L |
à một tác giả có những tác phẩm bộc lộ tính kịch bi đát của cuộc sống của những “con người nhỏ bé”, Thái Đào đã bổ sung vào đời sống văn học của chúng ta hôm nay tập truyện ngắn Người đợi vừng trăng với sự cố gắng lý giải trong chiều sâu tất cả những tính cách, hoàn cảnh, số phận về những vấn đề muôn thuở của nhân sinh. Với tập truyện ngắn này, cả Thái Đào và hình thái nhận thức hiện thực của anh đã được người đọc chú ý thể hiện qua sự thâm nhập liền một mạch vào các hình tượng nghệ thuật và tư tưởng thẩm mỹ khiến chúng ra đời.
Nắm bắt được những hiện tượng riêng lẻ của xã hội và miêu tả hiện thực cuộc sống với tư cách là một quá trình có những nét phức tạp và mâu thuẫn nội tại được Thái Đào lấy làm bước khởi đầu cho hành trình đi tìm những nguyên nhân của tình cảnh bi thảm của con người ở ngay đời sống. Đặc điểm này, dĩ nhiên thuộc về cá tính sáng tạo của Thái Đào và nó quyết định sự phát triển của hệ thống nhân vật, cốt truyện và làm nên một thế giới văn chương rất riêng mà người đọc có thể lĩnh hội trọn vẹn thế giới đó vừa có thể tự mình lý giải được nguồn cảm hứng sáng tác của nhà văn trầm lặng này.
Trong sáng tác của Thái Đào đã phản ánh việc anh lựa chọn đời sống những “con người nhỏ bé” trong nhiều biểu hiện của họ làm đối tượng miêu tả chủ yếu. Đi vào những truyện ngắn trong tập Người đợi vừng trăng là người ăn mày, người quét chợ, anh làm thuê, kẻ thất cơ lỡ vận, phụ nữ cô đơn và điên loạn vì tình…và tất cả trong số họ đều đói khát, nhẫn nhịn, tủi nhục, yếu đuối, sống lay lắt nơi bãi chợ, lều tranh ở phố huyện nghèo, làng biển xơ xác, miền sơn cước heo hút. Trong những không gian và thời gian nhất định, họ là những con người mất hết khả năng và cơ hội được trở lại hoặc vươn tới cuộc sống bình thường. Luôn đau khổ và thiếu nhiều may mắn trong những biến cố không bình thường, những cảnh ngộ éo le đôi lúc khó tin đã từng xảy ra trong đời sống, họ tích tụ lại trong mình những ưu tư nghiệt ngã của hàng loạt số phận bị xáo trộn bởi những nỗi lo âu, hoảng sợ triền miên gây nên trong tư duy của người đọc một cảm quan sâu sắc về sự không hoàn thiện của thế giới. Những nhân vật trong Người đợi vừng trăng tựu trung không giống về xuất thân, nhưng họ có nét tương đồng cơ bản trong việc hình thành và phát triển tính cách, sự vận động tâm lý cũng như kết cục cuộc đời. Trong việc khám phá, nhận thức cuộc sống về mặt thẩm mỹ của Thái Đào, họ - người trước kẻ sau đã đi vào quỹ đạo của những thân phận luôn hứng chịu những đòn đau nghiệt ngã dồn dập, những thử thách nặng nề không ngừng giáng xuống. Họ là một Thao “không muốn an cư với người sống, bạn bè với người chết” (Miền rừng nắng gió), là người đàn bà “lạc nẻo, vật vờ trong mịt mù sinh tử thế gian” vì đã bán độ vầng trăng như bán độ cốt nhục cõi tâm (Bán độ vừng trăng), là đứa con trai của một làng chài đời đời lao lung cực nhọc đã vĩnh viễn không trở về “bởi cái ác độc của những cuộc làm ăn phi pháp còn hiểm sâu hơn rừng độc, hơn biển dữ” (Ngày biển động), là giáo Phương “chỉ da với xương” (Bến chợ mù sương), là con Khờ (Loài hoa trắng), là cô gái chỉ có thể thoát khỏi sự ép duyên bằng cái chết (Trăng hời trăng hỡi), là ông già “nhặt nhạnh những đứa con rơi của kẻ tình địch xưa mà nuôi nấng”, một thiếu nữ buồn đau như Hảo (Người đợi vừng trăng), một người lính đánh trống trận chết trong tiếng trống mang khát vọng đổi đời không thực hiện được (Tiếng trống trận), và những “tôi” đầy u uất và chua chát.
Những nhân vật của Thái Đào có mối quan hệ với thế giới xung quanh trong những đường viền hạn chế các vấn đề có liên quan tới họ. Trong những phạm vi đó, đời sống của họ chứa chất những sự việc bi đát cứ xảy ra trong sự xâu chuỗi như là kết quả hợp quy luật của hiện tại. Với sự kiện xảy ra trong đời một nhân vật – dưới ngòi bút thỉnh thoảng dằn mạnh của Thái Đào, đã bộc lộ một nét kỳ lạ trong tính cách, suy nghĩ, thói quen ứng xử, thái độ và khát vọng sống của nhân vật đó. Trong tác phẩm của con người sống và viết dưới chân Thành cổ Quảng Trị này đã có những tình huống mà trong đó nhân vật tự bộc lộ mình rõ nét nhất. Và quá trình thuật chuyện của Thái Đào nhờ thế mà mang đặc tính khép kín trên cái nền sắp xếp các vấn đề trong không gian nhỏ hẹp tạo ra sự dồn nén cô đúc của những câu chuyện có tính hoàn chỉnh về nghệ thuật.
Số phận những con người đi qua trước mắt người đọc trên những trang truyện ngắn của Thái Đào thể hiện những quan niệm của anh về thế giới, về những vấn đề đạo đức của xã hội và khát vọng vươn tới một hoặc nhiều lý tưởng nằm ngoài phạm vi và thống nhất trong những quan niệm của anh về thế giới, về những vấn đề đạo đức của xã hội được miêu tả. Các khía cạnh tương phản và thống nhất trong những quan niệm về thế giới, đạo đức và lý tưởng ấy đã hình thành trong Người đợi vừng trăng sự kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực phê phán với chủ nghĩa hiện thực nhân văn lẫn chủ nghĩa chủ quan cực đoan. Tác phẩm của Thái Đào gần với chủ nghĩa hiện thực phê phán khi anh lấy xã hội tiêu dùng với những mặt trái của nó làm đối tượng miêu tả, gần với chủ nghĩa hiện thực nhân văn khi anh bộc lộ những tìm tòi, những mối khắc khoải và đồng cảm trên những số phận người bé nhỏ bị phỉ báng, bị làm nhục, bị khinh rẻ, bị dồn đuổi đến bức tường cô đơn và tuyệt vọng, gần với chủ nghĩa chủ quan cực đoan khi anh mô tả cuộc sống dưới hình thức tự sự với một sự thôi thúc chủ quan trên tư tưởng không tìm thấy một cái gì vững chãi, hợp lý trong đời sống ngoài những nỗi sợ hãi trước cuộc sống đã được biểu hiện rõ và ngày càng gay gắt hơn. Vì vậy mà toàn bộ chất liệu không rực rỡ của cuộc sống, những khát khao tinh thần của “con người nhỏ bé” luôn cháy bỏng giấc mơ hướng thiện đã tràn ngập những câu chuyện bi thương của Thái Đào cùng với cái cách anh gắn lòng kiêu hãnh, sự thất vọng, nỗi buồn rầu của mình cho những nhân vật. Song hành với số phận của những con người đó là sự thâm nhập sâu sắc vào thế giới nội tâm của họ đã được Thái Đào thực hiện bằng việc khảo sát những dục vọng, những tâm trạng thầm kín cho dẫu phần lớn trong số họ khi đã mang dấu ấn sự thụ cảm cuộc sống của cá nhân, họ không tìm thấy lối thoát cho đời mình trong thiên nhiên, trong tình bạn hay tình yêu. Chính mối quan hệ gần gũi với tâm trạng của những người hàng ngày chịu sức ép phủ phàng của cái ác đã giúp ngòi bút của Thái Đào sử dụng trực tiếp những sự khơi gợi, những hình tượng, những khung cảnh, sự rung động, máu và thịt của họ. Để nêu bật nổ lực vươn tới hạnh phúc và cuộc sống nhân ái hơn của những “con người nhỏ bé”, Thái Đào không hề xa lạ với tất cả những gì đối lập với lý tưởng của những thân phận mà ngay trong cảm xúc thẩm mỹ đã là cội nguồn sáng tác của anh. Từ đó đã xuất hiện những nhân vật tương phản, những hình tượng mà khi đối diện với chúng, Thái Đào tỏ rõ thái độ kiên quyết chống lại sự hạ thấp con người. Đó là những kẻ nô lệ của tài sản, những tính cách được sản sinh bởi thời thị trường luôn sùng bái sự hám lợi và tính toán lạnh lùng, đen tối như Thái đen, bố con nhà Vạn Phúc, người đàn bà bán đứng đứa con gái của mình cho một gã nhà giàu…Chúng thực hiện vai trò tay chân của tội ác với vô số hành động tước bỏ sự sống và hy vọng ở tương lai của những “ con người nhỏ bé”. Xây dựng hệ thống nhân vật này, Thái Đào đã khắc họa hàng loạt tính cách cực kỳ các nhân chủ nghĩa với thói tham lam, vô liêm sỉ trong những phương thức thực hiện khát vọng giàu sang.
Thực chất cuộc sống của tám truyện ngắn trong Người đợi vừng trăng được tác giả của chúng cắt nghĩa bằng những đặc điểm của quá trình phân cách giữa người với người do những nguyên nhân xã hội gây ra. Trong cách nhìn của Thái Đào đối với hiện thực thì đó là “cái nghèo và cái giàu không cho chúng tôi tác hợp được với nhau” (Bán độ vừng trăng). Khi đề cập đến vấn đề cái ác trong đời sống, đã có một sự hòa hợp mật thiết giữa tâm hồn Thái Đào với những kiếp người tủi cực, cùng quẫn, bị chà đạp và cảm nhận một cách đặc biệt sâu sắc quyền lực dã man đến tàn nhẫn của đồng tiền, của quy luật mua bán. Người đọc tìm thấy sự ngạc nhiên trong cách Thái Đào miêu tả môi trường của âm điệu bi ai, kề với sự tuyệt vọng mang tính triết lí tự kỷ. Những nỗi khổ cực và niềm uất hận khiến họ nghĩ rằng “để có miếng ăn phải cắn xé nhau khốc liệt”, muốn sống còn tử tế, ngoài trái tim và cái đầu, phải có sức mạnh của cơ bắp”. Có nhân vật đã tự mình “cảm thấy thân phận mình cũng thuộc loài sống vô gia cư, chết vô địa táng”, có nhân vật bởi không tìm ra cuộc sống đúng với lòng mong ước đã chết với tâm hồn thác loạn.
Giải phóng con người khỏi những thế lực phi nhân đạo trong xã hội là mục đích của Thái Đào trong việc chủ tâm miêu tả sự khắc phục cái ác là một điều đặc biệt khó khăn. Hệ thống nhân vật “con người nhỏ bé” trong Người đợi vừng trăng đã cho thấy rằng sự thể hiện bằng hành động những phẩm chất tốt đẹp của con người luôn vấp phải những trở ngại là sự hoành hành dữ dội của chủ nghĩa các nhân. Nhưng, với tư tưởng con người có thể trở nên tươi đẹp và hạnh phúc mà không mất đi khả năng sống trên trên trái đất , đã có lúc Thái Đào đưa nhân vật của mình trở thành người bảo vệ những nguyên tắc của sự công bằng xã hội, gắng sức khám phá con đường đi tới sự hài hòa xã hội và đạo đức. Điều này thể hiện rõ ở nhân vật Thao cảm hóa Thái đen bằng hành động cứu người với câu nói: “Hai bàn tay tôi đã rướm máu. Nhưng nó chỉ dùng để cứu người. Tuyệt đối không đánh người” (Miền rừng nắng gió), qua sự khẳng định đầy kiêu hãnh của ông già trong truyện ngắn (Người đợi vừng trăng): “Tao thắng lão bằng con đường nhân nghĩa”. Cái chân lý nhân văn đó còn chứng mình rằng sự thất bại cuả một vài nhân vật trong truyện này không có nghĩa là bản thân những hình tượng nghệ thuật ấy với tư cách là những sáng tạo khái quát hóa không thành công. Bởi khi mạnh dạn làm sáng tỏ những xung đột bi thương của cuộc đời những “con người nhỏ bé”, Thái Đào đã khám phá ra những phẩm chất tinh thần, đạo đức của họ trước sự tấn công của tất cả những gì thù địch. Hiểu và cảm thấy rất sâu sắc mức độ của cái ác, nỗi đau khổ mà “con người nhỏ bé” phải chịu đựng, anh không để các nhân vật khép mình trong khuôn khổ cái “tôi” mà luôn thông cảm nhạy bén với nỗi đau khổ của người khác, biết ngậm ngùi xúc động và chia sẻ những dằn vặt, những chấn động tinh thần mà người khác đã trải qua. Họ có những tiêu chuẩn đạo lý làm người và ở những trang sách về họ lóe lên những tia sáng của sự quan tâm đến cuộc đời, số phận của những người xung quanh. Với phẩm chất tốt đẹp, con người còm cõi như giáo Phương “mong muốn có một cuộc xây dựng lại to đẹp hơn” trên mảnh đất anh sống, nên con Khờ “khờ dại chốn chợ đời mà chân chất chốn trái tim” đã “hào phóng với tôi bằng tất cả tấm lòng nó” và được “tôi thương nó như thương một phần thân thể của tôi”. Cho dẫu số phận khắc nghiệt với họ đến đâu chăng nữa thì ngày ngày họ vẫn “luôn luôn tôi là kẻ đồng điệu với những trái tim tan nát, những mảnh đời bị xơi tái bởi những trò gian manh, mất dạy. Tôi gắng hết sức cùng lực tận của mình để chống đỡ cùng với họ”. Đối đầu với những trớ trêu nghiệt ngã, nhưng cô gái Hảo “đã lau nước mắt cho tôi, dỗ dành tôi suốt thời gian đó”, chàng trai thất cơ lỡ vận vẫn nhận thấy “tiếng roi vút vào da thịt cô như đánh vào thần kinh của tôi”, chàng trai thường ngày “chụm đầu với nó, ăn những bữa ăn nghèo khó” vẫn mang theo trong tim “loài hoa trắng và nụ cười bát ngát của con Khờ” ngay cả khi “nó đã đi tìm những con người này luôn có những động cơ và những tình cảm tốt đẹp để kiên quyết bảo vệ mình và hiểu được những gì xảy ra với những người xung quanh.
Chính bằng việc phản ánh “cuộc tìm kiếm hạnh phúc cho mỗi số phận người, cuộc kiếm tìm hạnh phúc nhân sinh”, Thái Đào và tác phẩm của anh đã phát hiện ra những cách thuần hậu đầy giá trị, những tia sáng ấm áp của tình cảm con người trong thực tiễn “con người vẫn đang còn phải tự tìm kiếm để cứu vớt lẫn nhau”.
T.K