Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghe dạ khúc mùa thu

Đ

ọc hết tập bản thảo thơ của Phan Đăng Quy tôi không có cảm giác như thường có của một người đang lần theo từng con chữ, khám phá ý nghĩa của những cảm xúc để rồi kết luận xem bài nào hay, bài nào tạm được, câu thơ nào xứng với bát gạo đồng tiền...Không. Cảm giác tôi lúc này, đêm của tiết Thu phân mưa rã rích, là đang nghe, nghe Quy thủ thỉ, nghe anh ngâm nga, có chỗ thì phảng phất chút men nồng đủ để giọng anh ngất ngưởng, chỗ lại u trầm thâm thuý, lúc thì thương nhớ quắt quay, lúc thì hào sảng đắc ý, lúc già sọm đi vì nỗi ưu tư, lại đôi lúc thấy anh trẻ lại hoặc là cố gượng cười để trẻ lại. Tập bản thảo thơ chưa đặt đề tựa, thứ tự từng bài không hề có chủ đích sắp đặt, toàn tập không biểu hiện một ý đồ tập trung chủ đề gì...Cả tập thơ là một sự ngẫu hứng, là những khúc ngâm tản mạn, khúc ngâm lúc tỉnh lúc say của một con người đã ở sườn dốc cuối thu.

Tôi lắng nghe và đồng cảm với Phan Đăng Quy vì mấy lẽ. Quy cùng trang lứa với tôi. Anh sinh năm Hợi ( 1947), tôi năm Tuất. Nơi sinh của Quy là làng Trương Xá- Cam Hiếu- Cam Lộ, một mảnh đất điển hình của sự đối đầu lịch sử ở Vĩ tuyến 17 này, cũng là vùng quê nặng trĩu kí ức chiến tranh đối với tôi và đã từng ám ảnh, thổn thức trên nhiều trang viết của tôi. Cuộc đời Phan Đăng Quy mới nghe cứ tưởng bình thường hoặc thông thường như nhiều số phận khác, nhưng ai đồng cảm lại nhận ra sự đặc biệt của một kiếp sống. Anh li quê phiêu bạt hàng mấy chục năm, nhưng không phải để kiếm tìm sự đổi thay căn bản, cũng không vì công tác hay do hoàn cảnh bắt buộc nào, đi khỏi đất Cam Lộ nhưng Phan Đăng Quy vẫn làm nông nghiệp, vẫn một kiếp sống thanh bạch thôn dã, anh bước chân đi không vì giấc mộng vàng nơi miền đất hứa, mà thân xuôi vạn lí  trong trạng thái như thể kẻ mộng du...

Những năm tháng ở Sài Gòn và mấy tỉnh miền Tây, Phan Đăng Quy đã trình làng 2 tập thơ. Khắc khoải xuất bản 2003, Những giọt đời xuất bản năm 2005 đều ở Hội Văn học Nghệ thuật Bến tre.

Nay thì, như cái lẽ đời rung rung lá rụng về cội, Quy trở về với con sông Hiếu để làm tròn chữ hiếu với tổ tông ông bà, anh cùng vợ đang ngày đêm phụng dưỡng mẹ già, hương khói trên bàn thờ tổ tiên.

Tôi phải trở về Cam Lộ quê hương`

Chăm sóc mộ phần hương khói tổ tiên

Bên dòng Hiếu Giang những mùa mưa đổ

Trôi chảy vào tôi nỗi nhớ phù sa.

                                            ( Trở về )

Tôi cho rằng, nếu như người làm thơ có rất nhiều con đường để tiếp cận đời sống và cũng nhiều cung bậc, nhiều phương pháp để biểu đạt cảm xúc của riêng họ, thì người cảm thụ thơ cũng có rất nhiều cách để thấu hiểu được nhà thơ. Đọc một tập mới của một nhà thơ đã thành danh mà ta thường hay nói là nhà thơ chuyên nghiệp, người đọc thường săm soi, đối chiếu để xem xem anh ta hôm nay có gì mới, có gì khác so với anh ta hôm nào, cả về tư tưởng lẫn phong cách nghệ thuật. Cái mới ấy có lúc đã đưa nhà thơ vượt lên một tầm vóc cao hơn nhưng cũng không hiếm trường hợp đã hạ anh ta xuống đẳng cấp chân đất. Còn với một tác giả vốn chân đất và đang nguyên rin chân đất kiểu như Phan Đăng Quy, tôi vẫn muốn lắng nghe hơn là đọc, bởi ở những tâm hồn thơ này, chữ nghĩa, ngôn từ không phải là thứ quá quan tâm, tôi muốn biết trong đêm, ở dưới mái nhà dân dã, nơi vùng quê yên ả bên con sông Hiếu xanh trong và lặng lẽ kia, kẻ có tâm hồn đa cảm và đã từng có một cuộc sống phiêu bồng lãng du hơn nửa kiếp người ấy, nay khi chiều tà bóng xế, ngồi tịnh tâm như thiền nơi cội nguồn sinh thành, lòng anh đang ngân lên những nốt thăng trầm thế nào?

Rất nhiều khúc cảm khái ngợi ca. Cảm khái trước anh linh các liệt sĩ thành cổ Quảng Trị bên bờ Thạch Hãn, anh như thẩm thấu được hương hồn họ đang bay bay như thể hương đàn trong câu ca xa xưa ở đất này " Không thơm cũng thể hương đàn / không trong cũng thể nước nguồn Hàn chảy ra"

Khí phách bay bay nguồn hương nhớ

Xương máu hoá dòng thơ tuyệt luân..

                                   ( Hương đàn)

Cảm khái về Bác Hồ, về thi hào Nguyễn Du, về tâm hồn và cốt cách cao cả của cụ bà thân mẫu của Bác:

...Thoi đưa trung hiếu vuông tròn

Võng đưa vinh nhục mỏi mòn mắt xanh

Tảo tần quên tuổi thanh xuân...

                                 ( Bên mộ Bà )

Cũng có nhiều khúc chiêm nghiệm chuyện đời, đạo đời theo triết lí  Khổng tử, Lão tử; cũng nhiều nỗi nhớ bâng quơ những miền quê xa xứ đâu đó trên đường đời lãng du...Cũng có đôi ba chỗ khúc ngâm buông thượt như một tiếng thở dài, thối chí.. Con người ta khi ở tuổi này, trong những đêm thanh vắng, cái sự nghĩ vẩn vơ, nghĩ bao đồng hoặc vài kỉ niệm chẳng đầu chẳng cuối cũng là lẽ thường. Những khúc ngâm thành thơ kiểu ấy là anh tự ngâm cho anh nghe, những lúc như vậy có lẽ Phan Đăng Quy không hề nghĩ đến độc giả.

Tuy nhiên, sau tất cả mọi điều thì cảm khái về quê hương, về tổ tông ông bà, về tình cha nghĩa mẹ...vẫn là những khúc ngâm da diết nhất, sâu nặng nhất. Lắng nghe đến những đoạn này ta nhận ra Con người - Nhà thơ của Phan Đăng Quy.

Cánh diều nhấc cánh hoàng hôn

Tuổi thơ nhấc cánh tâm hồn bay cao

Già nua nào có chi nào

Gối đầu mái tóc - bạc phau hiên đời

                                   ( Hiên đời)

Hay:

Vọng từ sâu thẳm thời gian

Lời ru nước mắt dặm ngàn bao la

Chập chững bước đã mất cha

Quặn thắt thân chiếc, xót xa  đường trần...

                                     ( Xót xa)

Hoặc:
Hương cau thầm nhớ hơi Người

Trầu xanh thầm nhớ vuốt mười ngón tay

Bình vôi thầm nhớ ngoáy xoay

Cối trầu thầm nhớ xáy thay lợi già..

Biệt li Bà hỡi lệ nhoà

Cau vàng, trầu úa, bình đà khô vôi...

                                    ( Nhớ ngoại )

Và như thế, tôi đã lắng nghe anh, đồng điệu với anh, một phận người biết ngâm nỗi đời thành tiếng thơ. Tôi muốn có thêm nhiều bầu bạn lắng nghe anh nên mới viết những dòng này.  Mong rằng Phan Đăng Quy sẽ có thêm được nhiều bằng hữu ấm áp trong những tháng ngày cuối thu. 

X.Đ

                          Trúc Sơn Trang tiết Thu phân 2009

(*) Dạ khúc mùa thu – thơ – Phan Đăng Quy – Nhà xuất bản Hội nhà văn – tháng 6 năm 2010

Xuân Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 191 tháng 08/2010

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

7 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground