Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người thích kể chuyện làng

V

ới nghề viết, ra được một cuốn sách coi như có thêm một đứa con. Một đứa con tinh thần! Gần 20 năm với nghề, không biết bao lần tôi đã được chúc mừng bè bạn bởi những đứa con tinh thần như thế. Cũng như vợ chồng sinh con, có người mắn kẻ thưa, riêng Đào Tâm Thanh, anh đã hoài thai “đứa con” này suốt một thời hoa đỏ cho đến ngày tóc bắt đầu điểm tuyết. Cũng gần 20 năm rồi!

Một mái đình với cây đa, bến nước, đụn rơm ngay bìa cuốn sách dày hai trăm trang gợi về những ngôi làng truyền thống của người Việt. Một nhà báo ở tỉnh, gần 20 năm sấp mặt với nghề thì chuyện làng là “âm hưởng chủ đạo” của tác phẩm cũng đúng thôi. Nhưng, chuyện làng mà Đào Tâm Thanh kể trong cuốn sách này không giống như mường tượng của nhiều người. Không biết Thanh đã đi về những ngôi làng nào trong gần một ngàn ngôi làng trên đất Quảng Trị, chắc anh cũng không nhớ. Nhưng mỗi bài viết trong đây thực là một “dấu chân” mà Thanh đã để lại trên những con đường làng ấy. Tôi nghĩ những con đường làng trong văn của Thanh cũng chính là dáng dấp con đường đời nghề mà anh đang đi vậy.

Tôi quen Đào Tâm Thanh từ khi anh còn là sinh viên khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Huế. Người ta đùa, đã học Đại học Tổng hợp thì cái gì cũng biết và câu chuyện ông bác bảo thằng cháu về nghỉ hè rằng: “ Nghe nói mày học Tổng hợp Văn, mai sang sửa giúp bác cái ra- đi- ô bị hỏng”, tưởng là chuyện đùa, hoá ra thật. ít ra là thật với những người như Thanh. Từ thời sinh viên, Đào Tâm Thanh đã tỏ ra đa tài, tài viết, tài vẽ, đục đẽo, may đo, kể cả tài... tán gái. Khi trở thành một nhà báo, Thanh cũng là một trong những cây bút đã làm nên niềm tự hào cho “lò” Tổng hợp Văn chúng tôi. Cây bút của Thanh lớn lên cùng với sự thay da đổi thịt nơi miền quê nắng gió Quảng Trị. Giờ đây anh là Phó Trưởng ban Biên tập kiêm Phó Thư ký Toà soạn báo Quảng Trị, là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội VHNT Quảng Trị, một cây viết ký tin cậy của tạp chí Cửa Việt. Trong gần 20 năm cầm bút anh đã “ẵm” năm giải thưởng báo chí từ quốc gia cho đến tỉnh, thuộc típ người có duyên với giải thưởng như anh Minh Tứ, anh Nguyễn Tiến Đạt, anh Nguyễn Hoàn.

Ngày tôi còn ở báo Quảng Trị, cùng với Nguyễn Hoàn và Nguyễn Tiến Đạt, Đào Tâm Thanh tỏ ra là một trợ thủ đắc lực và đa năng của Ban Biên tập. Anh viết rất nhanh và viết được trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến xã hội và văn hoá, văn nghệ. Anh là cây biên tập cứng và khi cần còn là một cây ma két có đường nét của tờ báo nữa. Những lúc bí bài vở để lên trang, gọi Thanh là nhanh chóng và xong hết. Vậy nên nếu nói Đào Tâm Thanh là anh “lính cứu hoả” của Toà soạn cũng không ngoa chút nào. Từ ngày đó, tôi đã nhận thấy trong văn Thanh luôn có xu hướng... về làng! Dù ở đề tài nào, lĩnh vực nào, hễ có dịp là Thanh lại lấy những ý tứ, hình ảnh, ngôn từ làng quê để thể hiện tư tưởng tác giả. Và cũng chính vì vậy mà đọc bài của Đào Tâm Thanh người ta dễ cảm tình như  người mãi lăn lóc giữa chốn phố phường bỗng được bước chân trần trên vệ cỏ đường đê và hít hà mùi khói rơm lam chiều trong nỗi nhớ cố hương. Thế nên, khi cầm trên tay cuốn “Chuyện làng” tôi đã không bất ngờ. Không bất ngờ nhưng vẫn băn khoăn: Vì sao Đào Tâm Thanh hay nói chuyện làng, và chuyện làng mà sao nói hay đến thế?

Ở một góc độ nào đó, “Chuyện làng” là biên niên của một phóng viên báo Đảng. Ở đó, Thanh góp phần nhắc lại cho người đọc những dấu mốc của cuộc hành trình đi lên sau hơn 17 năm tái lập tỉnh của quê nhà với bao gian khó. Ở đó, ngòi bút của Thanh biến thành cành cọ để vẽ lại những sắc màu làng quê Quảng Trị. Và ở đó, anh đặc tả chân thành từ những nỗi suy tư của người nông dân trên luống cày ngày hạn đến những nụ cười bẽn lẽn đầu mùa khai trường ở một vùng núi cao...Thanh kể chuyện làng theo cách của một nhà báo. Không chỉ về tận làng mới nói chuyện làng. Có khi sang tận bên Băng Cốc mà “nhìn” về làng mình. Lúc lại thoảng nghe câu quan họ ngoài Kinh Bắc rồi rưng rưng nhung nhớ giọng quê. Làng trong văn Đào Tâm Thanh không chỉ là cái làng Tam Hiệp, xã Cam Thuỷ, huyện Cam Lộ, nơi anh sinh ra, hay một ngôi làng nào trong ngút ngàn ngôi làng Quảng Trị, mà là quê hương, là xứ sở, trong đó ẩn hiện ngôi làng bên sông Hiếu ấy. “Vục tay xuống dòng nước Kỳ Cùng mà tự hỏi có phải nơi đây là đầu nguồn con sông Hồng chảy về đất Mẹ? Đi giữa Mê công đất khách quê người mới thấy cồn cào nỗi nhớ bãi bùn cuối Việt.” (Băng cốc xa và gần). Chuyện làng của Thanh được kể qua những hình ảnh, cảm xúc liên quan về quê nhà. Từ giọt mồ hôi trên trán vị nguyên thủ quốc gia rơi trên đất làng Hải Hòa trong mùa lũ dữ; nỗi nhớ vợ, thương con của anh lính biên phòng giữa núi rừng Cù Bai xa xôi, kể cả những nhắn nhủ rất đời thường của bà con kiều bào bên kia sông Mê Công với quê hương và những gập ghềnh, trăn trở của một quá trình đô thị hoá để đưa làng lên phố ở Đông Hà... Tất cả đều được Đào Tâm Thanh mang ra kể.

Thanh say sưa với mỗi đổi thay trên mảnh đất quê như chính đổi thay tự con người mình. Nhưng anh làm tôi thực sự rung động ở tấm tình với quê hương. Người ta có thể giả vờ mà vẫn nhỏ được những giọt nước mắt, nhưng không ai có thể giả vờ mà viết ra được những câu văn đậm hương  làng quê như Thanh. Thanh từng “ra đồng gặt lúa. Cảm giác được dấn bàn chân xuống sâu dưới lớp bùn non, nghe đất và nước rân rấn, nồng nồng, lành lạnh, âm ấm. Bùn dẻo như lớp bánh dày no những nhịp chày. Tiếng sì sụp, óc ách theo bước chân đôn hậu và thân quen, lạ lắm.” (Chuyện làng). Tưởng anh chính là một lão nông tri điền biết viết báo, ai ngờ tự kiểm điểm vẫn trách mình thật quan liêu với làng quê. Đó là khi anh chỉ quen cái nhìn của nhà nông “truyền thống”, chỉ thấy sự hiện diện của công cuộc hiện đại hoá trên đồng đất mà quên mất người nông dân giờ đây không chỉ “trông trời, trông đất, trông mây” mà còn phải “trông” thêm vào giá cả phân bón, xăng dầu và giá thóc trên thị trường. Sự không bằng lòng với mình luôn khiến Đào Tâm Thanh bày biện lên mặt báo những bức xúc của làng quê khiến ai đọc cũng phải nặng lòng. Ví như chuyện “nếu lấy 529.000 đồng (đã đầu tư cho một sào lúa) chia cho 200 kg sản lượng thóc thu được, sẽ có giá thành một kg thóc là 2.645 đồng.Và đem bán với giá 1.500 đồng/kg...” (Chuyện làng). Chỉ có những ai mỗi khi “bưng bát cơm trên tay lại thấy mình có sự liên hệ mật thiết, ruột rà với với ruộng vườn, đất đai, cây cỏ, nước nôi” (Hương lúa thơm trên dặm dài xuyên á) mới trăn trở đến vậy thôi. Nghiện mùi nê địa đến mức như Thanh nghĩ cũng có mấy ai, nhất là trong làng báo thời nay?

Đọc “chuyện làng” tôi ấn tượng nhất là văn của Thanh lâu rồi vẫn giữ được chất trong sáng. Điều mà không phải ai cũng giữ được, nhất là khi cây bút càng già, cái tôi càng lớn. Lý giải điều này, chỉ có thể nói rằng dù hoàn cảnh nào, với động cơ nào thì cái tâm của người cầm bút có trong sáng, ý từ anh ta viết ra mới sáng trong. Đào Tâm Thanh ít khi nói về mình, nhưng theo suy đoán của tôi, cái chất trong sáng của văn anh có được là từ duyên nghiệp với làng quê và chỉ khi nào anh không còn “ruột rà với ruộng vườn, đất đai, cây cỏ” nữa thì sự sáng trong quí hiếm ấy mới sẽ thôi lung linh trên trang viết mà thôi!

                                                                                                  Đ.N.H

 

 

 

Chuyện làng- Đào Tâm Thanh – Nhà xuất bản Thuận Hóa – Tháng 9/2006


Đinh Như Hoan
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 145 tháng 10/2006

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/07

25° - 27°

Mưa

08/07

24° - 26°

Mưa

09/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground