Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhà Văn hóa Phạm Văn Đồng đánh giá về lý tưởng và tài năng văn nghệ sĩ

K

hông biết do chủ định hay ngẫu nhiên mà ngay từ những năm 60 (Thế kỷ XX) cho đến khi qua đời (2000), hễ mỗi lần đến với giới văn nghệ sĩ, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng thường nói về lý tưởng và tài năng một cách có hệ thống. Có lẽ đó là đề tài mà ông nói chân thành nhất, say sưa nhất và có nhiều điều mới lạ so với đương thời và cả hôm nay. Điều đó ta thấy rõ trong nhiều tiểu luận: Tình hình cách mạng và nhiệm vụ văn nghệ (1960); Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ (1962); Đảng và nhân dân đòi hỏi nghệ sĩ phải có tâm hồn người chiến sĩ cách mạng (1963); Hiểu biết, khám phá và sáng tạo phục vụ Tổ quốc và Chủ nghĩa xã hội (1972)(1); Văn hoá và đổi mới (1994)(2)

I

Phạm Văn Đồng tâm niệm: Văn học nghệ thuật là nghề sáng tạo. Để sáng tạo đúng hướng, trước hết văn nghệ sĩ phải “làm sao phải nhìn thấy cái mới của cuộc sống dể diễn tả được cái mới” (tr.351). “Nếu nghệ sĩ không diễn tả được cái mới bằng nghệ thuật của mình thì còn làm gì trong xã hội?”(tr. 352). Muốn có cái mới có sức sáng tạo dồi dào, văn nghệ sĩ trước hết phải có tài đã đành, nhưng trước đó nữa, người viết văn, người làm nghệ thuật phải có lý tưởng xã hội. Nói đến lý tưởng, trong bài Tổ quốc ta…, tác giả nhấn mạnh hai phạm trù: Nhiệt tình cách mạng và tâm hồn lộng gió của văn nghệ sĩ. Theo ông “nhiệt tình cách mạng là vốn quý nhất của mọi người, nhưng đặc biệt là vốn quý nhất của người nghệ sĩ, có nhiệt tình cách mạng thì sẽ say sưa nhưng sáng suốt thấy cái tốt, cái hay, cái đẹp, tức là thấy được cái chính, nhưng đồng thời cũng thấy được sâu sắc cái xấu, để nêu lên mà đả kích, làm cho mọi người căm thù nó, đấu tranh lại và chiến thắng nó… Không thể nào muốn cho xã hội mới, con người mới vươn lên mà không dọn đường cho nó bằng cách đánh bại, đả kích những cái xấu” (I, 353, 354). Lâu nay, nói đến lý tưởng xã hội người ta có thói quen đặt phạm trù này trùng khít với ý thức hệ cho nên nó vừa hẹp vừa khiên cưỡng, làm như lý tưởng xã hội là một cái gì khác bên ngoài, một áp lực bên trên áp đặt cho văn nghệ sĩ. Thật ra, lý tưởng xã hội là cái nằm trong bầu máu nóng, là mục đích cao nhất, là lẽ sống đẹp nhất của đời người. Nghề văn chương, nghệ thuật cũng giống như chuyện làm việc thiện, vì nó có thể cứu rỗi tâm hồn của nhiều người, có khi hàng triệu người. Để hình thành lý tưởng xã hội, trong đó có lý tưởng nghề nghiệp thì trong ba điều bất hủ của một đời văn, lập đức được coi là hàng đầu, rồi mới đến lập cônglập ngôn. Không phải vô cớ mà tiền nhân chúng ta thường coi văn chương là sự nghiệp nghìn đời (văn chương thiên cổ sự), trong văn phải có đạo; đạo nên hiểu biết là nội dung, là ý tưởng nói với đời, để khuyên điều hay, răn điều dữ. Về sau, Bác Hồ nói chính tâm và thân dân của người trí thức (trong đó có văn nghệ sĩ) đối với nhân dân mình cũng có ý nghĩa của chữ đạo. Có đạo, có nội dung thì văn chương thịnh, phát đạt; ngược lại thì văn chương suy, hỗn loạn.

