Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những giá trị lịch sử - văn hóa Đông Hà nhìn từ văn hóa đô thị

T

ruyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa ở Đông Hà có một bề dày đáng kể: truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, truyền thống chống ngoại xâm, nhất là chống hai đế quốc lớn vào thế kỷ XX. Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin nêu mấy tiền đề và điều kiện đã hình thành những giá trị lịch sử- văn hóa gắn liền môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái và kiến trúc đô thị, lối sống- nếp nghĩ , du lịch- dịch vụ.

1.1 Về môi trường tự nhiên và môi trường sinh thái:

Đông Hà chính thức là tỉnh lỵ của Quảng Trị từ khi tái lập tỉnh năm 1989. Đây là một vùng đất đồi, nhỏ, hẹp, dân không đông, tài nguyên chưa được khai thác, thiên nhiên không chiều chuộng con người (khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều, gió Lào, cát trắng v.v…), nhưng lại là vùng đất có địa thế thuận lợi, thiên nhiên tươi đẹp, phong cảnh hữu tình; có đường bộ và đường sắt xuyên Việt và đường Chín xuyên Á, có cảng thị Cửa Việt, có sản vật đa dạng, có ruộng vườn trù phú, có sông Hiếu hiền hòa dọc một vùng cảnh sắc non nước hữu tình ở hạ lưu như nhà khoa học Dương Văn An đã từng tâm đắc khen ngợi:

   Thượng Độ, Hạ Độ mặt trăng trên nước, trắng ngần

   Thượng Độ, Hạ Độ dãy núi ngoài mây, xanh biếc

   Đông Hà là đô thị có cảnh quan đẹp, là đô thị sông nước, sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Vĩnh Phước, hồ Trung Chỉ, Khe Mây, Đại An, Khe Sắn…Cảng Đông Hà trên bến dưới thuyền, thiên nhiên có khắc nghiệt, âu cũng là chuyện của muôn đời, chuyện của trời cho hay còn do con người? Con người đã sáng tạo nên đô thị quê hương mình qua bao thế hệ vì sự cộng sinh, sự mưu sinh. Chỉ riêng chuyện Nguyễn Hoàng cùng đoàn tùy tùng vào Cửa Việt, ngược dòng sông Hiếu vào đóng dinh ở Ái Tử, để mở cửa cho thương nhân các nước phương Tây, Nhật Bản ra vào Cửa Việt v.v…là một chứng tích lịch sử biểu hiện tính cộng đồng cao của người Đông Hà. Con người hơn bất cứ động vật khác là ở chỗ, dùng sức lao động và trí tuệ của mình, bằng những kỹ năng, tài trí khéo léo của mình và sự cảm thụ cái đẹp để sáng tạo mọi thứ trên quả đất. Người Quảng Trị, người Đông Hà lại càng như vậy. Cái khéo của hóa công chưa bao giờ bị người Đông Hà khước từ; trái lại phải biết sáng tạo, biết làm đẹp môi trường tự nhiên; ngay cả những hiện tượng nghiệt ngã: nắng gió, mưa bão, lũ lụt, cháy rừng thì người Đông Hà cũng cần có thái độ khoa học, phòng ngừa chúng từ xa bằng những phương án thông minh do mình hoạch định.

   Ở trên chúng tôi có nói đến môi trường sinh thái. Môi trường sinh thái là toàn bộ các điều kiện vô cơ và hữu cơ của các hệ sinh thái ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và mọi hoạt động khác của xã hội. Ở đây trí tuệ và bàn tay lao động của con người là trung tâm…Việc trồng dương liễu để chắn gió cát ở Quảng Bình, chuyện lập những vườn cây sinh thái ở miền biển Triệu Phong, Hải Lăng v.v…đó chẳng phải là hành vi khôn ngoan của con người để cuộc sống mãi mãi đầy màu xanh hoa lá, để khí hậu luôn luôn thoáng đãng dễ chịu. Đó chính là văn hóa ứng xử của người đô thị đối với tự nhiên và môi trường sinh thái. Vấn đề này từ rất sớm Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã thấy được mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Vào năm 50 (TK XX), tại Hội nghị Thủy Lợi toàn miền Bắc, Bác viết: “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ Quốc, ta cũng gọi Tổ Quốc là đất nước; có đất và có nước thì mới thành Tổ Quốc…Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất và nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Như vậy, con người không chỉ khai thác thiên nhiên mà phải có thái độ, hành động ứng xử văn hóa đối với môi trường thiên nhiên ở đô thị; không chỉ giữ gìn tự nhiên mà phải biết phát triển tự nhiên. Phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ phát động mang một ý nghĩa triết lý sâu sắc bởi không chỉ đem lợi trước mắt, đem lại màu xanh cho quê hương, thành phố, đường phố có cây cao bóng cả để nghỉ ngơi, mà xa hơn là làm cho không khí thoáng đãng hơn, mát dịu hơn ảnh hưởng trực tiếp của người dân đô thị, nơi vốn ồn ào, náo nhiệt và đầy bụi bặm, ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường sinh thái của người dân cũng được nâng cao hơn. Kế thừa sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ giữa con người và thiên nhiên, chúng ta mới có dự án trồng rừng ở các tỉnh miên núi, trung du, chủ trương sống chung với lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, cải tạo môi trường sinh thái ở vùng cát ven biển miền Trung để trồng cây ăn quả v.v…Nhưng phải nói thẳng thắn rằng, Đông Hà ta chưa làm được những việt mà Bác Hồ nói. Để bảo vệ và phát triển môi trường tự nhiên và sinh thái ở một đô thị như Đông Hà, cần chú ý mấy luận điểm sau:

Một là, thiên nhiên là một trong những nguồn lực quan trọng tạo nên sự phát triển. Con người cần khai thác, biến đổi, đồng hóa các lực lượng tự nhiên để thỏa mãn nhu cầu sống của mình, từ đó con người sáng tạo ra những giá trị lịch sử - văn hóa.

Hai là, thiên nhiên là cái nôi, nguồn cung cấp năng lượng cho con người vì vậy con người phải thông minh, không có hành vi khuất tất, thù địch với thiên nhiên, trái lại phải biết khắc phục những sức mạnh mù quáng của thiên nhiên, khai thác những lợi ích do thiên nhiên ban tặng với mục đích: Xanh, sạch, đẹp, nhân văn. Một nhà triết học Pháp, Phrăngxit Bêcơn (Francis Bacon) nói rất hay về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên: “Muốn làm chủ thiên nhiên phải vâng lời theo nó”, tức là không can thiệp bừa bãi, tự phát, thiếu văn hóa đối với tự nhiên.

   Ba là, môi trường tự nhiên và môi trường sinh thái đều có tính tổ chức (éco-organisation) và tính hệ thống (éco-système), khi can thiệp vào tự nhiên hay sinh thái, con người phải ý thức các mối quan hệ giữa cái được và cái mất (phá rừng được gỗ, nhưng dễ gây lụt lội và hạn hán v.v…); quan hệ giữa trung tâm và ngoại vi, giữa đô thị hóa và nông thôn hóa đô thị, giữa đô thị hóa và các thị trấn, thị tứ vệ tinh với mục đích giảm số dân ở trung tâm và “làm loãng” các vấn đề xã hội. Đối với Đông Hà, quan hệ sau chưa phải là gay gắt trước mắt, nhưng lâu dài là phải tính đến quan hệ các thị trấn: Cam Lộ, Lao Bảo ở phía Tây; Cửa Việt ở phía Đông; chợ Sòng ở phía Bắc và Lai Phước, thị xã Quảng Trị ở phía Nam.

   Bốn là, công  nghiệp hóa, hiện đại hóa là những xu thế tất yếu của thời đại. Tuy vậy mặt trái của những xu thế này là  những hiện tượng phi nhân bản, mất không gian ánh sáng, mất tình láng giềng, làng bản do nhiều thành tựu khoa học công nghệ gây nên. Các đô thị lớn ở nhiều nước do đó trở nên “lão hóa”, “bị bê tông hóa”, nên tâm lý con người muốn trở lại với thiên nhiên màu xanh, trong lành, núi đồi, thung lũng, chim thú. Ở đây thiên nhiên là địa bàn cứu rỗi tâm hồn con người. Không lý gì con người lại đối xử thiếu văn hóa đối với thiên nhiên.

   Sau đây là một số chính sách nhằm bảo vệ thiên nhiên, cảnh quan môi trường ở đô thị:

- Người gây ô nhiễm môi trường, phá hoại cảnh quan thiên nhiên và sinh thái phải chịu phí, chịu phạt. Luật bảo vệ môi trường ghi rõ điều khoản này. Ở Mỹ các hộ gia đình hàng năm đều phải đống thuế cảnh quan môi trường. Một hộ trung lưu có diện tích vườn ao hồ 2000m­­2. Phải đóng thuế 12.000 USD/năm.

   - Người sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải trả tiền. Dựa vào nguyên tắc: có vay, có trả, có hưởng thụ thì phải đóng góp, người hưởng thụ văn hóa ở đô thị phải ý thức sâu sắc điều này. Người bơi thuyền vào bến không chỉ đống thuế thuê thuyền, mà phải trả tiền mặt nước hồ để bơi thuyền; thảm cỏ xanh ở một công viên, nếu được quy định làm nơi giải trí, thì người tham dự phải có phí trả công lao động dọn dẹp sau cuộc vui…

   - Xã hội hóa mạnh mẽ công việc bảo vệ môi trường tự nhiên và môi sinh ở đô thị. Những lời răn đe của điều luật, những biện pháp xử phạt bằng kinh tế v.v…là cần thiết, nhưng chưa đủ, khi các tổ chức quần chúng, các đoàn thể xã hội, các tổ chức tôn giáo, các nhà lãnh đạo địa phương, các nhà văn hóa còn đứng ngoài cuộc. Phải coi việc bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị là chuyện không của riêng ai, là nghĩa vụ là quyền lợi sát sườn của từng người dân, nhất là những người buôn bán nhỏ, thợ thủ công, những người làm dịch vụ ở nhà hàng, quán bar, bến sông, bãi chợ.

   - Chính quyền ở địa phương, trên hết là cấp tỉnh, cấp thị xã cần có những chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ những “người tốt, việc tốt” trong địa bàn, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và giữ gìn thị xã xanh, sạch, đẹp.

   Nói đến môi trường thiên nhiên và môi trường sinh thái ở đô thị không thể không nói đến cảnh quan kiến trúc đô thị. Đông Hà là đô thị trẻ, lại bị tàn phá sau nhiều cuộc chiến tranh; cho nên vừa có cái bất lợi vừa có cái thuận lợi. Bất lợi là phải đầu tư kinh phí lớn để xây dựng các khu dịch vụ công, một số công trình công cộng cấp đô thị tiêu biểu cho tỉnh lỵ, phải có kế hoạch và quy hoạch đô thị với tầm nhìn 50 năm sau; nhưng lại thuận lợi là không có những khu phố cổ để bảo tồn, mà đã bảo tồn là phải có ý tưởng sáng tạo và kinh phí kèm theo, có khi rất lớn.

   Vào hai mươi năm đổi mới, ở các đô thị lớn nói chung và ở Đông Hà nói riêng từ sau khi tái lập tỉnh, lãnh đạo đã sớm có ý thức quy hoạch các vùng đặc thù: Khu vực hành chính, khu vực cảng thị, khu vực dân cư, các khu giải trí, đường sá nhất là những đường phố chính: đường sô I và đường số 9 chạy qua thị xã, đường Hùng Vương v.v…đã thấy có dáng dấp các giải pháp kiến trúc lấy con người làm trung tâm. Tuy nhiên nhìn chung vẫn thấy hiện trạng kiến trúc đô thị lộn xộn, tự phát, không có quy hoạch vĩ mô, chắp vá, pha tạp, thiếu cá tính, thiếu tôn trọng luật lệ xây dựng đô thị dẫn đến hiện tượng rối loạn đô thị. Về điểm này, ý tưởng về quy hoạch vĩ mô ở Đồng Hới khá hơn, “bài bản” hơn Đông Hà, mặc dầu về xuất phát điểm của Đồng Hới  không thuận bằng Đông Hà. Ở Đông Hà theo chúng tôi không nên xây dựng nhà cao tầng từ 10 tầng trở lên, mà chú trọng quy hoạch loại nhà vườn, những biệt thự có cây cảnh, cây ăn quả, nhất là ven sông Hiếu, dọc đường số 9 cho đến tận thị trấn Cam Lộ. Đây là chuyện không hoàn toàn mới, bởi vì kiến trúc cộng sinh là một giá trị truyền thống, tức là đưa thiên nhiên vào bố cục cảnh quan.

   1.2 Lối sống - nếp nghĩ của người Đông Hà - Một giá trị truyền thống:

   Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã nhận định về những phẩm chất của nhiều thế hệ người Quảng Trị, trong đó có người Đông Hà nối tiếp nhau cùng cộng sinh, cộng cảm, vượt qua mọi thử thách, chung sức xây dựng miền đất vốn là “phên dậu”, “trọng trấn” của chúa Nguyễn ở phía Nam. Đó là ý chí “Kiên cường, bất khuất, dũng cảm trong đấu tranh vì nghĩa lớn. Cần cù, tự lập tự cường trong sản xuất và đời sống. Có tâm hồn trong sáng, bình dị, khí khái, bộc trực, thẳng thắn và rất mực thủy chung. Trong số những giá trị nhân văn nói trên của người Quảng Trị, tôi thấy cần nói đến một giá bền vững mang tính truyền thống nhiều đời của người đất này, đó là truyền thống hiếu học, ý chí khổ học. Ở Quảng Trị không có truyền thống khoa bảng với : “dòng văn ba đời, thanh danh lừng lẫy” như dòng tộc Ngô với Ngô Thì Ức (ông), Ngô Thì Sĩ (cha) đến Ngô Thì Nhậm (con) đều là các bậc đại gia, đỗ đại khoa ở Hà Tây; không có hàng chục, thậm chí hàng trăm bậc danh sĩ đại khoa được sử sách lưu danh qua nhiều thời đại ở xứ Nghệ v.v…nhưng bù lại là ý chí tự lực tự cường, tinh thần trọng học, trọng tài, tấm lòng “tôn sư trọng đạo”, nên trong lĩnh vực học vấn, khuyến học cũng để lại nhiều dấu ấn lịch sử. Trước đời Nguyễn, Tiến sĩ đệ  nhị giáp Bùi Dục Tài là một biểu tượng “sớm nêu sĩ vọng, đột phá khai khoa” đỗ thi Hương (1501), thi Hội và thi Đình (1502). Còn dưới triều Nguyễn có thể kể đến hàng mấy trăm vị đỗ cử nhân, hàng chục vị đỗ phó bảng và tiến sĩ. Dòng học vấn bác học là vậy, còn dòng học vấn trong dân gian cũng được các hương ước ghi lại tinh thần trọng trí thức, trọng hiền tài. Hương ước làng Phú Kinh (Hải Lăng) nói rõ việc cấp đất cho việc học, việc mời thầy dạy, cấp cho phu trường, hoặc học trò nghèo chăm học được làng tự cấp, đi thi được cấp tiền, gạo làm lệ phí giúp con em chú tâm vào đèn sách và ứng thí thành đạt. Đó chẳng phải là truyền thống khuyến học đáng được coi là một giá trị bền vững cho đến thời đại chúng ta, khi mọi người đang nô nức nêu cao phương châm: cả xã hội học tập.

   Nói đến truyền thống lịch sử - văn hóa Đông Hà gắn với quá trình phát triển văn hóa đô thị cần  tính đến giao thông đô thị. Quá trình đô thị hóa phát triển nhanh để lại trong văn hóa giao tiếp ở đô thị nhiều yếu tố tiểu nông, nông dân gia trưởng, theo cách ứng xử cửa quyền, đối trọng: “Phép vua thua lệ làng”. Tình trạng chất lượng giao thông đường bộ, đường phố xuống cấp nghiêm trọng, đầy bụi bặm, rác rưởi, lại bị người dân ven đường lấn chiếm vỉa hè, tràn ra lòng đường, phơi thóc lúa, khoai sắn, rơm rạ trên tuyến đường quốc lộ, thậm chí họp chợ ngay trên mặt đường, chở hàng cồng kềnh, quá tải, xe chở khách không đúng bến bãi v.v…Đây là những vấn đề có tính chất toàn quốc, ngay cả Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn phải đấu tranh, xử phạt, tuyên truyền, giác ngộ, nhưng tình trạng lộn xộn, tự phát, thiếu ý thức pháp luật, coi thường ý thức tôn trọng cộng đồng…vẫn là phổ biến.

   Vấn đề tạo công ăn việc làm cho thanh niên điểm nóng của quản lý đô thị, trong đó cơ bản cần tạo nghề, truyền nghề, dạy nghề cho các thanh niên đến tuổi lập thân nhưng chưa lập nghiệp. Các phường, xã ở thị xã cần khuyến khích các gia đình có nghề truyền thống (mộc, nề, rèn, trồng rau sạch, gốm, đúc đồng, khảm gỗ, dệt tơ lụa, nghề làm nón…) để các em biết nghề rồi nhân rộng ra. Đông Hà phải là nơi sẽ hội tụ người có tay nghề hay, khéo, giỏi với vành đai làng nghề. Chỉ riêng các tỉnh miền Trung chúng ta có thể kể đến các phường đúc Long Thọ, làng Sơn, khảm gỗ ở các chợ Sòng, Sịa, Sình. Ở Hội An có làng Yên Đào Thanh Châu, làng gốm Thanh Hà ở Tam Kỳ có nghề dệt lụa v.v…Đông Hà trước đây có nghề bắn bông rất tinh xảo cung cấp sợi cho các hãng buôn.

   Liên quan tới lối sống đô thị, chúng ta cần chú ý môi trường tâm lý của cư dân, mặc dầu thực trạng này chưa phải là sức ép lớn đối với Đông Hà. Ở các đô thị lớn ở nước ta đã và đang xảy ra sự bất tương hợp giữa “cách sống tổ tiên truyền thống” với lối sống của con người hiện đại. Không nói đâu xa, ở nông thôn, vùng núi cao con người vẫn thích ở nhà gạch, nhà sàn có vườn tược, cây cối, luống rau, quanh năm làm bạn với chim, thú và đàn gia súc. Nay do một sự ngẫu nhiên về thành phố, trong một căn hộ khép kín trên tầng cao, nhìn xuống đường chỉ thấy xe cộ ngược xuôi, rú còi ầm ĩ, khói xăng, bụi bặm phủ mờ đường v.v…Còn giới thanh niên đổ xô vào kiếm tiền (có chính đáng và không chính đáng), lao vào học tập để may mắn có thu nhập cao, lo làm việc và lo mất việc, thích hưởng thụ cá nhân và lao vào làm việc với mục đích vụ lợi…làm cho tâm trí con người đô thị căng thẳng, cuộc sống bất an, sống thiên về lý trí, lạnh lùng trong giao tiếp, làm nghiêng lệch nhu cầu văn hóa của con người. Đó là chưa nói gần đây, ở một số đô thị, lối sống thác loạn, ích kỷ, mất phương hướng dễ sa vào tiêm chích ma túy, hành nghề mại dâm, buôn bán herôin. Tất cả đó là nguyên nhân gây nên những bệnh thuộc tâm thần: tâm trạng căng thẳng (stress), trạng thái lo âu triền miên (anxiety), thể trạng trầm uất suy sụp (depression) hoặc cảm thức tuyệt vọng v.v… Vấn đề đặt ra cho những nhà quản lý đô thị là sự điều chỉnh sự cân bằng giữa cái vật chất và tinh thần, yếu tố kinh tế và yếu tố nhân văn.

   1.3- Du lịch - dịch vụ- Một tiềm năng văn hóa cần được khai thác:

   Đông Hà không có khu di tích được quốc tế công nhận như Phong Nha - Kẻ Bàng ở phía Bắc, không có di tích Trà Kiệu nổi tiếng được UNESCO ghi tên ở phía Nam, nhưng bù lại là địa bàn du lịch - dịch vụ liên hoàn với nhiều địa danh hội tụ: Khu thương mai tự do ở cửa khẩu Lao Bảo - Bản Đen savẳn; chợ Đông Hà sẽ trở thành khu siêu thị với vùng phụ cận có nhiều di tích cách mạng và kháng chiến nổi tiếng như làng Địa Đạo Vịnh Mốc, Cồn Tiên, Dốc Miếu, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, bải tắm Cửa Tùng, Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vây, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Thánh Đường La Vang, bãi biển Mỹ Thủy, khu rừng môi trường văn hóa Rú Lịnh. Ngoài ra từ Đông Hà, ngành du lịch có thể khai thác quá cảnh của các nước Lào, Thái Lan, Myanma qua đường Chín và ngượi lại.

   Khi nói đến ngành du lịch - dịch vụ người ta chỉ nghĩ đến mục tiêu kinh tế lợi nhuận, bởi đây là ngành kinh tế mũi nhọn. Có thể không sai, nhưng chưa đầy đủ. Mục tiêu chính của khách du lịch, tham quan chính là đối tượng chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn. Cái gì nằm bên trong những đối tượng văn hóa kia. Nó có ý nghĩa gì? Bài học gì cho lịch sử và cho thế hệ, kể cả những thế hệ người Mỹ, người Pháp đã có thời mà cha ông họ đã rơi vào cạm bẫy hoang tưởng về sự chinh phục một nền văn hóa có mấy nghìn năm lịch sử oanh liệt và đầy tự hào. Cái được của những điều vừa nói là Văn hóa hòa bình, một giá trị vĩnh hằng, một cương lĩnh hành động, vừa là nguyện vọng tha thiết nghìn đời của dân tộc ta, của quân dân Quảng Trị.

                                                                                       12/2005

                                                                                           S.V  

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 137 tháng 02/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground