Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngày xuân đọc lại

 

T

rong một bài thơ viết trên giường bệnh, trước khi mất vài hôm Thanh Hải tâm sự:

                        Ta làm con chim hót

                        Ta làm một cành hoa

                        Ta nhập trong hoà ca

                        Một nốt trầm xao xuyến

                                                       (Mùa xuân nho nhỏ)

Đó là tiếng nói tự nguyện, khiêm tốn, tự đánh giá toàn bộ cuộc đời thơ của mình - tiếng nói chân thành và tin yêu của một nhà thơ chiến sĩ.

Xuất hiện từ những năm năm mươi, nhưng phải đợi đến những năm sáu mươi khi những bài thơ miền Nam “vượt tuyến” ra Bắc, Thanh Hải mới thực sự làm quen với bạn đọc. Anh thành công và được đánh giá đúng từ những bài thơ đó như: Mồ anh hoa nở, Cháu nhớ Bác Hồ. Thanh Hải cũng là một hiện tượng chứng minh rằng: Cách mạng sinh ra anh, anh là nhà thơ của cách mạng. Trong suốt ba mươi năm cầm súng và cầm bút, trải qua nhiều gian khổ Thanh Hải đã giữ đúng tư thế ấy: Kiên trung, bất khuất. Nhà thơ chiến sĩ đã làm việc cho đến phút chót của đời mình. Mưa xuân đất này (1) khẳng định sự cống hiến đó.

Với hai mươi bảy bài thơ và một trường ca, Thanh Hải viết nhiều vẫn là con người, mảnh đất Bình - Trị - Thiên ruột thịt. Tình cảm đối với quê hương, đối với nhân dân, đồng chí, bạn bè trong chiến đấu cũng như trong hoà bình dựng xây là mạch cảm xúc tiếp nối toàn bộ đời thơ anh. Anh khai thác những mẩu thực tế của đời thường, từ một giấc ngủ trăn trở nơi làng quê, chuyến đò qua phá, cho đến sắc trắng của hoa sen, quả cam trong bệnh viện…

     Đêm trong hợp tác không dài

     Mà bao ngày tháng như đầy một đêm

                                                                (Ngủ đêm ở hợp tác xã)

Đây không chỉ là giấc ngủ nữa, mà là sự gói gọn, cô kết bao chặng đường vất vả ở một tác xã nông nghiệp thành lập sau ngày giải phóng.

Một mẩu hiện thực khác của đất nước trải qua nhiều cuộc chiến:

                 Mùa đông còn se lạnh

                 Áo chưa đủ hai mùa

                 Cơm mì và canh cua

                 Sốt rét rừng chưa dứt

                                              (Xa em giữa mùa nước lũ)

Một tâm trạng:

                 Người Huế yêu nhau không lấy được nhau vẫn nhớ

                 Người Huế giận hờn chỉ nước mắt rưng rưng

                                                                  (Mùa xuân Huế)

Và cả lời nhắn nhủ ân tình, bao dung với những ai rời bỏ Tổ quốc ra đi:

                 Ôi con thuyền lênh đênh

                 Sóng dồi ngoài mặt biển

                 Đi về đâu, về đâu

                 Có nghe lời của bến

                 Bến chẳng giận thuyền đâu…

                                             (Những con thuyền lênh đênh)

Dù ở đề tài nào, Thanh Hải cũng biết cách đặt và lý giải vấn đề, sao cho bài thơ gắn cái riêng của mình với cái chung. Cái “tôi” trong thơ không tách khỏi quỹ đạo cuộc sống, nó làm cho cuộc sống qua thơ có góc cạnh, đa dạng hơn. Thí dụ qua các bài thơ: Mùa xuân nho nhỏ, Ốm, Quà bệnh viện…

Thanh Hải còn viết tổ khúc thơ và trường ca. Hành khúc người ở lại  là trường ca duy nhất của anh(2). Mặc dầu chưa hoàn hảo, nhưng nó đã khái quát được một phần cuộc đấu tranh đầy gian khổ của nhân dân Trị Thiên - Huế trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Dù bệnh tật ngày càng một nặng hơn, Thanh Hải không chịu dừng lại. Anh vẫn tìm tòi, vươn tới, sao cho câu thơ dung dị mà không cũ, không mòn. Anh vẫn giữ được giọng điệu mộc mạc, tự nhiên của con người Huế, con người miền Trung:

Mùa xuân – Ta xin hát

                                 Câu Nam ai, Nam bình

                                 Nước non ngàn dặm mình

                                 Nước non ngàn dặm tình

                                 Nhịp phách tiền đất Huế

                                                             (Mùa xuân nho nhỏ)

Giọng điệu ấy ngày một thêm da diết, chân thật:

                                 Trái me chua em làm mứt để dành

                                 Mạ vẫn nói: ưng nhau thì đợi…

                                                           (Mùa xuân Huế)

Là người cầm bút có trách nhiệm với cuộc sống, tin và yêu cuộc sống, Thanh Hải không mệt mỏi, không chịu bó tay, ngay cả khi nằm liệt giường, anh vẫn băn khoăn: Những vần thơ không biết / Có còn như xưa không?

Câu trả lời không ai khác ngoài tiếng nói yêu thương đầy lạc quan của một tâm hồn trong sáng và thuỷ chung. Thanh Hải đã làm được điều ấy. Mưa xuân đất này là tiếng nói chân thật, nóng hổi, rút từ gan ruột mình, như người trồng vườn cố gắng trồng những hàng cây sau cùng, trước khi nằm xuống sao cho có ích với đời.

 

H.V.T

Hoàng Vũ Thuật
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 196 tháng 01/2011

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

12 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground