Trước hết cần khẳng định rằng, văn hóa là khái niệm xã hội học mang nội hàm rộng với nhiều cách hiểu khác nhau. Theo đó, có nhiều định nghĩa về văn hóa, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá riêng. Trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.” Như vậy, quá trình nông thôn mới đã làm thay đổi văn hóa, cụ thể là đời sống văn hóa vật chất và đời sống văn hóa tinh thần tại các làng quê.

Nhiều làng quê khởi sắc nhờ phong trào nông thôn mới - Ảnh: Trúc An
Đời sống văn hóa vật chất được cải thiện
Với những hiệu quả của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong xây dựng nông thôn mới, đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình ở nông thôn đã được cải thiện đáng kể. Việc đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản, hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường, có giá trị kinh tế cao đem lại thu nhập tốt cho người dân. Khi đời sống khá giả hơn, những nhu cầu vật chất cũng được người dân chú trọng, căn bản như nhu cầu ăn mặc, nhu cầu nhà ở và phương tiện đi lại. Đây không chỉ là những biểu hiện cụ thể của sự phát triển kinh tế xã hội mà còn phản ánh sự nâng cao chất lượng sống và văn hóa tiêu dùng của người dân.
Trước kia, bữa ăn của người dân nông thôn chủ yếu dựa vào các sản phẩm tự sản xuất trong vườn nhà, mang tính tự cung tự cấp. Ngày nay, chuyện ăn uống được quan tâm hơn, từ việc ăn no đủ đến dinh dưỡng, an toàn. Nhờ thu nhập tăng, kết nối giao thương thuận lợi và nâng cao nhận thức về sức khỏe, bữa ăn của người dân đã phong phú, đầy đủ dinh dưỡng và chú trọng an toàn thực phẩm hơn trước. Với sự xuất hiện của các mô hình trồng rau sạch và chăn nuôi hữu cơ ngay tại địa phương, nhiều gia đình nông thôn đã biết cải thiện và quan tâm chất lượng thực phẩm trong bữa ăn. Chuyện mặc cũng vậy, trước đây, người nông dân gắn với hình ảnh giản dị, trang phục ít mẫu mã. Ngày nay, gu thẩm mỹ được quan tâm, bắt kịp các xu thế thời trang nhờ điều kiện kinh tế tốt hơn, dễ dàng tiếp cận với mạng xã hội và mua sắm thương mại điện tử. Trang phục đi dự lễ hội hay cưới hỏi của người dân phong phú, hiện đại hơn nhiều. Nhiều cửa hàng quần áo mọc lên ở nông thôn cho thấy nhu cầu trong việc mặc đẹp ngày càng được quan tâm.
Nhà ở là một trong những tiêu chí nổi bật trong chương trình nông thôn mới. Trước đây, nhiều vùng nông thôn vẫn còn nhà tranh mái lá, điều kiện sống thiếu thốn. Hiện nay, nhờ những đổi thay trong phong trào nông thôn mới, nhiều hộ dân đã có nhà xây kiên cố, khang trang, sử dụng chất liệu bền chắc, có sân vườn tiểu cảnh, nhà vệ sinh tự hoại đạt chuẩn. Theo kết quả điều tra của Cục thống kê, năm 2024, tỷ lệ hộ dân nông thôn sống trong nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố chiếm 96,4% tổng số hộ có nhà ở. Mức chênh lệch giữa tỷ lệ hộ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố ở khu vực thành thị và nông thôn đã được thu hẹp đáng kể. Nhà cửa nông thôn ngày càng đồng bộ với hạ tầng điện nước, internet…
Về phương tiện đi lại, trước đây, hình ảnh quen thuộc ở các vùng quê là đi bộ, đi xe đạp hay để di chuyển sử dụng trong hoạt động sản xuất là xe công nông hoặc xe bò thì ngày nay, khi đường giao thông nông thôn được đầu tư theo chương trình nông thôn mới, phương tiện đi lại, phương tiện sản xuất của người dân từng bước hiện đại hơn. Xe máy phổ biến hầu hết đến các hộ gia đình. Ô tô cá nhân cũng xuất hiện nhiều hơn tại các làng quê, đặc biệt tại các khu vực phát triển kinh tế vườn, trang trại. Một thay đổi dễ nhận thấy về phương tiện đó là học sinh đến trường thay vì bằng xe đạp thì nay là xe đạp điện, xe máy điện.
Những chuyển biến tích cực về ăn, mặc, ở, đi lại không chỉ là minh chứng cho sự thành công của chương trình nông thôn mới mà còn phản ánh sâu sắc sự thay đổi trong nhận thức, văn hóa và khát vọng vươn lên của người nông dân. Họ không còn là những người dân chân lấm tay bùn mà là những chủ thể văn minh, năng động, sáng tạo trong bức tranh phát triển nông thôn hiện đại.
Đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao
Khi kinh tế được cải thiện, người ta bắt đầu quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần. Những nhu cầu hưởng thụ về tinh thần của con người như lễ tục, tín ngưỡng tôn giáo, sinh hoạt giải trí, quan hệ gia đình xóm giềng… đều chịu tác động của quá trình nông thôn mới.
Trước hết, các nghi lễ liên quan đến đời người như lễ đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, hôn lễ, mừng thọ, tang lễ… được người nông dân quan tâm, tổ chức với hình thức và quy mô khác với trước kia. Đây là sự biến đổi mang tính chất tất yếu trong xã hội, khi điều kiện kinh tế xã hội ở các làng quê nông thôn mới đã khác trước rất nhiều, đời sống lễ nghi trong gia đình vì vậy cũng được chú trọng, đổi thay cho phù hợp với hoàn cảnh. Sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng theo đó cũng có nhiều chuyển biến. Người dân đến với tôn giáo và sinh hoạt tôn giáo như một loại hình du lịch tâm linh, tham quan, ngắm cảnh, tìm sự an nhàn sau thời gian lao động. Ngoài ra, các lễ hội truyền thống được duy trì, người dân tích cực tham gia. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang cũng được chú trọng.

Chị em phụ nữ xã Cam Hiếu trong một cảnh quay đồng diễn dân vũ - Ảnh: Nhật Quang
Đáng kể nhất đó chính là những thay đổi về sinh hoạt giải trí. Các loại hình giải trí của người dân đã thay đổi theo sự phát triển của công nghệ kỹ thuật, mang tính cá nhân, hiện đại so với các loại hình giải trí truyền thống. Những thay đổi ấy không rầm rộ, không phô trương, nhưng âm thầm len lỏi vào từng nếp sống, từng thói quen sinh hoạt của người dân.
Trước đây, ở nhiều thôn bản, không gian sinh hoạt cộng đồng gần như không có. Mỗi lần muốn tổ chức văn nghệ hay hội họp, bà con phải dựng tạm bạt, kê bàn ghế mượn. Nhưng giờ đây, nhờ chương trình nông thôn mới, hàng loạt nhà văn hóa thôn xã được đầu tư xây dựng khang trang. Những nơi này không chỉ trưng dụng để họp thôn mà còn là nơi tụ họp tập luyện văn nghệ, thể thao. Lan tỏa rộng khắp phải kể đến mô hình câu lạc bộ dân ca, dân vũ, vừa giúp bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa gắn kết cộng đồng, tạo sức sống mới cho nhiều miền quê. Sau một ngày vất vả với công việc đồng áng, nhà cửa, chị em phụ nữ ăn mặc đẹp, hào hứng tham gia các câu lạc bộ dân vũ. Nhiều làng xã có phong trào khiêu vũ, nhảy hiện đại, tạo sự trẻ trung, tự tin cho những người phụ nữ nông dân chân chất. Bên cạnh đó, những sân bóng chuyền, sân cầu lông được lát gạch đổ bê tông là nơi tập trung vui chơi giải trí cho trẻ con và người già.
Thông qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, nhiều nét đẹp trong văn hóa lao động, sản xuất được xây dựng. Các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đang phát triển. Công tác đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện được thực hiện tốt hơn. Nhiều di tích lịch sử văn hóa cách mạng được đầu tư tu bổ, tôn tạo. Ý thức của người dân về chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được nâng cao. Ý thức tự nguyện, tự giác xây dựng đời sống văn hóa, văn minh thông qua việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cộng đồng ngày càng được chú trọng.
Công cuộc xây dựng nông thôn mới không chỉ là những thay đổi về con số về kinh tế, mà còn là cuộc cách mạng âm thầm nhưng sâu sắc trong đời sống tinh thần của người dân. Đời sống tinh thần được nâng cao, sinh hoạt giải trí đa dạng, hiện đại góp phần xây dựng con người mới, văn minh tân tiến hơn.
Những thách thức và giải pháp trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống
Mặc dù đạt nhiều thành tựu, song quá trình xây dựng nông thôn mới cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa. Bên cạnh những biến đổi mang tính tích cực, nông thôn Việt Nam ngày nay xuất hiện những vấn đề cấp bách như: thiếu việc làm cho người lao động, tệ nạn xã hội gia tăng, giá trị văn hóa làng quê mờ nhạt, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn…
Nhìn chung, biến đổi văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới diễn ra ở chiều phức tạp, xen lẫn nhiều tác động tiêu cực. Những tác động tiêu cực đang làm băng hoại nhiều giá trị văn hóa truyền thống của làng quê. Bất cập trong công tác quản lý văn hóa khiến những yếu tố phi văn hóa từ các phương tiện truyền thông đặc biệt là internet đã thâm nhập vào đời sống nông thôn, gây ra nhiều vấn nạn. Một số sản phẩm, loại hình văn hóa, các quan điểm lối sống trái ngược, đối lập với thuần phong mỹ tục đã làm tha hóa một bộ phận dân cư, đặc biệt là giới trẻ. Ở nhiều vùng quê, đặc biệt là nơi có tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, cuộc sống người dân tuy giàu có hơn nhưng lối sống cũng biến đổi tha hóa nhanh hơn. Các tệ nạn xã hội như lô đề, cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm, bạo lực… cũng diễn ra phức tạp hơn. Nhiều nhà hàng, quán karaoke mọc lên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội, gây xáo trộn làng quê. Âm thanh karaoke ầm ĩ, bia rượu sử dụng phổ biến, các quán nhậu đông vui mỗi tối là hình ảnh quen thuộc có thể thấy ở nhiều làng quê hiện nay.
Do đó, để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thiết nghĩ cần có các giải pháp cụ thể. Thứ nhất, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, không chạy đua thành tích. Không nên bê tông hóa hoàn toàn, cần giữ lại môi trường cảnh quan tự nhiên, tạo diện mạo văn hóa làng quê với cây xanh, bóng mát, gìn giữ những thiết chế văn hóa truyền thống như đình làng, cây đa, giếng nước… Thứ hai, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa theo chiều hướng tối ưu nhất. Phát triển các loại hình văn hóa dân tộc, phục hồi lễ hội dân gian truyền thống, đa dạng hình thức tổ chức hoạt động nhưng vẫn giữ đúng nguyên bản nội dung lễ hội. Thứ ba, cần có chính sách đầu tư hợp lý, chính sách bồi dưỡng xứng đáng với cán bộ làm văn hóa, các nghệ nhân văn hóa dân gian. Các cấp chính quyền cần có chiến lược rõ ràng về bảo tồn văn hóa trong nông thôn mới, có chính sách đầu tư cụ thể. Phối hợp giữa nhiều ngành như văn hóa, giáo dục, du lịch để tạo sức mạnh tổng hợp. Có chính sách đầu tư theo hướng mở để tạo điều kiện cho tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, cá nhân tham gia xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, thể thao, khuyến khích tổ chức hiệu quả các phong trào văn hóa, thể thao. Thứ tư, ứng dụng công nghệ để bảo tồn văn hóa. Số hóa các tư liệu, hình ảnh âm thanh liên quan đến văn hóa địa phương. Xây dựng các trang web, fanpage, video clip quảng bá văn hóa quê hương trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là vấn đề tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị văn hóa địa phương, đảm bảo sự phát triển bền vững và hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo chuyển biến căn bản về tầm quan trọng, sự cần thiết của sự nghiệp xây dựng, phát triển, giữ gìn văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.