Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/10/2023 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người thầy trong nghề văn

Có quan niệm cho rằng làm nghệ thuật thì không có thầy, mà chủ yếu nhờ thiên phú kết hợp tự học, nghề dạy nghề, tức làm dần sẽ quen và giỏi dần lên. Như thế cũng là một cách nói mang dụng ý nghệ thuật.

Điều này rõ nhất là trong lĩnh vực văn chương, vì hầu hết các nhà văn đều không có bằng cấp gì về văn chương, chính mình là thầy của mình, tự rèn mà nên. Vậy nhà văn có thầy không?

 

Thầy của nhà văn

Thực ra có nhiều trường viết văn đã thành lập từ rất sớm để đào tạo nên đội ngũ sáng tạo chữ nghĩa. Một trong những ngôi trường nổi tiếng là Trường Viết văn Gorky ở Nga. Sinh thời, Maksim Gorky đã có ý tưởng về việc xây dựng một cơ sở để cung cấp kiến thức chuyên môn văn chương cho con em công nông. Ông trao đổi ý kiến này với những người đồng nghiệp và rồi được Lenin tán thành. Năm 1933, một tòa nhà biệt thự được chọn làm Trường Đại học văn chương Gorky. Ngôi trường này đã đào tạo nên nhiều nhà văn nổi bật cho Liên Xô thế kỷ XX như Chinghiz Aitmatov, Rasul Gamzatov, Konxtantin Ximonov... Những nhà văn đó lại trở thành các thầy giáo của nhà trường, kiến thức về văn chương được trao truyền.

Trường Đại học Văn chương Gorky

Trường Đại học Văn chương Gorky

Ở nước ta, Trường Viết văn Nguyễn Du được thành lập những năm sau giải phóng và tuyển sinh khóa đầu tiên năm 1979. Ngay khóa đầu tiên ấy đã có những học trò sau này trở thành những tên tuổi của văn học Việt Nam như: Hữu Thỉnh, Chu Lai, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây... Các học viên này đều là những người mặc áo lính bước ra từ chiến tranh, thiếu thốn đủ thứ và cái cần nhất là kiến thức làm nghề. Chính điều đó nên họ được trang bị khối kiến thức chung khá lớn. Các thầy đứng lớp khóa đầu tiên là nhà văn Nguyễn Tuân dạy thể ký, nhà văn Tô Hoài và nhà văn Nguyễn Đình Thi nói về tiểu thuyết, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh nói về thơ, nhà thơ Xuân Diệu nói về mối quan hệ giữa thơ với tình yêu, tôn giáo... Nhà trường cũng mời những nhà văn hóa như Nguyễn Khắc Viện, Đặng Thai Mai, Từ Chi đến giảng. Rồi cả những bộ môn khác cũng được dạy ở trường viết văn như: kịch, mỹ thuật, điện ảnh, tâm lý học... Dễ thấy trường viết văn như là trường bách khoa, song cũng dễ hiểu điều này, bởi nhà văn là người phải có kiến thức rộng trên nhiều lĩnh vực.

Không phải ai cũng có điều kiện và cơ hội để đến các trường đào tạo viết văn. Một số chọn con đường học theo một thầy cụ thể. Trên thế giới đã có nhiều người tự nguyện làm thư ký, giúp việc cho nhà văn và rồi họ trở thành nhà văn.

Tác giả của các tập truyện Em làm ơn im đi được không?, Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình, nhà văn Mỹ Raymond Carver là học trò của tiểu thuyết gia John Gardner. Họ gặp nhau tại Chico State College, California, vào thập niên 1960. Trò đến với thầy trong một tâm thế kính ngưỡng và bắt chước, Raymond kể: “Hồi ấy tôi còn chẳng biết một nhà văn thì trông như thế nào. John trông giống một nhà văn. Ông ấy có mái tóc đó, và ông ấy hay mặc cái thứ đó, trông giống một cái áo choàng. Tôi đã cố bắt chước dáng đi của ông ấy. Ông ấy hay để tôi ngồi viết trong phòng làm việc của ông ấy vì tôi không có nổi một nơi nào yên tĩnh. Tôi đã xem đống giấy tờ của ông ấy, ăn cắp nhan đề những truyện ngắn của ông ấy để dùng cho những truyện ngắn của tôi.”

Sau này Raymond Carver bảo cả đời mình khi viết ông luôn luôn cảm thấy có Gardner nhìn qua vai mình, đồng tình hoặc không đồng tình với một số từ, mệnh đề và chiến lược, phạt phạm lỗi. Ông bảo một thầy giáo dạy viết văn giỏi là điều gì đó giống một ý thức văn chương, một giọng nói phê phán thân tình rót vào tai ta.