   Về tâm hồn, tình cảm của nhà văn, nghệ sĩ, Phạm văn Đồng viết: “Tâm hồn, tình cảm của người làm nhạc, người làm văn học, nghệ thuật là tấm gương phản ánh đúng đời sống, ý chí và nguỵên vọng, sự nghiệp đấu tranh cách mạng vĩ đại của nhân dân… Nghệ thuật là bông hoa của tâm hồn nghệ sĩ, và đó là kết tinh của tình cảm, tâm tư quần chúng nhân dân ở mỗi thời, có thể là muôn thuở… Kỹ thuật, tài năng... đều cần được trau dồi, nhưng tôi nghĩ điều cơ bản nhất, cái vốn quý nhất văn là tâm hồn (I tr. 379, 380). Không phải ngẫu nhiên mà các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác gọi nghệ sĩ là “kỹ sư tâm hồn”! Vậy muốn nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm như xã hội, công chúng mong đợi, nghệ sĩ phải làm những gì? Đó Trước hết là trau dồi vốn sống. Theo ông “vốn sống cần như cơm bữa. Không có vốn sống thì không sáng tác được gì” (I, 365);” Các đồng chí thường nói: đi thực tế, nói thế quen rồi, nhưng không thật đúng, nói đi vào đời sống đúng hơn. Và chữ đi cũng không còn đúng nữa, vì rằng không phải đi mà phải sống” (I, 366). Nền văn nghệ hiện đại của chúng ta có truyền thống đẹp của những chuyến đi, sống và viết. Những nhà văn tay cầm bút, tay cầm súng, mang ba lô ra trận năm nào cùng bộ đội, dân công trong hai cuộc chiến tranh chống xâm lược; khẩu hiệu “Đến những nơi tiên tiến, sống giữa những người tiên tiến” của Đảng có tác dụng động viên hàng trăm văn nghệ sĩ đến những nơi mũi nhọn cuộc sống lao động hàng triệu người. Tôi nghĩ, nên phục hồi lại cách đi vào cuộc sống hiện đại hoá, công nghiệp hoá với nhiều phương thức khác nhau. Ghi chép, lấy tài liệu, tiếp xúc với các nhân vật hình mẫu, quan tâm lựa chọn chất liệu v.v.. là những công đoạn của quá trình đến với “dặm trường”, có lẽ chưa đủ. Nếu không mài sắc khả năng quan sát, không sống hết mình với một vùng đất nào đó, không có sức tưởng tượng ước đoán, khả năng trực giác, thiếu sức khái quát và sự chộp lấy “Sức đẩy của hình thức” thì sau cùng những trang viết chỉ có lại là những tài liệu báo chí. Thứ hai là vốn học vấn, vốn tri thức. Một câu của Lê Quý Đôn (1726-1784) được trích từ Vân đài loại ngữ dạy rằng “Bản chất của văn chương vốn từ học vấn mà ra; học vấn uyên bác thì viết văn mới hay. Có lẽ đâu văn chương lại làm cho người ta kiêu căng!?” Cũng ý tương tự Phạm Văn Đồng nói cởi mở và “trúng tim đen” của đối tượng cần nói: “Theo tôi biết, vốn tri thức của anh em chúng ta nhất là của những nghệ sĩ trẻ còn chưa đủ. Nói chưa đủ là nói nhẹ nhàng đấy!” (I, 366). Sau khi dẫn ra những nội dung cần học, đọc, nghiên cứu các tác phẩm kinh điển, nhiều tác phẩm của các bậc thầy nghệ thuật của nước ta và thế giới, ông khuyên là, phải học cho được một ngoại ngữ để đọc nhiều hơn, sâu sắc hơn, nhất là lớp trẻ: “Tất nhiên không nhất thiết học giỏi là trở nên văn nghệ sĩ. Có thể học giỏi nhưng không làm nên cái gì cả. Nhưng nếu không học, không có vốn thì chắc chắn không làm nên cái gì cả... Có tài mà không học, không có vốn học vấn thì tài sẽ mai một…Chúng ta học ít quá!… Học ba tháng lên một lớp… Học như vậy chưa ra sao đâu!” (I, 367). Xem vậy thì việc “đọc muôn quyển sách” quan trọng biết chừng nào! Người ta thường nói: Đọc nhiều, biết mười, viết một. M.Gorki, một bậc thầy văn hoá Xô viết thường quan tâm đến văn nghệ sĩ trẻ, một trong những điều ông thường nhắc họ là chuyện học thức; khuyên họ đọc nhiều, hiểu rộng; thẳng thắn chỉ ra vật cản lớn trên con đường sáng tạo là: Học thức kém cỏi, không biết trời cao đất dày là gì, lại đầy lòng tự mãn, tự ái, khát vọng vươn tới trí thức thì thiếu, mà “chủ nghĩa sinh hoạt” thì thừa, lấn át cả tiềm năng trí tuệ trong tác phẩm của họ.

II

Phạm Văn Đồng có nhiều trang viết đầy sức thuyết phục về tài năng. Chúng tôi xin nêu hai ý tưởng của ông về sự phát hiện tài năng và tài năng trong văn nghệ. Gặp gỡ với giới văn nghệ sĩ, điều ông nhắc đầu tiên đối với các cấp quản lý là phải phát hiện và bảo vệ tài năng, phải tạo cho từng người có một cái gì đó riêng, một cá tính sáng tạo, một bản lĩnh nghệ thuật, một phong cách độc đáo, vì nghệ thuật không phải là sự sản xuất hàng loạt. Ông viết: “Một thiên tài, một khả năng lớn mà mình không nhận thấy, không phát hiện, không giúp đỡ thì rất có thể thiên tài đó cũng thể mai một đi. Ta cần phát hiện tài năng trẻ. Đội ngũ lớn mạnh là do lực lượng trẻ, mới, gắn bó với sự nghiệp cách mạng hơn ai hết, đó là tương lai”. (I 375, 414). Còn nhớ cách đây 38 năm, mùa hè năm 1966, giữa lúc máy bay Mỹ đang ném bom ồ ạt xuống nhiều vùng dân cư Hà Nội, trong đó có cầu Long Biên, thì cách cầu chừng một cây số đường chim bay, tại Viện Văn học, đường Lý Thái Tổ, theo Chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một lớp đại học Hán - Nôm được khai giảng trong tiếng gầm rú của máy bay địch. Đó là một nghịch cảnh, một hiện tượng lạ ngay cả đối với người trong cuộc. Giáo sư Đặng Thai Mai, Viện trưởng làm chủ nhiệm lớp, giáo sư Cao Xuân Huy, giảng viên chính của lớp được Thủ tướng tặng 200đ Việt Nam (thời đó bằng hai tháng lương của một cán bộ có bậc lương cán sự 6). Lớp học đã đào tạo được khoảng 50 sinh viên, hầu hết là cử nhân xuất sắc về Hán- Nôm vào năm 1968. Nếu không có tầm nhìn xa đối với việc bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc của cố Thủ tướng, thì làm gì có một đội ngũ chuyên gia Hán Nôm vào đầu những năm 80-90 thế kỷ trước và cho đến nay phần lớn họ vẫn là lực lượng chủ yếu ở các Viện và trường Đại học về khoa học xã hội và nhân văn đang nghiên cứu có hiệu quả và đào tạo tài năng trẻ trong lĩnh vực Hán Nôm.

Về tài năng trong văn nghệ, ông nói sâu sắc, thẳng thắn, nghiêm khắc, nếu có chạm đến lòng tự ái của ai đó trong số người nghe, thì suy cho cùng cũng là điều hữu ích: “Phải nói tài năng cũng là công phu, thiên tài chẳng qua là dầy công... Có những nhà văn lớn viết một cuốn sách hàng chục năm, viết đi viết lại mấy chục lần và không lúc nào bằng lòng; đừng tưởng có ý tốt thì văn muốn viết thế nào tác phẩm cũng tốt đâu!..đọc tác phẩm của các đồng chí, nói thực, tôi thấy các đồng chí chưa coi trọng văn lắm. Phải có công phu trong việc trau dồi hình thức” (I, 368, 369). Ông cũng đinh ninh: “Làm văn nghệ phải có khiếu, có tài… làm văn học nghệ thuật mà không có tài thì khó làm nên việc lắm… nếu không có tài năng gì đặc biệt, thì anh nên đi làm việc khác, chứ làm văn nghệ khổ lắm”(I, 370).

Trong cuốn Văn hoá và đổi mới, Phạm Văn Đồng luận giải nhiều giá trị văn hoá đạo đức truyền thống. Dẫn lại câu của Nguyễn Trãi: “Nước ta là một nước văn hiến”, ông cho rằng: “Điều đó có nghĩa là trong học vấn và trọng người có học. Trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là cuả quý không gì thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì có tất cả; thiếu nó thì những cái còn lại không còn gì là đáng giá”. (II, Tr.22). Sự thông minh cá nhân, sự thông minh cộng đồng, tri thức, người tài là vốn quý nhất của đất nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế, là thế mạnh của chúng ta, cần phát huy đến mức cao nhất. Nói đến tài năng là nói đến chuyện bảo vệ tài năng. Trong lĩnh vực có nhiều đặc thù như văn học, để nhân đôi người tài, thượng sách là không nên dùng quyền uy, mệnh lệnh đối với đại bộ phận trí thức văn nghệ sĩ, nhà văn hoá vốn là những người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Những kinh nghiệm tốt trong việc lãnh đạo văn hoá của Đảng ta, của Hồ Chí Minh trong nhiều thập kỷ được coi là di sản quý báu trong thuật lãnh đạo. Sách lược mềm dẻo và khôn ngoan, phong cách lãnh đạo hào phóng và khoáng đạt, sự ưu ái trong các chế độ, chính sách đã tập hợp được nhiều lực lượng văn hoá, văn nghệ, hội tụ được nhiều nhân tài bốn phương, cảm hoá được những số người vốn định kiến nặng nề với cách mạng. Nổi bật trong thuật lãnh đạo của Đảng ta là sự chỉ đạo, quản lý bằng tri thức. Bởi ngày nay, tri thức được coi là tri quyển, tức là văn hoá, một hằng số giá trị, là một trong ba yếu tố tạo nên Tam giac vàng quyền lực (Sức mạnh, của cải, tri thức) như Alvin Toffler một  nhà tương lai học người Mỹ đã có lần nói.

 

                                                                                                                                                                 H.S.V

 

 

 

 

_____________

1. Tất cả các đoạn trích trong mấy tiểu luận nói trên, chúng tôi lấy trong cuốn tuyển: Về văn hóa, văn nghệ, NXB Văn hóa, 1972, gọi là I chỉ ghi số trang.

2. Văn hóa và đổi mới (Tác phẩm và bình luận) – Bộ Văn hóa-Thông tin, năm 1996, gọi là II. Ghi số trang

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 129 tháng 06/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground