Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhà thơ Lương An xuất bản tuyển tập

N

hà thơ Lương An với các bút danh quen thuộc như là Thạch Nam, Nguyễn Tài Lương sinh ngày 25.7.1920, quê ở làng Tài Lương, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Khi xuất bản tuyển tập(*), nhà thơ đã lên tuổi tám lăm và kể từ những sáng tác đầu tay trước Cách mạng tháng Tám thì ông đã có một bề dày hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ trên 60 năm. Tôi đã có dăm ba lần đi thực tế cùng ông ở Quảng Trị, khi thì về Cương Gián sưu tầm, ghi chép lại thơ của Dương Tường, khi thì ở các địa chỉ văn hóa như làng Câu Nhi, Bích La, Bích Khê... lúc sức khỏe gần như không cho phép ông đi thêm một lần nào khác nữa. Cách đây chừng bốn năm, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Lương An đã là một ông già lêu khêu, gương mặt xương xẩu, hốc hác, ăn uống cái gì cũng phải kiêng khem nhưng nụ cười, đặc biệt ánh mắt thì còn rất hoạt, thậm chí sắc sảo. Tôi biết những gì còn sót lại trong đôi mắt ấy là thuở hoa niên, là cả một quãng đời trai trẻ sôi động, bao dung và trong trắng.

Thân phụ nhà thơ đỗ tú tài thời vua Duy Tân, từng là hội viên "Hội Duy Tân". Điều đó chắc chắn là có ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách và sự nghiệp sáng tác, nghiên cứu của ông sau này. Thế nhưng khi lớn lên thì ông theo con đường "Tây học" rất sớm và tiếp xúc với cách mạng thông qua người bạn đồng môn, đồng hương là nhà cách mạng, nhà thơ Hồng Chương sau này. Sau khi đậu primaire ở Quảng Trị, hai ông vào Huế học trung học ở trường Quốc học Huế. Tốt nghiệp Thành chung cả hai ông đều học tiếp ban tú tài. Có nhiều kỷ niệm thú vị và bổ ích giữa hai nhà thơ (là nói nhà thơ Hồng Chương thời trai trẻ), đó là những ngày nghỉ hè ra Quảng Trị, các ông mang theo cả không khí báo chí sôi nổi ở Huế ra và xuất bản tờ báo viết tay mà bài vở theo nhà thơ Lương An là "đã kích bọn nhà giàu cho vay nặng lãi, tổng lý bài bạc và cả những thanh niên mất chí hướng..." Kết quả ra được hai số thì bị đình chỉ, bị quan phủ Triệu Phong bấy giờ bắt giam. Quan phủ lấy cớ ra báo, dám tụ tập đội bóng đá không đăng ký, giam cho muỗi đốt một đêm phạt mỗi đứa một số tiền đủ để nhớ đời trước khi tha bổng... Năm 1941, gia đình khó khăn không đủ sức chu cấp cho bốn anh em theo học, Lương An phải đi kiếm việc làm. Có học vấn nhưng người cao gầy không đạt chuẩn tuyển dụng công chức Tây, ông thi tuyển công chức bên Nam triều và được bổ làm "Thừa phái" thư ký theo dõi công văn sổ sách ở Bộ Lại. Chính những năm tháng này, Lương An công bố những bài thơ tình lãng mạn trên báo Tràng An:

"Thuở trước đất trời cũng luyến nhau/ Uyên ương dồn tụ mấy tinh cầu/ Ví không ngọn lửa ân tình ấy/ Thì những vì sao tắt đã lâu.."

Rất tiếc những sáng tác trước năm 1945 khi đưa vào tuyển chỉ được 4 bài. Đó là Xuân quê nhà, Bên dòng Hương, Thuở trước, Đan áo. Nói về những sáng tác của mình trước cách mạng tháng Tám, nhà thơ có tâm sự: "Những bài thơ sáng tác trước 1945, tìm báo "Tràng An" là có thể thấy, nhưng bản thảo vở kịch thơ "Huyền Trân công chúa" chưa in được thì đã bị cháy trong kháng chiến chống Pháp rồi?...". Vở kịch thơ mà bây giờ chính tác giả cũng chỉ còn nhớ lại được đôi câu: "...Gió hiu hắt lọt ru mành mát lạnh/ Trăng thượng tuần mờ dải mái hoàng cung..." Dù sao thì qua tuyển tập, chúng ta được biết thêm một Thạch Nam (tức Lương An) tươi trẻ với những bài thơ tình lãng mạn viết trước cách mạng tháng Tám.

Chính nhờ công việc ở Bộ Lại mà chàng Thừa phái Lương An đã cung cấp cho đồng chí Hồng Chương nhiều tin tức có lợi cho cách mạng. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trong lời bạt: "Lương An không chỉ có Cô lái đò" có ghi lại một chi tiết lịch sử giá trị: "Cho đến sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Hồng Chương ra tù, đêm về ở với ông tại trại công chức (gần cửa Đông Ba), ngoài phần công tác do tổ Việt Minh giao còn đề nghị ông kiếm cách chép lại bức "Thư gửi đồng bào" của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, bản bằng chữ Hán để gửi đến một số gia đình thuộc tầng lớp trên, công chức cao, nhân sĩ. Rất may là vừa lúc thân sinh ông từ Quảng Trị vào thăm con đã sốt sắng giúp cho. Hai bố con đêm đêm hì hụi lồng giấy than với giấy pơluya, viết hết tệp này đến tệp khác. Những dòng chữ, khi như truyền nỗi uất ức vào tâm can: "Do thử ngô dân thân ngâm ư song trùng áp bức chi hạ, ký vi Pháp tặc chi mã ngưu, hưu vi nhật khấu chi nô lệ" Lúc như rọi sáng sáng con đường: "Như kim giải phóng cơ hội dĩ chí, Pháp quốc bản thân ký bất năng tự cứu, cánh bất năng viện trợ kỳ thống trị ngã quốc chi Pháp nhân..."

(Nguyên bản quốc ngữ hai đoạn văn trên trong thư kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết đánh đổ Nhật, Pháp giành độc lập, tự do, ngày 6.6.1941 của Nguyễn ái Quốc như sau: "Vì thế dân ta rên xiết dưới hai tầng áp bức, đã làm ngựa trâu cho quân giặc Pháp, lại làm nô lệ cho quân cướp Nhật... Giờ đây, thời cơ đã đến, bản thân nước Pháp cũng không giúp nổi cho bọn Pháp thống trị nước ta...")

Do tiếp xúc với cách mạng từ rất sớm nên ông là cán bộ tiền khởi nghĩa hoạt động từ tháng 5 đến tháng 8/1945 trong Thành bộ Việt minh Huế rồi cán bộ tại Ủy ban hành chính Trung bộ, Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Trị. Từ năm 1949, trong gần nửa thế kỷ ông đảm nhận nhiều chức vụ của người cán bộ quản lý, chỉ đạo phong trào văn hóa văn nghệ trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Trị, Mặt trận Liên Việt Quảng Trị, Liên khu ủy 4, Ban tuyên giáo tỉnh Bình Trị Thiên cũ; năm 1958 đến 1972, tập kết ra Bắc làm Trưởng ban biên tập Báo Sinh hoạt văn hóa và Báo Thống Nhất ở Hà Nội. Năm 1973 là Phó trưởng ty Văn hóa Quảng Trị, năm 1983 là ủy viên thường trực Hội liên hiệp VHNT Bình Trị Thiên, đến năm 1984 ông mới nghỉ hưu theo con vào sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Tương ứng với những chặng đường hoạt động cách mạng sôi nổi của mình mà "Tuyển tập Lương An" được chia ra làm bốn phần chính. Phần I: "Nắng Hiền Lương", Phần II: "Thơ trên những chặng đường" phần III: "Truyện thơ "Giọt máu chung" và phần IV: Tập hợp những bài nghiên cứu, phê bình giới thiệu văn hóa văn nghệ.

Ở "Nắng Hiền Lương" - Tập thơ đã được NXB Văn Học in từ năm 1962 được chia ra làm 2 phần "Sóng nước nguồn Hàn" tương phản với "Trông bên này, bên kia". Có lẽ đây là phần thơ tiêu biểu nhất của Lương An, phần thơ có nhiều bài thơ không thể quên của một phong cách không thể lẫn. Những bài thơ như nứt ra từ máu thịt cuộc kháng chiến chống Pháp: Từng chuyện, từng chuyện một của những con người bình dị, chân chất đi vào cuộc kháng chiến với một niềm tin yêu mãnh liệt vào ngày thắng lợi cuối cùng được nhà thơ kể ra dễ dàng như không mà thấm vào tâm can người đọc. Đó là "Chị lái đò": "Đò em lên xuống Ba lòng/ Chở người cán bộ qua vùng chiến khu.../ Ai về Bến Trấm thì lên/ Về cho sơm sớm mưa đêm khó chèo..." Đó là chân dung "ông lão vùng nước ngược" mấy mươi năm không một lần hạ sơn hạt muối nuốt không ngon, biết rằng mua của giặc; Khi đồn giặc đóng Khe Sanh lão lên lẻn vào rậm, lấy mồi lửa làm bạn, lấy hốc rẫy làm nhà, giữ rừng ta núi ta, không làm dân mất nước. Vậy mà Bỗng một chiều tạnh ướt/ Ông lão nghe tiếng chiêng/ Từ bản cũ vọng lên/Từng hồi vang giòn giã... /Ông lão mừng rưng rưng/ Vội mang củi xuống núi..." Và: "Lão đứng trên đồi cam Thấy một màu cờ đỏ/ Thấy ảnh một ôngcụ/ Đỉnh trán dựng như lèn/ Đôi mắt sáng như đèn/ Chòm râu dài như suối. Ông lão nhìn không nói/ Lòng nghe tràn nỗi vui/ Miệng lão nhẩm: cụ Hồ/ Thấy núi rừng cũng múa..." Đó là hình tượng chú bé liên lạc trong "Con sáo rừng" đẹp đến nào lòng: "Ra đi liên lạc/ Chưa tròn tuổi khôn/ Đêm mưa dập dồn/ Vẫn nằm ngủ kỹ/ Quên phứt lời mẹ/ Vẫn quen chuyên cần..." để "Cho con đường núi/ Sức đi không mỏi/ Đem về làng xa/ Đem về quê ta/ Ngát những lời ca/ Khắp miền chiến thắng..." Trong khi "Trông bên này bên kia" lại là chủ đề, tâm trạng "ngày Bắc đêm Nam". Tác giả dành nhiều bài thơ trực tiếp ca ngợi công cuộc xây dựng CNXH ở tuyến đầu miền Bắc như "Sóng Cửa Tùng về Hiền Lương", "Đường về Vĩnh Kim", "Lớp học biển khơi"... Nhìn vào đâu trên nửa đất nước đã sạch bóng quân thù, nhà thơ rất đỗi mê say: "Ta lái máy cày/ Lật đồng đất đỏ.../ Cày ta xé đất/ Luống bạc luống vàng/ Cày ta mở khắp/ No lành quê hương"... (Máy cày đất đỏ). Thế nhưng những bài thơ chủ đề "Ngày Bắc" trên vẫn không lấn át được tâm trạng "Đêm Nam", nhà thơ khắc khoải nhớ về một nửa quê hương đất nước đang bị đồn giặc bủa quanh, đang như vàng thử lửa. "Đôi bờ Hiền Lương", "Gửi em vượt tuyến", "chú cháu", "Thư nhà", "Chuyến bưu thiếp", "Cho ông nhìn cháu"... thực sự là những tâm trạng dồn nén của tác giả: "Gửi lại cho em/ Một chiếc hôn dài - nóng hổi/ Nối ngày ra đi và ngày trở lại..." (Gửi lại).

"Thơ trên những chặng đường", ngoài những sáng tác trước năm 1945 như đã trình bày ở trên, chúng ta bắt gặp 27 bài thơ Lương An sáng tác rải rác trong những năm từ 1962 - 1984 chưa có dịp công bố. "Thơ trên những chặng đường" vận vào những địa chỉ, những vùng đất nhà thơ đã đi qua và đều được ông ghi lại bằng những cảm xúc tinh tế, nồng nàn tình yêu quê hương xứ sở, đặc biệt là những rung động xen lẫn tự hào ở những đất nước trong phe XHCN như Liên Xô, Ba Lan... Nhiều bài thơ ở phần này chưa phải là những bức tranh hài hòa, toàn bích, trọn vẹn mà chỉ mới là những phác thảo. "Đất Sao", "Hỏi đường đến Hồng Trường", "Ghé nghỉ ở Nô-vô-xi-bia", "Phút gặp gỡ trên sân bay", hay "Thăm cảng Gơ-đen-xcơ", "Người thảo nguyên"... là những bài thơ như thế. Dẫu sao thì chúng ta vẫn hết sức yêu mến những âm hưởng ngọt ngào nồng ấm trong những bài thơ mang tình cảm chân chất, giản dị của ông.

Truyện thơ "Giọt máu chung" dài hơn nghìn câu viết về "Các đồng chí người Gia Rai, người Kinh, người Ba Na... vì độc lập tự do của Tổ quốc đã ngã xuống trên đất Gia Lai Kon Tum xây đắp nên mối tình đoàn kết dân tộc góp phần đưa kháng chiến đến thắng lợi". (Những lời thơ tưởng niệm). Trong lịch sử văn học hiện đại nước ta, trường ca là một thể loại được phát triển mạnh mẽ trong và sau cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ra đời trong bối cảnh ấy nên truyện thơ "Giọt máu chung" thấm đượm chất sử thi, anh hùng ca Tây Nguyên. Thông qua những con người anh hùng như Bình người con xứ biển: "Mười năm kháng chiến với Gia Lai/ Nơi nào chẳnghóa thành thân thuộc/ Đất nước liền hai vùng xuôi ngược/ Anh là một giọt máu chung đôi" Như Ya Lao người bạn Ja Rai, người con buôn làng: "Một khoảng trời xanh từ nguồn mưa Vua Nước/ Hạt lúa nhảy trong bàn tay suốt/ Trở thành nhịp xoang ngày hội mùa màng" Thông qua những hành động anh hùng: "Sống trăm lần dũng sĩ/ Chết không thôi chiến đấu với làng buôn..." Thông qua cách miêu tả hoành tráng những biến thiên của lịch sử dân tộc được thăng hoa, khái quát hóa: "Đất mỗi buổi chiều mặt trời hạ xuống/ Chia lửa thêm vào mỗi trái tim người" Và cuối cùng thông qua sự xao động, thổn thức của trái tim nhà thơ mà lịch sử cuộc chiến tranh vệ quốc và mối tình Kinh, Thượng trong "Giọt máu chung" long lanh, đầy dẫy những hình tượng bất ngờ, chứa đựng nhiều biểu tượng có sức lay động tình cảm nhiều dân tộc. Nhà thơ không đi làm cái việc giáo huấn lộ liễu mà nhờ sức tưởng tượng xán lạn trong quá trình sáng tác nên ý nghĩa giáo dục của tác phẩm cũng rất tự nhiên và sâu lắng:

"Giọt máu đã đọng thành trang sử

Bao chiến công và hy sinh

Đang ngấm vào mỗi huyết quản buồng tim

Chảy thành dòng mồ hôi tràn ngực

Hồng lại mỗi buôn làng

Sáng đỏ môi niềm tin

 

Ôi đất sinh sôi từng giờ đang lớn đẹp thêm

Đại anh hùng trong chiến đấu

Đất thủy chung và trung hậu

Đất nghĩ suy và tin tưởng ở ngày mai

Những hồi âm cứ vọng mãi khôn hoài

Như ngọn lửa trong lòng không ngừng ngún rực

 

Tất cả thành một khúc ca không dứt

Khúc ca đất - nước - lòng người

Khúc ca một thuở - nghìn đời

Bắt đầu từ lời dặn dò của Bác:

"Sông có thể cạn

Núi có thể mòn

Nhưng lòng đoàn kết của chúng ra

Không bao giờ giảm bớt

Khiến chúng ta

Đi nên các nẻo đường Chư Pah Chư Prông

Bỗng thấy đất này

Còn có một chiều sâu

Sâu thẳm không cùng"

Và bằng vào những gì đã phân tích giới thiệu ở trên tôi dám đồ rằng "Giọt máu chung" là bản sử thi anh hùng ca thấm đẫm chất Tây Nguyên hơn là một truyện thơ thông thường.

Cũng theo lời nói đầu của nhà xuất bản, một phần quan trọng trong tuyển tập là những bài nghiên cứu phê bình giới thiệu các tác phẩm, các danh nhân và địa chỉ văn hóa mà phần lớn thuộc Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, thể hiện vốn hiểu biết nhiều mặt và công phu thật đáng kính trọng của nhà nghiên cứu văn hóa Lương An trong quá trình sưu tầm tài liệu, dịch thuật và xây dựng tác phẩm. Qua gần ba trăm trang viết trong phần nghiên cứu phê bình, từ nhóm văn nghệ "Nguồn Hàn" với các tên tuổi như Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Dương Tường, Thanh Hải, Xuân Hoàng... đến những nhà thơ hoàng tộc nổi tiếng Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Mai Am và Huệ Phố (Xem "Thơ Mai Am - Huệ Phố", xuất bản riêng); Từ học giả Dương Văn An tác giả cuốn địa chí "Ô châu cận lục" đến Nguyễn Hữu Thận, Bùi Dục Tài; từ "Truyền thuyết sông Đakrông", "Non Mai sông Hãn" đến "Chảy mãi một dòng sông"... tất cả đều tạo nên sự tin cậy cao trong lòng độc giả, trong giới nghiên cứu. Đến đây tôi hiểu những dòng tự bạch của ông trong cuốn "Nhà văn Việt Nam hiện đại": "Tôi thấy bề dày về sáng tác và nghiên cứu của mình chẳng là bao nhiêu, nên: Hở môi ra cũng thẹn thùng/ Thôi thì xin phụ tấm lòng với ai". (NXB Hội Nhà văn, tr.36) chỉ là cách tự nhận của một nhà văn vốn đã cẩn trọng, cầu toàn trong sáng tác nay càng cẩn trọng và cầu toàn hơn trong việc công bố tác phẩm.

"Tuyển tập Lương An" là công trình có giá trị đúc kết một đời sáng tạo miệt mài của một thi sĩ nặng lòng với quê hương, đất nước. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Y.T

 

 

 

____________

(*) Tuyển tập Lương An - NXB Thuận Hóa Huế - 2004

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 116 tháng 05/2004

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground