối cũng hay. Tài trí dân gian thật tuyệt vời. Câu chuyện thứ hai: Có một lần vua Lê Thánh Tông trong ngày cuối năm đã đóng giả thường dân, ra ngoại thành xem người dân chuẩn bị Tết thế nào. Nhà vua ghé thăm một quán bán trầu nước, thấy gia đình neo đơn, chưa hề có không khí đón Tết, ông đã tự tay viết giúp bà chủ quán đôi câu đối đỏ hoàn toàn bằng tiếng mẹ đẻ treo trước cửa hàng, câu đối như sau: “Nếp giầu quen thói kình cơi, con cháu nương nhờ vì ấm / Việc nước ra tay chuyên bát, Bắc Nam đâu đấy lại hàng”. Câu đối miêu tả một quán bán trầu nước mà ta thường gặp, có đủ cả giầu (cau), cơi (trầu), ấm, nước, bát, hàng... nhưng nó lại mang không khí của bậc đế vương.
Nữ sĩ Xuân Hương làm câu đối trong dịp xuân - Tết dân gian biết bao, tuy còn đôi từ Hán - Việt nhưng độc giả vẫn hiểu: “Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới / Sáng mồng một lõng then tạo hoá, mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân vào”. Ngày xưa người ta thường vẽ hình những cánh cung bằng voi ở sân hoặc ngoài cổng để bắt quỷ, đuổi quỷ đi. Quỷ ở đây còn có nghĩa khác, nhưng nó cũng xuất phát từ tục “vẽ cung bắn quỷ” này.
Câu đối thường treo lên cột, khắc trên khung nhà, hoặc treo ở hai trụ cổng, viết ở cửa, tường nhà, đền chùa, miếu mạo... Đặc biệt hai hàng cột gỗ hai bên thờ phải có câu đối, còn phía trên bàn thờ là hoành phi, cuốn thư... tạo nên một không gian thờ cúng trang trọng, thiêng liêng và hài hoà. Câu đối thờ cũng được viết trên giấy màu đỏ,và nội dung thường bày tỏ lòng biết ơn của con cháu đối với tiên tổ: “Tuế hữu tức thời xuân tại thủ/ Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên” (Năm có bốn mùa, mở đầu bằng mùa xuân; Người ta có trăm tính nhưng tính hiếu thảo là cần trên hết). Hay: “Tổ tông công đức thiên niên thịnh/ Tôn tử hiếu hiền vọng đạivương”.(Công đức tổ tiên ngàn năm thịnh/ Hiếu hiền con cháu vạn đời lưu).
Trên hàng cột ở hiên lại thường dán câu đối ngợi ca cảnh sắc của mùa xuân và miền vui năm mới: “Sơn thủy thanh cao xuân bất tật/ Thần tiên lạc thú cảnhtrường sinh” (Non nước thanh cao – xuân mãi mãi/ Thần tiên vui thú - cảnh đời đời).
Ở trong nhà, câu đối thường mang nội dung thiết thực hơn, gần gũi hơn: “Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ/ Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường” (Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ/ Xuân khắp thế gian, phúc khắc nhà).
Câu đối cầu toàn: “Tân niên hạnh phúc bình an đến/ Xuân nhật vinh hoa phú quý xuân” (Năm mới - hạnh phúc, bình an đến/ Ngày xuân - vinh hoa, phú quý về).
Bên cạnh đó, các nhà nho văn hay chữ tốt còn làm câu đối tức cảnh ngẫu hứng, câu đối vịnh cảnh nhà, cảnh mình và những câu đối chính luận thời đàm, đời sống xã hội... Chúng ta bắt gặp cảnh Tết của một nhà nho nghèo Nguyễn Khuyến, mà lòng vẫn phơi phới sắc xuân khi giao thừa sắp đến: “Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa/ Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông phúc vào nhà”. Hiểu rõ vần xoay của tạo hoá thi nhân Vị Hoàng vẫn ước mơ: “Có là ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết ước gì nhỉ/ Một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân”.
Ngoài ra, mỗi khi Tết đến người ta còn dùng câu đối đỏ để dán ở nơi các cửa chuồng lợn, chuồng trâu, chuồng bò và ở các thân cây ổi, dừa, mít nhãn... với ngụ ý cầu mong cho mọi sự được tốt đẹp, sinh sôi nảy nở trong một năm như lợn, trâu, bò hay ăn, chóng lớn, sinh đẻ đầy đàn, và cây cối thì đơn hoa kết trái. Qua đây, chúng ta thấy cái thú chơi câu đối được cha ông ta coi trọng biết nhường nào!.
Bàn về câu đối thì có thể nói là vô cùng, để kết thúc bài viết, cũng là để đón Tết Kỷ sửu - Năm kỷ Sửu, với mục đích thật khiêm hạ giúp vui bạn đọc ba ngày xuân chúng tôi xin đưa ra vế đối có chơi chữ Việt - Hán - Pháp khá rắc rối, mời bạn đọc đoán thử và đối lại xem nhé !
“Thủ môn chịu bó tay để đối thủđánh đầu ghi bàn đầu mừng Tết”
(Chữ Hán, thủ là từ đồng âm với ba nghĩa khác nhau. Tiếng Pháp tête, đọc là tết cũng có nghĩa là đầu, đầu cũng có nghĩa là đầu tiên- ban đầu)
B.N.H