Còn nhớ những ngày của mùa hè bỏng rát năm 2021, biến thể của Covid-19 đã làm dịch bùng phát mạnh với tốc độ lây nhiễm cao gấp nhiều lần so với các biến chủng khác trước đó, có khả năng tăng mức độ nặng của người bệnh và nguy cơ tử vong đã làm đảo lộn cuộc chiến chống dịch của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều bác sĩ, y sĩ và điều dưỡng của tỉnh Quảng Trị đã tình nguyện vào vùng tâm dịch để hỗ trợ một số tỉnh miền Nam chống dịch thì những ca khúc của bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Chơn Viễn được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. “Hành trang blouse trắng”, “Đôi mắt blouse trắng”, “Đồng đội tôi”… đã để lại những niềm tự hào, xúc động đến với mọi người về sự hi sinh thầm lặng của ngành y tế, đồng thời cổ vũ các y, bác sĩ đang ngày đêm đối diện với hiểm nguy để lo cho sức khỏe của Nhân dân.
Bác sĩ Nguyễn Chơn Viễn - một tâm hồn thi ca
Bác sĩ Nguyễn Chơn Viễn “bén duyên” với văn học nghệ thuật khá muộn mặc dù anh yêu thích thơ, nhạc từ khi còn là sinh viên trường y của Đại học y khoa Huế (khóa 1987 - 1993). Năm 1995, anh về công tác tại Trung tâm y tế thị xã Đông Hà, sau đó gắn bó với Bệnh viện đa khoa TP Đông Hà và Trung tâm y tế TP Đông Hà cho đến nay. Năm 2018, khi con cái đã lớn, anh có thời gian dành riêng cho mình để viết lên những bài thơ sâu lắng về quê hương Ngô Xá Đông (xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong), về ngành. Đó cũng là những giây phút anh được thư giãn sau giờ làm việc căng thẳng.
Từ những bài thơ đăng tải trên facebook cá nhân, nhiều bạn bè facebook từ khắp mọi miền đất nước yêu thích phổ nhạc như: “Giao mùa” (Mặc Tuân – quê ở Long Xuyên, tỉnh An Giang phổ nhạc). Sau đó Mặc Tuân còn tiếp tục phổ nhạc bài “Con không về kịp mẹ ơi”, “Nhớ về quê hương”…
Để phổ nhạc, đòi hỏi các bài thơ phải giàu hình ảnh và gieo những hạt giống nhân văn về cái đẹp và lòng nhân ái khiến nhạc sĩ rung động và đồng cảm. Ngoài các bài thơ hay về ngành y, Nguyễn Chơn Viễn có nhiều tác phẩm viết về quê hương được phổ nhạc như: “Về Quảng Trị nghe em”, “Đông Hà thành phố hôm nay”, “Nhớ Nội”, “Con không về kịp mẹ ơi” (Nhạc sĩ Trần Thu Hường phổ nhạc); “Về Quảng Trị với anh”, “Triệu Trung quê hương tôi”, “Ngô Xá quê mình” (Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thơ, sinh sống ở Vĩnh Long phổ nhạc), “Tự tình khúc sông quê” (Nhạc sĩ Luân Phan)…
Khi nghe lại các ca khúc phổ nhạc từ thơ của mình đã khơi gợi niềm đam mê âm nhạc trong anh. Đầu năm 2020, Nguyễn Chơn Viễn “mạnh dạn sáng tác ca khúc”. Là người sáng tác nghiệp dư nên quá trình sáng tác của anh “cũng lạ hơn người khác”. Khi xúc động về một điều gì đó, anh ghi âm lại lời hát mộc bằng điện thoại. Phần giai điệu thô này, anh nhờ nhạc sĩ ký âm. Để có một ca khúc ưng ý, anh trao đổi với nhạc sĩ và chỉnh sửa rất nhiều lần. Anh Nguyễn Chơn Viễn chia sẻ: “Cái khó nhất đối với người sáng tác không chuyên như mình là phát triển giai điệu. Hát theo cảm xúc nên ca từ thường chưa được trau chuốt nên dễ rơi vào lối “hát thơ”. Mình cũng không phải là dân học nhạc bài bản nên điệu nhạc, tiết tấu chưa phong phú. Vì thế, để có được ca khúc ưng ý thường phải chỉnh sửa giai điệu rất nhiều lần”.
Tuy nhiên, với sự am hiểu về ngành, sự quan sát tinh tế từ công việc, tình yêu đối với âm nhạc, các ca khúc của bác sĩ Nguyễn Chơn Viễn vẫn có một chỗ đứng nhất định trong dòng nhạc tuyên truyền cổ động về phòng, chống Covid-19. “Hành trang blouse trắng” được viết từ cảm xúc khi các y, bác sĩ và điều dưỡng thực hiện theo lời kêu gọi của Bộ Y tế vào miền Nam chống dịch. Có người lính chưa lần nào ra trận / hành trang mang theo áo trắng blouse. Hình ảnh “đoàn quân Nam tiến” thời bình với bao nguy hiểm được anh chuyển tải đầy xúc động. Có người lính ngày nay vào trận đánh nhưng quân thù nào nhìn thấy được đâu. Có người lính chiến trường không súng nổ nhưng hiểm nguy luôn rình rập khắp nơi. Hành trang mà đội ngũ những người làm ngành y mang theo trong “mùa dịch” là sự hi sinh thầm lặng, là sự tận tâm với nghề. Trên trang youtube cá nhân của bác sĩ Nguyễn Chơn Viễn, nhiều người nghe đã vào bình luận đầy xúc động: “Có người lính mang theo hành trang yêu thương lên tuyến đầu chống dịch. Xin cảm ơn đội ngũ y bác sĩ đã dốc hết sức mình cho Nhân dân mình”.
Hay một ca khúc khác, “Đôi mắt blouse trắng” được anh viết dành tặng cho mảng điều trị. Trong những đêm trực, họ không có giấc ngủ cho riêng mình mà luôn dõi theo nhịp thở của bệnh nhân trong nỗi thao thức, lo lắng. Đôi mắt ai bao đêm dài không ngủ / bởi dõi theo mỗi nhịp thở từng đêm / đó chính là đôi mắt của em… đôi mắt blouse trắng trong đêm. Anh quan sát những cơ thể giấu kín trong đồ bảo hộ nóng bức, chỉ giao tiếp và cảm nhận tâm tư của đồng nghiệp qua đôi mắt thâm quầng. Những cảm xúc yêu thương ấy được chuyển hóa thành bài hát với ca từ khiến người nghe thổn thức: “Đôi mắt em đã nhiều đêm thao thức / Đôi mắt em thắp niềm tin hi vọng mong một ngày thế giới bình yên”.
Văn học nghệ thuật có mặt trong muôn màu của đời sống xã hội, là lãnh địa mà hầu như ai cũng có thể đặt chân vào, có thể tham gia và tự do sáng tác, bất kể tuổi tác, địa vị, nghề nghiệp. Âm nhạc nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung làm cho con người xích lại gần nhau, biết san sẻ, yêu thương nhau. Mỗi một tác phẩm văn học như là một chiếc thẻ nhớ lưu giữ những suy nghĩ, tư tưởng, xúc cảm hoặc những hình ảnh, ký ức đẹp về một thời đoạn lịch sử. Điều đó được thể hiện đậm nét qua cơn đại dịch Covid-19 vừa qua. Ca khúc “Đồng đội tôi” mỗi khi vang lên động viên lực lượng trực tiếp trên tuyến đầu chống dịch: Đồng đội tôi đôi mắt đen nay đã hằn sâu / Đồng đội tôi tóc xanh dài nay đã không còn / Ướt đầm mồ hôi gương kính mắt mờ / Vẫn tận tụy vì bệnh nhân thân yêu. Chỉ riêng Trung tâm y tế nơi anh công tác, hơn phân nửa bác sĩ, y sĩ và điều dưỡng phải cách ly. Nhiều người hàng tháng trời không thể về gia đình để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Có rất nhiều nỗi niềm riêng mà chỉ người trong ngành mới thấu tỏ hết. Đồng đội tôi ơi đồng đội tôi ơi / Những bước chân vẫn đi vội vã / Xa gia đình, xa bạn bè người thân / Vẫn là chiếc áo Blouse khoác vội / Không biết đêm nay có kịp về không? Điệp khúc ngân lên như những lời động viên và chia sẻ về “chiến trường” không tiếng súng trong trận đánh sinh tử này. Với anh, nét đẹp của những người làm công tác ngành Y như vẻ đẹp tinh khôi của hoa Quỳnh nở trong đêm bởi họ luôn thắp lên “niềm tin khát khao hy vọng / Cho sự sống cháy bỏng hồi sinh”.
Mỗi lời ca như một lời cảm ơn sâu sắc, một lời nhắc nhở người dân cùng chung tay chống dịch, không hoang mang, không bi quan mà cần có niềm tin với sự đoàn kết sẽ chiến thắng dịch bệnh. Các sáng tác trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 chính là nguồn chia sẻ, động viên đồng thời hun đúc ý chí, nghị lực vươn lên của con người. Với “gia tài” hơn 40 ca khúc (bao gồm các ca khúc anh sáng tác và các bài thơ được nhạc sĩ khác phổ nhạc), bác sĩ Nguyễn Chơn Viễn vẫn nhận mình là người “vì yêu ngành, yêu quê nên đến với âm nhạc”. Hiện tại, kho tàng bài hát đang ở giai đoạn ký âm còn rất nhiều và anh vẫn đang ấp ủ để tiếp tục ra mắt những sáng tác mới về ngành Y, về quê hương với một tình yêu thuần khiết nhất. Mong rằng công chúng tiếp tục được thưởng thức các sáng tác mới của anh và cùng tô đẹp thêm hình tượng người thầy thuốc thông qua văn học nghệ thuật.
H.Q