Mô hình giấy phòng chống Covid-19 do Thanh Trà sáng tác | Giấy là một trong những phát minh kỳ diệu của con người cách đây từ hàng nghìn năm trước. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, giấy được sản xuất với nhiều mẫu mã, chất liệu, màu sắc và có độ cứng khác nhau. Chính những điều này, cùng với trí tưởng tượng và sự sáng tạo của con người đã tạo nên nhiều loại hình nghệ thuật đặc trưng và phổ biến từ giấy. |
Dựa trên chất liệu giấy, các nước trên thế giới đã tạo nên nhiều loại hình nghệ thuật có thể kể tên như: Origami (nghệ thuật gấp, xếp giấy), Paper craft (nghệ thuật cắt xếp giấy), Kirigami (nghệ thuật cắt giấy), Quilling (nghệ thuật xoắn giấy), Collage art (nghệ thuật xé dán)… Origami là loại hình nghệ thuật gấp giấy có xuất xứ từ Nhật Bản, mang dấu ấn văn hóa quốc gia. Chữ Origami trong tiếng Nhật Bản bắt nguồn từ hai chữ: ori là gấp (xếp) và gami là giấy. Nghệ thuật gấp giấy kết hợp những cách gấp đơn giản để biến mảnh giấy từ hình chữ nhật hoặc hình vuông (có thể là hình khác từ mặt phẳng 2 chiều) thành những hình dạng (3 chiều) từ đơn giản cho đến phức tạp. Các hình dạng được xếp từ giấy rất đa dạng, thể hiện sinh động hình ảnh các loài động vật, hoa lá, dụng cụ sinh hoạt hằng ngày hoặc hình dáng con người trong cuộc sống. Một số mẫu xếp giấy đơn giản như chiếc thuyền hay máy bay giấy thường gặp ở cấp tiểu học, và cũng có thể phức tạp như hình kỳ lân, phụng hoàng… Gấp giấy là loại hình nghệ thuật độc đáo đòi hỏi sự khéo léo, óc sáng tạo và được yêu thích tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều người cho rằng đây là môn nghệ thuật đại chúng, vì nó không phân biệt quốc gia hay giàu nghèo. Mọi người có thể dùng bất cứ loại giấy nào để gấp một bông hoa, một cánh chim để đem lại những phút giây thư giãn cho mình và người thân.
| ||
Paper craft là loại hình nghệ thuật tạo mô hình 3D (không gian ba chiều) qua các công đoạn cắt, xếp và dán từ giấy (thường là các loại giấy bìa cứng). Loại hình này bắt nguồn từ châu Âu và được phổ biến đến các nước khác trong thời gian gần đây. Các mẫu mô hình giấy trước đây được thiết kế thủ công bằng tay tốn rất nhiều thời gian và công sức, nay việc ứng dụng các phần mềm hỗ trợ thiết kế 3D (3Dsmax, Maya, Blender…) giúp việc tạo mẫu vật dễ dàng và nhanh chóng hơn. Hiện nay những người đam mê Paper craft có thể dễ dàng tìm kiếm miễn phí các mô hình giấy yêu thích trên mạng Internet thông qua các diễn đàn hoặc các trang thư viện về hình mẫu mô hình giấy. Đối với các mô hình giấy phức tạp, đẹp hoặc đặt hàng “duy nhất” cần phải tốn chi phí để sở hữu. Khi đã có mẫu thiết kế, việc đầu tiên cần làm là in mẫu trên giấy bìa cứng, tạo các đường gấp, cắt lấy chi tiết hình thể và đến công đoạn dán hoàn thiện tác phẩm. Paper craft đòi hỏi quan trọng nhất là sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Một mô hình giấy đẹp và phức tạp đôi khi các mảnh ghép lên đến hàng trăm, hàng nghìn chi tiết. Với sự đa dạng về mẫu mã, Paper craft mang đến cho những người yêu thích loại hình nghệ thuật này một trải nghiệm thú vị trong việc tạo nên những nhân vật, đồ vật yêu thích có hình dáng và màu sắc chân thực. Kirigami là loại hình nghệ thuật cắt giấy của người Nhật Bản, thường được sử dụng làm những tấm thiệp sinh động hoặc những tác phẩm bắt mắt gây hiệu quả thị giác cao. Ở nhiều nước trên thế giới nghệ thuật cắt giấy phát triển với những kỹ thuật khác nhau và có nhiều tên gọi, tên thông dụng là Paper cutting. Hiện nay Kirigami được chia thành 4 nhóm chính là 0 độ, 90 độ, 180 độ và 360 độ. Các tác phẩm được thực hiện từ những nhóm này đều có nét đẹp và ý nghĩa khác nhau, tùy vào mục đích của tác phẩm người thiết kế sẽ lựa chọn loại hình thể hiện. Hầu hết người nghệ sĩ dùng giấy và dụng cụ cắt như kéo, lưỡi dao để tạo ra những tác phẩm tinh xảo. Trước sự thay đổi của công nghệ ngày nay, một số tác phẩm được sử dụng công nghệ cắt bằng máy laser rút ngắn thời gian hoàn thiện, giúp tác phẩm tinh tế và sống động hơn. Một số nước trong đó có Việt Nam, kết hợp nghệ thuật cắt giấy Kirigami với ánh sáng từ đèn led để tạo tranh đèn giấy 3D xuyên sáng. Loại hình này cần chú trọng việc lựa chọn chất liệu giấy đảm bảo không bị ảnh hưởng do nhiệt độ từ đèn và hơi ẩm của môi trường trưng bày tác phẩm. Tranh đèn giấy có nhiều lớp để tạo chiều sâu không gian tùy vào bối cảnh và bố cục tác phẩm. Quilling là nghệ thuật xoắn (cuốn) giấy, sử dụng giấy và dụng cụ hỗ trợ để cuộn tròn và ghép thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Hiện nay rất khó để xác định loại hình nghệ thuật này xuất phát từ đâu, nhưng một số tài liệu cho rằng Quilling rất phát triển ở châu Âu vào khoảng thế kỷ 18. Từ nguyên liệu thể hiện tác phẩm là những dải giấy đầy màu sắc, cần một chút kỹ thuật và sự tỉ mẩn, bất cứ ai cũng có thể tự tay làm những bức tranh độc đáo để trang trí trong không gian ngôi nhà. Hình thức thể hiện các tác phẩm xoắn giấy có thể kết hợp cùng những nét vẽ, hoặc các mảng giấy cắt hình khối để tạo hình nhân vật. Nghệ thuật xoắn giấy mới du nhập vào Việt Nam ở những năm gần đây, vì vậy người thể hiện còn bị hạn chế ở kỹ thuật tạo hình tác phẩm có tính thẩm mỹ cao và tạo dấu ấn tại các triển lãm cá nhân, hiện chỉ mang tính nhỏ lẻ được bày bán tại các quầy lưu niệm của các khu du lịch như: phố cổ Hội An, Hà Nội… Collage art là nghệ thuật dán, cho phép người nghệ sĩ tạo hình tác phẩm từ việc ghép các thành phần khác nhau. Vật liệu thường được sử dụng là giấy, được cắt (hoặc xé) từ tranh vẽ, lịch treo tường, giấy báo…, tuy nhiên một số họa sĩ có thể sử dụng các chất liệu khác như vải, gỗ, đồ vật… để thể hiện tác phẩm. Sáng tạo loại hình nghệ thuật này là nghệ sĩ lập thể Georges Braque và Pablo Picasso. Thuật ngữ “Collage” bắt nguồn từ một từ trong tiếng Pháp “coller” có nghĩa là “dán”. Khi du nhập vào Việt Nam, Collage art đã trở thành một nét văn hoá nghệ thuật riêng biệt, được gọi là tranh xé dán. Nghệ thuật tranh xé dán Việt Nam mang những hình ảnh thân thuộc, đời thường trong cuộc sống hàng ngày của của người dân. Cái khó trong thể loại tranh xé dán đó là việc thể hiện gam màu bố cục, việc tìm giấy đúng gam màu luôn khiến người thể hiện trăn trở. Một bức tranh xé dán có kích thước lớn và chất lượng thường phải đầu tư thời gian rất lâu, vì thế dòng tranh nghệ thuật này rất kén người theo đuổi. Loại hình nghệ thuật này tại một số nước khác thường bị bắt lỗi bản quyền tác phẩm, do người thể hiện xé, cắt dán nguyên khung hình nhân vật từ sách, ảnh, báo hoặc tạp chí. Ở Việt Nam các họa sĩ sử dụng mảnh ghép từ giấy để lấy chất liệu và màu sắc thể hiện tác phẩm, vì thế tác phẩm cuối cùng luôn được đánh giá cao về tính thẩm mỹ và công phu. Loại hình nghệ thuật từ giấy du nhập vào Việt Nam từ rất sớm có thể nói đó là nghệ thuật xé dán (tranh xé dán). Việc thực hiện tác phẩm yêu cầu sự chỉn chu, kiên nhẫn trong việc phân loại và lựa chọn từ chất liệu cho đến gam màu của giấy. Nguyên vật liệu sáng tác phải được “dự trữ” khối lượng lớn mới chủ động trong việc sáng tác. Chuyên sâu về loại hình nghệ thuật này hầu hết là họa sĩ và người yêu hội họa đã có tuổi, một độ tuổi trầm ổn và đam mê nghệ thuật. Mỗi người thể hiện tác phẩm sẽ có một phong cách, một lối thể hiện riêng biệt. Bố cục và màu sắc tác phẩm được thể hiện tinh tế, ngẫu nhiên theo cảm xúc của người sáng tác, vì thế tác phẩm từ loại hình nghệ thuật xé dán thường là “độc bản”, một bản duy nhất không thể sao chép được kể cả chính người đã sáng tác ra bản gốc. Thành công ở loại hình nghệ thuật này có họa sĩ Phi Loan (Hà Nội) với tác phẩm “Ngày hội”; Hồ Hoàng Đài (TP. Huế) với tác phẩm “Kinh thành Huế”; Hoàng Thị Phương Liên (TP. Hồ Chí Minh) với tác phẩm “Mùa xuân vùng cao”; Lâm Chiêu Đồng (Vĩnh Long) với tác phẩm “Quê Hương còn mãi màu xanh”…Các loại hình nghệ thuật từ giấy du nhập Việt Nam từ trước tới nay có rất nhiều thể loại, tuy nhiên đa số họa sĩ và những người yêu hội họa trong nước quan tâm và sử dụng để thể hiện tác phẩm là nghệ thuật cắt giấy và nghệ thuật xé dán. Nghệ thuật cắt giấy giúp người họa sĩ thể hiện chiều sâu tác phẩm qua nhiều lớp giấy để tạo không gian. Việc kết hợp màu sắc và ánh sáng giúp họa sĩ gửi gắm những ý tưởng sáng tác của mình và làm cho tác phẩm lung linh, huyền ảo hơn. Việc tiếp cận công nghệ dễ hơn nên ứng dụng giữa công nghệ và nghệ thuật giúp họa sĩ trẻ thuận lợi trong thể hiện tác phẩm. Miền Bắc có Nguyễn Duy Duy với bộ tác phẩm “Việt Nam - Đất nước - Con người”; miền Trung có Hồ Thanh Thọ với tác phẩm “Vượt sông”, “Âm vang núi rừng”; miền Nam có Đào Quang Thu với tác phẩm “Hoa nữ”… Họa sĩ Hồ Thanh Thọ - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị chia sẻ: “Thể hiện tác phẩm qua chất liệu giấy không phải là công việc một sớm một chiều vì thế người thể hiện cần phải có sự kiên nhẫn. Một tác phẩm từ chất liệu tranh sơn dầu, acrylic… nếu có cảm hứng người họa sĩ có thể hoàn thành trong một buổi. Tuy nhiên đối với tác phẩm thể hiện từ giấy, thời gian sáng tác phải đầu tư nhiều hơn từ ý tưởng tạo hình, bố cục và màu sắc. Nếu người họa sĩ am hiểu và ứng dụng được công nghệ qua các phần mềm thiết kế đồ họa sẽ giảm thời gian trong sáng tác và thực hiện tác phẩm”. Đối với những người yêu nghệ thuật, giấy là chất liệu và là nguồn cảm hứng trong sáng tác. Họ thổi hồn vào giấy, thay đổi diện mạo và làm cho giấy trở thành một tác phẩm nghệ thuật có giá trị. B.L |
5 Giờ trước
Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.
23/12/2024 lúc 17:07
Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).
23/12/2024 lúc 17:04
Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.
23/12/2024 lúc 17:00
Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).
23/12/2024 lúc 16:56
Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm
Hiện tại
26°
Mưa
28/12
25° - 27°
Mưa
29/12
24° - 26°
Mưa
30/12
23° - 26°
Mưa