Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những gam màu Cát Miên

T

hơ, thường vậy, muôn đời nay vẫn chứa trong nó hoạ và nhạc. Màu sắc và âm điệu góp phần làm nên thơ, qua sự sáng tạo nhào trộn có ý thức hoặc vô thức của người cầm bút. Tuy nhiên, những cái được gọi là nhạc là hoạ trong thơ ấy đã được cảm xúc hoá và mang dấu ấn riêng của tác giả. Hiện thực có thể chỉ là một nhưng sự cảm nhận suy ngẫm về nó là muôn vàn, là đa thanh, đa sắc, đa điệu. Cát Miên chọn cho mình một cách gọi khác về màu, vượt qua những xanh đỏ tím vàng lục lam chàm tím là emmàu em,có gì đó khác thường chăng?

Chưa phải! Đoàn Phú Tứ đã có Màu thời gian, Màu thời gian không xanh / Màu thời gian tím ngắt và sau này Tế Hanh khi đứng ở bờ bắc sông Bến Hải, bên cầu Hiền Lương thời đất nước chia đôi đã thổn thức Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị...Màu em của Cát Miên, cách gọi ấy không lạ, không khác, không phải là sự sáng tạo đầu tiên, chỉ là học các bậc thi bá đi trước mà thôi.

Cái sự khác mang dấu ấn Cát Miên là ở chỗ, nữ tác giả này hình như muốn màu hoá những tâm trạng, những cảm xúc, những suy ngẫm về cuộc sống của mình. Màu em, đấy là màu xanh của cây cỏ, thiên nhiên trong sự biết ơn đất đai nguồn mạch Tổ quốc, quê nhà:

Em khoác lên mình màu xanh

Nghe mầm non bật từ lòng đất

Mạch nguồn tràn lên tán cây

Phố xanh - Em xanh

     (Màu em)

Những câu thơ hiền lành, dung dị nhưng đằm lắng, thắm thiết những màu xanh tươi tắn hiện hiển khắp nơi. Xanh cây, xanh phố, xanh em…màu xanh ấy chính là cuộc sống, thiên nhiên con người chan hoà gần gũi thân thiết bên nhau. Một tình cảm bao la dành cho quê hương đất nước. Từ màu xanh được sinh ra từ mạch nguồn đất đai đó, không ít lần ta gặp gỡ hình ảnh quê hương thân thuộc trong thơ Cát Miên.

Quê nghèo, cát trắng gió Lào, lam lũ. Bao kiếp người đi qua trên vùng đất khắc bạc, nắng lửa mưa dầm, một thời chiến tranh tàn khốc. Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vẫn không đủ hạt lúa củ khoai nuôi người. Thế hệ @ không phải không có người cảm nhận rất sâu nỗi truân chuyên nhọc nhằn của quê hương mình như Cát Miên:

Cha vác cày ra đồng

Mùa níu trũng bước chân

Từng đường cày cha lật

Chôn chặt hơi thở sâu

 

Mẹ gánh mùa rao bán

Thập thững bước thấp cao

Con mang mùa ra phố

Xua đi chút ồn ào.

                           (Đêm chuyển mùa)

Quê ấy, Quảng Trị ấy, cũng là một phần xanh trong màu yêu thương vô bờ bến của Cát Miên. Vùng đất này tôi đã từng sống, từng bươn chải, từng lăn lốc, từng la đà với gia đình, bè bạn, đồng đội nên khi đọc những câu thơ này của Cát Miên lòng rưng rưng quá:

Trải qua những thăng trầm

Một giọt nước cũng thấm hồng giọt máu

Một tấc đất làm sao đủ ấm?

(Cho những người nằm lại nơi đây!)

          (Quảng Trị xanh)

Những người nằm lại dưới cỏ ở Vĩnh Linh, ở Cồn Cỏ, ở Thành Cổ, ở Nghĩa trang liệt sĩ Đường Chín, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, ở Quảng Trị này chắc cũng ấm lòng hơn khi nghe rõ tiếng lòng của một người làm thơ trẻ, rất trẻ sinh ra từ mảnh đất này:

Sáng xuân nay con về bên Thành Cổ

Nghiêng mình đa tạ màu xanh

                (Quảng Trị xanh)

Như vậy, màu xanh không chỉ là màu xanh đơn thuần nữa mà nó đã mang trong đó sự tri ân, lòng biết ơn sâu sắc. Màu đã thành cung bậc của tình cảm, là biểu tượng, là ẩn dụ của hình ảnh thơ. Tôi quý Cát Miên ở điểm này, trong khi một số bạn trẻ làm thơ có xu hướng thoát ly dân tộc, đoạn tuyệt quá khứ, vô cảm trước cái chung thì Cát Miên vẫn có những câu thơ, bài thơ đau đáu về chiến tranh về quê hương. Dù là thế hệ hậu sinh nhưng Cát Miên vẫn giàu lòng trắc ẩn, thương cảm những thân phận thiệt thòi sau chiến tranh. Nhìn người đàn bà đi qua chiến tranh, phủ tàn tro lên tóc, Cát Miên nghe được từng giọt thời gian tí tách nhỏ xuống mảnh đất bạc màu lạo xạo sỏi đá và mảnh bom đạn còn sót lại:

Người đàn bà ra nông trường khi đêm chưa tan

Nặng nhọc đưa lưỡi dao trên đôi tay sần sùi vết sẹo

Tỉ mẩn rạch

                             hứng

Tiếng thời gian nhỏ giọt

Trắng - đất - cằn.

 (Tiếng thời gian)

Màu nâu của Cát Miên là màu của những hồi niệm thấm thía tình mẫu tử, phụ tử. Những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với quê hương nghèo khó, trong đó mẹ cha trở thành hình tượng trung tâm của một đoạn đường thơ. Những câu thơ viết về mẹ, cha của Cát Miên đầy hiếu nghĩa:

Em khoác lên mình màu nâu

Lũ chim sẻ cất tiếng hót

Chiếc áo ai bỏ quên ngày xưa?

Bạc sờn áo mẹ

(Màu em)

Chẳng có gì to tát cả, chiếc áo bạc sờn của mẹ in bao dấu tích thời gian, đầy những nắng mưa giông bão được lưu giữ vào thơ như nỗi thương nhớ khôn nguôi để rồi dù đi đâu về đâu khi ngóng vọng về Mùa vẫn dâng dâng bấy tảo tần chiu chắt:

Tháng năm

Mùa đổ xuống đồng

Mẹ khom lưng

                               gặt

Mênh mông chín vàng

Quờ tay đưa lưỡi liềm sang

Gặt bông lúa trĩu

Gặt ngang bóng mình

       (Mùa)

Rõ ràng, Cát Miên không xem nhẹ chất đời sống và cảm xúc trong thơ; người làm thơ này biết lẩy ra từ hiện thực đời thường những chi tiết, hình ảnh, nhân vật để mang vào tác phẩm của mình. Thông qua đó, tác giả chia sẻ, giải bày, gửi gắm những thông điệp, những hàm ơn với cuộc sống. Đọc những Đêm chuyển mùa, Giấc mơ cha, Mùa, Đàn bà lỡ thì, Tiếng thời gian, Lạc, Gửi chị…ta thấy khá rõ điều đó. Chính cảm xúc mạnh mẽ đã cho Cát Miên thi thoảng có những thăng hoa sáng tạo bất ngờ. Trước nấm mồ người chị chết trẻ, Cát Miên thổn thức:

Em ngồi đan mấy mùa xuân

Thắp lên mộ chị những tuần trăng non

                           (Gửi chị)

Và, như một lẽ tự nhiên, tình yêu trong Cát Miên cũng được mã hoá với những màu đặc trưng. Tím là màu của nỗi buồn, của những bâng quơ, mênh mang và đỏ là màu của những mãnh liệt khát khao tươi trẻ:

Em khoác lên mình màu tím

Đánh thức nỗi buồn bâng quơ

Bằng lăng bung nơi cuối phố

Nghe lòng mênh mang

 

Em khoác lên mình màu đỏ

Con tim rực nỗi khát khao

Phố cũng dường như chật lại

Nụ hôn em trao

 (Màu em)

Khi yêu, thời gian, không gian dường như cũng chuyển hoá hết vào cô gái trẻ, những vô tri vô giác ấy bỗng nhiên trở thành nghệ sỹ cất lên nỗi nhớ diết da và Cát Miên lại có thêm một màu nữa cho mình; màu nhớ:

Những chiếc lá trên phố

                                 chao chát rụng

Những mặt hồ trên phố

                                           run rẩy rung

Những sợi nắng đứt dâ

                                           buông mành tối

Người nghệ sỹ

                             chuyển gam màu tóc người thiếu nữ

Trắng!

           Khi em nhớ anh.

             (Em nhớ)

Trong mảng thơ tình yêu, màu trở đi trở lại khá nhiều lần với Cát Miên. Có thể nói, màu là phương tiện để Cát Miên gửi gắm và ký thác tâm hồn mình. Khi nó là cái rất cụ thể như màu ngói đỏ của ngôi nhà tình yêu Mưa / Rơi / Rơi / Tiếng violon cao vút / Giọng tôi cao vút / chú chim non cứ đợi chờ / Sau mái hiên / Căn nhà ngói đỏ, khi là màu xanh lặng lẽ của những chiếc lá Vươn ra từ cành khẳng khiu làm cho Mùa xuân xanh thêm, khi kín đáo một màu đêm dằng dặc về trú ngụ trên mái tóc người thiếu nữ lúc tràn ngập nỗi nhớ thương anh …Gió lùa trên lối vắng / Mình em và khoảng lặng / Nói lời yêu trong đêm, khi là màu sắc cùng với thanh âm của một cơn gió đêm trên biển  Màu gió rất xanh / Tiếng gió rất mỏng trong sự giao hoà lứa đôi thật nồng nàn Em tựa lên trăng / Anh hoà trong gió / Dập dồn sóng thở / Em tan vào anh, khi chia xa thì bước chân anh thànhvết xước đời em và cơn mưa hình vương miện cũng nhuộm màu tím biếc, màu của thuỷ chung muôn thuở, khi đó là màu của nỗi buồn nơi phố xá ồn ào để rồi chiếc cầu vồng bảy sắc kia cũng không còn lộng lẫy lung linh như thời thơ bé nữa mà Chợt cơn mưa chiều sót lại / Cầu vồng khoác màu em…

Thơ, trong một chừng mực nào đó là phát ngôn của người về quan điểm sống. Thơ Cát Miên có độ thật thà trong sáng, người thiết lập những xác tín chân thành về cuộc sống nói chung và tình yêu nói riêng. Đó là khao khát được sống hết mình, được hiến dâng như:

Những cây nến

Suốt một đời

Cháy cạn mình

Để rồi

Trơ cái tim than.

                                  (Nến)

Với tình yêu cũng quyết liệt và tự tin không kém:

Em tin vào định mệnh

Định mệnh sắp đặt Em người con gái thế kỷ hai mốt

Và Anh người đàn ông của thế kỷ hai mươi

Mặc thế gian cho là phù phiếm…

 

Khi Chúa đóng đinh trên cây thập giá

Em tự đóng đinh vào Anh.

(Định mệnh)

Màu em của Cát Miên  sẽ không tạo ra được một giọng điệu mới lạ, gây sốc với bạn đọc. Nó chỉ dừng lại ở một tập thơ lành lặn, chân thành, tình cảm. Thơ Cát Miên không mung lung càng không bí ẩn, nhưng nhiều chất đời sống. Tình cảm, giản dị, trong sáng, có lẽ đó là hướng đi của người thơ trẻ Cát Miên. Tôi mong có một Cát Miên lao động nghệ thuật công phu hơn, tìm tòi hơn, tưng tẩy hơn. Thơ cần phải huyền ảo và đa tầng, đa nghĩa với những sáng tạo cấu tứ, ngôn ngữ mang dấu ấn rõ nét của riêng mình. Những đòi hỏi có thể quá cao so với một cây bút đang còn quá trẻ như Cát Miên nhưng không thể nào khác được bởi đó là Thơ.

           N.H.Q

 

(*) Màu em - thơ - Cát Miên - Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam - Tháng 3 năm 2009

Nguyễn Hữu Quý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 176 tháng 05/2009

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

9 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

9 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

9 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

9 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground