Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 đã diễn ra trong hai ngày 18 và 19/6/2022 tại thành phố Đà Nẵng. Với 138 đại biểu tham dự, hội nghị lần này có số đại biểu đông nhất so với hai hội nghị liền kề trước đó. Các tác giả tham dự đều ở độ tuổi dưới 35, tập trung nhiều ở chuyên ngành thơ và văn xuôi, một số ít thuộc chuyên ngành phê bình văn học và dịch thuật. Hầu hết đến từ nhiều địa phương trong cả nước và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Tại buổi khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư động viên và quà tặng tới hai đại biểu đặc biệt, đó là tác giả Vũ Nguyên (32 tuổi, đến từ Thanh Hóa) - khiếm khuyết cơ thể nhưng tràn đầy tình yêu với thơ ca và Trần Phú Minh Anh (15 tuổi) đại biểu trẻ nhất Hội nghị - xuất bản tiểu thuyết bằng tiếng Anh từ năm 12 tuổi. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng gửi quà và thư tới các đại biểu.

Phát biểu tại buổi khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chủ đề của Hội nghị Vì sao chúng ta viết là câu hỏi tưởng chừng dễ nhưng lại khó đối với mỗi người viết trẻ: “Dù tuổi đời còn trẻ nhưng những suy nghĩ, phát biểu của các đại biểu ở đây rất già dặn, trưởng thành hơn chúng tôi ngày trước. Vì sao chúng ta viết là câu hỏi dành cho các bạn nhưng tôi cũng phải tự đặt câu hỏi tại sao tôi lại ở đây”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, lãnh đạo Chính phủ luôn muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà văn để cùng bàn bạc, tìm hướng phát triển sự nghiệp văn học nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung. Đảng và Nhà nước không bao giờ muốn hạn chế tự do sáng tác nghệ thuật.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng nêu vấn đề: Văn học có chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng thẩm mỹ. Để thực hiện được những chức năng đó không hề đơn giản. Các thế hệ nhà văn đều dấn thân vì những chức năng cao quý này, sáng tạo các tác phẩm văn học có giá trị, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. “Vì sao chúng ta đang thiếu vắng những tác phẩm văn học giá trị? Phải chăng vấn đề này đang chạm đến trách nhiệm mà những người viết văn trẻ đang đau đáu dấn thân, khắc phục.” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Đồng thời Bộ trưởng khẳng định: Bộ VH-TT&DL sẽ đồng hành với Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, cùng trả lời câu hỏi Vì sao chúng ta viết. Tuy nhiên, văn học là lĩnh vực khó, nên xét ở góc độ quản lý nhà nước, khó có một quy định pháp luật nào thật đầy đủ và bao quát. Muốn nhà văn cày xới được trên cánh đồng chữ nghĩa, Nhà nước phải tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi nhất, tạo ra động lực cho sự phát triển, nghĩa là bằng các văn bản quy phạm pháp luật để tạo ra sức bật mới. Bộ VH-TT&DL đã báo cáo với Chính phủ cho phép xây dựng một nghị định về hoạt động văn học nghệ thuật và giao cho Cục Nghệ thuật Biểu diễn làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam để lắng nghe ý kiến.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi đã bàn với Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam về việc duy trì và nâng cấp trại sáng tác, phải xây dựng được giải thưởng văn học quốc gia để phát hiện và đào tạo nhân tài”. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 11/2021 đặt ra mục tiêu: Hằng năm có từ 10 - 15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; có 2 tác giả đoạt giải thưởng văn học ASEAN và khoảng 20 - 30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước. Bộ trưởng tin tưởng chắc chắn rằng những nhà văn trẻ sẽ là chủ nhân của những giải thưởng nói trên. Bộ VH-TT&DL sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, chắp cánh cho những tài năng trẻ với tất cả sự trân trọng, quý mến, tin yêu. Việc cổ vũ động viên người viết trẻ chính là cổ vũ cho tương lai của văn học nước nhà.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khuyên các nhà văn trẻ: Hãy viết bởi sự rung động trước cái đẹp của thiên nhiên, của văn hóa và của con người. Những vẻ đẹp ấy dù trong bất cứ thăng trầm nào của lịch sử vẫn ngập tràn trong đời sống và đợi chờ chúng ta. Chúng ta muốn dùng trái tim, sự thấu hiểu và nghệ thuật ngôn từ để mở ra những vẻ đẹp ấy và lan tỏa những vẻ đẹp ấy cho con người. Nếu văn chương không đưa con người tới vương quốc của cái đẹp thì nó sẽ đưa con người đến một nơi chốn ngược lại.

Trong bản tham luận của mình, tác giả Kim Sơn (Gia Lai) cho rằng, số đông người trẻ sẽ trả lời câu hỏi vì sao họ viết là bởi hai lý do. Thứ nhất, nói một cách thực tế thì viết văn làm thơ là một công việc có thể kiếm ra tiền. Vì thế, chúng tôi viết để nhận nhuận bút, để trang trải cho cuộc sống, có thêm một nghề tay trái để mưu sinh. Lý do thứ hai, chúng tôi viết để tỏ bày bản thân, viết cho những nỗi niềm không thể nói ra cùng với một người khác.

Tác giả Đinh Lăng (Bình Dương) cho biết, văn chương đã cho cô sống nhiều cuộc đời, có đau khổ, có hạnh phúc. Văn chương là thứ không thể thiếu để nuôi dưỡng tâm hồn mình. Chính vì vậy, người viết văn nên có trách nhiệm với những gì mình viết ra. Trong buổi Hội thảo Văn xuôi, tác giả Đinh Lăng cũng đã đặt vấn đề về lộ trình nào để đào tạo và nâng cao trình độ viết cho người viết trẻ. Là người học và dạy vật lý rồi rẽ ngang, cô luôn trăn trở và muốn học hỏi nhiều hơn về kỹ năng sáng tác văn chương. Trả lời về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn cho biết, hàng năm Hội Nhà văn có hai trại viết, ở đó sẽ có các cuộc trao đổi giao lưu của những nhà văn thế hệ trước để chia sẻ phương pháp, câu chuyện viết lách. Ngoài ra, Trường Viết văn Nguyễn Du thường xuyên mở các chương trình đào tạo ngắn hạn, mời các nhà sáng tác, nhà nghiên cứu, phê bình giảng dạy, các tác giả trẻ có nhu cầu học hỏi có thể tìm hiểu và đăng ký.

Tác giả Mạc Yên và tác giả Phát Dương (Cần Thơ) trăn trở khá nhiều trước việc kiểm duyệt và cái biên, cái tự do của người viết. Các tác giả đặt ra câu hỏi liệu có biên nào cho người viết trẻ hay không? Chúng ta có dám viết những gì mình muốn hay không? Trao đổi về điều này, nhà văn Khuất Quang Thụy đưa ra lời khuyên rằng, khi viết đừng bao giờ hình dung có một ai khác sẽ kiểm duyệt mình, cũng đừng tự kiểm duyệt, đừng hạn chế tự do và sự sáng tạo của bản thân. Đồng tình với điều này, tác giả Lê Vũ Trường Giang cũng cho rằng, người viết trẻ không nên đeo vào mình một chiếc “vòng kim cô”, đừng tự mặc một chiếc áo quá rộng so với bản thân. Hãy cứ viết, cứ mài giũa bản thân, tự khắc sẽ có một chiếc áo phù hợp với mình thôi. Nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng cho rằng, những cuốn sách tưởng chừng gai góc cũng đã ra đời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Bảo Ninh cũng đã làm nên tên tuổi của mình bằng chính các tác phẩm ấy. Vậy nên ông khẳng định rằng, sẽ không có một rào cản nào, người trẻ hãy cứ tự do trên cánh đồng chữ nghĩa.

Tại Hội thảo về thơ, các tác giả xoay quanh vấn đề điều gì quyết định việc sáng tác thơ, là cảm xúc hay hiện thực và vốn sống. Tác giả Lữ Hồng (Gia Lai) cho rằng, vốn sống rất cần trong việc sáng tạo nghệ thuật. Việc sáng tác thơ lại sử dụng nhiều chất liệu từ cảm xúc, cảm xúc có từ những rung động đến từ đời sống. Nhà thơ Lý Hữu Lương cho biết, hiện thực không giúp nhiều trong việc sáng tác của anh. Anh viết bằng không gian văn hóa, bằng tiềm thức, nếu viết bằng hiện thực thì tác phẩm chỉ mang tính “xuất khẩu thành thơ”.

Việc chia hội thảo thành hai chuyên ngành thơ và văn xuôi giúp các tác giả trẻ có cơ hội trao đổi, tìm hiểu sâu hơn về chuyên ngành mình theo đuổi. Những vấn đề về văn học mạng, về tư tưởng, về lối đi đã được các nhà văn, nhà thơ lão thành chia sẻ một cách tận tình cởi mở. Tuy nhiên, vấn đề Vì sao chúng ta viết ít được các tác giả đề cập hơn bằng việc chúng ta phải viết thế nào, viết làm sao. Nhìn chung, mỗi người trẻ khi đến dự Hội nghị đều thể hiện sự tâm huyết và nghiêm túc với con đường mình đang theo đuổi.

Tác giả Lê Quang Trạng (An Giang) cho rằng điều quan trọng nhất là chất lượng của tác phẩm chứ không phải những rào cản và giới hạn. Anh cho rằng, giả sử nếu có rào cản thì đến một lúc nào đó cũng sẽ được xóa bỏ, không nên cột chân mình khi viết. Tùy cơ duyên mà mỗi tác phẩm, mỗi cuốn sách sẽ được ra đời vào lúc thích hợp, điều cốt yếu của người viết trẻ là hãy cứ viết thật tốt đi. Đồng tình với điều này, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhấn mạnh rằng, người viết trẻ đừng ám ảnh quá nhiều về tư tưởng hay trường phái, cứ viết những gì mình thích và đừng quan tâm đến những thứ đằng sau đó. Chị chia sẻ, đối với các tác phẩm của mình, khi được chuyển thể thành phim, chị cũng từ chối đọc kịch bản. Chị cho rằng việc của chị là viết ra tác phẩm đó, còn những việc đằng sau là của người khác. Nguyễn Ngọc Tư gửi lời khuyên chân thành đến người viết trẻ, rằng nếu có gan hãy thử bỏ mạng xã hội một thời gian và đừng hoang mang, lo lắng dễ “đẽo cày giữa đường”, hãy vững tâm mà viết thật tốt.

Nhà văn Y Ban cũng nhắn nhủ tới người viết trẻ, hãy coi việc viết văn giống như đi vào một khu rừng, mỗi người sẽ có con đường khác nhau, hãy tự khai phá con đường của riêng mình. Mỗi vùng đất, quốc gia, dân tộc trong một giờ nào đó sẽ xuất hiện một tài năng. Văn chương sẽ luôn có sự đào thải nghiệt ngã, trước những ngã rẽ và cám dỗ, ai theo đuổi con đường này đã thật là dũng cảm.

Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ, các nhà văn trẻ hôm nay được tiếp xúc với những nền văn học và văn hóa phong phú, khác biệt với các thế hệ nhà văn đi trước, được tiếp nhận nhiều hơn những thông tin đa chiều, có nhiều điều kiện công bố tác phẩm hơn và được sống trong một nền dân chủ ngày càng mở rộng. Nhưng điều mang tính sống còn của mọi nhà văn và mọi nền văn học là lương tri. Nếu mỗi trang viết của nhà văn không chứa đựng lương tri của con người và của dân tộc mình thì những gì họ viết ra lại trở thành sự phản bội chính nghệ thuật mà họ theo đuổi.

Trong hơn một trăm người về dự Hội nghị lần này, sẽ có người tiếp tục gắn bó với con đường văn chương, có người sớm rời đi, rẽ sang một hướng khác. Đó là câu chuyện tất yếu, hơn cả việc gạn lọc và chọn lựa khi người ta luôn gắn với văn chương hai chữ “duyên” và “nghiệp”. Theo đuổi văn chương, mỗi người cầm bút đều khát khao và kỳ vọng để lại dấu ấn cá nhân của riêng mình. Đã có kỳ vọng ắt sẽ có áp lực và thất vọng là hiển nhiên, bên cạnh thuận lợi, nhà văn trẻ cũng gặp không ít những khó khăn, xao nhãng. Điều cốt yếu là sự nỗ lực tự thân của mỗi người viết, khi đã lựa chọn con đường này thì hãy nghiêm túc làm tốt nhất ở mức bản thân có thể. Như nhà thơ Hữu Việt, Trưởng Ban văn nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam đã chia sẻ rằng “Hãy viết như thể nếu ta không viết ra thì văn học sẽ thiếu đi điều đó. Hãy làm công việc này thật bình tĩnh, bền bỉ, nhẫn nại và đừng sốt ruột.”

Vì sao chúng ta viết – nói cho cùng với một người viết trẻ chính là một lời nhắc nhở cho sự khởi đầu, sự dấn thân. Khi những ưu tiên về đời sống riêng tư được sắp xếp lên đầu, việc viết lách đến một lúc nào đó có thể sẽ ngưng lại. Khi ấy, phải chăng câu hỏi Vì sao chúng ta viết sẽ kéo người viết trẻ trở về trang viết với đam mê và nhiệt huyết như thuở ban đầu.

• Nội dung: DIỆU ÁI
Hình Ảnh: D.A
Thiết kế: DIỆP ANH

Bài in trên Cửa Việt số334

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

4 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground