Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghe “người làng Mai” kể chuyện “cổ tích”

Trong những người con của Quảng Trị, do hoàn cảnh gia đình và công việc phải sống xa quê hương, ông Trương Quang Đệ là một tên tuổi đã xê dịch nhiều nơi, từng làm chuyên gia ở châu Phi: Đi khắp 4 phương trời, hiểu nước Pháp như chính nước Việt, hiểu tiếng Pháp như chính tiếng Việt, nhưng vẫn còn đó một Trương Quang Đệ, người trí thức Việt ra đi từ làng Mai (Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, cũng người “làng Mai”, trong bài Tựa đầu sách Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc).

Ông Trương Quang Đệ vừa cho in cuốn Tiểu thư khuê các thời loạn lạc (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2021), trong đó có nhiều câu chuyện về quê hương Quảng Trị một thời đã xa, đẹp và huyền ảo như là “cổ tích”.

Là một nhà khoa học, một chuyên gia dạy và làm sách về Pháp ngữ nổi tiếng, hình như ông Trương Quang Đệ không có ý định làm văn và cũng không quan tâm đến đề tài và thể loại văn học mà chỉ muốn ghi lại chân thực những kỷ niệm buồn vui trên những chặng đường đời 85 năm với hy vọng những “lời quê chắp nhặt dông dài” sẽ không gây buồn chán cho quý bạn hữu gần xa như ông tự bạch.

Cuốn sách chỉ khiêm tốn 140 trang, gồm 5 truyện, trong đó truyện dài nhất hơn 90 trang có tiêu đề rất gợi cảm nên được chọn làm tên sách.

Truyện Tiểu thư khuê các thời loạn lạc, Trương Quang Đệ ghi theo lời kể của một cô gái từ miền quê sông La khi tác giả gặp lại sau bao cuộc bể dâu. Lần gặp đầu tiên như là vụng trộm trong đêm, chỉ giây lát bên lũy tre sau căn bếp thơm nồng mùi khoai nướng thời cải cách, do gia đình cô đang bị bao vây; tác giả liều mình tìm đến để tin cho cô biết anh trai cô (cũng là thầy giáo của tác giả), đang đau nặng. Chỉ vậy thôi. Sau những biến động như trời long đất lở, biết bao anh em một nhà cũng phải chia lìa kẻ Nam, người Bắc, kẻ còn người mất, chuyện gặp lại cô gái chẳng có chi ràng buộc ấy tưởng là nhờ thủ pháp hư cấu; thế nhưng tác giả cho biết đó là sự thật hoàn toàn, chỉ đặt tên mới cho cô là Liên Hoa.

Ông đã gặp lại cô sau ngày đất nước thống nhất trong cuộc họp đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội (ông là con rể Hà Tĩnh). Khi đó, Liên Hoa y như các tiểu thư Pháp thời đế chế, nhờ được một sĩ quan quân đội cưu mang từ thời cô ra Hà Nội kiếm sống năm 1956.

Mãi gần đây, sau khi cô đọc câu chuyện gặp nhau ngày xưa bên lũy tre thơm lừng mùi khoai nướng mà ông Trương Quang Đệ “hồi ký” trên Facebook, trong dịp vào Sài Gòn thăm con, cô mới tìm đến ông, kể lại chi tiết cuộc đời đầy chông gai thời tuổi trẻ.

Thân phụ của cô từng là Tham tán Khâm sứ ở Viên-chăn (Lào), về nước thăm bố đau nặng (năm 1946), nên ở lại tham gia kháng chiến. Bất chấp bố là cán bộ cấp tỉnh, thời cải cách, cô đang học Trường Trung học Phan Đình Phùng thì bị đuổi, tài sản gia đình bị tịch thu, mấy mẹ con phải ra ở trong cái lều dựng tạm…

Đã phải viết trên 30 trang sách, nhưng có lẽ ông Trương Quang Đệ vẫn chưa ghi hết được những nỗi gian khổ cùng cực của mấy chị em Liên Hoa xoay trở đủ nghề kiếm sống, rồi tìm mọi cách xin giấy đi thăm bố ở trại giam và lấy cớ đưa mẹ xuống Vinh chữa bệnh để có cơ hội trốn ra Hà Nội trên một thùng xe tải bịt bùng suốt 3 ngày đêm.

Phải thêm 60 trang sách nữa, tác giả mới cho bạn đọc biết cô gái trốn chạy khỏi quê hương đó đã từng bước vượt qua mọi thử thách và thành đạt như thế nào. Khi cô theo học Trường Đại học Tài chính-kế toán ở Phúc Yên, trên đường về thăm nhà, mấy lần suýt chết vì bị kẹt trong các ga xe lửa ngay lúc máy bay quần đảo trên đầu. Tháng 12 năm 1972, khi cô ở phố Khâm Thiên với các em thì bom B.52 dội xuống, nhờ hầm kiên cố mà thoát chết. Cả người sĩ quan là nơi cô nương tựa buổi đầu ra Hà Nội cũng một thời gặp nạn, mặc dù anh từng tham gia các trận đánh bảo vệ Thủ đô năm 1946, rồi hoạt động bí mật trong vùng Pháp chiếm đóng, chỉ huy đánh địch trên quốc lộ 5, huân huy chương đựng đầy cặp da, nhưng vì gia đình thuộc diện tư sản, lại lấy vợ con nhà địa chủ-quan lại, anh phải đi lao động cải tạo ngay lập tức ở nông trường Bắc Sơn. Chính vào những ngày tháng ngặt nghèo đó, chị đã động viên anh cố gắng thích nghi với cuộc sống mới. Đời em đã có những lúc bi đát hơn thế này nhiều. chuyện nhà, em sẽ lo chu đáo… Nhờ thế mà vị sĩ quan “thất thế” đã phấn đấu được đi học Trường Đại học Bách khoa, rồi dần trở thành Hiệu trưởng Trường Quản lý xí nghiệp (Bộ Công nghiệp). Đúng là “vàng thật không sợ lửa”! 

Nhân vật trong tác phẩm của Trương Quang Đệ không có chiến tích nổi danh, nhưng chính lớp người thầm lặng mà đầy nghị lực, giàu ý chí vươn lên như Liên Hoa mới là bằng chứng có trọng lượng về sức mạnh và sự đóng góp của khối quần chúng chiếm một nửa thế giới. Có thể nói như vậy, vì lớp người như Liên Hoa không có một sự ưu đãi nào cả, thậm chí còn bị ngáng trở mọi bề mà vẫn thành đạt. Cũng có chút may mắn là trên đất Bắc, cô đã gặp được chị Tâm cùng một bà tiểu thương và thầy hiệu trưởng Trường Nguyễn Du - những con người như là Quan Thế Âm Bồ Tát hiện hình giúp đỡ, cưu mang. Từ cô gái mang tiếng oan con nhà địa chủ bị đuổi học, đuổi ra khỏi nhà, phải trốn ra Hà Nội kiếm sống, lại gặp bao gian nan nữa mà vẫn trở thành giảng viên đại học, rồi mua được nhà ở Hà Nội và cả TP Hồ Chí Minh.

Bên chiến tích của một con người giàu nghị lực như Liên Hoa, là vẻ đẹp nhân hậu của bà mẹ thôn quê Quảng Trị và những cô dân công thời giới tuyến 17 mới xuất hiện (truyện Man mác tình thương). Trong kháng chiến  chống Pháp, có thời gian gia đình gửi Trương Quang Đệ nhờ bà Bích người bà con xa chăm sóc. Một thời gian dài, tôi là lẽ sống của họ, vậy mà nhiều năm liền, tôi quên bẵng họ và bị cuộc sống cuốn hút… cho đến trước lúc đi Pháp, ông mới ghé thăm. Họ mừng như thấy chính Đức Phật hiện ra trước mắt họ. Trong khoảnh khắc, tôi muốn bỏ hết công việc, xếp hết mọi thứ trên đời để ở lại với họ suốt đời, cảm thấy không có hạnh phúc nào chân chính hơn là sống bên cạnh những người thương yêu mình.

Tình cảm hồn nhiên và đôn hậu của những cô gái dân công đắp đường mà cậu học sinh Trương Quang Đệ tình cờ gặp khi trở lại thăm quê ngày giới tuyến 17 chưa đóng sau 20/7/1954 cũng thật đẹp. Sau 1975, ông trở về thăm bà con thì mới biết trong số dân công ngày xưa chỉ còn duy nhất chị Châu ở lại làng ngày ngày chăm con bò ngoài ruộng, mặc thường xuyên chiếc áo tơi bằng lá đan nón. Chị nghẹn ngào thấy tôi và nhất quyết bắt tôi phải đến nhà chị ở một ngày để nghe chị kể về những cô khác vắng mặt.

Những con người thật bình dị, như là vô danh, nhưng chính họ lại là nơi neo giữ cốt cách, tâm hồn người Việt - trong đó không ít người thuộc lớp tinh hoa của dân tộc.

Câu chuyện ngắn nhất trong cuốn sách lại chính là chuyện tình đầu đời của tác giả. Chàng hẹn nàng 8 giờ tối gặp để nói lời đoạn tuyệt vì gia đình nàng do dự thấy chàng có vẻ phiêu lãng, không được nghiêm chỉnh. Đúng giờ, đến gần điểm hẹn là đài phun nước cạnh hồ Hoàn Kiếm, qua bao nhiêu suy tư, chàng chợt nghĩ, nếu muốn chia tay thật sự, cần thiết gì phải nói nên lời? Thế là chàng quay gót, về nhà, rồi chợp mắt bàng hoàng tỉnh dậy, ruột gan cồn cào. Chàng chạy một mạch ra điểm hẹn, đã hơn 11 giờ khuya. Nàng vẫn đứng chờ. Và kết cục có thể bạn đã đoán biết: Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Câu kết là bài học tác giả gửi bạn trẻ hôm nay: Hôm đó việc gì sẽ xảy ra nếu tôi không trở lại đài phun nước? Câu chuyện gợi nhớ một truyện cổ tích quen thuộc thể hiện vẻ đẹp của lòng chung thủy.

Chuyện cuối tập sách mang tên Một truyện gần như cổ tích, tác giả nghe một học trò bật mí về lai lịch kỳ lạ người mẹ của mình, khi ông dạy tiếng Pháp một trường sơ tán ở Hưng Yên: Đó là một bà đầm người Pháp, sau vụ du kích đánh mìn ô tô chở tên sĩ quan, cô ta được cứu sống nhưng bỗng mất hết trí nhớ, ngôn ngữ và dần tự nguyện làm vợ người du kích.

Chuyện Lênh đênh sông nước cũng gần như cổ tích, là những cuộc gặp khó hình dung khi tác giả lênh đênh tản cư trên con thuyền ở quê nhà Quảng Trị thời đầu chống Pháp. Một cuộc đi có thể nói là lạ lùng, bạn đọc hôm nay dễ tưởng là tác giả hư cấu. Thật khó hình dung là ở Quảng Trị thời đầu chống Pháp lại có chuyến đi vừa phiêu lưu, vừa lãng mạn và giàu tình nhân ái như thế.

Trên thuyền có 4 người. Ông Kha chừng 50 tuổi, vừa chủ thuyền, vừa cầm chèo, không vợ con, sống độc thân trên sông nước từ bao đời nay. Ông được thuê dài hạn, chở chúng tôi đi tránh những trận càn của giặc … Người thứ hai là chị Yến, một nữ sinh xinh đẹp, nhưng ít nói, đóng vai trò chính trong chuyến du hành có vẻ bất tận. Những tiểu thư cùng tuổi 16 với chị ở làng hoặc đã theo chân bộ đội Vệ quốc đoàn đi lên rừng kháng chiến, hoặc đã vào thành phố sinh sống trong vùng giặc chiếm; còn chị không biết lựa chọn thế nào cho ổn, lên rừng thì sức lực chị không kham nổi, vào thành phố “làm Việt gian” như cách nói thời đó thì chị ớn lạnh cả người.

Thế rồi, sau một trận càn, chị đang nấp trong cái hầm gần chuồng heo, may mà cái thanh sắt dài quân giặc xăm hầm không trúng; gia đình đành gửi chị lên thuyền. Giữa không khí chiến tranh đó, khung cảnh thiên nhiên Quảng Trị vẫn hiện ra đẹp như mơ:

Sông nước quê tôi mênh mông bát ngát, phía Tây làng tôi là ngã ba Gia Viễn, nơi tụ họp hai con sông lớn bắt nguồn từ dãy Trường Sơn. Từ ngã ba ra biển, không biết có cơ man nào là đảo, to có nhỏ có, sum suê cây cỏ hay trần trụi cát trắng. Có hai hòn đảo lớn gọi là Duy Phan và Hòn La, thường được gọi là cù lao dừa và cù lao dương liễu … Chim chóc trên các cù lao nhiều vô kể. Chúng bay đêm thành đàn rợp trời, tiếng kêu chát chúa không lúc nào ngớt … Thuyền chúng tôi cứ men theo các đảo hay các cù lao, thấy giặc có mặt ở chỗ nào thì chúng tôi lặng lẽ rẽ qua đảo khác. Những tán cây um tùm hoa lá che chở cho chúng tôi … Bác Kha vừa là người lái đò tài năng, vừa là đầu bếp thượng hạng. Bác dọn cho chúng tôi những bữa ăn ngon lành với tôm cua bắt được…

Không tiện trích dẫn thêm nữa, nhưng còn biết bao điều kỳ thú trong chuyến du hành vô tiền khoáng hậu này với những cánh đồng bỏ hoang đầy dưa hấu, dưa gang, cảnh bác Kha săn chim cuốc, vịt trời, rồi cái thú nhảy ùm xuống sông bơi tắm thỏa thích. Còn chị Yến thì dần tươi cười, không ngại hát bài nhạc vàng bất hủ Con thuyền không bến mà ở chiến khu thời đó không ai dám hát: Đêm nay thu sang cùng heo may / Đêm nay sương đêm mờ chân mây…

Nhưng sự đời quả là vô thường, cô tiểu thư Yến không may đau thương hàn nặng, thập tử nhất sinh, vậy mà đã được một đốc-tờ Tây trong thành Quảng Trị bị tạm chiếm cứu sống…

Giữa thời cuộc lắm sự kiện “nóng” như hôm nay, hồi ký những câu chuyện như trên, kể cũng là lời quê chắp nhặt dông dài. Nhưng đọc những câu chuyện như là cổ tích qua giọng văn giản dị của người con làng Mai Trương Quang Đệ, chúng ta có thêm niềm tin là với nghị lực và lòng nhân ái, con người sẽ vượt qua mọi thử thách trên đường đời đầy chông gai. Hy vọng tác giả tuy đã vượt qua tuổi 85, sẽ tiếp tục “dông dài” những câu chuyện đời xưa đặc sắc về đất và người Quảng Trị, trong đó có thân phụ của ông, vị trí thức từng là Chủ tịch đầu tiên của tỉnh Quảng Trị sau Cách mạng Tháng 8/1945.

N.K.P

NGUYỄN KHẮC PHÊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 331

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

11 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground