Hoạt động ngoại giao lúc bấy giờ rất quan trọng. Vì thế, Bác phải trực tiếp gánh vác công việc khó khăn này.
Một mặt giữ liên lạc chặt chẽ với quốc tế, một mặt tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ thiết thực của Đồng minh, Bác đã nghĩ ra nhiều cách ứng xử sáng tạo độc đáo để tạo uy thế cho cách mạng Việt Nam mà Đồng minh chưa biết nhiều.
Bác Hồ với bạn bè quốc tế.
Lúc bấy giờ, đại diện Đồng minh, đứng chân ở khu vực Hoa Nam (Trung Quốc) là tướng Mỹ S. Chenault. Với kinh nghiệm ngoại giao tuyệt vời của mình, Bác đã nhờ được Charles Fenn đưa tới gặp tướng S. Chenault vào ngày 29-3-1945 để thỏa thuận sự hợp tác chống phát xít Nhật ở Đông Dương. Ông Fenn rất tự hào gọi Hồ Chí Minh là bạn của mình và sẵn sàng gặp Bác khi cần thiết.
Các tướng của Quốc Dân Đảng Trung Quốc lúc bấy giờ cũng tranh thủ gặp tướng Chenault và thường xin tiền. Chính vì thế, khi thấy một cụ già tới gặp, S. Chenault cũng có ý xem thường, nên đã hỏi ngay: “Có cần tiền không?”. Bác bảo: “Không! Tiền bạc, chúng tôi có thể nhờ nhân dân của tôi giúp đỡ”. Tướng Chenault rất ngạc nhiên và liền tỏ ra kính trọng Bác. Tướng Chenault lại hỏi tiếp: “Thế, ông có cần vũ khí không?”. Bác cũng đáp: “Không! Vũ khí thì chúng tôi có thể lấy của địch để trang bị cho mình”. “Vậy ông cần gì?”. Bác đáp: “Tôi cần thuốc chống sốt rét và điện đài thông tin liên lạc”. “Thuốc chống sốt rét ông cần bao nhiêu?” – Tướng Chenault hỏi. Bác rất tinh tế, để cho Đồng minh thấy được lực lượng cách mạng Việt Nam cũng khá mạnh, nên nói ngay: “Chúng tôi cần 50 kí-lô-gram”. Chenault bảo ngành hậu cần của ông ta cấp cho ngay 100 ký và cử một tổ điện đài để giúp Bác. Trên cơ sở đó, lực lượng cách mạng Việt Nam dễ dàng được gia nhập Đồng minh và gọi là Việt Minh.
Đó là những biểu lộ nhân cách ngoại giao của Bác. Nhân cách ấy dạy chúng ta những gì? – Dạy chúng ta lòng tự trọng. Ở đời, việc gì cũng ngửa tay xin dễ khiến người ta khinh. Trái lại, khi thấy mình cố gắng hết sức thì người ta yêu mến, nể trọng, người ta lại muốn cho, muốn giúp.
Thêm một chi tiết độc đáo nữa của Bác là việc xin một tấm ảnh của tướng S. Chenault. Hiểu được tâm lý của nội bộ mình, nếu có được một dấu hiệu gì đáng tin cậy về sự ủng hộ của Đồng minh thì anh em sẽ rất phấn khởi, Bác không ngần ngại đặt ngay vấn đề. Người nói:
- Nhân dịp này, tôi muốn có được một tấm ảnh của Tướng quân để làm kỷ niệm.
Chenault vui vẻ, đưa ngay một xấp ảnh và nói:
- Tùy ông chọn.
Bác chọn một tấm thật đẹp, đưa cho Chenault, và ông ấy ký tặng Bác với dòng chữ trọng thị: “For Ho, my friend!” (Tặng Hồ, người bạn của tôi).
Đúng như nhận định của Bác, anh em trong lực lượng của ta được thấy tận mắt những quà tặng và sự giúp đỡ của Đồng minh, đặc biệt tấm ảnh của tướng Mỹ S. Chenault thì vui mừng lắm.
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số Xuân 2021