Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhạc sĩ Lê Anh với nỗi khát màu xanh

Lê Anh là đồng hương vùng đồi đất đỏ Vĩnh Linh với tôi. Tôi ở Vĩnh Hòa còn anh ở Vĩnh Hiền. Hai xã cách nhau một vệt rừng nguyên sinh may mắn còn sót lại dưới đồng bằng có tên Rú Lịnh. Trong Rú Lịnh có một loại cây thuộc họ tre (hoặc giang), thân nhỏ có đốt nhưng không đứng thẳng như tre mà lại bò sát đất hoặc đan ngang, đan dọc chằng chịt như loài thân dây. Trong ruột loại cây này lúc nào cũng đẫm nước. Người vào rừng nếu khát, chỉ cần chặt hai đầu một gióng, nước sẽ chảy ra vừa mát lạnh vừa ngọt lịm. Đấy là cây Lịnh. Nước ngọt trong Rú Lịnh là mạch nước chắt ra từ cây Lịnh, chảy thành khe suối, dù là khe nhỏ nhưng trường cửu, cho dù nắng hạn tới đâu vẫn không bao giờ cạn. Nước Rú Lịnh theo khe chảy ra tưới mát cho toàn bộ vùng đồng ruộng Ba Dốc - Vĩnh Thành.

Đôi khi tôi cứ liên tưởng người nhạc sĩ tài danh này có gì đó rất gần với cây Lịnh.

Thời mới quen biết nhau khoảng năm 1960 - 1962, Lê Anh là cán bộ phòng Văn nghệ - Ty Văn hóa Vĩnh Linh, là chàng thanh niên đẹp mã hạng nhất của Ty. Cho tới tận hôm nay, khi ông đã tới tuổi 84, dẫu mái tóc đã thưa ra, lơ phơ trắng, không còn dày cộm và ốp tròn như ngày xưa, nhưng thật sự vẫn hết sức đẹp lão. Hai cột mốc “đẹp mã” tới “đẹp lão” mà tôi vừa nói cách nhau chẵn 60 năm. Sáu mươi năm dầm mình trên một vùng đất gió Lào cát bụi và bầm dập đạn bom hủy diệt, sáu mươi năm lang thang cuối nam cùng bắc mang mang trên khắp mọi nẻo đường đất nước, người nhạc sĩ ấy vẫn âm thầm sống và viết, viết say đắm, viết hồ hởi, tới giờ phút này đã có một gia tài âm nhạc đồ sộ đến kinh ngạc. Hàng trăm ca khúc, liên khúc hợp xướng, thanh xướng kịch, nhạc cho sân khấu kịch, cải biên và nâng cao những làn điệu dân ca Bình Trị Thiên. Vân vân… Có một nghịch lí là, cái vẻ bề ngoài thì lúc nào cũng chải chuốt, thêm cả chất lãng tử, nhưng thực ra cuộc sống của Lê Anh lại khá thầm kín, giao tiếp không nhiều, rất ít khi nhìn thấy anh ở những cuộc tụ tập, bù khú, lại càng rất hiếm thấy người nhạc sĩ tài danh này xuất hiện ở những cuộc vinh danh, quảng bá như cách mà nhiều nhân vật nghệ sĩ khác thường thể hiện. Thế nên, với một chiều dài sáng tác hơn nửa thập kỉ và với khối lượng những nhạc phẩm đồ sộ như vậy nhưng có vẻ như khi nhắc đến tên tuổi Lê Anh thì số lượng người biết không thật nhiều.

                                           

 

Nhạc sĩ Lê Anh (trái) và nhà văn Xuân Đức

Có thể có người nghĩ rằng, Lê Anh chỉ là nhạc sĩ của một vùng quê, chưa thành danh trên cả nước. Không đâu. Đây là người nhạc sĩ đã được đào tạo cơ bản bậc đại học ở Trường Âm nhạc Việt Nam - nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia. Ngay từ những năm 60 - 70 thế kỉ trước, nhiều ca khúc của Lê Anh đã vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam với những giọng hát của các ca sĩ nổi tiếng. Rất nhiều sáng tác của Lê Anh đã đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Rất nhiều vùng quê trên đất nước này đã hát nhiều nhạc phẩm của anh. Huế, có các ca khúc: Thành Huế sáng nay, Ánh mắt thành Huế, Đi cùng sông Hương, Ngẫu hứng Huế, Đây thôn Vĩ Dạ, Trên phá Tam Giang, Qua Lăng Cô, Tình ca Bạch Mã, Tạm biệt Huế… Quảng Bình với những nhạc phẩm: Phong Nha huyền ảo, Suối Bang… Rồi Quảng Nam Đà Nẵng, Hà Nội, Sài Gòn, xứ Nghệ vân vân nữa… Đặc biệt là Quảng Trị, nơi sinh thành và nuôi dưỡng nhạc sĩ thì nhiều nhạc phẩm của anh đã trở thành những tiếng hát để đời. Chỉ xin dẫn ra một tác phẩm làm ví dụ điển hình. Đấy là ca khúc Giọng hò thương nhớ. Dám cá rằng, có lẽ phải trên 80% người dân Quảng Trị nằm lòng nhạc phẩm này. Hàng chục chương trình nghệ thuật lớn của tỉnh qua nhiều năm đã dàn dựng, biểu diễn trong các lễ hội lớn. Rồi hầu như những hoạt động văn nghệ ở mọi huyện thị, làng xã đều đã từng hát ca khúc này.

Cũng có đôi lần tôi mang nhận xét về cách sống âm thầm lặng lẽ kiểu Lê Anh tâm sự với nhạc sĩ, anh chỉ cười rồi nói, cái tính mình nó thế, mà cũng chẳng cần phải thay đổi. Mình cứ sống như bản chất mình vốn có, cứ lặng lẽ sáng tác cho công chúng thật nhiều tác phẩm. Cái mình lo không phải là thiên hạ biết đến tên tuổi mình nhiều hay ít mà lo là đến lúc nào đó, những gì tha thiết nhất, xúc cảm nhất cạn kiệt hết trong tâm hồn, không ứa ra được nữa. Tôi đã hiểu anh. Lê Anh dẫu thuộc giống tre trúc, nhưng không thuộc loại vút lên cao như lồ ô, luồng, mà chỉ lặng lẽ đan giăng dưới đất, âm thầm xanh và bền bỉ nuôi trong mình mạch nước ngọt lịm. Anh là cây Lịnh trong khóm rú quê anh.

*

Rất khó sắp xếp toàn bộ gia tài sáng tạo của Lê Anh vào những thư mục rạch ròi. Nếu xếp theo thời gian, có thể chia sáng tác của anh ra hai giai đoạn chính. Một là những năm khói lửa chiến tranh trên đất thép Vĩnh Linh. Hai là những năm sau này, khi hòa bình trở lại và nhất là sau cột mốc tỉnh Quảng Trị được chia tách từ Bình Trị Thiên để trở về với tên gọi của chính mình.

Thời kì chiến tranh cũng là giai đoạn mở đầu cho một tài năng âm nhạc trẻ. Lúc đó Lê Anh mới chỉ tốt nghiệp trung cấp âm nhạc, nhưng bù lại, anh có được một cuộc sống dấn thân trên vùng đất lửa, trực tiếp đối đầu với cuộc chiến hủy diệt của kẻ thù. Những năm tháng đó, văn học nghệ thuật đều có chung trách nhiệm lớn lao là động viên tinh thần hy sinh, ý chí chiến đấu của nhân dân và chiến sĩ. Nhiều ca khúc của Lê Anh ra đời, vừa sục sôi nhiệt huyết, vừa quặn thắt nỗi đau trước những số phận, những làng mạc bị bom đạn địch hủy diệt tàn phá trên mảnh đất giới tuyến Vĩnh Linh. Có thể kể ra những tác phẩm đầy ấn tượng: Bám làng diệt Mỹ, Hãy trả thù cho Vĩnh Quang (một ca khúc mà sinh thời nhà thơ Tố Hữu rất xúc động và Đài Tiếng nói Việt Nam phát liên tục nhiều lần), hay Bài thơ Cửa Tùng. Vân vân... Tôi xin được dừng lại để nói chút ít về một bài hát binh vận có tựa đề Lời mẹ mà dạo đó mỗi lần nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát, rất nhiều lính bên kia chiến tuyến đã khóc.

“Ngủ được đâu con, đêm này đêm thứ mấy / từ hôm con đi đêm nào cũng vậy / ôm áo con ruột mẹ nóng bời bời / có thấu chăng lòng mẹ con ơi…”

Lời bài hát là lời một người mẹ có con cầm súng cho địch. Lời mẹ chính là lời đất nước gọi con quay súng trở về. Vĩnh Linh là mảnh đất đối đầu. Chỉ cách một con sông nhỏ, bên kia là lính miền Nam. Bởi vậy, sứ mạng của văn học nghệ thuật khu vực giới tuyến những năm tháng đó không chỉ động viên sức mạnh chiến đấu của quân dân ta mà còn có một nhiệm vụ khác, rất đặc biệt là binh vận kẻ thù. Bản thân tôi khi nhập ngũ cũng được điều về Ban Binh vận của Khu đội Vĩnh Linh chuyên viết những bài binh vận phát trên Đài truyền thanh Khu vực. Mỗi lần ngồi trước trang giấy chuẩn bị viết một bài nào đó tôi lại thầm thì khẽ hát ca khúc Lời mẹ của Lê Anh như là cách tạo mạch nguồn cảm hứng cho ngòi bút của mình.

Giai đoạn sau chiến tranh cho tới nay, ngòi bút Lê Anh thỏa sức tung tẩy rất nhiều đề tài, thể loại, trên rất nhiều vùng đất của Tổ quốc. Viết về quê hương, đất nước có hàng loạt ca khúc về nhiều địa danh khác nhau như đã điểm ở phần trên. Viết về tình yêu cũng rất ấn tượng với Hoa hồng của tôi, Khẩn cầu, tình khúc của biển hay Bài thơ viết trên cát. Viết về Bác Hồ kính yêu nhạc sĩ cũng tạo được thành công với Liên khúc hợp xướng Dưới cờ đoàn kết, tác phẩm được tặng giải A trong đợt tổng kết đầu tiên của Ban chỉ đạo Trung ương về cuộc vận động sáng tác quảng bá tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Gần đây nhất, Lê Anh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị trao giải nhất Giải thưởng Văn học nghệ thuật Chế Lan Viên lần thứ nhất với hai tác phẩm Giọng hò thương nhớ và Màu xanh yêu thương.

*

Âm nhạc Lê Anh rất phong phú về giọng điệu, về chất liệu. Tuy nhiên nếu muốn chỉ ra cái chất đặc trưng nhất của nhạc sĩ thì tôi sẽ nói ngay rằng, đấy là chất xanh. Tôi nói chất xanh chứ không phải là dòng nhạc xanh mà lớp trẻ thường dùng. Thật khó để diễn đạt thành lời cái gọi là chất xanh ấy. Đẫm đặc chất liệu dân ca địa phương ư? Cũng có thể như thế, nhưng ngay cả trong cách tiếp cận mạch nguồn dân ca thử hỏi có nhạc sĩ nào, hay nhà thơ nào nhìn thấy màu xanh ở một giọng hò? Nghe không gian nảy mầm / yêu quê hương vượt lên sóng gió /… Để mãi mãi xanh một giọng hò / Xanh xanh mãi một giọng hò nhớ nhớ thương thương… (Ca khúc Giọng hò thương nhớ). Với Lê Anh, màu xanh không phải ở cảnh vật xung quanh mà nó đã ươm từ trong tâm khảm, nó nhú lên trong nỗi nhọc nhằn, sự cô độc, đau đớn của cả một cuộc đời lang bạt ngay trên chính quê hương mình. Từ cái mầm xanh trong tâm ước mà nhạc sĩ nhìn thấy những mầm xanh bật lên ngoài đời cho dù có thể tại giây phút đó nhạc sĩ chỉ ngồi lặng trong phòng kín. Ca khúc Màu xanh yêu thương là một ca khúc hay, được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Lê Anh đã viết rất nhanh ngay trong đêm 30/4/1975 khi ngồi một mình trong phòng trọ của Trường Âm nhạc Việt Nam và nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng. Giây phút ấy người nhạc sĩ nghĩ về quê mình, Vĩnh Linh - Quảng Trị và cái mà anh nhìn thấy qua một không gian xa lắc và màn đêm bịt bùng đấy là những mầm xanh đang bật dậy từ những đống tro tàn trên quê hương.

Anh nắm tay em đi giữa màu xanh yêu thương

Anh nắm tay em đi giữa màu xanh mong nhớ

Bầu trời hôm nay trong xanh

Từng đàn chim bay bay nhanh về tổ ấm nơi nơi mà giữa đất trời…


Biển xanh đang hát vì hát những lời ca ân tình
Nghe âm vang biển lúa đồng xanh gọi gió về
Non nước ngân dài một màu xanh xanh mượt mà
Non nước ngân dài một màu xanh bao la.

Không phải những tiếng reo hò huyên náo, không phải cờ bay rợp trời hay trùng trùng những cánh tay vung cao hô khẩu hiệu, mà chỉ là màu xanh, màu xanh cứ ám ảnh anh, cứ âm ỉ trong tiềm thức và chảy dài như nước mắt nghẹn ngào ngày giải phóng. Rồi trong ca khúc Triệu Phong lời ru của mẹ, Lê Anh cũng thấy: Mênh mông, mênh mông một cánh đồng, xanh xanh xanh một lũy tre làng / Triệu Phong màu xanh vươn lên từ nắng lửa, vượt lên từ bão giông, bên lũy tre già măng non lại mọc, như người quê ta lớp lớp đứng lên…

Gặp lại Lê Anh trong buổi sáng gió Lào thổi ù ù. Với tuổi 84, nhạc sĩ đã thuộc diện đắc thọ. Nhìn mái tóc bạc trắng lưa thưa của anh nhưng sao tôi vẫn cảm nhận được những dòng xanh trong tâm hồn anh, trong kí ức anh hầu như chưa hề vơi cạn, vẫn sẵn sàng ứa ra giải cơn khát cho bất cứ lữ khách nào đi qua vùng đất cát trắng gió Lào này. Đó là lí do khiến tôi liên tưởng tới những thân cây Lịnh đang lặng lẽ chắt dòng nước mát trong khóm rừng nguyên sinh nơi quê anh, quê tôi.

Cửa Việt, tháng 6 năm 2020

                           X.Đ

XUÂN ĐỨC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 310

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

10 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

11 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground