T |
âp thơ Cái Rốn(*) là đứa con đầu lòng của Nguyễn Văn Đắc gửi đến bạn đọc yêu thơ. Cái Rốn mang hơi thở mộc mạc miền quê gió Lào cát trắnvới phong vị triết lý, bởi tin yêu cuộc sống, tin yêu con người. Ba mươi bảy bài thơ vừa đủ để bạn đọc thức nhận về tâm hồn thi sĩ Nguyễn Văn Đắc.
Cái Rốn đã thể hiện một sự lựa chọn và bản lĩnh thơ. Lựa chọn đề tài phù hợp với tạng tư duy và đã tạo ra chất thơ riêng khác khó trộn lẫn. Căn bản, Nguyễn Văn Đắc là "nhà thơ của đồng quê". Cái chất này bàng bạc trong suốt hành trình sáng tạo của anh. Tập thơ là sự tập trung có chủ ý qua một biểu tượng trữ tình xuyên suốt: Cái Rốn. Cái Rốn chính là tinh tuý của hồn quê, tình mẹ, nghĩa phu thê, tình bạn bè, tình yêu và tình quê hương, đất nước… Cái Rốn lúc ẩn, lúc hiện giúp người thơ làm tròn nhiệm vụ khám phá chính bản thân mình trong các mối quan hệ. Thế nên, cái Rốn là cái đẹp, là khát vọng vươn tới cái đẹp, cả nỗi đau và hạnh phúc.
Tôi và các bạn hãy thong thả đem một chút tâm tình của người con quê hương xứ Quảng để lắng nghe tiếng nói thiết tha của lời thơ đạm nhiên trong tập thơ Cái Rốn. Và tôi dám nói rằng, đó chính là nơi mà tinh hoa thi sĩ Nguyễn Văn Đắc phát tiết ở độ sung mãn.
Quê hương của thi sĩ Nguyễn Văn Đắc thuộc miền đồng bằng vùng chiêm trũng xứ Quảng Trị - một trong những miền quê nghèo của miền Trung – nơi mà hạn hán, lũ lụt quanh năm đã cuốn trôi phăng những cách đồng mùa màng mất mát, những vườn tược tiêu điều, nhưng họ vẫn sống trọn cùng thiên nhiên và vui buồn cùng trời đất: “Khi hạn hán, khi mưa dầm/Khi nước lớn, khi nước rong/Nước rong mẹ còng lưng tát nước/Nước lớn lụt về mẹ xuôi ngược lo toan” (Dòng sông tuổi mẹ). Bão táp thiên nhiên, sóng đời cơ cực đã kết tinh thành những vần thơ tha thiết, mặn xót!
Trên nền chung, làng quê cạnh dòng sông Ô Lâu tình sử, Nguyễn Văn Đắc như bao nhà thơ khác, cũng viết về những người thân. Điều không cũ không mới này vẫn cứ riêng khi gắn hình ảnh dòng sông với cuộc đời sinh thành của mẹ: “Khi mẹ sinh con ra đã có dòng sông/ Dòng sông ấy cũng đã chảy qua đời mẹ”. Dòng sông Ô Lâu trường thủy đã tắm gội người thơ những “khí linh” nguồn cuội. Sau bao nhiều năm lưu lạc, sinh sống nơi xứ người anh vẫn không pha loãng giọng nói chát - mặn của vùng đất, mà trời khi nắng chang chang và khi mưa sùi sụt. Và tâm hồn Nguyễn Văn Đắc vẫn là tâm hồn của người nông dân chân chất, nên lời thơ anh vẫn mênh mang khúc sông trăng: “Sông trăng mơn trớn lòng xao xuyến/Rộn rã bên đời một nét thơ/ Cũng từ dạo ấy giữa hai bờ/Bên bồi bên lở vấn tơ vương”. Dòng sông đã mang trọn tâm tình người thơ, mà hòa tan vào vị mặn ngọt tình quê: “Lững lờ con nước chảy ngang/Con cá bay nhảy rộn ràng tung tăng/Cá ơi ngọt nước canh cà/Quê hương ấm dịu mặn mà rau tương” (Dòng sông tuổi mẹ). Những hình ảnh thân thương và thân quen của hồn quê xứ Quảng Trị đều mang trọn tâm tình và hóa thân vào thơ anh rất đỗi giản dị, mộc mạc.
Cuộc đời trải qua nhiều sóng gió nên đã giúp cho Nguyễn Văn Đắc có nhiều vốn sống cũng như nhiều kỷ niệm, để sau này anh chưng cất thành thơ khá cô đọng và giàu chất triết lý. Chất triết lý trong thơ anh rất giản dị mà rõ ràng, mạch lạc: “Có hạnh phúc nào lại không bắt đầu từ nỗi đau?/Và có nỗi đau thì niềm hạnh phúc mới diệu vợi”(Cái Rốn). Nó phóng chiếu trên nhiều tầng liên tưởng, sâu sắc và hấp dẫn, tư duy biến hóa đột ngột có sức khơi gợi mang một thông điệp đầy chất thẩm mĩ và nhân văn ở bạn đọc: “Có cái vỏ bọc mỏng manh/Rất dễ vỡ/Rơi thì vỡ/Bóp thì vỡ/Tất cả các kiểu vỡ ấy đều phá vỡ sự sống/ Chỉ có một kiểu vỡ có sự sống: Tự bung ra để hiện hữu một hình hài”(Quả trứng). Đây mới là độ chín thực sự trong thơ Nguyễn Văn Đắc. Anh đã vượt qua sự sáo mòn nhàm chán để rẽ lối đi riêng và hình thành một phong cách mang phong vị riêng, giàu tính nghệ thuật, gây ấn tượng thẳm sâu ở bạn đọc.
Nhân gian lụy chữ tình ấy là điều thường, thi sĩ Nguyễn Văn Đắc là người không giấu mình trong trang thơ. Mọi điều khó nói nhất trong cuộc đời này, với anh cũng trở nên giản đơn, dễ hiểu. Ấy là khi anh nhận ra chung quanh mình, không gian bốn bề đấy ắp tình yêu và nỗi niềm luyến thương. Ở đâu có tình yêu thì ở đó có cái đẹp ngự trị và cái đích thực của cuộc sống nẩy nầm đâm chồi. Với Nguyễn Văn Đắc, tình yêu là sự màu nhiệm thánh thiện, trong trẻo như pha lê và quý giá hơn hết thảy mọi thứ trên trần thế, tình yêu với khát vọng chân - thiện - mĩ.
Đi qua năm tháng, cảm xúc yêu thương, khắc khoải vẫn trĩu nặng, đôi khi bất chợt ùa về, có mà như không, tưởng như vụt biến, nhưng lại hiện hữu bóng dáng yêu thương đâu đó: “Ta mặc khải chiêm bao về xứ lạ/phút sao lòng em bỗng hóa trong ta”(Hà Nội ký ức một ngày). Và khi người thơ nhận ra: “Bởi xa em nên nắng cũng nhạt nhòa/Và thương nhớ nên mưa buồn ray rứt/Em vẫn ở trong chiều sâu tiềm thức/Gọi em về bên biển nhớ mênh mông”. Cũng là khi người thơ thấy được sự nhiệm màu của tình yêu đích thực: “Dẫu bụi đường xa bám đầy đôi chân em ngọc ngà/Dẫu gió nắng thổi nung khô cháy suối tóc em/Nhưng em vẫn đến với một niềm tin yêu lớn nhất”. Tình yêu đích thực bao giờ cũng được trân trọng, nâng niu, đáp đền: “Để hôm nay ngày mai và mãi mãi/Em vẫn ngự trị trong ta bền vững một bức tượng đồng/Ở đó có hai chữ nghĩa trung/Và tên em: Mộ Vàng vô giá”(Gọi tên em bốn mùa). Đã tìm thấy hạnh phúc ngay cõi trần thế do tình yêu mang lại, bởi anh biết vun xới và nâng niu nó!
Ước ao không phải không trở thành sự thật, nhưng nó trở thành sự thật khi trong mỗi cuộc đời có một tình yêu lớn lao đủ sức nâng đỡ và đưa con người đến sự cao cả với cái đẹp vĩnh cửu, ở đó, người thơ đã phả vào hơi men của sự sống, mà em là thiên sứ mang hạnh phúc về nơi trần thế, đã cứu rỗi thân phận anh trên cây thập giá đời. Người thơ cũng hiến dâng đời mình bằng tất cả hành động mãnh liệt nhất, trãi qua những khó khăn, vật vả để đến với em: “Lăng Cô ta đến lần đầu/Cô Lăng ta đã bạc đầu với em/Lăng Cô sóng biển dịu êm/Cô Lăng ta sống êm đềm tháng năm”(Lăng Cô êm đềm). Niềm vui đã chảy thành những nốt thơ, nốt nhạc lòng!
Sự độc đáo nhất trong mảng thơ tình yêu của Nguyễn Văn Đắc là anh nhận ra gương mặt tình yêu, gọi tên nó và đưa đến một khái quát lớn, rằng tình yêu chỉ vĩnh hằng trong sự hi sinh thánh thiện!
Thơ Nguyễn Văn Đắc còn là tiếng nói sẻ chia, đồng vọng với những số phận, cuộc đời và những vùng đất anh đã đi qua. Một Hà Nội “Sáng Ba Đình trời ngập nắng thủy tinh/Chiều Hoàn Kiếm gió mơn làn sóng bạc/Đêm hoa đăng đêm ngập tràn sao sáng”(Hà Nội ký ức một ngày), một Tháng sáu trời Tây vang lên ở nơi xa Tổ quốc: “Tháng sáu bắc nhịp trời Tây/Qua ngàn vạn dặm đong đầy chí trai”, một hành trình Trên đỉnh sa mù: “Đèo cao núi cả non xanh/Nõn nà lá mọng vươn cành sắc xuân/Suối khe vách đá chập chùng/Nắng ùa răng rắc suối nguồn cạn khô”... Cho đến, những hình ảnh thân thương của quê hương, người thân đi vào thơ anh một cách tự nhiên, chân tình, da diết, thẳm sâu qua những con chữ giản dị mà chân thật. Anh nói với mẹ trong lòng biết ơn vô hạn: “Cái rốn lớn lên âm thầm lặng lẽ/Dấu ấn một đời lòng mẹ cắt ra/Chín tháng mười ngày ruột mẹ nối ruột con/Miếng dỡ miếng ngon mẹ cũng nuôi con theo đường ấy” (Cái Rốn). Cũng như những điều anh cảm nhận về người cha đã khuất qua sự chiêm nghiệm giữa quá khứ và thực tại, giữa cái còn và mất, giữa cái có thể và điều không thể: “Một sáng tin mơ của ngày đầu xuân năm ấy – cha mất rồi tin dữ ấy vang xa. Trong vạn dặm của cuộc đời ai cũng có những nỗi bi ai, và ngày ấy, mùa xuân ấy con đã vĩnh viễn xa cha”(Mấy nhịp sầu thương).
Đằng sau những được - mất, hạnh phúc – khổ đau… là sự ngộ ra bản thể, ngộ ra chính mình. Trạng thái thức tỉnh sau những cơn mơ rất quan trọng bởi không ai ngoài bản thân mình có thể làm sống lại những điều mơ ước, khát khao. Những câu thơ chiêm nghiệm của Nguyễn Văn Đắc vì thế sâu lắng thiết tha hơn: “Cuộc đời được mấy lần vui/Đã bao nhiêu bận bùi ngùi xót xa/… Rượu nồng nhấp chén men say/Cuộc đời một chớp chau mày thoáng qua” (Chớp chau mày).
Trong đời người làm thơ, chỉ để lại trong lòng bạn đọc một bài thơ đã là quý hóa. Riêng Nguyễn Văn Đắc dẫu không muốn thành thi sĩ, thế nhưng những thi phẩm của anh đã đến được với bạn đọc và góp phần chắp thêm đôi cánh cho thi ca giàu hương sắc. Thưởng thức và chiêm ngưỡng thơ là phụ thuộc vào thị hiếu của từng người. Có lẽ nào qua những thi phẩm của Nguyễn Văn Đắc lại không làm cho ta sống và yêu giữa cuộc đời tươi đẹp này!
Quả thực, tập thơ Cái Rốn đọc xong đã để lại trong lòng độc giả nhiều suy tư nặng trĩu. Sở dĩ Nguyễn Văn Đắc có được một mùa bội thu như thế chính là do sự sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc không biết mệt mỏi, cùng với lòng yêu đời đến cháy bỏng, yêu người đến tha thiết và yêu cái đẹp, cuộc sống đến cạn kiệt bởi một nỗi đam mê mãnh liệt của một tâm hồn mãnh liệt.
Nguyễn Văn Đắc giờ đây tuổi đã ngoài sáu mươi, mong gì hoa thơm trái ngọt, nhưng với những thành quả đã đạt được và những vỉa tầng đang được khơi lộ, tôi hy vọng thi sĩ Nguyễn Văn Đắc sẽ còn vững bước trên con đường nghệ thuật mà tập thơ Cái Rốn là hoa trái đầu mùa với giá trị của nó, giá trị của một bông thơ đồng vọng từ tiếng nói tri âm, từ tình yêu người thơ là một cách dâng tặng thi ca.
B.N.H
_____________
(*) Cái Rốn, thơ – Nguyễn Văn Đắc - NXB Thuận Hóa – 2010