P |
hi trường đã vẽ lại. Tưởng cậu ấy đã ngừng vẽ lâu lắm! Thế là Phi Trường đã “hồi xuân”! Mừng cho cậu ta. Tôi cầm tấm catalô in đẹp, trang trọng, bên trong có ảnh tác giả và tranh “Dòng đời” màu, ép plastic cỡ nhỉnh hơn tem bưu điện. Lướt trên danh mục, thấy có hai mươi lăm bức.
Thế rồi tôi cũng đã đến với phòng tranh Phi Trường tại hội trường Hội văn nghệ Quảng Trị, nằm trên “đại lộ” Hùng Vương - Đông Hà.
Với Phi Trường, tôi không lạ. Con người cao, to, năng động, lắm nghề, nhiều tài, thế nhưng tôi không nhớ nổi anh ta đã có những bức tranh gì. Không phải vì quãng cách thời gian, mà có lẽ cái “lắm nghề, nhiều tài” ấy đã xô đẩy anh qua quá nhiều công việc, để không trụ lại nổi bằng sự sâu lắng nghề nghiệp thể hiện bằng tác phẩm.
Văn học nghệ thuật có cái khắc nghiệt của nó. Không bằng số lượng, không bằng năm tháng, tuổi tác mà là bằng giá trị. Đoàn Phú Tứ suốt đời chỉ có một bài thơ “Màu thời gian” ai cũng nhớ. Vũ Đình Liên một “Ông đồ” mãi tồn tại và vẫn là “thi sĩ xếp hạng” nói theo kiểu “di tích được xếp hạng” bây giờ. Lớn lao thì thế giới biết, trong nước biết. Nhỏ thì trong vùng, trong tỉnh biết. Ở Phi Trường, thẳng thắn mà nói, chưa có những điều đó. “Văn ôn, võ luyện” mà từ lâu, vẽ không luyện, chẳng phải tự trách mình.
Nhưng may mắn sao, đến hôm nay anh không phải bỏ nghề, anh đã trở lại với mỹ thuật, anh đã hồi xuân. Tôi đặt tên bài viết này “Những bức tranh hồi xuân” với hàm ý ấy. Người đàn bà hồi xuân - từ ngữ chuyên dùng cho phụ nữ - tôi biết thế, nhưng xin mượn để nói lên cái say đắm trở lại của họa sĩ “sân bay” (anh em hay đùa cậu ta thế).
Khác với Trịnh Hoàng Tân, Hồ Thanh Thoan, Thế Hà, dùng nhiều chất liệu, Phi Trường chỉ sử dụng chuyên chất bột màu trên giấy. Với họa sĩ chất liệu chỉ là thứ yếu. Tư tưởng của tranh, tình cảm, bút pháp riêng của họa sĩ sẽ nói lên giá trị. Phi Trường đã chọn đúng và phù hợp với chất liệu để thể hiện phòng tranh.
Đây là một phòng tranh nghiêm túc và tốt. Cũng có thể gọi là mát mẻ, nhẹ nhàng: một phòng tranh trẻ, không phải trẻ trong cách vẽ mà trẻ trong nhiều đề tài học sinh như “trao đổi”, như “nắng mới”. Đây là môi trường anh đang quen thuộc thầy giáo dạy vẽ ở các trường phổ thông giữa Thành Cổ Quảng Trị. Những cô học sinh áo dài trắng (như người mẫu) cùng đứng để “trao đổi” bên cạnh chiếc bảng đen có bài về hình học viết phấn. Các cô đều trẻ đẹp, mái tóc dài thẳng hết lưng và đều có một tương đồng trong cảm xúc. Nếu chỉ xem một bức thì được, nhưng sang bức thứ hai, thứ ba thì có cảm thiếu góc nhìn mới trong quy nghĩ, dù họ vẫn đẹp, vẫn trẻ. Cái thể đứng trước, đứng sau, phía nghiêng gây cái cảm giác đồng điệu kể cả đơn điệu, dù rằng tất cả vẫn đẹp, vẫn trẻ.
Lại một cô gái đứng trước đám đò chi chít lại mang cái tên “Đò ơi!”. Người xem tự hỏi, cô ta chỉ cần bước vào đò - muốn chiếc nào cũng được, sao lại còn phải gọi “Đò ơi!”.
Thiếu nữ là nguồn đẹp của nhân loại. Đa số các họa sĩ đều có vẽ thiếu nữ. Ở Việt Nam, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Trần Đông Lương để lại nhiều tác phẩm về thiếu nữ rất đẹp, mỗi bức một dáng hình, một kiểu ngồi đứng khác nhau, không hề trùng lặp. Nhưng phải là “mỗi người một vẽ” thì “mười phân (tranh) mới vẹn mười” được. Nhưng mỗi góc độ phải riêng, mỗi nhân vật nông thôn, thành thị phải khác nhau. Bác Hồ một lần đến xem triễn lãm toàn quốc, khi đứng trước những tranh lụa của Trần Đông Lương vẽ những cô gái nông thôn, Bác bảo: “Tranh chú triễn lãm nước ngoài thì tốt, chứ ở trong nước, người ta bảo là các cô nữ sinh Hà Nội về đi cấy cày”. Lời Bác thật nhẹ nhàng, dí dỏm, nhưng để cho ta một suy nghĩ là nhân vật không mang đến tính đồng loạt quy ước trong cảm xúc của mình.
Tôi nhắc lại lời trên của Bác để muốn nói với Phi Trường không thể có một mẫu học sinh hay thiếu nữ cố định, chưa nói đến cao thấp, béo gầy khác nhau. Nhân loại chưa hề có ai giống nhau - nói theo lối thông thường – như hai giọt nước.
Từ chia tỉnh lại, anh đã ra sống giữa Thành Cổ Quảng Trị. Bước ra từ trong khói lửa chống Mỹ, anh xúc động với Thành Cổ là đúng, nhất là bao năm nay anh đã gắn bó với vùng đất, không xa quê gốc An Mô bên sông Thạch Hãn của anh là mấy. Anh vẽ “Tĩnh vật Cổ Thành”- phải gọi Thành Cổ mới đúng, nếu không sẽ lẫn với làng Cổ Thành cách Thành Cổ chỉ vài cây số, nơi có chợ Sãi được thành lập từ hồi chúa Nguyễn Sãi vương. Một cái cổng thành xây gạch đỗ vỡ, rêu phong có những chiếc bàn thờ giản đơn tựa dựng, xếp đầy vật cúng và đang lan tỏa khói hương. Phía xa có đài tưởng niệm liệt sĩ - như một nấm mồ chung. Tranh gợi cái thiêng liêng trầm mặc, đền ơn đáp nghĩa của lòng người từ xứ cùng người dân Quảng Trị. Đó là tranh có chiều sâu, suy tư, lắng đọng dù vắng lặng. Nếu tác giả chấp nhận, tôi muốn anh để tên tranh là “Thiêng liêng Thành Cổ” hơn là “Thiêng liêng Cổ Thành”. Nguyên từ tiếng Pháp là nature morte - ta dịch là tĩnh vật. Từ Tiếng Pháp có nghĩa là “vật chết”, hay “thiên nhiên chết” nhưng chữ tĩnh vật tốt hơn, đúng hơn vì đó là những vật không chuyển động, chứ không “chết”. Trong tâm linh tập quán chúng ta, những linh hồn không chết, tổ tiên ông bà, nhất là những liệt sĩ đều bất tử, những bàn thờ dù một tấm gỗ đơn sơ với một cột gỗ, nhưng ơn nghĩa đều đáng quý trọng, sâu nặng. Nải chuối nhỏ, chùm hoa dại mộc mạc, vài nén hương khói toả vờn bay đều sinh động, sống động, đều lay động tâm hồn chúng ta, nên những hình ảnh mà họa sĩ đã tái tạo lại dáng được đặt vào bảo tàng dù là bảo tàng lịch sử, truyền thống khi ta nghĩ về tám mươi mốt ngày đêm Thành Cổ.
Tôi đang đắm mình vào những kỷ niệm chăng! Hãy cho phép. Trong một quyển sách có thể ta đọc lướt nhiều trang của tác giả, nhưng không thể đọc đi đọc lại vài đoạn, vài dòng ta thích, ta yêu mến.
Phi Trường đang ở tuổi năm mươi hai, vào cái tuổi quen gọi là “tri thiên mệnh” cũng có nghĩa là đã “thấy được mình”. Vì thế, những bức có lắng đọng, chính là những bức ôn lại quá khứ, kỷ niệm. Hình bóng một bà mẹ với ô trầu, với lá trầu, hẳn là một bà mẹ cụ thể nào đó nhưng vẫn gần gũi với mọi bà mẹ Quảng Trị, giản dị, mộc mạc mà cái nhìn vẫn như vời vợi trước khoảng không trước thời gian cuộc đời. Nền tranh trống vắng, nhưng màu sắc vẫn ấm áp, nhưng bút pháp lại gọn ghẽ quá, sạch sẽ quá, trơn nhẵn quá, ngọn bút không còn đủ chất phóng khoáng bay lên. Như trong tiếng đàn, thiếu tiếng nhấn, tiếng buông. Trong sắc màu cũng vậy, có lúc như phải ào ạt tới tấp, có lúc tĩnh lặng. Đó là điệu trầm bỗng thưa mau đúng nghĩa hài hòa. Nói theo chuyên môn họa sĩ, trong một màu phải có nhiều màu, nghĩa là một màu nào đó vẫn lung linh lên nhiều sắc độ của các màu đan xen. Người họa sĩ tài hoa, vẽ rất ít màu, mà người xem vẫn công nhận là “giàu màu”. Dĩ nhiên người xem vẫn thấy được màu chủ đạo. Đây là trường hợp bức bà mẹ trong bức “Sắc trầu không” là màu của miếng trầu hồng lên trên môi mẹ, hay màu lá trầu để nhuộm chiếc ao nâu kia? Tác giả như chưa chủ động gợi mở cho người xem.
“Tình tự sông nước” đáng ra phải là một bài thơ trên sông nước với tiếng đàn. Vâng, đời sống đã khấm khá lên, có thể sau buổi câu, buổi chài, ông lão kia có thể “tự tình” với “sông nước” bằng tiếng đàn của mình, với một chút rượu nhỏ, chút đồ nhắm mộc mạc, nhưng trước mặt ông (trong tranh) lại “giàu có” quá, làm loãng mát cả đề tài. Đừng để cái tiểu tiết phá vỡ ý đồ chủ định, chủ đích.
Cơ chế thị trường đang chuyển đổi xã hội chúng ta. Nhiều họa sĩ đã thay đổi cả phong cách, bút pháp, cả tâm tư. Tự do mà. Tất nhiên đấy là quyền sáng tạo. Phi Trường cũng đang muốn chuyển mình chăng? Trong những tranh “Tứ tấu”, “Dòng đời” chừng như anh đang muốn thể nghiệm với thị hiếu thị trường. Với bố cục chặt, màu sắc uốn lượn tập trung mang tính trang trí. Lại có thể cảm giác như những bức phù điêu mang tính dân tộc, thì chắc tranh sẽ gợi được cái độc đáo bản sắc Việt
Đôi trâu “Đối đẩu” chính là đôi trâu đang chọi nhau. Đúng là hai cái đầu mới đối nhau. Đây chưa phải là cuộc chọi trâu của những con trâu được nuôi dưỡng để vào lễ hội như ở Đồ Sơn, mà những con trâu làng, sống cùng bầy đàn, gần gũi nhau, cày chung một mảnh ruộng, ăn cỏ chung một cánh đồng, chỉ vui như nghịch mà không cần phân thắng bại. Nhưng vẽ chọi trâu - hay nói theo các Phi Trường “đối đầu” thì nó hiền lành quá. Người xem cần thấy sức mạnh khỏe và khí thế như cuộc giáp trận của võ sĩ quyền anh tranh ngôi thứ vô địch! Càng không thể xem là bạo lực!
Như trên đã nói, anh đang đứng trước sự chuyển đổi mình. Hiện thực mới, hiện thực cũ, kể cả trừu tượng hiện nay. Cái cũ chưa hoàn chỉnh đến trọn vẹn còn cái mới chưa vươn tới bằng thế nghiệm, cho nên anh vẫn đang lúng túng. Cũng là điều dễ hiểu, từ lâu anh lặng lẽ vẽ và vẽ quá ít, không như một số bạn bè đã nhiều lần “được mùa” bằng công sức, bằng cây trồng, bằng gặt hái. Có lần trong dịp lễ Kiệu La Vang, tôi đã than phiền với anh về những tượng Maria lớn nhỏ, quét nhũ vàng đã chiếm quá nhiều thì giờ của anh. Anh chỉ cười “anh thông cảm!”.
Tôi thông cảm lắm chứ. Hẳn là nhiều người cũng như anh phải làm thêm, kiếm thêm. Tôi động viên anh: “Đừng bỏ nghề đấy!”. Đến hôm nay, đứng trước những “bức tranh hồi xuân” của anh, tôi thật sự cảm động vì anh đang là một cán bộ có một công việc cụ thể được phân công và lĩnh lương tháng.
Anh không bỏ việc sáng tác. Thế là máu nghệ thuật vẫn còn chảy trong anh, tưởng có lúc đã đứt mạch. Các anh em cùng hoạt động văn học và đã có tên tuổi và vị trí xứng đáng. Điều đó kích thích anh chăng, hay bạn bè cùng lứa cùng trường? Chắc là môi trường chung đã níu tay anh trở lại. Đáng mừng vậy!
Gọi là một phòng tranh dễ thương là thích hợp, bởi cái nhìn của anh vẫn còn rất trẻ, tức là tâm hồn vẫn mang chất trẻ trung, nhiều hứa hẹn.
Có một điều làm tôi hơi ngạc nhiên. Đó là những bức “Sắc thời gian” hay “Lời khẩn cầu I !”. Anh muốn khám phá điều gì đó về tôn giáo ư? Cụ thể là Phật Giáo. Trong hai bức đều có hình Phật hay La Hán. Chú “điệu” ngồi trước hang, cây cỏ rậm rịt, trong bóng tối phía trên có Thích Ca, anh muốn đưa ra một “thông điệp” gì vậy? Oan khiên, khổ nạn, hay từ bi? Chủ đề thật khó hiểu? Họa sĩ Việt Nam nhiều người thích vẽ chùa chiền, ngôi đình nhưng đó là hình thái kiến trúc phong cảnh, một mái cong, một đầu dao, hay những trang trí bố cục, nội thất, những hoa văn cũng như nghiên cứu những tượng Phật mà không có nghĩa là vẽ đề tài tôn giáo. Bài thơ “Những vị La Hán chùa Tây Phương” không hề mang một chút màu sắc Phật học.
Cũng cần nói một điều về cách đặt tên tranh. Đặt tên tranh, thường như là một sự gợi mở. Người xem tranh có thể qua cái tên, có thể cảm nhận ngay nội dung tác giả muốn nói. Gần đây, có nhiều họa sĩ đặt những tên tranh cầu kì khó hiểu với những từ ngữ nào siêu, linh, ảo, huyền, nhất là thể loại tranh trừu tượng. Chữ Hán có một âm có nhiều nghĩa, với mặt chữ Hán có thể hiểu được nghĩa tác giả muốn dùng, nhưng với tiếng Việt sự trùng âm thật khó nhận biết.
Bức “Huyền tâm” có hình hai cô gái, ảo ảo thực thực như những khuôn mặt người ta không muốn giới thiệu rõ trên truyền hình. Chắc phải đợi cái cảm của người xem tranh, lời giải thích của tác giả?
Quá trình hình thành một tác phẩm hay mọi tác phẩm đều khó. Nhưng tất cả mọi người đều cố gắng, đều đáng hoan nghênh. Phòng tranh của họa sĩ Phạm Phi Trường cũng là một sự cố gắng lớn. Chắc anh còn có thể và cũng cần đi xa hơn trên những chặng đường nghệ thuật mà anh đã trải qua và đang vươn tới đầy hứa hẹn thành đạt trong những lần triễn lãm sau.
T. Q.T