Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba - Người chấn hưng cải tổ bảo tồn và phát huy di sản âm nhạc cổ truyền

N

hạc sĩ Nguyễn Hữu Ba sinh năm 1913 tại làng Đạo Đầu, xã Triệu Phong, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó nhưng tuổi thơ ông được sống trong cái nôi âm nhạc cổ truyền nên  hun đúc, tiềm ẩn ở ông một năng khiếu âm nhạc từ rất sớm. Và theo dòng thời gian nó đã tích tụ lại thành một kho tàng có thể nói là vô bờ bến.

Trước hết ngôi làng nơi ông sinh ra là ngôi làng văn vật. Tác giả "Ô Châu cận lục" ghi : " Đạo Đầu học đạo có công; xã Văn Phong tập tục thuần mỹ" là có ý ngợi ca ngôi làng sản sinh ra nhiều vị cao tăng. Cùng với đại lão hoà thượng Chí Khả (người gốc Trung Hoa), đại lão hoà thượng Tuyết Phong (thuỵ Giác Ngộ) người làng Đạo Đầu là một trong hai người sáng lập ra tổ đình "Sắc Tứ tự quang". Hoà thượng Tuyết Phong không chỉ là người đặt nền móng, mở đường cho phật giáo xứ đàng Trong mà truyền thống "Học đạo có công" này được dân làng Đạo Đầu kế thừa, nối tiếp liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay có hoà thượng Chánh Liêm là con dân làng xuất thân từ Tổ đình Sắc Tứ đang trụ trì chùa Đông Hà, là niềm tự hào chính đáng của nhân dân Đạo Đầu. "Đạo Đầu đại xã" (chữ dùng của tác giả sách Ô Châu cận lục) cũng là quê hương của "hùng oai Tướng quân" Phan Văn Thuý, danh tướng đứng đầu triều Minh Mạng và Thiệu Trị, người có công trong việc khởi đào con sông Vĩnh Định. Cùng thời với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, Đạo Đầu còn có thi sĩ vang bóng thời tiền chiến Phan Văn Dật với Bâng khuâng, con đường tơ lụa.  Lớp con em làng hiện tại có thể kể đến Trương Bé, một họa sĩ thuộc trường phái siêu thực đang được cả nước và quốc tế biết đến ... Kể sơ lược qua như vậy để thấy ngôi làng Đạo Đầu  xưa và nay không chỉ là địa linh sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước ở nhiều lĩnh vực mà ngôi làng vào những năm  đầu thế kỷ XX còn là cái nôi lễ hội, nơi thường xuyên diễn ra các sinh hoạt âm nhạc cổ truyền, âm nhạc tế lễ, nhạc nhà chùa, âm nhạc dân gian. Nơi mà các ban nhạc bấy giờ ở Quảng Trị dưới hình thức lưu diễn từ vùng này qua vùng khác có dịp hạ trại biểu diễn nhiều đợt, nhiều ngày trong năm. Chính nhờ môi trường vừa thuận lợi và lý tưởng ấy đã tiếp sức cho cậu bé Nguyễn Hữu Ba say mê âm nhạc học tập rèn luyện để sớm trở thành chủ nhân của nền âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp.

Ngay từ năm lên sáu, cậu bé Nguyễn Hữu Ba đã theo học các nghệ nhân, các danh cầm lớp trước như ông Cả Soạn, Ưng Biểu (còn gọi là Hầu Biều) học các loại đàn dân tộc. Năm lên mười bốn, ông đã là một  nhạc công sử dụng thành thạo 13 loại nhạc cụ gồm: Tam , Tì, Nhị, Nguyệt, Tranh, Bầu, Hồ, Đoản, Sáo, Viôlon, Manđôlin, Guitare, diễn tấu thành thạo cả nhạc cổ, kim , ba miền. Khi đã tinh thông các âm luật, đặc biệt là đàn Nhị, đàn Bầu và bài bản các làn điệu dân ca Trị - Thiên Huế, lập tức ông được các ban nhạc mời tham gia biểu diễn và nhiều gia đình mời đến dạy đàn cho con em họ. Nguyễn Hữu Ba đã thành công rất sớm ở lĩnh vực biểu diễn khi tuổi đời còn rất nhỏ. Mười bốn tuổi, không những ông đã lưu giữ được cả kho tàng di sản văn nghệ dân gian ba miền mà còn thể hiện cả tài năng sáng tạo, thực hành và khả năng trao truyền cho thế hệ sau ở trình độ cao. Vì vậy năm mười bảy tuổi, ông chính thức hội nhập vào làng văn nghệ (đời sống âm nhạc dân tộc) với tư cách là một nghệ nhân chơi đàn (ngày nay thường gọi là nghệ nhân dân gian, danh hiệu vài năm trở lại đây hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam phong tặng) bằng một hợp đồng hết sức ngoạn mục. Đó là việc đàn cho ca sĩ tài danh lúc bấy giờ là ca sĩ Lê Thị Mùi (thường gọi cô Nhơn, lớn hơn ông Ba 6 tuổi, quê ở làng Nại Cửu, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong - cách làng Đạo Đầu chừng 3 cây số) tổ chức thu thanh đàn và hát dân ca ba miền vào 3 đĩa hát do hãng Béka (Đức) độc quyền thu thanh. Đây là 3 đĩa hát đầu tiên về âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam được thu và truyền  bá sang Tây Âu hồi nửa đầu thế kỷ XX. Sau này trong một cuộc thi đàn tại hội chợ Huế, ông chính thức đoạt giải ưu về đàn Nhị năm ông vừa trong 24 tuổi.

Trong cả thập niên 30, ngoài việc sáng tác trên 20 ca khác và nhạc film, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba để công tìm tòi, nghiên cứu cách sử dụng ký âm pháp Tây phương thay thế cho cách ký âm thang âm ngũ cung nhằm truyền bá âm nhạc cổ truyền dân tộc rộng rãi và hiệu quả hơn trong công chúng và nhà trường. Ông là người đầu tiên áp dụng phương pháp tiến bộ này vào việc giảng dạy quốc nhạc. Về sau nhiều người theo ông ứng dụng vào việc sưu tầm, ký âm các làn điệu âm nhạc dân gian, dân tộc. Ở lĩnh vực cải tổ và cách tân này, giới nghiên cứu âm nhạc ngày nay không ai không nhớ đến gần 20 công trình của ông đã được in thành sách (sẽ giới thiệu ở mục Biên soạn). Đó là nguồn tư liệu, là thành quả nghiên cứu có hệ thống và bài bản của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba giới thiệu quá trình hình thành và phát triển nền quốc nhạc Việt Nam.

Năm 1940, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba đã là thành viên Đoàn Văn Hoá Trung Bộ (Huế), đại biểu tham dự Hội nghị Văn hoá cứu quốc toàn quốc tại Hà Nội. Năm 1945 ông chính thức tham gia cách mạng, công tác ở Đoàn Văn hoá Xây dựng thuộc thành uỷ Huế. Từ năm 1946 - 1948 ông tản cư ra chiến khu chợ Cạn (Thuộc xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) tiếp tục sáng tác, biểu diễn và đấu tranh cách mạng. Nhiều ca khúc đầy hào khí cách mạng được ông sáng tác ở giai đoạn này như Thanh niên đồng tiến, ánh dương trời Nam, Tiếng hát quân Nam ... Cuối năm 1948, liên lạc được với anh em kháng chiến ông trở về thành Huế hoạt động công khai. Cũng trong năm này ông là thành viên bảo vệ Văn hoá dân tộc và hoà bình nhân loại thuộc tổ chức UNESCO. Năm 1949, ông là người chủ xướng sáng lập ra Tỳ Bà trang sau đổi thành Tỳ Bà viện, trung tâm phục hưng quốc nhạc Việt Nam và Hội Âm nhạc Việt Nam Trung Việt do ông trực tiếp làm giám đốc. Chính ở cương vị này, công lao của ông đã được người đương thời và ngày nay coi như là biểu tượng, con chim đầu đàn trong việc "bảo tồn và phát huy nền âm nhạc truyền thống của dân tộc, góp phần vào công cuộc phục hưng nền văn hoá độc lập Việt Nam trong tinh thần tự lập, tự chủ, tự cường, cầu tiến bước cùng với âm nhạc độc lập của các dân tộc khác" đúng như tôn chỉ của Tỳ Bà viện. Trải qua gần nửa thế kỷ hoạt động ở Tù Bà Viện (sau này từ năm 1968 đến 1972 nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba còn giữ chức vụ giám đốc Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Huế) ông đã trở thành một trong những “ báu vật nhân sống” (Living Human Treasure) đúng như tinh thần khuyến nghị của tổ chức UNESCO.

Về lý thuyết và phương pháp, nội dung và chương trình hoạt động của Tỳ Bà viện còn lưu giữ trong “cẩm nang Tỳ Bà viện”. Theo đó Tỳ Bà viện có tám ngành hoạt động chung trong bảy bộ môn ; mỗi bộ môn gồm có nhiều thể loại ca nhạc cổ truyền khắp ba miền Nam - Trung - Bắc và các dân tộc thiểu số. Tám ngành được phân loại như sau: 1. Sưu tập (bao gồm sưu tập nhạc liệu, nhạc phẩm, nhạc cụ, nhạc lý, nhạc sử, nhạc luận ...) 2. Bảo tồn (tất cả các loại nhạc liệu sưu tập được để thành lập, đưa vào Viện Bảo tàng quốc nhạc Việt Nam để có phương pháp bảo trì theo hệ thống) 3. Nghiên cứu (nghiên cứu nhạc liệu để hiểu biết những cái gì là hay, tốt, đẹp, phù hợp với sự tồn tiến của dân tộc mà bảo tồn phát huy; những gì chưa có cần sáng tạo; những gì còn kém cần cải tiến) 4. Giáo dục (mở trường, mở lớp để truyền bá quốc nhạc qua kênh giáo dục) 5. Biên soạn (biên soạn thành sách nhằm tạo ra tủ sách, thư viện riêng về quốc nhạc Việt Nam) 6. Sáng tạo ( sáng tác và cải tiến những gì đã có mà chưa đạt đến chỗ hay, tốt, đẹp ...) 7. Phổ biến (qua các hình thức, nhiều kênh như xuất bản, trình diễn, triển lãm, thuyết trình, báo chí, điện ảnh, truyền thanh, sản xuất băng nhạc, đĩa nhạc ở trong và ngoài nước) 8. Tổ chức (lập ra các Hội, trường, ban nhạc làm cơ sở tạo ra môi trường hoạt động khắp nơi ). Tất cả 8 ngành phân chia trên hoạt động qua 7 bộ môn sau: 1. Ca kịch, hát hội, cải lương, hát chèo. 2. Ca vũ, dân vũ, lễ vũ, hoan vũ. 3. Ca nhạc thính phòng (Miền Trung: ca Huế; miền Bắc: ca Trù miền nam: ca tài tử) 4. Dân ca (Dân ca 3 miền và các sắc tộc). 5. Quân nhạc (nhạc quân đội bao gồm tập quân, hành quân, tiến quân, thu quân, hiệu quân) 6. Lễ nhạc (Phật nhạc, Lão nhạc, Khổng nhạc, tiên nhạc, thần nhạc, thiên nhạc, ma nhạc ...) 7. Thi ngâm (các điệu ngâm qua các thể thơ).

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba không đơn thuần là người chủ xướng mà dưới sự điều hành và tham gia trực tiếp của ông ở Tỳ Bà viện, ở trường Quốc gia Âm nhạc ... đã hoàn thành một khối lượng công việc thật đáng khâm phục. Có thể tóm tắt thành quả qua 7 đầu mối công việc như sau:

1. Phần sưu tập:  Đã sưu tập được 130 loại nhạc cụ vừa là hình ảnh, vừa hiện vật; Thu băng nhiều bộ môn ca nhạc gần 300 cuộn băng, đĩa; Sưu tập sách các danh cầm từ thời Tự Đức trở lại; Ký âm trên 200 bài bản ca nhạc qua 2 hình thức ký âm Tây phương Việt Nam hóa và ký âm Việt Nam khoa học hóa; Sưu tập thơ của nhiều danh sĩ vịnh về các nhạc cụ và ca khúc cổ truyền; Sưu tập nhiều tài liệu tối cổ về nhạc lễ ...

2. Bảo tồn:  Đã bảo tồn được trên 30 nhạc cụ; Trên 200 cuộn băng và đĩa nhạc cổ truyền; Gần 30 cuốn sách ca vũ nhạc kịch của các danh sĩ trên 100 năm trở lại; Bảo tồn bằng film mầu và đen trắng trên 100 hình ảnh (hóa trang và y trang) trong các vai tuồng hát bội miền Trung; Lưu trữ 30 tấm hình các môn lễ nhạc của 3 miền; Lưu trữ trên 10 tập bài bản về nghi thức lễ nhạc ...

3. Nghiên cứu: Tìm ra nguồn gốc phát sinh nền quốc nhạc: nhạc chính tông do dân tộc tạo tác và nhạc ngoại lai đã được Việt Nam hóa; Tìm ra 2 lối ký âm: ký âm tây phương Việt Nam hóa và ký âm Việt Nam khoa học hóa; Tìm thấy những yếu tố tạo thành dân tộc tính của âm nhạc Việt Nam xưa và nay đồng thời cải tiến lối hòa tấu và cách cầm đàn, ngồi đàn ...

4. Giáo dục:  Đã áp dụng phương pháp giảng dạy tân tiến vào các trường đại học, trung học chuyên nghiệp (Quốc gia Âm nhạc) và các lớp nhạc ở trường phổ thông; Dạy Phật nhạc và quốc nhạc tại viện đại học Vạn Hạnh và Phật học Huệ Lâm trước năm 1975; Đã đưa được chương trình dân ca, dân nhạc vào chương trình học đường cũng như mở lớp huấn luyện cho người Việt và ngoại quốc tại Tỳ Bà viện ...

5. Biên soạn:  Ngày nay giới nghiên cứu âm nhạc hết sức trân trọng các tác phẩm (chuyên khảo về âm nhạc) của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba đã được in thành  sách. Đó là: Vài thiển kiến về âm nhạc; Giới thiệu sơ lược âm nhạc Việt Nam; Nhạc pháp, quốc nhạc Việt Nam; Ca Huế (tập I và tập II); Dân ca Việt Nam; Phương pháp và bài bản các nhạc cụ Việt Nam; Sưu tầm, nghiên cứu tư liệu, thư tịch âm nhạc Việt Nam; Phương pháp học đàn tranh; Bản đàn môn Tỳ bà Bản đàn nguyệt; Bản đàn nhị huyền; Bản đàn độc huyền; Bản đàn tranh ...

6. Phổ biến:  Ông đã thuyết trình trên 20 lần tại các đô thị lớn +đề cao văn hóa dân tộc qua âm nhạc cổ truyền. Diễn giải cho nhiều phái đoàn văn hóa và nhạc sĩ trong nước đến nghiên cứu nhạc Việt tại Tỳ Bà viện hoặc trường Quốc gia Âm nhạc. Biểu diễn và trình tấu quốc nhạc nhiều lần ở trong và ngoài nước, đặc biệt như năm 1970 hướng dẫn đoàn âm nhạc cổ truyền Việt Nam biểu diễn thành công tại Osaka, ông đã được Chính phủ Nhật Bản  tặng Huân chương văn hóa Bội tinh hạng Nhất, tham gia triển lãm nhiều lần giới thiệu âm nhạc cổ truyền Việt Nam ở trong và ngoài nước như Mỹ, úc, Pháp Xuất bản và biên soạn trên 20 tác phẩm tân cổ nhạc để phổ biến; Gởi băng nhạc và sách nhạc Việt cho nhiều nhạc viện và viện Bảo tàng quốc tế; Cộng tác với GS.nhạc sĩ Trần Văn Khê làm đĩa nhạc Việt Nam do UNESCO in và phát hành ra quốc tế, trong đó các đĩa hát “Việt Nam I” và “Việt Nam II” đọat giải thượng hạng  của hãng đĩa Pháp và Đức; Tham gia soạn nhạc và trình tấu cho 7 cuốn film: La Morten Fraude, Trương Chi – Mỵ Nương, Thạch Sanh, Hồi chuông Thiên Mụ, Bụi Đời, Kim Vân Kiều và film tài liệu ca vũ nhạc kịch cổ truyền Việt Nam do đài Truyền hình Pháp giới thiệu ra quốc tế ...

7. Tổ chức: Tỳ Bà viện là cơ sở đầu tiên được xây cất ở Huế năm 1949 trên một khu đất rộng rãi, thơ mộng cạnh Hoàng thành. Năm 1960 ông cho mở thêm Tỳ Bà viện là cơ sở thứ hai làm trụ sở tại Sài Gòn, nhờ vậy mà tầm hoạt động của Tỳ Bà viện được mở ra rộng rãi hơn. Ông cũng là người sáng lập ra Hội âm nhạc Việt Nam Trung Việt; Lập Ban ca nhạc Huế; Lập Ban dân da dân nhạc sinh viên ở Đại học Vạn Hạnh (Sài Gòn) và Văn khoa Huế; Lập Ban dân ca dân nhạc học sinh trường PetrusKý mở các lớp nhạc phổ thông ở Tỳ Bà viện; Sáng lập và điều hành ngành quốc nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn ...

Từ sau ngày giải phóng miền Nam, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba chuyển vào công tác tại Viện Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục giữ các chức vụ  phó chủ tịch UBMTTQVN thành phố Hồ Chí Minh, phó chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh. Tuy có gặp nhiều khó khăn, sức lực ngày càng suy yếu, song nhiệt tình của người nghệ sĩ tài năng ấy đối với nền âm nhạc cổ truyền vẫn không hề suy giảm. Nhà nước đánh giá cao cống hiến và những công trình lớn lao của ông. Ngoài những giải thưởng quốc tế, năm 1984 nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (ngành ca Huế, dân ca Trị Thiên) đợt đầu tiên trong 189 nghệ sĩ nghệ nhân trong cả nước. Vinh dự hơn nữa là năm 1990 ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, và năm 1997 ông được trao tặng Huân chương độc lập hạng Nhì . Ngày 14/7/1997 tại thành phố Hồ Chí Minh nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba ra đi vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 83 tuổi.

Như đã trình bày ở trên, Nguyễn Hữu Ba là “báu vật nhân văn sống”, sự nghiệp của ông, con người ông thuộc về di sản âm nhạc cổ truyền của dân tộc, của quốc gia chứ không riêng gì dân ca Trị Thiên hay ca Huế. Biết vậy nhưng khi Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Quảng Trị biên soạn công trình “Những nghệ sĩ Quảng Trị làm giàu vốn dân ca Trị – Thiên Huế” thời cận và đương đại chúng tôi vẫn chọn ông như con chim đầu đàn để nghiên cứu giới thiệu. Qua thực tiễn hoạt động của ông, chắc chắn công trình nghiên cứu sẽ rút ra được những bài học bổ ích chứ không đơn thuần là ghi công.

                                                               Đông Hà, ngày 10. 7.2005

                                                                                         Y.T

 

 

___________

Tài liệu tham khảo

- Âm nhạc cổ truyền Quảng Trị. Viện nghiên cứu Âm nhạc – Sở VHTT Quảng Trị, 1997.Tr.328-329 (Hồ sơ nghệ nhân).

- Nguyễn Hữu Ba, con người và sự nghiệp của Tôn Thất Bình, bài đăng trên Tạp chí Văn hóa Quảng Trị số 10 năm 1993. Tr 15-17.

- Gia phả họ Phan làng Đạo Đầu. Bản quay Ronéo do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba phiên dịch, hiệu đính cùng nhiều tư liệu lưu trữ ở Tỳ Bà viện Huế do ông Nguyễn Hữu Phước, con trai nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba cung cấp.

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 131 tháng 08/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground