Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Ngày nay, những vật dụng thường nhật trong đời sống con người như rổ rá, dần sàng, cày, bừa… và rất nhiều những thứ khác được chế tác từ tre đã không còn thông dụng. Nhưng không vì thế mà hình ảnh cây tre bị lãng quên, ngược lại, những vật dụng, công trình được chế tác từ tre qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân lại trở thành những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao, được nhiều người ưa thích.

1. Nở một nụ cười, ông Nguyễn Hữu Trang (làng Dương Lệ Văn, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong) lật giở cho chúng tôi xem những trang ảnh chụp lưu niệm các công trình được thiết trí bằng tre đẹp nức tiếng khắp vùng. Các công trình tre đã thực hiện ở nhiều lễ hội văn hóa cũng như các kỳ lễ Phật đản mà ông được xem là “kiến trúc sư trưởng”. Theo nhẩm tính sơ sơ, hơn 15 năm qua ông Trang và các cộng sự đã thiết kế, tạo khoảng vài chục công trình lớn nhỏ được mô phỏng theo các di sản kiến trúc của Việt Nam và thế giới bằng tre rất nghệ thuật và độc đáo nhiều người mê như: biểu tượng các di tích Phật giáo tại Ấn Độ, Tháp Eiffel (toà tháp nổi tiếng ở Paris nước Pháp), Điện Capitol (tòa nhà Quốc hội Mỹ)…

Chúng tôi hỏi trong tất cả các công trình thì cái nào ông thích nhất? Ông Trang nở nụ cười hiền rồi nói: “Mỗi công trình đều mang một thông điệp, ý nghĩa, câu chuyện riêng nên cái nào cũng đáng trân quý. Nhưng có lẽ kỳ đài được thiết kế dựng ở chùa Lệ Minh (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong) nhân Đại lễ Phật đản năm 2023 để lại nhiều ấn tượng khó quên nhất”.

Công trình kỳ đài ở chùa Lệ Minh được mô phỏng theo di sản kiến trúc tháp Eiffel với chiều cao 39m, trụ đế rộng và nhiều chi tiết cầu kỳ phức tạp nên phải thiết kế bản vẽ tỉ mỉ, đo đạc, cắt các thanh tre có độ chính chính xác cao để kết nối các trụ đỡ với nhau thật vững chắc.

Công trình kỳ đài bằng tre ở chùa Lệ Minh

Và để dựng nên công trình hoàn chỉnh, ông Trang cùng nhiều phật tử tự nguyện góp sức gần ba tháng thi công. Công trình được chia làm 4 khối thi công, sau đó kết nối, cố định các khối với nhau bằng bù lông, ốc vít chắc chắn. Các khối khi làm xong phải thuê xe cẩu di chuyển, lắp ráp vì quá nặng và có kích thước lớn, bởi được làm từ gần một ngàn cây tre (gồm cả kỳ đài và "cầu ánh sáng").

Khi dựng xong còn phải chằng chéo dây thép theo nhiều hướng để giữ vững công trình trước gió mạnh... Bên cạnh đó, để tôn thêm vẻ đẹp ấn tượng cho kỳ đài, ông và các cộng sự thiết kế, kết nối chiếc “cầu ánh sáng” làm bằng tre, rộng khoảng 2 mét, dài khoảng 20 mét. Cầu có lan can tay vịn cách điệu lượn sóng mềm mại, mặt cầu ghép từ những thanh tre già và toàn bộ thân cầu được đặt đứng vững trên hệ thống cọc cố định chắc chắn.

Nhiều người khi tham quan chụp ảnh lưu niệm tại các công trình kỳ đài do ông thiết kế hỏi vì sao không dùng những vật liệu khác như gỗ, sắt... để nhanh chóng, tiện lợi hơn? Ông Trang giải thích rằng, từ bao đời nay, tre là vật liệu dễ kiếm tìm, có tính dẻo dai, dùng linh hoạt trong mọi việc và hầu như nó có mặt khắp các nẻo đường quê.

2. Cũng như “nghệ nhân tre” Nguyễn Hữu Trang, cụ Nguyễn Trường (làng Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng), đã dành trọn đời mình gắn bó với nghề đóng cối xay lúa bằng tre xưa. Có thể nói hiện cụ là một trong số những “nghệ nhân” hiếm hoi còn say mê chế tác được những chiếc cối xay lúa bằng tre mộc mạc nhưng đầy ắp những ký ức một thời thương khó.

Trong căn nhà rường xưa cũ, cụ Trường dẫn chúng tôi xem chiếc cối xay lúa đã hoàn thiện và đang đợi chủ nhân ở tít tận tỉnh Đắk Lắk đặt mua đến mang về. Thấy chúng tôi quan sát hồi lâu như muốn kiểm chứng công năng của nó, cụ Trường liền với tay lấy cái giằng xay treo sẵn ở tường nhà tra vào lỗ của phần tai cối và đổ một ít lúa vào để xay. Chỉ với những động tác đơn giản, nhẹ nhàng của một ông lão đã 86 tuổi, tiếng cối nghiến lúa lụp cụp, ngay lập tức gạo ra đằng gạo trấu ra đằng trấu. Vừa xay cụ Trường vừa giải thích công năng của từng bộ phận của chiếc cối, điều chỉnh như thế nào để gạo không bị vỡ nát… Đang xay cụ bỗng dừng lại bưng thân thớt cối phía trên ra và bằng một vài động tác điều chỉnh “kỹ thuật” rồi lắp lại tiếp tục xay, lúc này hạt gạo chảy ra máng xay có màu trắng ngần hơn mẻ xay đầu tiên.

Nghề đóng cối xanh đã gắn liền suốt đời cụ Nguyễn Trường

Chúng tôi hỏi cụ điều chỉnh bằng cách nào mà cối xay chuyển trạng thái nhanh đến vậy? Cụ Trường móm mém cười rồi nói: “Đó là một chút bí quyết của nghề do ông cha để lại và hơn thế, nó còn phụ thuộc vào công đoạn kỹ thuật, kinh nghiệm chọn vật liệu khi bắt đầu hình thành chiếc cối”.

Theo cụ Trường để làm ra một chiếc cối xay lúa hoàn chỉnh có rất nhiều công đoạn, trong đó việc chọn và sử dụng nguyên liệu tre tiêu tốn nhiều thời gian, công sức nhất. Bởi từ khi chọn được tre cho đến khi tạo ra thành vật liệu dùng vào chế tác cối xay là cả một giai đoạn công phu đòi hỏi người thợ phải tinh tế, tỉ mẩn và kiên nhẫn. Như khi chọn đốn hạ tre thì phải đúng mùa, tre già và không bị cụt ngọn, lóng dài, mắt tre không bị sâu… đem ngâm chua dưới ao bùn từ 10 - 15 ngày. Sau công đoạn đầu tre được vớt lên vệ sinh sạch sẽ rồi chẻ thành từng nan dài, phơi cho hơi héo, đem gác vào chạn bếp phong khói để khi sử dụng nó có độ chịu lực cao và không bị mối mọt.

“Các công đoạn xử lý phần thô hoàn thành cũng chỉ mới là bước khởi đầu, phần đan lát máng xay, thớt xay, đế xay mới quan trọng. Ví như phần đan lát máng xay là phải làm trực tiếp trên thân cối chứ không như một số người thợ phải vẽ định hình và đan trên mặt đất, nên đòi hỏi người thợ phải dày kinh nghiệm, kỹ thuật để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật bắt mắt…”, cụ Trường chia sẻ.

Và trước khi hoàn chỉnh chiếc cối xay một phần quan trọng không kém đó là lèn đất vào thân cối. Đất được lèn vào thân cối phải là đất thịt khô, được tán mịn kết hợp với muối hạt theo tỉ lệ 5 cân đất 1 cân muối. Mục đích của việc trộn muối vào vừa giữ được độ ẩm của đất để đất không rơi ra ngoài trong quá trình xay lúa sau này, vừa có tác dụng gia tăng sức chống mối mọt. Thân cối sau khi được lèn chặt đất muối thì còn được trét 2 lần hỗn hợp giữa dây tơ hồng giã nhỏ kết hợp phân trâu và nhiều chất phụ gia khác. Sau khi lèn đất, phần mặt thân cối sẽ được đóng lèn chặt bằng hàng chục miếng gỗ phi lao nhỏ mỏng được chia đều theo từng ô có kích thước bằng nhau hoàn toàn. Khi hoàn thiện, mặt phẳng trên thân cối tựa như hình chiếc đồng tiền xu xưa…

Ngày nay, với nhịp sống mới, những làng quê đang từng ngày đổi thay với nhiều công trình, thiết bị hiện đại thay thế cho những ngôi nhà tre, vật dụng tre thân thương. Những chiếc cối xay lúa mộc mạc một thời “quằn mình” phục vụ cuộc sống con người bây giờ ít ai dùng đến. Nhưng có lẽ nó gói ghém đầy ắp những ký ức đời người, về một nếp sinh hoạt đặc thù trong đời sống của vùng nông thôn xưa.

Nội dung: TRỌNG ĐỨC
Hình Ảnh: N.Q - T.Đ
Thiết kế: NGUYÊN QUÝ

Bài in trên Cửa Việt số chuyên đề 10 (6.2023)

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground