Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những áng văn gợi nhắc thời mở cõi

Văn chương bắt nguồn từ đời sống và đồng hành với các sự kiện lịch sử. Nghiên cứu dòng văn học dân gian Việt Nam, người ta chỉ ra một hệ thống lớn các ca dao, tục ngữ, thành ngữ gắn liền với chuyện thế sự đương thời, kể cả chính sự. Cho đến khi hình thành văn học có chữ viết, thì tính chất "nhắc sử" ấy càng biểu hiện đậm rõ.

Thêm nữa, tính chất đa hàm và truyền kỳ của văn chương khiến cho những áng văn được lưu giữ trong dân gian lâu đời. Cũng chính điều này mà ranh giới giữa văn học truyền miệng và văn học thành văn đôi khi không rõ ràng. Có khi những áng văn được tác giả nói ra, viết ra nhưng qua quá trình lưu truyền bị "tam sao thất bản" rồi trở thành khuyết danh, hoặc bởi được quá nhiều người biết đến… nên bị đồng hóa thành văn học dân gian. Đây cũng là một trường hợp thú vị của văn chương.

1. Chẳng hạn khi nói về đèo Ngang, dãy núi nằm giữa hai tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình, người ta hay nhắc đến câu: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân. Đây là câu sấm truyền nổi tiếng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng cũng không ít người nhầm là… tục ngữ. Quả thật, có nhiều câu của Trạng Trình rất giống tục ngữ vì kết cấu ngôn ngữ và cả hàm ý răn dạy. Với câu sấm về dãy Hoành sơn (đèo Ngang), cũng là một lời chỉ dạy và điều này còn có ý nghĩa quan trọng đến hành trình mở mang bờ cõi nước ta về phía Nam.

Giữa thế kỷ XVI, Trịnh Kiểm hạ sát Nguyễn Uông, anh trai Nguyễn Hoàng. Lo sợ đến phận mình nên Nguyễn Hoàng nghe theo lời cậu Nguyễn Ư Dĩ, cử một sứ giả ra Bắc Triều tìm đến nơi ở ẩn của Nguyễn Bỉnh Khiêm (trạng nguyên khoa thi triều Mạc năm 1535, người nổi danh bậc hiền triết và được gọi là Trạng Trình) để tham vấn. Trạng Trình dẫn sứ giả đi ra chỗ đặt hòn non bộ trước sân, thấy một đàn kiến bò qua hòn đá thì buông một câu: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân. Khi sứ giả về báo với Nguyễn Hoàng, ông hiểu ra ý tứ sâu xa của Trạng Trình là khuyên hãy vào mạn phía trong dải Hoành sơn, sẽ được yên thân dài lâu. Từ đó Nguyễn Hoàng xin vào xứ Thuận Hóa và bắt đầu cuộc khai mở Đàng Trong, thu phục nhân tâm, được dân tin yêu gọi là Chúa Tiên.

Cảm khái ơn đức mở mang bờ cõi, thế kỷ XX, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ đã có mấy vần thơ nhắc nhớ: Từ thuở mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Đây là hai câu trong bài thơ Nhớ Bắc được sáng tác vào năm 1940 tại sân ga Sài Gòn khi Huỳnh Văn Nghệ tiễn một người bạn ra Bắc (có tài liệu ghi là sáng tác tại chiến khu D, năm 1946). Sinh thời cụ Huỳnh chia sẻ rằng cụm từ “Trời Nam” dùng ở đây với ý nghĩa rộng. “Trời Nam” không chỉ là vùng trời phía Nam mà là một sự khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của người nước Nam đã được “thiên định”. Đặt cụm từ trong cả câu thơ, thì Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long thể hiện tâm tư, tình cảm của người Việt luôn hướng về gốc gác giống nòi.

Thêm nữa, câu thơ này còn gợi nhắc quãng thời gian Nguyễn Hoàng quay ra Bắc. Tháng 5 năm 1593, Nguyễn Hoàng khi ấy đã 68 tuổi nhưng vẫn ra Bắc yến kiến vua Lê Thế Tông, được vua phong làm Trung quân đô đốc phủ tả đốc chưởng phủ sự thái úy Đoan quốc công. Sau đó Nguyễn Hoàng ở lại giúp Trịnh Tùng đánh dẹp các cuộc chống đối của họ Mạc và nhiều cuộc phản loạn, phá tan quân thổ phỉ. Sau 8 năm ở lại Đông Đô, Nguyễn Hoàng lại trở về Thuận Hóa, từ đó không ra chầu ngoài kinh nữa. Và thế là "ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long".

Sấm Trạng Trình, hay thơ cụ Huỳnh Văn Nghệ là những áng văn lưu hậu giúp đời sau hiểu thêm về cuộc đời Chúa Tiên. Bên cạnh đó, văn học dân gian còn nhiều câu ca được cho là có xuất xứ từ thời các chúa Nguyễn.

Một phần Truông Nhà Hồ còn lại hiện nay ở Vĩnh Linh, Quảng Trị - Ảnh: Minh Tân

Một phần Truông Nhà Hồ còn lại hiện nay ở Vĩnh Linh, Quảng Trị - Ảnh: Minh Tân

Thương em anh cũng muốn vô / Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang. Đây là câu ca dao được lưu truyền phổ biến, đặc biệt ở vùng miền Trung, được dùng để nói về tình duyên lận đận, ngăn cách. Hai địa danh được nhắc đến ở câu ca lại gắn liền với các sự tích ở xứ Thuận Hóa buổi đầu. Truông Nhà Hồ nằm giữa hai tỉnh Quảng Trị - Quảng Bình, khi ấy cây cối rậm rạp nên lắm cướp bóc thổ phỉ. Còn phá Tam giang ở địa phận hai huyện Phong Điền và Quảng Điền, trước gọi biển cạn (Hạt hải), dài 30 dặm, đông và tây rộng chừng 6 dặm. Từ hạ lưu sông Lương Điền chảy xuống phá, về phía tây nam có dòng nước đổ vào một là cửa sông Tả, một là cửa sông Trung, một là cửa sông Hữu, nên gọi là phá Tam Giang. Nước ở đây sâu, thường có sóng gió bất trắc, thuyền đi luôn phải đề phòng.

Tương truyền có lần chúa Nguyễn Hoàng cùng đoàn tùy tùng qua phá Tam Giang thì gặp sóng dữ, thuyền suýt lật. Bấy giờ vùng này có bà Trần Thị Tơ bơi thuyền rất giỏi đã chèo thuyền đến cứu giúp Chúa Tiên thoát khỏi sóng dữ, vào bờ an toàn. Cảm kích tấm lòng người phụ nữ dũng cảm, chúa Nguyễn đã cho xây miếu thờ bà Tơ sau khi bà qua đời. Từ đó đến nay, người dân Quảng Điền xem bà như một vị thần chuyên phù trợ vượt qua hiểm nguy khi có việc đi ra biển làm ăn. Những năm gần đây, ngư dân huyện Quảng Điền đã tái hiện lễ tế miếu bà Tơ. Lễ hội có nhiều phần như cúng cáo, dâng sớ, thỉnh bài vị bà Tơ ra kiệu xuống thuyền và đi trên đoạn sông ra biển rồi quay lại bờ và thỉnh bài vị vào miếu. Trong buổi lễ còn có hát bả trạo, đua thuyền để cổ vũ tinh thần rèn luyện sức khỏe của thanh niên miền biển.

Nối tiếp hai câu ca dao trên, dân gian lại truyền tụng: Phá Tam Giang ngày rày đã cạn / Truông Nhà Hồ nội tán dẹp yên. Theo các nghiên cứu cho rằng hai câu này để nói về quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng, một người cương trực, khi làm quan (thời chúa Nguyễn Phúc Chu) có tài xử kiện cáo và đặc biệt có công rất lớn trong việc dẹp yên bọn cướp ở truông Nhà Hồ, lại trị được sóng thần ở phá Tam Giang.

2. Có thể nói rằng ngoài việc mở mang bờ cõi, Chúa Tiên cũng như các chúa Nguyễn đã khai mở nhân tâm, làm yên dân, để lại những giá trị nhân văn cho đời sau. Một trong những việc làm tiêu biểu ấy là các chúa Nguyễn đã mang tư tưởng từ bi bác ái của đạo Phật vào cùng lúc. Nhờ đó mà Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thuộc xứ Thuận Hóa khi xưa là cái nôi của đạo Phật miền Trung, và cả nước.

Chỉ tính riêng huyện Triệu Phong, vùng đất Chúa Tiên cập bến, là nơi xuất thân rất nhiều vị tu sĩ có công lao to lớn với đạo Phật Việt Nam. Có thể kể đến như hòa thượng Thích Trí Thủ - Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; hòa thượng Thích Nhất Định - khai sơn chùa Từ Hiếu. Cả hai vị hòa thượng này, cùng nhiều vị tăng tài khác đều ở làng Trung Kiên. Thế nên khi nói về các ngôi làng xuất xứ tăng tài có đóng góp lớn cho đạo pháp và dân tộc, người miền Trung có câu thành ngữ: Quảng Trị Trung Kiên, Thừa Thiên Dạ Lê; hoặc tính riêng trong Quảng Trị thì: Nhất Trà Trì, nhì Trung Kiên. 

Chùa làng Trung Kiên, vùng đất được Chúa Tiên khai lập, cũng là nơi xuất xứ nhiều danh tăng Phật giáo - Ảnh: Duy Hùng

Chùa làng Trung Kiên, vùng đất được Chúa Tiên khai lập, cũng là nơi xuất xứ nhiều danh tăng Phật giáo - Ảnh: Duy Hùng

Điều thú vị là làng Trung Kiên được Chúa Tiên và các thuộc tướng tùy tùng kết hợp cùng cư dân sở tại khai hoang, khẩn nghiệp. Bấy giờ Chúa muốn phát triển vùng đất xung quanh lưu vực sông Thạch Hãn, tạo tiền đề cho sự ổn định về sau, và quan trọng hơn là tạo thế án ngữ của 5 đội quân (Ngũ Kiên): Tiền Kiên, Tả Kiên, Hữu Kiên, Trung Kiên đóng ở mạn bắc, và Hậu Kiên đóng ở bờ nam sông Thạch Hãn, nhằm bảo vệ các lỵ sở dinh Chúa tại Ái Tử. Từ đây, chính sự cộng cư giữa binh lính và người dân đã hình thành nên những xóm làng, mà cho đến hôm nay, tổ tiên các họ tộc ở những ngôi làng thuộc Ngũ Kiên đều có gốc tích từ hàng binh tướng trong quân đội của chúa Nguyễn. 

Khi vào Huế, Nguyễn Hoàng đã có công rất lớn trong việc thiết lập nên hệ thống chùa chiền, tiêu biểu trong đó là chùa Thiên Mụ, một biểu tượng cho Phật giáo đất kinh kỳ. Truyền thuyết kể rằng, trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, Chúa Tiên bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê. Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ sơn. Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng liền cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là chùa Thiên Mụ.

Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc đại hồng chung nặng hơn 2 tấn, là chiếc chuông lớn thứ nhì ở Việt Nam (chỉ sau chuông Cổ Lễ ở tỉnh Hà Nam). Chuông có tiếng vọng rất xa nên đã đi vào ca dao: Gió đưa cành trúc la đà / Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

3. Sẽ còn nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ gợi nhắc thời kỳ mở cõi, bởi văn học dân gian Bình Trị Thiên có gốc gác lâu đời và gắn liền với sự tích vùng đất. Còn văn chương hiện đại, nếu để kể tên một tác phẩm hư cấu khát quát được cuộc đời Chúa Tiên, có lẽ là tiểu thuyết Minh Sư của nhà văn Thái Bá Lợi. Cuốn sách dày 400 trang đã đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, sau đó là Giải thưởng Văn học Đông Nam Á 2013.

Nhà văn Thái Bá Lợi cho biết rất cảm khái câu chuyện mở cõi của Chúa Tiên, và động lực khi viết Minh Sư là do nhận biết của ông khi đọc kinh Phật. Từ “minh sư” chỉ xuất hiện ở cuối sách, khi Nguyễn Hoàng nghe được câu chuyện của hai người lính trong một đêm lạnh trên đèo Hải Vân. Một người lính hết lời ca ngợi chủ tướng, còn người kia thì cho rằng Nguyễn Hoàng do sợ Trịnh Kiểm sát hại mà tìm đường trốn vào Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng đã nói với họ: “Các anh có tội là dám nói sau lưng ta. Nhưng đúng là ta sợ chết mà thoát thân vào xứ này... Các anh đã nhắc ta một sự thật mà ta có thể quên thì đó là minh sư của ta. Không phải chỉ có người gần gũi ta, những người nói điều hợp với lòng ta, mà ngay cả người nói điều trái ý ta, cả những người muốn hại ta, kẻ thù của ta, họ đều là những bậc thầy sáng suốt của ta, ta tri ân họ vì họ dạy ta nhiều điều”.

Đặt tư tưởng này trong nhân sinh quan của các áng văn gợi nhắc thời mở cõi, có thể thấy sự tương quan nhất định. Đấy là con đường chân chính của việc mở cõi, mở nhân tâm, làm nên những con người Việt thuần hậu buổi đầu Nam tiến.

Bài in trên Cửa Việt số chuyên đề 8 (3.2023)

TÂM ĐỒNG

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

21 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

7 Giờ trước

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/05

25° - 27°

Mưa

03/05

24° - 26°

Mưa

04/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground