Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhà văn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

C

ần phải cảm ơn công nghiệp hóa về những thay đổi mang tính lịch sử diễn ra trên đất nước ta hơn 20 năm qua. Sự kỳ diệu về kinh tế tác động mạnh mẽ và làm thay đổi sâu sắc cơ cấu xã hội, hệ thống giá trị, tâm lý, thói quen, lối sống của cả cộng đồng đến từng cá nhân riêng lẻ. Chất lượng sống được nâng lên. Không gian sinh tồn được rộng mở. Năng lực cá nhân được giải phóng. Xu hướng tiếp cận với các  giá trị chung của nhân loại trở thành thước đo và phẩm chất của tư duy mới. Một cục diện văn hóa mới đang được mở ra với nhiệm vụ trung tâm là chăm lo, phát triển nhân tố con người. Đối thoại, liên kết và hợp tác đem đến nhiều cơ duyên trong việc giải quyết những nhiệm vụ kinh tế, xã hội rộng lớn và tổ chức đời sống.

Tuy vậy, trong bản chất của nó, công nghiệp hóa và hiện đại hóa là một cuộc tích tụ và tập trung gay gắt, một cuộc tự vượt gian khổ và kỳ vĩ như cá vượt vũ môn, nhằm đưa một đất nước nghèo nàn và lạc hậu trở thành giàu mạnh và phát triển. Quá trình này làm phát sinh bao nhiêu vấn đề xã hội chưa từng gặp. Phân cực giàu nghèo diễn ra gay gắt với bao cảnh đau lòng. Lối sống thực dụng, sùng bái đồng tiền, cuộc săn lùng các giá trị ảo, bệnh vô cảm, bệnh cũ người mới ta cùng với tham nhũng, cửa quyền, mất dân chủ, tàn phá môi trường đang làm xói mòn biết bao giá trị cao quý của dân tộc. Lương tâm đang kêu gọi các nhà văn. Và sự đáp lại của văn học trong thời gian vừa qua, công bằng mà nói là tâm huyết và đầy trách nhiệm. Các nhà văn chúng ta đã phát hiện vấn đề khá sớm và nắm bắt rất trúng một trong những chủ đề trung tâm của văn học ta hiện nay là vấn đề đạo đức xã hội. Đạo đức xã hội là vấn đề nóng nhất, một đề xuất quan trọng nhất của văn học ta trong những năm vừa qua. Nó được xem như một mũi nhọn, một khâu đột phá trong một tổng thể chiến lược: hoàn thiện xã hội, hoàn thiện thiên nhiên, hoàn thiện con người.

Là một cuộc cách mạng toàn diện và triệt để, công nghiệp hóa và hiện đại hóa luôn luôn biết tìm kiếm cho nó nguồn lực xã hội to lớn đủ sức đưa sự nghiệp đến thành công. Chưa bao giờ các nhà văn chúng ta có thể tích lũy được nhiều vốn sống, nhiều hiểu biết đến như thế. Chúng ta quan sát và suy nghĩ, nhập cuộc và lo âu. Cả một dân tộc đang tự đo tầm vóc của mình trước vận hội mới. Và mỗi một con người, chưa bao giờ phát hiện ra mình nhiều khả năng và sung sức đến như thế, đúng như Mác nói “trí tuệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”. Của cải vật chất mỗi ngày một nhiều lên kích thích nhu cầu mỗi ngày một phát triển, và đến lượt nó, nhu cầu lại kích thích của cải vật chất tăng lên nhiều hơn nữa. Cả một đất nước đang hăm hở và nhộn nhịp chăm sóc tương lai của mình.

Cuộc sống đã thay đổi, thực hiện đã thay đổi, đương nhiên văn học không thể đứng im. Quan niệm đầy đủ về sự đổi mới văn học, hiện đại hóa văn học là đổi mới, hiện đại hóa về tầm nhìn, tư tưởng, vốn sống, tư duy nghệ thuật cho đến cả phương pháp sáng tác, phong cách, ngôn ngữ, nhịp điệu v.v… Đó là một vấn đề vô cùng nghiêm túc khó khăn. Nhưng đổi mới cách nào, hiện đại hóa cách nào, trước nhất và quan trọng nhất văn học phải gắn với đời sống. Không gắn với đời sống thì không có gì cả. Không gắn với đời sống thì mọi tìm kiếm nghệ thuật dù có nhọc lòng đến đâu cũng chỉ là câu chuyện dã tràng xe cát. Cuộc sống hiện nay là tất cả những gì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra và đem lại cho mỗi chúng ta hôm qua, hôm nay và những ngày sắp tới. Nói đổi mới văn học, hiện đại hóa văn học là sự nghiệp vô cùng nghiêm túc và khó khăn vì nó đòi hỏi đổi mới đồng bộ, thống nhất và toàn diện. Đó là cuộc đổi mới về tài năng, tâm hồn, trách nhiệm và nhân cách chứ không chỉ và không phải là sự đổi mới về một thao tác nào đó. Quan tâm đến thi pháp là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng nhấn mạnh một chiều, thậm chí tuyệt đối hóa thi pháp, coi thi pháp là chìa khóa vạn năng lại là không thỏa đảng với bản chất của đổi mới văn học, có nguy cơ xa gần dẫn đến chủ nghĩa hình thức.

Có một lo lắng rất thiện chí là lo văn học ta tụt hậu với thế giới. Đó là một lo lắng rất đúng, một tâm huyết đáng trân trọng. Nhưng cần bổ sung thêm, còn có một mối lo nữa là lo văn học tụt hậu với đời sống, tụt hậu với dân tộc. Muốn khỏi tụt hậu với thế giới trước hết phải đứng chân rất vững trên nền tảng cuộc sống dân tộc, văn hóa dân tộc. Đó cũng là một nguyên tắc của hội nhập một cách chủ động và tích cực.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là một cuộc gặp gỡ văn hóa Đông Tây. Con người, chủ thể của văn hóa phương Đông tiếp nhận, thích nghi và làm chủ công nghệ, kỹ thuật của phương Tây. Đó là một quá trình tiếp biến văn hóa, cộng sinh văn hóa đầy bỡ ngỡ, khó khăn và vô cùng tinh tế. Ở đó có được và mất, trả giá và lớn lên, có cả nụ cười và nước mắt. Nhưng kết cục sẽ là sự thoát hiểm, thoát hiểm nghèo nàn và lạc hậu. Từ sự nhìn nhận đó, chúng ta thấy công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một cuộc cách mạng, một cuộc đấu tranh. Đấu tranh để lớn lên, để lột xác. Đó là chuyện động trời với những thay đổi đến choáng ngợp. Trong xã hội nông nghiệp kinh nghiệm làm nên tất cả. Trong xã hội công nghiệp tri thức làm nên tất cả. Trong cuộc đấu tranh này, nhiều khi, ranh giới giữa đúng và sai, anh hùng và phạm pháp chỉ như một sợi tóc. Vì sao? Vì đó là những chuyện chưa từng có. Lịch sử đang được làm mới lại. Và văn chương cũng đang được làm mới lại. Có người nói đến một cuộc nhập cuộc mới, dấn thân mới của nhà văn. Đó là một cách nghĩ đúng đắn, không hề cường điệu.

Công nghiệp hóa và hiện đại hóa là một đề tài vô tận của văn học. Đó là thân phận của mỗi con người dưới tác động những thay đổi vũ bão, triệt để. Có những xung đột mới, bi kịch mới, thăng hoa mới diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống. Do đó, viết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo nếp suy nghĩ cũ là không đầy đủ.

Con người ta dù tài năng đến đâu cũng là sản phẩm của một thời. Viết về công nghiệp hóa và hiện đại hóa là công việc của toàn đội ngũ nhưng lợi thế thuộc vào thế hệ các nhà văn trẻ. Trên thực tế, một thế hệ các nhà văn của thời kỳ mới đang hình thành. Họ vừa là sản phẩm, là nhân chứng của thời kỳ đổi mới. Họ thuộc nhân vật, thuộc ngôn ngữ, thuộc những mạch ngầm trong tâm hồn, trong tư duy của những người đồng thời. Trong hoạt động của Hội Nhà văn lâu nay, công tác nhà văn trẻ được xem là một hoạt động có tính chiến lược của văn học. Chúng ta đã có thành tựu và kinh nghiệm về mặt này và cần phải làm tốt hơn, bài bản hơn, đúng tầm hơn trong thời gian tới, với trọng trách là chủ động bồi dưỡng một đội ngũ nhà văn tài năng, kế tục xứng đáng sự nghiệp phát triển văn học trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị xác định “Tài năng là vốn quý của đân tộc. Chăm sóc tài năng là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”. Tư tưởng đó phải sớm đi vào đời sống. Nhưng bồi dưỡng tài năng là một vấn đề cực kỳ tinh tế và khó khăn; khó khăn và tinh tế vì tài năng là cái gì rất cụ thể mà cũng rất trừu tượng, không bất chợt đến nhưng dễ bất chợt ra đi. Chăm sóc tài năng cần có tấm lòng, trách nhiệm thôi chưa đủ, cần phải công phu, hiểu biết, có nghệ thuật và phải biết chờ đợi. Mọi thô bạo có thể dẫn đến thui chột tài năng, đó không phải là một phương pháp tốt. Cần làm cho các nhà văn trẻ ý thức đầy đủ về trách nhiệm thế hệ của mình, một thế hệ của thời kỳ chuyển hóa cách mạng to lớn và sâu sắc, làm thay đổi diện mạo và tư thế của đất nước ta.

 

H.T

 

 
 
Hữu Thỉnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 189 tháng 06/2010

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

15 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground