Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghĩ về biểu tượng trâu trong tâm thức Việt

B

iểu tượng (symbol) là một thành tố không thể thiếu trong mỗi nền văn hoá. Trong khi đi tìm một định nghĩa cho văn hoá, các nhà nghiên cứu đã thừa nhận rằng, xét về một phương diện nào đó, văn hoá là một hệ biểu tượng. Khi chúng ta đề cập đến vấn đề đặc trưng tư duy của dân tộc hay tâm thức Việt qua vốn từ vựng nói chung và qua biểu tượng “trâu” trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ, ca dao nói riêng là muốn đặt vấn đề này trong mối quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ và tư duy, hay ngôn ngữ và văn hoá trong đó ngôn ngữ được xem là “hiện thực trực tiếp của tư tưởng”, và biểu tượng là “sự phóng chiếu” văn hoá dân tộc.

Trước khi nói nhiều hơn về biểu tượng “trâu”, chúng tôi quan niệm biểu tượng là những hình ảnh cảm tính về hiện thực khách quan, thể hiện quan niệm thẩm mĩ, tư tưởng của từng tác giả, từng thời đại, từng dân tộc và từng khu vực cư trú. Theo định nghĩa giản dị của K.G.Jung, “biểu tượng là một cái gì, ngoài ý nghĩa vốn có của nó, còn hàm chứa một ý nghĩa khác, tức ngoài nghĩa đen còn có nghĩa bóng”(1). Để tạo nên các biểu tượng, nghĩa đen, nghĩa biểu vật của các từ ngữ, các kí hiệu sẽ không được khai thác, ở đây, chủ yếu nghĩa bóng, nghĩa biểu cảm của ngôn ngữ, của kí hiệu được phát huy tác dụng. “Trống đồng” là biểu tượng văn hoá Việt Nam; “chú gà trống” là biểu tượng của văn hoá Pháp thì từ ngữ “trống đồng”, “gà trống” biểu hiện cho biểu tượng trống đồng và gà trống đã mất đi cái nghĩa biểu vật mà thay vào đó là lớp nghĩa bóng, nghĩa biểu trưng. Như vậy, biểu tượng là những sự vật, hình ảnh, hiện tượng,... có giá trị biểu trưng(2). Nghĩa là lấy một sự vật hiện tượng nào đó để biểu hiện có tính chất tượng trưng, ước lệ một cái gì đó mang tính trừu tượng. Khi một sự vật hiện tượng có giá trị biểu trưng thì nó sẽ gợi lên trong ý thức người bản ngữ sự liên tượng khá bền vững. Chẳng hạn, “rồng” là biểu tượng văn hoá của các nước châu Á “màu trắng” biểu trưng cho lòng thanh sạch, trinh khiết ở một số nước châu Âu. Sự liên tưởng như thế lại không xảy ra trong tư duy của những quốc gia khác. Đối với văn hoá Âu châu, “rồng” không phải là con vật thiêng, mà chỉ là con quỷ dữ luôn gây hại cho loài người trong các truyển cổ tích; “màu trắng”, trái lại, trong văn hoá Á Đông, nó lại liên tưởng đến sự tang tóc, chết chóc. Rõ ràng, biểu tượng là tấm gương phản chiếu văn hoá dân tộc, và dĩ nhiên nó là thành tố không thể thiếu cấu thành bản sắc văn hoá dân tộc. Nhưng theo Jean Chevalier “biểu tượng không được nhận thức theo tư duy khoa học mà thường qua kênh tư duy khác, “tư duy biểu tượng”(3). Nghĩa là, nghĩa biểu tượng, nghĩa biểu trưng không tồn tại trong văn bản, mà nằm ở liên văn bản, ngoài văn bản, được lí giải, được liên hội với những đặc tính văn hoá và lịch sử của dân tộc. Hay nói cách khác, nó được phản ánh, được phóng chiếu qua văn hoá.

Từ những đặc trưng trên của biểu tượng, chúng tôi vận dụng vào việc phân tích biểu tượng “trâu” trong tâm thức người Việt, qua đó, chỉ ra những ẩn ngữ văn hoá và lối tư duy đặc trưng của người Việt trong đời sống.

Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Việt Nam, quốc gia có nền văn hoá bản địa Đông Nam Á, nơi đó, nhiệt đới gió mùa, nông nghiệp lúa nước, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên,... là những đặc trưng hình thành “văn hoá lúa nước”, “văn hoá trọng tĩnh” để khu biệt với các nền văn hoá du mục, “văn hoá lửa”, “văn hoá trọng động” như các nước phương Tây. Sự khu biệt này phần lớn dựa trên hệ thống biểu tượng văn hoá được xem là những “mẫu gốc” của một nền văn hoá bản địa. Và nếu “trống đồng” được xem là biểu tượng văn hoá của các nền văn hoá Đông Nam Á thì đi theo hệ thống biểu tượng đó, biểu tượng “rồng”, biểu tượng “chim lạc”, biểu tượng “ngựa, cá nước, bò” (chứ không phải biểu tượng trâu),... lại thường xuyên xuất hiện trên các trống đồng quốc bảo của các quốc gia Đông Á, trong đó có Việt Nam. Điều này lí giải tại sao khi mà, con trâu, chứ không phải các con vật khác, được xem là “đầu cơ nghiệp” của một nền văn hoá nông nghiệp lúa nước, lại không xuất hiện trên trống đồng Đông Sơn Việt Nam. Cho đến nay, việc trên trống đồng Đông Sơn Việt Nam không có bóng dáng của biểu tượng “trâu” vẫn là một điều bí ẩn, mặc dù trong tâm thức của mỗi người Việt Nam, biểu tượng “con trâu” luôn trở nên gần gũi, thân thương và ý nghĩa biết nhường nào. Và mới đây thôi, biểu tượng “con trâu vàng” là biểu tượng đẹp của Seagame 22 (đại hội thể thao Đông Nam Á) tổ chức tại Việt Nam. Con trâu là một phần của tâm hồn người Việt. Bởi trong đời sống văn hoá dân gian, tục ngữ, thành ngữ thường liên tưởng đến “trâu” (khoẻ như trâu; trâu chậm uống nước đục); ca dao dân ca cũng xuất hiện biểu tượng “trâu” (Trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta), rồi đến câu chuyện ngụ ngôn về trí khôn của người hay là sự giải thích vì sao trâu không có hàm trên... Bức tranh “Chăn trâu thổi sáo” với hình tượng anh mục đồng hồn nhiên, khoẻ mạnh trước cánh đồng lúa xanh bạt ngàn là một trong những bức tranh dân gian Đông Hồ đặc sắc nhất. Đối với một nền nông nghiệp lúa nước như Việt Nam thì “trâu” là chủ lực của nhà nông, là “đầu máy” của nghiệp nông gia.

Để trả lời cho sự vắng bóng của biểu tượng “trâu” trên trống đồng Đông Sơn Việt Nam nói trên, nhiều người cũng đã nghĩ tới nhiều lí do khác nhau: trâu là con vật xa lạ và cấm kị trong các nền văn hoá Đông Nam Á và Việt Nam; trống đồng không phải là sản phẩm của khu vực bản địa Đông Nam Á vì không có biểu tượng trâu xuất hiện? Và cũng có thể do sự giao lưu của nên nền văn hoá khác nhau nên biểu tượng trâu không xuất hiện trên trống đồng? Tất cả những nghi vấn trên cũng chỉ có cùng mục đích: muốn hiểu đến tận cùng về những giá trị biểu trưng mà biểu tượng “trâu” được phóng chiếu qua tâm thức mỗi người con đất Việt.

Quả thật, từ xa xưa, trong tâm trí người Việt, “trâu” là con vật hiền lành, tượng trưng cho đức tính cần cù, chăm chỉ, nhẫn nại. “Con trâu” hôm nay không khác “con trâu” ngày trước. Trong các truyền thuyết cổ, các tích truyện xưa, không bao giờ “trâu” hiện lên như một quái vật. Cho nên, ở một phương diện nào đó, biểu tượng “trâu” vẫn có thể được xem là biểu tượng gốc, mẫu gốc trong văn hoá Việt Nam. Nếu phải chỉ ra những biểu tượng đặc trưng cho mỗi quốc gia, mỗi nền văn hoá thì không phải ngần ngại khi cho rằng “con trâu” là biểu tượng văn hoá Việt Nam (bên cạnh các biểu tượng: rồng, chim lạc, trống đồng), “con ngựa” là biểu tượng gắn liền với văn hoá Trung Hoa, chú “gà trống Gôloa” là biểu tương văn hoá của dân tộc Pháp...

Như vậy, “con trâu” đóng một vai trò hết sức quan trọng trong nền văn hoá Việt Nam cổ truyền. Nó trở thành một biểu tượng văn hoá thực sự và nghiễm nhiên đi vào năm, tháng, ngày, giờ của lịch 12 con vật (con giáp). Văn hoá biểu tượng 12 con giáp có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá, được xếp thứ 2 trong cầm tinh 12 con vật (tí, sửu, dần, mão, thìn, tị, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi).

Trâu ơi ta bảo trâu này-Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta-Cấy cày giữ nghiệp nông gia-Ta đây trâu đấy, ai mà quản công-Bao giờ cây lúa còn bông - Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Đó là cách người Việt nhân hoá biểu tượng “trâu” theo cách riêng của mình. Thêm một bằng chứng cho thấy vị trí và vai trò của biểu tượng   “trâu” trong nền văn hoá Việt Nam, đặc biệt trong tâm thức dân gian cổ truyền, nơi mà hình ảnh con trâu xuất hiện như những biểu tượng mang hàm ý biểu trưng qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Không phải ngẫu nhiên mà Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhiều lần nhắc lại định đề được thể hiện qua các công trình nghiên cứu văn hoá của ông: “văn hoá Việt Nam là văn hoá Folklore, văn hoá dân gian” “mất dân gian là mất hồn dân tộc”(4). Qua vốn cổ dân gian (thành ngữ, tục ngữ, ca dao) để tìm hiểu về biểu tượng “trâu”, chúng ta càng hiểu và yêu thêm lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Đặc tính sinh học của loài trâu là phải mạnh khoẻ, dẻo dai thì mới gánh vác được trách nhiệm “việc nhà nông”, gắn bó suốt đời với đời sống của người nông dân. Kể từ thời đại vua Hùng dựng nước, con trâu trở nên một nhân tố cấu trúc hữu cơ của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa Việt Nam:“Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Với đặc tính tự nhiên của loài như vậy, biểu tượng “trâu” được liên tưởng đến những hàm ý sâu sắc, biểu trưng cho sức khẻo phi thường: Trâu khoẻ chẳng lọ cày trưa - Mạ già ruộng ngấu không thua bạn điền Trâu năm sáu tuổi còn nhanh - Bò năm sáu tuổi đã tranh về già - Đồng chiêm xin chớ nuôi bò- Mùa đông tháng giá, bò dò làm sao” “Trâu gầy cũng tầy bò giống- Trâu ho cũng bằng bò khỏe; ý nghĩa biểu trưng cho sức mạnh đã bình thường hoá trong những cách nói như “cậu ấy dạo này trâu lắm” mà không hề gây sự khó hiểu cho mọi người. Từ ý niệm này mà biểu tượng “trâu” còn được dùng để biểu trưng cho kẻ mạnh, kẻ bề trên trong xã hội: Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết oan”.

Trong đời sống nông thôn Việt Nam, trâu là con vật gia truyền, gia bảo của mỗi gia đình. Nó không chỉ là “đầu cơ nghiệp” mà còn là biểu tượng của sự giàu sang phú quý. Nhà nào “chín đụn mười trâu”, “trâu giăng, bò dắt” được xem là giàu có, của chất đầy rương: Muốn giàu nuôi trâu lái, muốn lụn bại nuôi bồ câu” “Chẳng tham lắm ruộng nhiều trâu - Tham vì ông lão tốt râu mà hiền”. Và trong cuộc đời của một người đàn ông, đấng mày râu quân tử, ba việc lớn mà họ phải làm, trong đó “tậu trâu” được xếp hàng trước hết: Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà- Trong ba việc ấy thật là khó thay. Ngay trong đề tài tình yêu lứa đôi, biểu tượng “trâu” cũng góp phần tô thắm thêm những lời thề nguyền ước nguyện: Thương nhau vì nợ vì duyên -Trâu đôi chi đó, thổ điền chi đây, thật hóm hỉnh mà đầy tinh tế, chua cay.

Từ một con vật gần gũi thân thương với người nông dân, “trâu” trở thành một biểu tượng văn hoá và có sức sống trong đời sống văn hoá lễ hội dân gian của bao miền quê đất Việt. Lễ hội đâm trâu của các dân tộc Tây Nguyên với biểu tượng “cây nêu thần” có ý tưởng mong muốn cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trở thành một nghi lễ độc đáo trong các ngày hội của buôn làng như lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được mùa. Đó là những ngày hội thực sự mang những nét văn hoá truyền thống, thể hiện rõ yếu tố cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, thần linh được gắn với nhau chặt chẽ, là sự kế tục truyền thống văn hoá xa xưa của người Tây Nguyên.

Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn Hải Phòng lại hướng đến tinh thần thể thao lành mạnh, “tinh thần thượng võ”, ca ngợi ý chí dũng cảm và sức mạnh của loài trâu vốn trở nên biểu tượng quen thuộc trong tâm thức văn hoá Việt: Dù ai buôn đâu bán đâu- Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về - Dù ai buôn bán trăm nghề - Mồng mười tháng tám trở về chọi trâu”. Hội chọi trâu Đồ Sơn là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Theo truyền thuyết và thần tích thì lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ thế kỷ thứ 18. Qua các truyền thuyết và thần tích ở Đồ Sơn thì những vị tổ đầu tiên lập nghiệp đã chọn nghề đánh cá. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn thủa sơ khai, con người tự tìm một đấng quyền uy linh thiêng làm chỗ dựa. Người dân Đồ Sơn vẫn truyền nhau sự tích lễ hội chọi trâu: Một đêm rằm tháng tám, dân miền biển Đồ Sơn nhìn thấy một tiên ông đang say sưa ngắm hai chú trâu chọi nhau trên những con sóng bạc. Từ đó mới hình thành lễ hội chọi trâu như ngày nay. Một nét độc đáo của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, các trâu đều được mổ thịt tế lễ trời đất, cầu mùa màng thuận hoà. Người ta cũng tin rằng, nếu được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, sẽ gặp nhiều điều may mắn...

Từ trong chiều sâu ý nghĩa, nghĩ về biểu tượng “trâu” trong tâm thức Việt, chúng ta học được nhiều đức tính quí giá về sự hi sinh, nhẫn nhục, cần cù chịu khó cũng như đức tính  mạnh khoẻ, dẻo dai của “con trâu” vốn được xem là “đầu cơ nghiệp” của nhà nông. Và cả trong thời kì hội nhập hiện nay.

T.V.S

 

 

___________________

(1). Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam- tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học, 2003, tr. 338.

(2). Về khái niệm nghĩa biểu tượng và nghĩa biểu trưng, xem thêm: Trần Văn Sáng, Biểu trưng của mùa xuân trong thơ ca, Ngôn ngữ và Đời sống, số 6, 2007.

(3). Jean Chevalier, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng, 1997, tr. 15.

(4) Trần Quốc Vượng, Sdd, tr. 183.

 

Trần Văn Sáng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 173 tháng 02/2009

Mới nhất

Đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng bồi đắp, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước*

9 Giờ trước

TCCVO - Chiều ngày 30/12/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc. Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt.

Mây về thành phố

16 Giờ trước

Tôi làm đơn xin nghỉ phép để vào bệnh viện chăm chú Ngụ. Không gói ghém gì nhiều, chỉ cần bỏ vào túi cái khăn mặt, chai dầu gội, bàn chải đánh răng và một vài đồ dùng để phòng khi cần đến. Nhà tôi cách bệnh viện bốn cây số, cách nhà chú Ngụ năm cây, nó nằm trên hai trục đường khác nhau.

Dọn nhà cuối năm

16 Giờ trước

Đã thôi những cơn mưa dai dẳng, chỉ thi thoảng mới có vài thoáng phùn như là mưa xuân buổi sáng sớm, tới trưa hửng chút nắng kéo tận chiều. Xuân tới rõ ràng từ độ giữa tháng chạp.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2025

01/01/2025 lúc 17:24

TCCVO - Trong thời khắc chuyển giao sang năm mới 2025, tối 31/12/2024, tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Quảng Trị

Lễ hội Vì hòa bình 2024: Giá trị nhân văn để tiến vào kỷ nguyên mới

31/12/2024 lúc 09:36

 Năm 2024, dấu ấn đậm nét nhất trên mảnh đất Quảng Trị là lễ hội Vì hòa

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/01

25° - 27°

Mưa

05/01

24° - 26°

Mưa

06/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground