Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những câu thơ trải nghiệm có hồn

T

ôi đã được đọc thơ Đoàn Mạnh Phương từ mấy tập trước của anh, như Mắt đêm; Câu thơ mặt người; Thơ 4 người... Nhưng tới giờ, khi đọc Ngày rất dài thì cảm nhận của tôi về thơ Đoàn Mạnh Phương đã có phần khác trước.

Không phải là khác về giọng thơ, về sự mới lạ luôn có, hay về những nỗi niềm chất chứa trong thơ mà chính là sự trải nghiệm đến bất ngờ cùng những suy tư dày dạn hơn nhiều và sự thể hiện cũng "Trực diện" hơn...

Gần tám năm rồi - Một khoảng thời gian khá dài, giờ Đoàn Mạnh Phương mới cho ra mắt bạn đọc tập thơ mới. Quả thật, với một nhà thơ có danh, đó là một "khoảng trống" không dễ gì "cảm thông" được trong lòng bạn đọc yêu thơ. Chờ đợi, rồi người ta đâm ra hoài nghi: Có lẽ trong con người Đoàn Mạnh Phương đã mất đi một nhà thơ đích thực rồi chăng? Không phải là không có lý. Bởi trong nhiều năm qua, nhà thơ Đoàn Mạnh Phương còn là một nhà quản lý - Giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Văn hóa - truyền thông - xuất bản với bù đầu công việc. Còn đâu thời gian, còn đâu tâm hồn thư thái, thanh thản để làm thơ nữa?

Vậy mà anh vẫn có thơ, lại là một tập thơ được đánh giá cao, một tập thơ có hồn - Cái hồn của một con người đầy tình cảm và trách nhiệm trước cuộc sống; Cái hồn của một nhà thơ đích thực. Đoàn Mạnh Phương đã mang đến cho bạn đọc và bạn bè anh sự bất ngờ đáng trân trọng!

Với Ngày rất dài, Đoàn Mạnh Phương đã bước lên thềm cao của tư duy và sự trải nghiệm. Thơ anh mang đến cho bạn đọc những trăn trở sâu xa về những điều mà cuộc sống con người còn khiếm khuyết, cũng như sự khẳng định về những điều cần khẳng định. Ở mức độ cao hơn, anh đã mạnh dạn "Gạt bỏ mọi lễ nghi rườm rối/ Thành thật với mình là hơn" (Đường dẫn). Điều ấy là đáng quí. Bởi thành thật vốn là nét đẹp cần có ở một con người. Thành thật luôn là nền tảng cho vẻ đẹp nhân văn. Thơ hay cũng cần như vậy.

Thơ Đoàn Mạnh Phương vốn "khó đọc" với những người "dễ tính", thích sự giản đơn trong thơ. Nhưng quả thực nếu đọc kỹ, đọc bằng sự suy ngẫm thì thơ anh thật đặc sắc. Cách thể hiện luôn mới lạ, độc đáo mà vẫn không mất đi cốt lõi văn hóa của khái niệm, của nội dung cần hướng tới. Mặt khác, chiều sâu và vẻ đẹp của thơ luôn được tác giả coi là tiêu chí hàng đầu. Vì thế mà thơ Đoàn Mạnh Phương khó nhớ, nhưng đã nhớ thì lại khó quên và tâm đắc.

Bốn mươi bốn bài thơ trong Ngày rất dài có thể coi là bốn mươi bốn sự trải nghiệm khác nhau của cuộc sống. Cái chung không nói làm gì, bởi thuộc về phong cách thơ Đoàn Mạnh Phương. Cái riêng là ở chỗ: Không có sự lặp lại và trùng nhau về nội dung, lại khác nhau cả ở tính độc đáo của ngôn từ, khác nhau về khái niệm và sự đa dạng trong cách đặt vấn đề và lý giải vấn đề sao cho sát thực mà vẫn rất... thơ. Cho nên thơ anh phong phú, đa dạng, mang tới cho người đọc cảm giác thỏa mãn và mênh mang...

Như đã nói, Ngày rất dài mang đầy sự trải nghiệm - Sự trải nghiệm của chính con người nhà thơ qua những năm tháng gian nan, thử thách và thành công. Nghĩa là có vui, có buồn, có lo toan, hy vọng; Có niềm tin lớn lao vào cuộc sống và nghị lực của chính mình... Tất cả đều được thể hiện trong thơ anh.

Cuộc sống vốn phức tạp - Nhà thơ không ngần ngại khi lục vấn:

Vì sao có mặt trên đời? Mỗi người vẫn thường tự hỏi

Sống bằng bản ngã trời cho

Hay sống cùng...

          Và sống với...

Rồi nhà thơ lý giải:

          Mỗi người

          Tìm cho mình một cảm giác

          Có mặt trong cuộc đời này

          Đi từ cảm giác tới vị giác

          Không nhẹ hơn tiếng vỗ một bàn tay

(Người)

Đã là "tìm" thì sao có thể nhanh như có sẵn được, nhất là khi đi "tìm cho mình một cảm giác" cuộc đời. Nhưng khi đã tìm được, đã cảm nhận được cái đúng của sự tồn tại thì con người "Đi từ cảm giác tới vị giác/ Không nhẹ hơn tiếng vỗ một bàn tay" - Đó là tính hài hòa, là sự khéo léo mà bài thơ đạt được.

Đọc thơ Đoàn Mạnh Phương, đặc biệt là trong Ngày rất dài, ta luôn nghĩ về những điều phải - trái, dở - hay ở đó:

       Giá như mình đừng là kẻ thắng

       Giá như mình đừng là kẻ thua

       Định nghĩa tử tế thật khó

       Ngày xoay một khối vuông Rubich

       Hay chấm than - Một trò đùa...

(Độc thoại)

Tâm trạng ấy, lời "Độc thoại" ấy đâu phải tác giả chỉ nói cho riêng mình. Cái thua, cái thắng ở đời thật khó rạch ròi. Có việc tưởng thắng mà thực ra lại là thua; Có điều cứ nghĩ là thua nhưng chính là thắng; bởi đơn vị đo lường cho kết cục ấy không đơn thuần là lỗ - lãi về giá trị tiền bạc, là sự được - mất về vật chất mà quan trọng hơn là ta thu nhận được gì (hay để mất điều gì) trong tình cảm, về danh dự và nhận thức cuộc sống?

Cũng vì vậy mà có cái được coi là thắng mà không thấy vui, có điều bị cho là thua mà không thấy buồn.

Cùng mạch nguồn chiêm nghiệm ấy, nhưng ở một góc nhìn khác, tác giả lại cảnh báo:

        Làm người khó lắm, phải đâu chuyện vừa...

Và chẳng lẽ:

         Giữa màn sương khói, giữa bao xoay vần

         Này đây nước mắt

         Lấy mà rửa thân!

     (Hồn người xưa)

Những câu thơ có hồn như thế luôn mang tới cho người đọc cảm nhận thú vị và hơn nữa, chính là sự lớn lên trong nhận thức. Còn nhớ, một người bạn nữ của tôi, sau khi đọc thơ Đoàn Mạnh Phương, đã nói: "Thơ ấy, người ấy quả nặng nợ với đời. Nhưng với bản thân, có lẽ sự thanh thản là điều đáng quí và luôn hiện hữu". Dù sao, đó cũng là một nhận xét khá tinh tế.

Một nhà thơ, lại là giám đốc một doanh nghiệp, không dễ gì đồng thời thăng hoa được cả hai thứ. Vậy mà... Đoàn Mạnh Phương vừa có được một doanh nghiệp đang không ngừng phát triển, lại không hề mất đi chất thơ trong con người anh. Đương nhiên thời gian dành cho thơ không còn nhiều như trước. Bù lại, thơ Đoàn Mạnh Phương chất chứa nhiều hơn nỗi niềm cuộc sống và do đó, ý nghĩa cũng lớn hơn. Phải chăng vì vậy mà tập thơ của anh có tên "Ngày rất dài"?

       Ngày rất dài

       Mỗi khi ta ngoảnh lại

       Và thời gian

       Một bàn tay vẫy mãi

       Ngày rất dài

       Khi nghĩ tới ngày mai

       Với mỗi ngày

       Một bí mật cầm tay

(Ngày rất dài)

Quá khứ và tương lai đều mang "thân phận" của nó trong mỗi cuộc đời. Với quá khứ, để có "Một bàn tay vẫy mãi" "Mỗi khi ta ngoảnh lại", đâu dễ dàng gì - Phải sống và làm việc sao cho có "dấu ấn" đẹp để lại trong quãng đời đã qua. Còn với tương lai, con người cần sự khám phá để mà chinh phục, để tạo dựng cho mình con đường dẫn tới điều tốt đẹp.

Khi tập thơ Ngày rất dài mới được xuất bản, có người "thắc mắc": "Không biết ông ấy (tác giả) làm thơ vào lúc nào?" Tôi vẫn nghĩ nếu chỉ đơn thuần là thời gian thì nhà thơ Đoàn Mạnh Phương không thể có bốn mươi bốn bài thơ mới dâng tặng bạn đọc! Có lẽ thời gian không phải là yếu tố quan trọng nhất cho thơ?

Tác giả từng bộc bạch:

              Tư duy được ngâm ủ trong đầu

              Hướng đích hành trình rực cháy

              Người đã từng nuốt chữ vào tim

              Cho những câu thơ đập ran ngực giấy

(Hành trình)

Thảo nào bạn đọc yêu thơ có thơ anh mà đọc, có Ngày rất dài để cùng nhà thơ chiêm nghiệm, suy tư... Nói điều này cũng để thêm một lần khẳng định: Nhiệt huyết của con người luôn là điều đáng quí vô cùng.

Vốn là người ưa thích sự đổi mới, sự phát triển, ghét cái bảo thủ, trì trệ, Đoàn Mạnh Phương luôn cố gắng tạo cho cuộc sống những sôi động cần thiết và với anh, không có điểm dừng cho sự phát triển. Tuy vậy, qui luật của cuộc sống, thời gian cố hữu vẫn là điều con người không dễ rũ bỏ nếu thiếu một quyết tâm thật lớn. Vì thế, anh nói về thói quen vừa cụ thể, dễ hiểu, lại vừa không thiếu tính triết lý cần có trong khái niệm này.

         Thói quen thường là rẽ phải

         Mà không rẽ trái một lần

         Muốn thử sức mình cho biết

         Thói quen đàn áp bàn chân!

(Thói quen)

Vậy nên ngay từ đầu phải làm sao tạo cho mình một thói quen tốt thì hơn.

Bất ngờ nữa khi đọc bài thơ "Vô ơn với đôi giày cũ" - Một bài thơ mà sự thẩm định của bạn đọc cũng không dễ gì có thể ngã ngũ ngay được. Bởi đối tượng trong bài thơ là một vật vô tri vô giác (đôi giày). Đôi giày, đã cũ hỏng thì phải thay đôi khác. Vậy mà tác giả lại "kết tội" mình là "vô ơn" khi bỏ đôi giày cũ:

      Qua va quệt, lớp bụi đường lấm láp

      Là đôi giày há mõm giữa trần gian

      Tôi vô ơn mua một đôi giày mới

      Những con đường phía trước - Dọc và ngang

Suy cho cùng, con người giàu lòng nhân ái vẫn vậy, luôn khắc khoải trong tâm hồn về những điều trái với lòng mình, về những gì mong cho tốt đẹp hơn.

Không riêng gì nhà thơ, trong chúng ta ai cũng mong có những giờ phút "vô tư", thanh thản giữa cuộc sống bộn bề thời công nghiệp đang từng ngày gặm nhấm sự yên bình và thư thái của lòng ta:

       Và mỗi ngày

       Với chuỗi ngày như thế

       Thèm khát đến lịm người một cảm xúc

       non tươi!

(Đô thị)

Một đời sống thôn quê dân dã, xa nơi đô thị ồn ã, nhiều khi mang lại cho ta cảm xúc êm đềm, dịu ngọt mà tuổi thơ từng có được. Còn bây giờ, khi mà cái dân dã không dễ gì có được trong cuộc sống hàng ngày thì những kỷ niệm dịu êm ấy cũng có thể giúp nhà thơ thanh thản hơn để tạo nên những giây phút thăng hoa quí báu cho tâm hồn, cho thơ:

         Phố đã rơi tôi

        Tôi trôi về lá

        Lá trôi về năm tháng tuổi thơ

        Nơi quê thuở  những cánh diều đẫm gió

         Với một ban mai ngoan ngoãn bất ngờ...

         Phút giây này

         là canh bạc của thơ

(Tĩnh)

Xen lẫn những bài thơ là những tâm tư, là tiếng lòng mà đôi khi có cả sự thổn thức của một tâm hồn luôn nhớ về quá khứ, tạo cảm giác xúc động và sâu lắng... Cho nên không ngạc nhiên chút nào khi thơ Đoàn Mạnh Phương, bên trong cái đa dạng, cái lạ lẫm, cái độc đáo, vẫn trĩu nặng những tâm trạng của một con người mà thơ đã là máu thịt:

        Hoa đã nở mà hồn còn đang nụ

        Hương thơm bay như khói trước hiên nhà

        Ta ảo tưởng như con bướm trắng

         Bướm ngây thơ và buồn hơn ta.

         ...

         Và  khi ấy

         nỗi niềm như trái chín

         đủ nhuộm màu cho đêm

(Tâm trạng)

Nhưng không chỉ có vậy, tâm trạng còn là những câu hỏi, những khát khao với cuộc đời. Bởi lẽ đời người không đơn thuần chỉ là sống, là ăn uống, là chạy nhảy..., mà còn có bao việc phải lo toan, phải cống hiến, phải đạt được dẫu biết rằng như thế thật vất vả, gian nan. Cho nên càng thành công, càng lý trí lại càng khao khát những điều tưởng như vô cùng bình dị.

      Muốn là giọt sương ngọt vào ngọn cỏ

      Muốn là mặt trời cháy lên hơi thở

      Muốn cười vỡ ngực như chưa bao giờ

      Muốn mình trong trẻo như còn ngây ngô...

(Trước thẳm xanh)

Cùng với những ước muốn đời thường như vậy, nhà thơ ước ao:

      Thèm ngồi một mình bên ly cà phê

      Với từng giọt bình yên nhỏ vào tôi chậm rãi

       Có một thằng người trong tôi chìa tay và đứng dậy

       Kéo tôi ra khỏi tảng băng đêm...

(Đám đông)

Thật tình, tôi thích những câu thơ "tâm trạng" của Đoàn Mạnh Phương. Bởi nó không đơn thuần chỉ là thơ mà chính là con người và cuộc sống ẩn chứa trong đó là những điều ta có thể "cảm", có thể học được cho mình chút gì đó...

Với Ngày rất dài, Đoàn Mạnh Phương như "Con tằm rút ruột nhả tơ" - Những sợi tơ óng ánh dệt thêm vẻ đẹp cho đời, thậm chí để có một tập thơ hay như vậy, sự  "Rút ruột" e vẫn là chưa đủ.

Còn với tôi, cảm nhận từ một người đọc, thật khó nói hết những điều chất chứa... Với lại, nếu nói được hết thì Ngày rất dài đâu còn "dài", còn hay nữa. Nên có lẽ cũng tự bằng lòng với mình vậy.

Cuộc sống thật lắm nhu cầu. Những khi rảnh rỗi một chút, tôi vẫn đọc thơ của Đoàn Mạnh Phương. Không phải để thuộc lòng mà cái chính là qua thơ anh, có thêm chút suy tư, ngẫm nghĩ về đời và cả học cách cảm nhận về thơ. Đúng là "Thơ ấy, người ấy quá nặng nợ với đời..." như người bạn của tôi từng nhận xét. Suy cho cùng vẻ đẹp mà Ngày rất dài có được vẫn sinh ra từ nguồn cội của tình người, nằm trong giá trị mà con người mang đến cho cuộc sống.

Thêm một chút nữa thôi, tôi xin được thay cho lời kết bài viết bằng hai câu thơ hết sức bình thường mà ý nghĩa thật lớn lao:

      Gia tài mà cha để lại không phải nhà lầu xe hơi;

       Là những trang văn đa cảm, kể nên những câu chuyện đời

       Chỉ mong ngày con khôn lớn

       Hồi âm cho cha NỤ CƯỜI

                                                    (Con yêu)

Và, ở bài "Trực diện", anh đã không ngần ngại đối mặt với cuộc đời để cốt sao sống cho tốt hơn:

      Rồi sẽ đến

      Một ngày về dưới cỏ

      Sau trầm kha nóng lạnh một kiếp đời

      Để được thật ung dung đối diện mình dấu hỏi:

                                  Là con hay là Người?

Vì thế mà ta phải sống hết mình, sống sao cho ra kiếp sống một con người!

 

B.H

 

 

 

________

* Ngày rất dài- Thơ Đoàn Mạnh Phương- NXB Hội Nhà văn 2007


 

Bích Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 158 tháng 11/2007

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

23 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground