Ở |
Cố Đô Huế, nhà văn Nhất Lâm đi đâu ai cũng nhận ra bởi anh thường đi xe đạp, đầu trần với mái tóc bạc trắng chấm vai rất ai-ma-tơ. Mái tóc bạch kim óng ánh để trần trong nắng mưa của anh cứ bông bềnh trong gió với nụ cười hưng phấn tuổi thất tuần. Một ngày sau lũ Huế , anh Nhất Lâm hồ hởi đến tặng tôi tập tiểu thuyết “ Đồi không tên” anh viết về cuộc chiến đấu anh hùng của các chiến sĩ bộ đội, du kích vùng cao A Lưới với bọn Mỹ trên đồi thịt băm –theo cách gọi của lính Mỹ. Anh cho biết để có tiền in sách anh phải vay mượn bạn bè hơn chục triệu đồng. Không biết có thu lại đủ vốn không. Nhưng nhìn cuốn sách dậy mùi mực thơm như mùi sự sống nồng nàn đang phục sinh trên mảnh đất A Lưới khốc liệt một thời. Chỉ riêng chuyện anh đã cất công đi lấy tư liệu mấy tháng trời rồi ngồi thức đêm dựng lại cuộc chiến đấu đó sau 30 năm trời, chứng tỏ tình yêu và trách nhiệm của một người cầm bút thật mãnh liệt.
Anh Nhất Lâm viết báo, làm thơ , viết truyện ngắn, truyện ký.. sôi sục, tâm huyết ! Dường như mấy chục năm làm cán bộ địa chất, làm thanh tra của ngành giao thông cần mẫn , nghĩa là làm công việc của một người cán bộ cách mạng , anh vẫn chưa coi là làm. Về hưu , anh hì hục viết báo để nuôi mẹ già ở quê và nuôi văn , nuôi thơ và nuôi hồn mình. Anh viết ngày viết đêm như chạy thi với tuổi. Năm nay bảy mươi hai rồi còn gì ! Có lần chuyện với tôi anh trầm ngâm :” Còn sống là còn viết, Ngô Minh ạ ! Mình đã bỏ phí nhiều thời gian trai trẻ, tiếc lắm“. Chao ôi, đã hưu trí , đã ‘thất thập cổ lai hy’ rồi vẫn lao vào cầm bút quyết liệt như anh Nhất Lâm , đáng kính nể biết bao nhiêu ! Anh nghèo, không có tiền mua xe máy, không máy vi tính, không điện thoại di động, nên chỉ viết bằng tay. Đi thực tế vài ba chục cây số cũng đạp xe đạp, đi nuôi mẹ già 90 ốm nặng ở làng An Tiêm, Quảng Trị hơn 50 cây số cũng đạp xe . Có lần giữa đường xe đạp bị hỏng xích , không có tiền trả, anh gãi đầu, vuốt vuốt mái tóc bạc, rồi nghĩ ra cách ký tặng người thợ sửa xe tập thơ mới xuất bản. Nhờ có thơ mà người thợ sửa xe vui vẻ cảm ơn và không lấy tiền. Từ sau khi mẹ mất, Nhất Lâm phải liên tục vào ra Quảng Trị để thắp hương cho mẹ. Có lần anh dọn ra ở làng cả mấy tháng trời . Thỉnh thoảng lại đạp vào Huế để thăm bè bạn và xem có báo nào gửi tiền về không!
Nghèo như thế, nhưng in sách thì anh không hề tiếc tiền, dù có phải vay mượn. Anh vay bà Phương Chi, vợ nhà thơ Vĩnh Mai ở Hà Nội để trả tiền in tập truyện ngắn Kinh thành bỏ ngỏ , vay bạn bè in tiểu thuyết Đồi không tên.v.v.. In sách rồi tự đi phát hành. Thu được đủ vốn rồi thì lấy vốn đó in tập sách khác, còn lại bao nhiêu sách tặng bạn bè . Gặp ai anh cũng tặng sách. Vô bệnh viện Trung ương Huế thăm người bạn ốm, gặp cô ý tá nhiệt tình thế là anh rút thơ ra ký tặng. Đi chơi với tôi ở Hồ Than Thở, Đà Lạt, thấy hai cô gái bán cà phê xinh đẹp, anh rút thơ trong túi ra ký tặng. Cứ thế từ năm 1995 đến nay, Nhất Lâm đã in 4 tập tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, 5 tập thơ Thức với mùa trăng, Tiếng khóc lời ru, Vú đá, Tiếng mưa, Nhật thực.. Một cán bộ hưu trí xe đạp lương còm mà 13 năm tự bỏ vốn in 9 tập sách để tặng bạn bè, không sống hết lòng không làm được thế. Quả thực , chỉ chừng ấy tác phẩm thôi , Nhất Lâm đã làm những người viết trẻ tuổi đã phải ghen tỵ về tâm huyết và sức làm việc không mệt mỏi của anh . Cuối năm ngoái, anh rút hết số tiền trong sổ tiết kiệm 9 triệu đồng dành dụm cho "việc hậu sự" của mình để in tập Nguyễn Văn Phương- Xích lô hành , khi tập sách được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp giấy phép. Một tập sách làm vì tình nghĩa bạn bè, kỷ niệm hai năm ngày mất của nhà thơ tài hoa mệnh yểu có bút danh là Phương Xích Lô này. Anh bảo : "Sách in 600 bản, bán thu đủ vốn rồi, số tiền còn lại sẽ đưa cho gia đình Phương để lo giỗ chạp hàng năm cho nó. Quan trọng là có cuốn sách giới thiệu về Phương Xích lô, một tên tuổi đáng được mọi người nhớ".. Rồi anh mang Xích lô hành đi phát hành và tặng bạn bè tận Sài Gòn. Một nghĩa cử cao đẹp mà không phải người có tiền nào cũng làm được !
Năm 1995, với tập thơ đầu tay “Thức với mùa trăng” đưa Nhất Lâm gia nhập đội ngũ viết văn Huế. Tập thơ đã để lại trong tôi ấn tượng đẹp và nhiều bài học quý về cách sống cho thơ, cho đời ! Thơ anh mộc mạc, viết vội, nhưng cái chất lãng tử , cái chất thi sĩ ngang tàng thì thực đáng yêu, đáng nhớ : Dừa kia đứng ngẩn thương nhớ bạn / Trái ngọt chờ ai môi ửng hồng / Ly dày ly cạn đêm nhòa nhạt / Áo mới em choàng nhuốm bâng khuâng...(Suối đêm)’ Giang hồ tôi uống bao quán vắng / Nước mắt nhòe mưa về bến sông (Mưa). Thơ Nhất Lâm là thứ thơ chiêm cảm, thơ chắt từ chính cuộc đời mình ra, nên không nặng lòng trắc ẩn, không ngất ngưỡng, ngang tàng, không yêu thương cuộc đời hết mực, thì không thể viết được những câu thơ xa xót như thế này : Vòng tay khóa chặt ngang eo rượu/ Ôm trọn tình nhau tròn số không . Trong tập Vú Đá ,Nhất Lâm có những câu thơ rất tinh diệu, mới mẻ : Ngạt ngào mùi đêm vắng... hay Ngày thác lũ / sông đỏ bầm máu dữ / Hành kinh cho nhân loại phù sinh (Sông đêm)
Nhất Lâm sống như viết, đầy trực cảm và say mê. Mở cửa sổ tầng ba căn hộ chung cư sau đêm viết khuya, gặp ánh trăng man mác, thế là anh không dừng được đam mê, xách xe đạp xuống ba tầng cầu thang khu cư xá Đống Đa , một mình đạp xe đi chơi trăng đến sáng! Anh đạp xe lang thang như một kẻ mộng du. Đến khi chạm cầu, chạm biển Thuận An mới tỉnh ra, biết mình đang ở xa nhà hơn chục cây số! Bạn chơi của anh là những nhà thơ trẻ ở Huế như Hải Trung, Phạm Nguyên Tường, Lê Tấn Quỳnh, Đông Hà ,v.v...Thấy vài tuần anh ở Thành Cổ Quảng Trị không vào là họ rủ nhau phóng xe ra thăm. Có được vài trăm ngàn đồng mua vé xe là anh lang thang vô Đà Lạt, Bình Định, Bình Thuận, Sài Gòn... với bạn bè. Ít tiền nên đi xa anh thường đi xe khách. Sống như thế nên anh nhập được nhịp thơ trẻ về âm điệu và ngôn ngữ. Anh yêu thương đồng cảm sâu đậm với những số phận cay đắng giữa đời. Một đêm mưa trong quán nhỏ anh đã làm bài thơ Duyên mưa , khóc “người nữ khách giang hồ” trong từng câu thơ lạnh buốt :
Đêm sâu lữ quán tình dày mỏng
Thấm lạnh bờ môi tê tái lòng
Giang hồ tôi uống bao quán vắng
Nước mắt nhòa mưa về bến sông
Hay truyện ngắn “Người đàn bà một tay” đầy tính nhân hậu kể về một người phụ nữ đau khổ do hoàn cảnh mà phải một mình vượt lên để nuôi con. Nhưng anh cũng rất căm ghét cái ác, cái giả trá ,ăn cắp, thói rởm đời. Một loạt truyện ngắn in trong tập “Kinh thành bỏ ngõ” như Mua dù, Chó ngoại.. đả kích mạnh mẽ vào những thói xấu ô dù, hay vong ân bội nghĩa của bao kẻ ta đã gặp, đã chứng kiến đâu đó trong xã hội hiện tại. Với cái trực cảm khảng khái bộc trực của mình, những truyện ngắn cũng như nhiều bài báo chống tiêu cực của Nhất Lâm luôn luôn trực diện, thẳng thừng , làm không ít người chột dạ. Anh khí khái đến mức thời còn đương chức, một giám đốc Công ty ô tô của tỉnh tham nhũng, tiêu cực, anh là Chánh thanh tra Sở giao thông, quyết đưa ra ánh sáng, nhưng lãnh đạo lại bảo vệ ông giám đốc, thế là anh phản ứng, xin về hưu sớm, trả ngay căn hộ Ngành giao thông phân cho mình, kiếm một căn hộ chung cư để ở.
Tháng 8 năm 2008, anh ra mắt tập thơ Nhật thực gồm 37 bài thơ châm, thơ chống tiêu cực. Người ta bảo nhìn Nhật thực phải có loại kính bảo vệ mắt, chứ nhìn trực diện bằng mắt thường sẽ bị nổ đôi tròng mắt. Biết bao nhiêu người tham lam vơ vét những cái không phải của mình về làm giàu. Đó là những người Ham chi/ nhìn cái / không nhìn được (Nhật thực). Bọn đó nhất định sẽ "bị nổ cả đôi tròng". Những bài thơ quan tham, người giả, chó quan... đả kích trực diện vào bọn tiêu cực, tham nhũng: Chó ngoại / ông khoe/ mấy cây vàng/ Ăn ngủ/ còn hơn/ những ông hoàng / Ngày ba bốn bữa / tim...gan...cật / Chó này / dân bảo / loại chó quan (Chó quan). Anh có bài thơ Tấm thẻ Đảng đả kích bọn quan tham Nhận thẻ Đảng mà đánh lừa cả Đảng.. Những năm 1987- 1988 mà viết như thế là bạo lắm lắm.
Những thơ châm, tiểu phẩm, bài báo của Nhất Lâm bao giờ cũng rất quyết liệt, phải trái rạch ròi, không hề né tránh, đã đóng góp phần nào trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, làm lành mạnh xã hội! Có ông quan cấp cả trăm mét vuông đất cho người chấm luận án để được cái bằng thạc sĩ, Nhất Lâm có ngay tiểu phẩm Thạc sĩ đất in báo. Có lần anh viết bài báo về Tàu Thuận An 06 của tỉnh Thừa Thiên- Huế đi buôn lậu ở Trung Quốc về bị bão, đắm ở biển Hải Nam. Bọn buôn lậu đã tìm đến nhà đánh anh bị thương. Anh phải lánh ra tận nhà nhà thơ Hải Kỳ ở Đồng Hới để được an toàn . Nguy hiểm như thế nhưng anh vẫn sống, vẫn viết quyết liệt và đầy bản lĩnh. Trong những bài báo Nhất Lâm còn có những sáng kiến rất hay như nên tổ chức du lịch ngắm Huế từ trên không bằng máy bay trực thăng, hay Nên bắc cầu Ca Cút ở Quảng Điền qua Phá Tam Giang..v.v.. Nghe nói chiếc cầu anh đề xuất đó đã được tỉnh đưa vào dự án.
Bởi thế mà truyện ngắn, truyện dài của Nhất Lâm bao giờ cũng là những chuyện có thật trong cuộc sống, nên rất gần gũi với người đọc. Nhờ vốn sống, những chiêm nghiệm của sự từng trải và cái tình thật, thơ ,truyện ngắn của anh đã nhiều lần xuất hiện trên báo Văn Nghệ, các tạp chí Văn, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Sông Hương, Cửa Việt.v.v... Khi rất nhiều người đang “sản xuất” thơ văn để kiếm danh vị nhà văn nhằm bổ túc “chất văn hóa” cho chức tước của mình, hoặc kiếm giải thưởng..., thì “Nhất Lâm tóc trắng” vẫn cặm cụi với những bài thơ, cuốn tiểu thuyết mới đau đáu những vấn đề của cuộc sống quê hương. Nhưng anh luôn tâm niệm : Trăm năm một ván cờ / Thua được ta thờ ơ... (Trăm năm), như lời một bài hát của Trịnh Công Sơn “ sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi...”, . Tôi yêu anh vì cái chất nghệ sĩ, kẻ sĩ đó: trắng tay / trắng tóc/ thì về / gối đầu lên sóng/ mà nghe mõ nồm / trắng khuya / cạn chén biển buồn / thấy mình cùng lũ dã tràng / xe trăng...(Ngô Minh- Với Nhất Lâm trong đêm trắng làng Thượng Luật)
Nhưng nói về Nhất Lâm không thể không nói về tấm lòng thương yêu bạn, sống chết vì bạn hết mực của anh. Nhà thơ Hải Bằng mất, thi thể chưa kịp liệm phải để qua đêm. Nhất Lâm đến nhà ngủ cạnh nhà thơ để cho "anh ấy ấm lòng". Anh bỏ ra hàng tháng trời ra Hà Nội đọc và chỉnh sửa giúp bà Phương Chi hồi ký về nhà thơ Vĩnh Mai, một nhà thơ cộng sản cương trực người Quảng Trị mà anh rất kính trọng và nể phục. Nhà thơ Trần Hữu Tâm Phương ở Huế mất, Nhất Lâm đi vận động bạn bè quyên góp để làm đám tang vì Tâm Phương nhà nghèo. Nhất là đối với nhà thơ trẻ Phương Xích Lô, Nhất Lâm sống cởi hết tấm lòng. Thấy Phương làm thơ hay nhưng nghèo, đạp xích lô quanh quẩn ở Huế, rồi đứng làm mẫu cho sinh viên hội họa kiến từng đồng tiền còm, vợ lại ly dị đi theo người khác, nên anh rất thương yêu, coi như người em ruột thịt. Để Phương có thực tế cuộc sống, Nhất Lâm dắt Phương ra thăm Thành cổ Quảng Trị , rồi ở lại cả tháng trời tại nhà mình. Anh đưa Phương ra Hà Nội đi thăm các nhà thơ Phùng Quán, Võ Thanh An... Anh đưa Phương đi thăm Thái Nguyên, thăm Hồ Núi Cốc, thăm vùng chè Tân Cương...nơi anh công tác thời tập kết ra Bắc. Đi đến đâu hai người cũng được bà con tặng chè ngon, mời cơm thịnh soạn. Những chuyến đi như thế giúp Phương có tầm nhìn về cuộc sống và đất nước sâu sắc hơn. Khi Phương mất đột ngột do say rượu chết đuối ở mương nước, Nhất Lâm đã bàn bạc cũng bạn bè văn nghệ Quảng Trị, Huế lo cho đám tang cho Phương đàng hoàng chu đáo như bao người khác, lo cho Phương có mồ yên mả đẹp. Ở Nghĩa trang thành phố Huế, chỉ duy nhất mộ Phương Xích Lô có thơ khắc trên phiến đá cao rất nổi bật. Rồi anh giới thiệu thơ, bỏ tiền ra in sách cho Phương.v.v..Thương thằng bạn thi sĩ / Biệt đời cũng vì thơ ( Vắng). Tấm lòng ấy có trời đất và bạn bè ghi nhận
Tôi hỏi đang sáng tác gì mới, anh vui vẻ : “Mình đang viết một cuốn tiểu thuyết về những ngày khốc liệt ở Thành Cổ Quảng Trị những năm bảy hai ! Viết lách lụt lội, dầu đèn nhập nhoạng thật khổ, nhưng không thể dừng được !” Đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết Đêm phù thủy, đang kiếm đầu ra để in... Vâng, Nhất Lâm vẫn vậy, sống là viết và viết là sống, luôn dấn thân đấu tranh vì lẽ công bằng , bởi anh yêu quá cuộc đời này!
N.M