Rồi chính Raymond Caver lại trở thành người thầy của rất nhiều nhà văn khác, mặc dù chính ông tuyên bố không thích dạy học. Một học trò của ông là nhà văn Jay McInernay, tác giả của Bright Lights, Big City nổi tiếng cho biết: "Sinh viên chúng tôi, rồi tất cả những lớp dạy viết văn khác trên toàn quốc, gần như ai ai cũng như thể viết và cho in những truyện mang nhan đề của Raymond Carver như Do You Mind If I Smoke?”. Quả thật, Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình của Raymond Caver là một cái tên truyện quá ấn tượng và nổi tiếng đến mức không chỉ học trò của ông ở Mỹ mà ở Việt Nam, nhiều người viết đã mượn cái tựa đó và "độ" lại.

Cũng như Raymond Carver, người học nghề văn buổi đầu đều đến với thầy bằng sự rụt rè pha lẫn hồi hộp. Bởi những ông thầy đó, ít nhiều đã thành danh. Nhà văn Nguyên Hồng có họ hàng bà con bên ngoại với nhà thơ Thế Lữ. Nhưng Nguyên Hồng cũng phải nhờ mẹ mới được gặp tác giả bài thơ Nhớ rừng: "Mẹ đưa tôi đến nhà anh và tôi đã bắt mẹ tôi phải đi cùng như đứa bé lần đầu đến ông thầy học hay như khi chịu lễ lần đầu đến nhà thờ vậy". Một năm sau Nguyên Hồng mới được gặp lại Thế Lữ và vẫn không bớt sự hồi hộp run rẩy đó. Khi Thế Lữ hỏi cậu đang viết cái gì, Nguyên Hồng ấp a ấp úng: "Thưa tôi đang viết, nhưng tôi thôi, tôi sẽ không viết nữa". Thế Lữ liền ngả đầu ra cười và nói giọng đạo mạo: "Phải như thế cậu ạ! Khi thấy mình viết xoàng, viết nhạt, khi thấy chính mình không bằng lòng với mình, thì không nên viết".

Đấy chính là những bài học vỡ lòng, có khi là bài học xuyên suốt cho cả đời văn. Các nhà văn dạy cho nhau cũng là kiểu truyền cho nhau những lời khuyên như thế. Các thầy được mời đến giảng bài cũng khiêm tốn bảo là đến nói chuyện văn chương. Không ai tự nhận mình là thầy cả. Không có người thầy mô phạm đúng nghĩa như ở các cơ sở giáo dục. Vậy nên rất hiếm có sách nào dạy viết văn. Đến những học giả lớn cũng chỉ để lại những suy ngẫm về nghề, những kinh nghiệm viết thông qua các hồi ký, tự truyện chứ không dám viết hẳn một cuốn sách dạy viết văn. Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Hiến Lê đều có tập sách tên là Đời viết văn của tôi, Thu Giang Nguyễn Duy Cần có Để trở thành nhà văn, Nguyên Hồng có Bước đường viết văn, Tô Hoài có Cát bụi chân ai... Đọc những cuốn sách như thế thì người viết văn cũng thu lượm được ít nhiều kỹ năng, phương pháp làm việc với chữ nghĩa. Tác giả của những cuốn sách ấy, theo một cách hiểu nào đó, cũng là người thầy thầm lặng cho các nhà văn đi sau.

Thầy sửa văn

Có một hình thức dạy và học viết văn khác, không rõ ràng cụ thể nhưng lại rất quan trọng và hữu ích đó là sửa văn. Khi đó, biên tập viên ở các tòa soạn báo và nhà xuất bản sẽ là những người "thầy" thầm lặng. Họ biên tập bài để phù hợp nội dung bản báo, song đôi khi có trao đổi lại với người viết và đấy chính là những bài học giá trị. Các biên tập viên làm một vai trò hết sức quan trọng là người trung gian giữa người viết và người đọc. Họ hiểu bạn đọc cần gì, chán gì, thích gì, khó chịu gì, và họ trao đổi lại với người viết những đòi hỏi đó. Bởi suy cho cùng, một khi đã xác định nghề văn tức là đưa sản phẩm chữ nghĩa đến được với mọi người, không còn chuyện viết cho ta, viết để giải tỏa ẩn ức hay viết vì cảm xúc nữa.

Cách tốt nhất để trưởng thành trong nghề văn là viết và gửi đi in ở các tờ báo, các nhà xuất bản uy tín về văn chương. Khi đó, các biên tập viên cao tay sẽ sửa bài cho người viết, chịu khó đọc lại cái người ta đã sửa và rút ra kinh nghiệm. Như vậy là ta học trên chính bài của ta.

Những biên tập viên cẩn trọng và tâm huyết thường có con mắt xanh, có sự chu đáo, chăm chút cộng tác viên mới, trẻ. Họ giúp những người mới vào nghề tự tin hơn, và họ chính là những người thầy dẫn bước con đường văn chương, thầy sửa văn.

Nhà văn Hồ Anh Thái kể thời sinh viên ông gửi những tác phẩm đầu tay đến tạp chí Văn nghệ Quân đội và báo Văn nghệ. Ngay từ những lần đầu ấy ông đã được các biên tập viên là nhà văn Triệu Bôn, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú góp ý, chỉnh sửa, đổi tựa truyện và cho in. Rồi ông còn được may mắn gặp những nhà văn danh tiếng đồng thời là biên tập viên tử tế như nhà thơ Phan Cung Việt trông trang văn nghệ báo Tiền Phong, nhà văn Lê Minh Khuê ở nhà xuất bản Tác Phẩm Mới... Về sau nhà văn Triệu Bôn bị tai biến mạch máu não, gặp lại Hồ Anh Thái ông run run nói: Em bảo anh cách viết thế nào cho phù hợp để cộng tác với báo. Các nhà văn từng là "người thầy đầu tiên" của Hồ Anh Thái lại gửi bài để Hồ Anh Thái chọn in báo. Như vậy là vai vế thầy trò đã đổi đảo.

Đấy là khi Hồ Anh Thái đang làm ở đại sứ quán Iran vừa biên tập từ xa cho trang văn nghệ báo Đại biểu nhân dân, mỗi tuần dành liên tục 4 số từ thứ Hai đến thứ Năm để in truyện ngắn. Tờ báo đó của Quốc hội nên cũng khá sang và... nhuận bút cao. Ông đã giúp đỡ rất nhiều người viết mới, trẻ bước vào nghề văn thông qua cách đưa truyện in trên báo. Nguyễn Trí với Bãi vàng, đá quý, trầm hương hay Kỳ nhân làng Ngọc của Trần Thanh Cảnh (hai cuốn sách đạt giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn) đều là truyện in trên báo Đại biểu nhân dân tập hợp lại.

Với người mới gửi bài, Hồ Anh Thái chỉ biên tập để in; sau vài cái truyện nữa bắt đầu có những trao đổi về văn chương. Chỗ nào cần sửa, chữ nào dùng sai, câu văn nào còn yếu, cấu trúc một câu văn như thế nào để đọc vào không bị khó chịu, ngôn ngữ thế nào thì bị gọi là quê. Cứ thế, thông qua các email trao đổi, Hồ Anh Thái trở thành một người thầy không cần gặp gỡ cho rất nhiều người viết. Thỉnh thoảng những bức email trao đổi rất dài, giống một bài giảng. Ông dùng chính tác phẩm của người đó làm bài tập để sửa, đấy cũng như bắt tay chỉ việc rồi. Những "bài giảng" ấy sau này Hồ Anh Thái gom lại thành tập Lang thang trong chữ (NXB Trẻ) và có thể coi đó là cuốn sách dạy viết văn hiếm hoi, dạy thật sự. Trong đó tập hợp các kỹ thuật cấu trúc câu văn, dùng từ, dùng dấu câu để tạo nên một tác phẩm văn chương chuyên nghiệp hơn.

Nghề nào cũng có thầy, song người thầy trong nghề văn thường không rõ ràng, thầy không tự nhận là thầy mà chính học trò tự phong thầy lên. Người thầy ấy cũng không nhất thiết xuất hiện trên bục giảng, hay bắt tay chỉ việc mà chỉ cần đứng ở rất xa, âm thầm hướng dẫn cho trò. Thầy trò cũng chẳng cần gặp gỡ làm gì, giống như cách học online bây giờ.

T.V

THUẬN VŨ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 326

Mới nhất

Tìm về dấu xưa Đan Mạch

28/09/2023 lúc 10:30

 Năm ấy, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và tôi đến Đan Mạch dự Liên

Khe Sanh ngày mới

2 Giờ trước

Nhạc và lời: Trần Minh Hải

Yêu lắm Triệu Phong ơi

2 Giờ trước

Nhạc: Xuân Vũ Phổ thơ: Nguyễn Văn Dùng

Ngồi

2 Giờ trước

Nhạc: Võ Hoàng Khiêm Thơ: Vũ Văn Song Toàn

Triệu Trạch yêu thương

2 Giờ trước

Nhạc và lời: Phương Bắc

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải B Cuộc thi viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tỉnh Quảng Trị năm 2023

28/09/2023 lúc 16:36

TCCV Online - Chiều nay 28/9/2023, Ban tổ chức Cuộc thi viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tỉnh Quảng Trị năm 2023 đã tổng kết trao thưởng.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/10

25° - 27°

Mưa

03/10

24° - 26°

Mưa

04/10

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground
Gốm sứ Tâm An