Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người đàn bà trong Uẩn khúc(*)

U

ẩn khúc gồm 20 truyện. Tất cả đều nói về người đàn bà. Và dĩ nhiên, đàn bà là nhân vật chính. Điều này cho thấy mối bận tâm của tác giả đối với vấn đề đàn bà (vị trí xã hội, đặc điểm giới, số phận – những vấn đề mà các nhà nữ quyền luận đặc biệt quan tâm). Do chỗ, mỗi tác phẩm là một thế giới riêng, gắn với mỗi dụng ý sáng tạo nên người đàn bà trong các tác phẩm có thân phận, tính cách khác nhau. Đây có thể là một sự thử nghiệm, trải nghiệm của tác giả, cũng có thể là những đặc điểm chung, những đặc điểm thuộc về đàn bà mà tác giả cố tình xây dựng trong hệ thống tác phẩm.

Với khả năng miêu tả ngoại hình nhân vật của tác giả, người đàn bà trong Uẩn khúc đã hiện lên với những vẻ đẹp riêng, có sức cuốn hút. Những thiếu nữ  “duyên dáng nhu mì, vòng eo ... nhỏ tròn như con ong, dáng đi uốn éo” trong Uẩn khúc.  “Dáng người cao thanh mảnh, làn da trắng hồng như trứng gà bóc, lông mày lá liễu, mắt lá răm, mũi dọc dừa và nhất là vầng trán cao, rộng toát lên vẻ thanh cao” của cô tôi trong Bí mật của cô tôi . Ngay cả hình ảnh của một cô bé – thiếu nữ như Chút (Huệ) cũng hiện lên với vẻ đẹp hứa hẹn, bằng sự kiệm lời, miêu tả mang tính khêu gợi: “Họ bảo vì quá đẹp nên Huệ bị ma nhập, vì Huệ tự ý thay tên”. Có thể nhận thấy, cách miêu tả của tác giả thiên về gợi hơn là tả, kể tỉ mỉ (ngoại trừ trường hợp Cô tôi). Điều này làm cho người đàn bà trong hình dung chung trở nên ấn tượng hơn. Người đàn bà (thì) đẹp – đó là quan niệm không mới. Nhưng, đáng chú ý ở đây là cái đẹp được đặt trong mối quan hệ với các yếu tố khác: tính cách, nội tâm, sự khao khát hạnh phúc và chia sẻ.

Người đàn bà đẹp, đôi lúc người đó biết ý thức về cái đẹp của mình, thậm chí lợi dụng cái đẹp đó cũng là một dạng tâm lí phổ biến trong đời sống hiện đại. Tuệ Anh trong Chi cho mếch là nhà thơ, nhà báo vốn thuộc sở trường khẳng định năng lực, trí tuệ nhưng đặt trong tình thế khó khăn của cơ quan, cô buộc phải sử dụng cái đẹp của mình, đặc biệt là đôi mắt “hút hồn người khác” để ký tá các hợp đồng kinh tế với các ông chủ doanh nghiệp. 

Vẻ đẹp là đặc điểm quan trọng để nói về người đàn bà, song trong cái nhìn của Kim Quý dường như vẻ đẹp đó là cái hình thức của một bản chất đáng trân trọng. Người đàn bà gắn với tấm lòng vị tha, đức hy sinh – đó là đặc điểm nổi bật nhất của người đàn bà trong Uẩn khúc. Hay nói cách khác, tác giả của Uẩn khúc coi lòng vị tha, đức hy sinh như là thiên tính. Điều này có thể dễ dàng bắt gặp trong hầu hết truyện ngắn, tất nhiên, mức độ và sự biểu hiện của từng truyện khác nhau. Cô tôi trong Bí mật của cô tôi đã tự nhận cho mình sự hy sinh thầm lặng, để giữ sạch lòng trong, nuôi cháu trưởng thành. Nhân vật “chị” trong Mảnh vỡ là sự nhẫn nhịn, chịu đựng, chịu đựng đến cùng. Còn trong Hy vọng, là người đàn bà trải qua cuộc đời “chịu đựng” trong sóng gió dồn dập từ lúc 17 tuổi đến gần hết cuộc đời… Điều này đã quá quen thuộc trong văn chương truyền thống. Nhưng, giá trị của nó nằm ở mức độ khẳng định và hoàn cảnh đánh giá. Ở đây tác giả khẳng định từ góc độ quan niệm, chứ không chỉ là một quán tính, một thói quen. Chẳng phải vậy mà hầu hết người đàn bà trong Uẩn khúc đều mang đặc điểm này, hơn thế, trong nhiều tác phẩm, tác giả đã cố tình xây dựng kiểu nhân vật là nạn nhân của thói trăng hoa, ngoại tình của chồng (điều gần như không xuất hiện trong văn học chiến tranh khi khẳng định đức hy sinh, sự chịu đựng) trong khi không một ai tỏ ra nanh nọc. Điều này hết sức có ý nghĩa trong giai đoạn mà văn chương đang có xu hướng khẳng định mạnh mẽ tinh thần nữ quyền. Ít ra, nhà văn đã bộc lộ “chính kiến” về nữ giới.

Có thể đặt câu hỏi đơn giản: tại sao người đàn bà lại phải chịu đựng như thế? Họ u mê chăng? Rõ ràng không phải thế. Cố tình tạo những tình huống tương tự nhau ở nhiều tác phẩm, với mô hình: người đàn bà lấy chồng -> chồng ngoại tình->  người đàn bà vẫn chờ đợi, hy vọng, tác giả muốn khẳng định về phẩm chất người đàn bà. Đàn bà luôn khao khát hạnh phúc, luôn muốn gia đình là điểm tựa để hình thành nhân cách cho con. “Chị” trong Mảnh vỡ thêm một lần, hai lần, rồi ba lần tha thứ cho chồng, hy vọng ở chồng, vẫn chăm sóc chồng với mong muốn anh nhận ra tình cảm yêu thương và bao dung của chị, nhận thấy niềm vui từ gia đình. Người mẹ trong Con tàu đêm đến lúc cuối đời cũng dặn các con phải đi tìm bố vì các con không thể không có bố trong cuộc đời, dẫu rằng bà biết người đàn ông kia đã bội bạc, bỏ rơi gia đình để đến với người đàn bà giàu sang… Trên cơ sở miêu tả người đàn bà với khát vọng hạnh phúc, tác giả cũng đã khai thác đặc điểm phổ biến ở nữ giới là tiếng nói của trái tim. Nhiều nhân vật trong tác phẩm đã vượt qua lời thề (Bạn gái), vượt qua ranh giới tuổi tác (Giọt nước), không vì bất cứ điều kiện gì (Đồng cảm) để tìm đến nhau. Đó cũng là một yếu tính.

Dẫu người đàn bà giàu đức hy sinh, lòng vị tha cao cả, luôn mong mỏi về sự đồng cảm với giới nam (chồng hoặc người yêu) nhưng tất cả họ đều đau khổ và thất bại. Đau khổ vì chẳng thể tìm được tâm hồn đồng điệu, sự sẻ chia. Còn thất bại  là vì giới nam không hiểu được chiều sâu, bản tính vị tha, ước vọng của người đàn bà. Hạnh phúc, chỗ dựa tình cảm là điều quan trọng nhất trong tâm hồn người đàn bà (giới nữ), cùng với đó là giá trị của gia đình. “Chị” đau khổ đến như vô cảm, đến làm mọi công việc như cái máy (vẫn hy vọng ở chồng), cuối cùng chị tự buông xuôi, uống rượu hành hạ mình (Mảnh vỡ). Người mẹ đau khổ vì chồng đã từ bỏ mình và thất bại ngay cả sau khi qua đời bởi lời bà dặn hai con đã không thành hiện thực: người đàn ông vô lương vẫn nhẫn tâm chung sống với người đàn bà khác (Con tàu đêm)… Nhiều người đàn bà khác nhau (tên tuổi, hoàn cảnh, sự từng trải…) song đó đều là một người đàn bà đau khổ. Đây là thông điệp quan trọng mà tác giả muốn gửi đến người đọc trong một xã hội đang rất quan tâm đến nữ quyền.

Viết về người đàn bà, với tư cách là người trong cuộc, Kim Quý cũng không quên tái hiện trong tác phẩm những vấn đề rất khó nắm bắt, khó lý giải. Nếu như tình yêu chị dành cho em trong Giọt nước có thể lí giải được là sự đồng điệu của hai tâm hồn, vượt lên cả tuổi tác, thế hệ thì tình yêu của những người đàn ông dành cho “chị” rồi chuyển từ chị sang “em” trongUẩn khúc là điều gần như không thể lí giải được. Họ là những người đàn ông tốt. Nhưng tốt không có nghĩa là đem lại hạnh phúc cho người đàn bà. “Chị” đã mất người yêu một cách tự nhiên, còn “em” có được người yêu mình cũng một cách không ép gượng. Ở đây, xét ở một khía cạnh nào đó, “em” là người hạnh phúc. Song trên phương diện lý trí và đạo đức, em lại là người phải day dứt, từ day dứt đến căm ghét những người đàn ông (mặc dù họ không có lỗi). Phải chăng sự day dứt, băn khoăn của nhân vật “em” cũng chính là dấu lặng của tác giả muốn gửi đến người đọc, rằng đàn bà là một thực thể, một thế giới phức tạp, khó có thể giải thích, có thể bó khuôn trong các định nghĩa, khái niệm?

Bằng chất giọng giản dị, tự nhiên, có đôi lúc như là sự thủ thỉ, tác giả Kim Quý đã đưa đến cho người đọc một thế giới nghệ thuật mang đậm chất nhân văn giữa thời hiện đại. Viết về người đàn bà là chuyện không mới, nhưng cái đáng trân trọng của nữ tác giả là đã khẳng định những giá trị truyền thống, bày tỏ quan điểm rõ ràng về các giá trị. Đây là hành động cần thiết của một nữ nhà văn giữa thời điểm nhiều nhà văn (nhất là nhà văn nữ) đang cố gắng xác lập hệ giá trị giới nữ và văn chương nữ. Dĩ nhiên, đằng sau những quan niệm được khẳng định là sự chân thành và tấm lòng nhân hậu của một nhà văn với tư cách là người nếm trải.

Thành công là đáng ghi nhận và có thể dễ dàng nhận thấy song Uẩn khúc vẫn cho thấy một số hạn chế. Lối viết mà tác giả sử dụng trong 20 truyện là độc thoại – hiểu theo nghĩa người kể chuyện làm chủ câu chuyện được kể và có thể phán quyết nó. Tất nhiên, người đọc hiện đại đã “khôn ngoan” hơn rất nhiều nên có thể nghi ngờ những lời kể của người kể chuyện. Cùng với lối viết độc thoại là sử dụng hồi ức. Hồi ức xuất hiện tương đối nhiều, như đã nói chủ yếu từ nhân vật người kể chuyện. Gắn với hồi ức, tác phẩm trở nên ít đối thoại mà chủ yếu là những trang văn kể lể, có khi hơi dài dòng. 

Bỏ lại những hạt sạn, nhìn chung Uẩn khúc là một tập truyện thành công. Thành công từ sự gọn gàng, giản dị, từ sự chuyển tải nội tâm người đàn bà, tấm chân tình của tác giả và quan trọng nhất là từ tiếng nói khẳng định những giá trị giới nữ. Mong rằng, với sự từng trải, tác giả Kim Quý sẽ tiếp tục trình làng văn những tác phẩm mới mở rộng biên độ phản ánh, chuyển tải.

N.M.H

* Uẩn khúc – Truyện ngắn – Kim Quý – Nxb Hội Nhà văn Việt Nam - tháng 8 năm 2012 

 

Nguyễn Mạnh Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 218 tháng 11/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground