Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những tác giả người Quảng Trị trong bộ sách lý luận - phê bình văn học miền Trung (Thế kỷ XX)

B

ộ sách là tập hợp gồm 100 tác giả có góc quê từ Thanh Hóa cho đến cực Nam Trung Bộ đã tham gia hoạt động văn hóa, lý luận phê bình văn học từ những năm 20 đến năm 2000 (thế kỷ XX). Lời thưa đầu của bộ sách nói rõ sự giới hạn đối tượng tuyển chọn: các tác giả quê gốc miền Trung đã và đang công tác tại các viện và các trường Đại học ở Hà Nội và các tỉnh thành phía Nam.

   Một ưu điểm lớn nhất của bộ sách là các soạn giả đã làm nổi bật sự hình thành, phát triển của khuynh hướng phê bình mác xít; vị trí, vai trò của nó trong đời sống xã hội và đời sống văn hóa, văn nghệ thế kỷ XX. Không phải ngẫu nhiên mà những nhà hoạt động chính trị nhãn quan văn hóa đã sớm vận dụng vũ khí văn học và lí luận phê bình văn học vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng và chủ nghĩa xã hội ở nước ta, mà trước tiên là chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, các nhà văn hóa mác xít Đặng Thai Mai, Hải Triều, Tố Hữu… Sáu tác giả có quê gốc Quảng Trị được đưa vào bộ sách là: Lê Duẩn, Hồng Chương, Chế Lan Viên, Hồ Sĩ Vịnh, Trần Trọng Đăng Đàn, Ngô Thảo.

   Đồng chí Lê Duẩn viết về văn hóa không nhiều, thì giờ để quan tâm đến lý luận văn học, các tác phẩm văn học lại càng ít. Nhưng, những lập luận của đồng chí thường thiên về tư duy tổng hợp, khái quát thành những luận điển lớn, có tính qui luật thường được coi là những vấn đề có ý nghĩa triết học văn hóa. Điều này rất có lợi cho tư duy lý luận phê bình văn học, nghệ thuật. Việc chọn bài phải nắm vững và vận dụng cho được những qui luật riêng của tư tưởng (tr 105- 111), (trích hai bài nói tại Hội nghị Tuyên giáo tháng 4 - 1962), các nhà tuyển chọn có ý thức hướng người đọc thấy rõ tầm nhìn khoáng đạt và tư duy sáng tạo trong công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo của một nhà lý luận tầm cỡ. Phương pháp tư duy cởi mở. Biện chứng đó được thể hiện ở nhiều quan niệm xanh rờn: “Công tác tư tưởng là vấn đề lý trí đồng thời là vấn đề tình cảm. Cả hai vấn đề nhất trí với nhau thì mới giải quyết được vấn đề tư tưởng; Để hiểu một việc gì, con người dùng lý lẽ, lý trí, nhưng khi hành động phải có tình cảm”. Tất cả những quan niệm đó là những qui luật riêng của tư tưởng. Lý trí và tình cảm là hai phạm trù triết học, đồng thời là hai thuộc tính thiêng liêng của con người. Con người được phản ánh trong văn học lại càng như vậy. Từ đó đồng chí nêu một luận điểm cho đến nay vẫn lấp lánh giá trị: “Cách mạng tư tưởng và văn hóa là việc làm lâu dài, phải gắn tình cảm với lý trí. Nói nghệ thuật tức là nói qui luật riêng tư tình cảm. Nghệ thuật vận dụng qui luật riêng của tình cảm”. Trong học thuật, Lê Duẩn không phải là người đầu tiên nêu nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm, nhưng trước đồng chí chưa có ai nêu thành qui luật riêng của tình cảm. Nói qui luật riêng tức là nói đến đến thính khách quan, sự phát triển theo dạng thức riêng, độc lập với ý thức. Ở lĩnh vực nghệ thuật tình cảm ở chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận bao giờ cũng lớn. Dùng nhận thức logich, nghệ sĩ chỉ đưa lại một số kiến thức, thông tin, tư liệu. Sáng tác nghệ thuật đòi hỏi tác giả nhận thức trực giác, cái có sức mạnh thuyết phục tri giác, cái mà nhận thức lý tính bất lực. Người ta nói chỉ có nghệ thuật mới phá bỏ độc quyền của nhận thức logich là vì vậy. Sáng tác nghệ thuật không chỉ đòi nghệ sĩ không chỉ tĩnh mà còn phải say, không chỉ suy lý mà còn phải đam mê, tưởng tượng, liên tưởng, linh cảm, vô thức, phi lý tính. Không thế, thì không sao hiểu được một câu thơ: Tóc dài ba nghìn trượng. Vì sầu nên hóa dài (Thơ Lý Bạch); một câu ca dao: Bắc cầu giải yếm qua trao ân tình; lời ngọt ngào của một câu dân ca Tây Nguyên; mái nhà dài như một tiếng chiêng…hay của dân ca H’Mông: Và đêm nay hồn em về ngủ thắt lưng em vv…

   Đồng chí Lê Duẩn còn bàn nhiều, bàn sâu, có khi rất sắc sảo đến cách mạng văn hóa ở nước ta, suy cho cùng không phải là bạo lực, là hành chính mà là sự tự nguyện, tất nhiên tự nguyện trên cơ sở trình độ dân trí, học vấn, lối sống, lối ứng xử văn hóa của con người, thái độ tôn trọng các giá trị truyền thống của dân tộc văn hiến. Còn bàn đến con người nhất là con người Việt Nam, đặc điểm của người nông dân ở từng vùng, miền bao giờ đồng chí cũng đặt trong bối cảnh con người lịch sử, con người xã hội. Đó là Mác một trăm phần trăm, bởi trong hệ tư tưởng Đức, Mác coi cái nhân tính (humanité) của con người mang tính lịch sử trong tổng hòa của sức sản xuất, của tiền vốn, của những hình thái quan hệ mà mỗi cá nhân, mỗi thế hệ tìm thấy sẵn. Chủ nghĩa Mác cũng thừa nhận tính riêng, cái cá nhân của mỗi con người, nhu cầu sinh lý, nhu cầu hưởng thụ…nhưng là những nhu cầu không tách rời đời sống xã hội và đạo lý dân tộc.

   Bạn đọc Quảng Trị, Bình Trị Thiên thời kháng chiến chống thực dân Pháp thường biết Hồng Chương qua bài thơ Đội biệt động Đường Chín với những câu thơ đầy hào khí của những biệt động quân xông ra chiến trận để cứu đất nước trong cơn binh đao, đạn lửa:

Người chiến sĩ xông nơi chiến đấu

Gót rổ nhăng in dấu hành binh

Sẹo ghi từng trận chiến chinh

Mắt hoe lửa giận, trán khinh hiểm nghèo…

   Ông còn viết tiểu thuyết, làm báo và thời kỳ dài nhất là tham gia quản lý báo chí. Ông đã từng là Tổng biên tập tạp chí “Học tập” (Tạp chí Cộng sản) cơ quan lý luận của Trung ương Đảng, Tổng thư kí Hội Nhà báo Việt Nam. Trong bộ sách Lý luận phê bình văn học miền Trung…, những nhà biên soạn cho in tiểu luận: Hải Triều – một nhà lý luận – phê bình văn nghệ xuất sắc (rút trong cuốn về Văn học, nghệ thuật, NXB Văn học 1983) là có ý khẳng định một lĩnh vực sở trường được Hồng Chương dồn nhiều tâm huyết đóng góp cho lĩnh vực lí luận phê bình văn học nước nhà. Viết về Hải Triều, Hồng Chương không chỉ dừng lại miêu thuật quá trình hình thành một nhà lý luận, phê bình mác xít tiên phong, trung kiên của Đảng mà còn cho chúng ta biết tầm vóc xã hội của hai cuộc bút chiến giữa “duy tâm và duy vật” giữa “nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh” kéo dài trong nhiều năm. Hồng Chương cũng không quên ghi lại xu hướng tả thực xã hội, một phương pháp sáng tác mới mà Hải Triều và các chiến hữu của ông đã đấu tranh cho sự chiến thắng của văn chương vô sản. Đồng tình với Hải Triều, Hồng Chương viết: “Chủ nghĩa tả thực xã hội luôn luôn thừa nhận mỗi tác phẩm đều có xu hướng, nhưng chủ nghĩa tả thực xã hội lại hết sức kiêng kị những xu hướng chủ quan, độc đoán, cơ giới những tư tưởng cố định, những tín điều bất di, bất dịch mà tác giả đã vụng về ấn ghép vào câu chuyện. Hải Triều đòi hỏi khuynh hướng thể hiện trong tác phẩm phải như điệu đàn đã thoát tiếng tơ.” (tr.328).

   Bộ sách đã để dành cho Chế Lan Viên một vị trí lớn trong lĩnh vực lý luận – phê bình văn học. Đông đảo bạn đọc nhiều thế hệ ở nước ta, ở khắp ba miền đều biết đến những bài thơ hay nổi tiếng của ông như: Kết nạp Đảng trên quê mẹ; Người thay đổi đời tôi; Người đi tìm hình của nước; Chim lượn trăm vòng và nhiều bài thơ chống Mỹ theo xu hướng trí tuệ. Nhưng trong lĩnh vực khảo sát – phản biện – bình giảng – tổng kết văn chương, nhà văn, tác phẩm thì mấy ai đã bằng Chế Lan Viên (?!). Theo thống kê chưa đầy đủ của tôi, thì ở ông có 10 tập lý luận – phê bình được viết từ năm 1960 đến cuối đời, mà đều ở cấp độ có chất lượng khá trở lên. Thật kỳ lạ! Một nhà thơ mà con đường thơ bắt đầu từ năm 1938, lúc mới 18 tuổi đời đã táo bạo trình làng tập thơ Điêu tàn được coi là “niềm kinh dị” (Hoài Thanh); thế mà đến với cách mạng, lúc đầu đi theo Cách mạng ngỡ như đi theo tà áo đẹp, rồi nhận chân ra Cách mạng, hiểu dáng vóc, tầm thước, tình cảm của Cách mạng, nhà thơ tự đổi đời, mà làm ra những Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường, Chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc…vv có ích cho đời và cho thơ. Không dừng lại ở đấy, nhà thơ Chế Lan Viên còn có những trang để dành cho những ý niệm, sự tự nhận thức, những tuyên ngôn về thơ ca, về văn hóa dân tộc, về triết học mỹ học của nền văn hóa ấy được ông phát ngôn khi ở trong nước, lúc ở các diễn đàn văn hóa nước ngoài, tất cả đều hàm chứa ý nghĩa lý luận và đầy ắp chất liệu thực tiễn.

   Bài được chọn cho bộ sách Hàn Mặc Tử - Anh là ai?, chưa hẳn là bài hay nhất của Chế Lan Viên, nhưng là bài thật nhất của phong cách phê bình của Chế. Bởi Hàn Mặc Tử vừa là đồng hương, vừa là đồng môn, đồng tuế của ông. Tài thơ của Hàn Mặc Tử thì ai cũng biết cuộc đời bệnh tật ly kỳ cô đơn của ông thì nhiều nhưng hay, nhưng Tử dưới biệt hiệu Phong Trần đã có lần được cụ thể Phan Bội Châu khen ngợi từ những năm 1930 – 1931 và họa thơ cùng cụ, đã ra Huế thăm cụ, bị mật thám theo dõi… thì thật đáng suy nghĩ, suy nghĩ để không từ chối, trái lại đón đợi thơ Hàn Mặc Tử để làm giàu cho di sản, nhất là cái còn có ích đọng lại cho đời.

   Là một nhà thơ lớn trong bộ sách này, Chế Lan Viên ít nhất cũng được ba bài khảo sát về ông: Hoàng Nhân ghi nhận ở Chế Lan Viên đã có một phong cách phê bình trực cảm mới (nouvelle Critique Pathétique) (tr.43), tức là có sự tiếp nhận từ vô thức hay hữu ý phong cách phê bình trực cảm của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam được đổi mới trên cơ sở phương pháp phê bình mác xít có tính đến nhiều giá trị nghệ thuật, kỹ xảo văn chương và thực tiễn sôi động, đầy mâu thuẫn của xã hội Việt Nam, văn hóa Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX. Lê Chí Dũng quan tâm tới sự độc đáo bản sắc thơ Chế Lan Viên, đồng thời chỉ ra chỗ lặp lại trong thơ ông (tr760). Hồ Thế Hà coi Điêu tàn là niềm bi hận nhưng khi gặp cách mạng thì nhà thơ đổi chiều, dường như chân đã chạm phải sức mạnh của nhân dân, của ngọn nguồn dân tộc.

   Ba nhà lý luận  - phê bình còn lại không còn trẻ nữa, đều ở tuổi ngoài 60: Hồ Sĩ Vịnh, Trần Trọng Đăng Đàn, Ngô Thảo là những người viết trưởng thành vào những năm 60 (thế kỷ XX) và thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Họ đã được đào tạo có bài bản, chính qui tại các trường đại học trong nước và ở nước ngoài. Sự nghiệp sáng tạo, nghiên cứu, phê bình văn học của ba ông gắn liền với công việc báo chí, chủ yếu là các tạp chí chuyên ngành về văn hóa, nghệ thuật và khoa học xã hội. Cả ba tác giả này trong nhiều năm có điều kiện và có ý thức tham gia công tác quản lý dù đó là một tạp chí khoa học hay công việc của một Hội sáng tạo. Họ đã có hàng chục công trình được in thành sách và hàng trăm tiểu luận, bài báo khoa học. Họ có nhiều mặt mạnh nhưng không tránh khỏi những bất cập, hạn chế vươn kịp tới những vấn đề ứng dụng do thực tiễn đa dạng, đa chiều, đầy biến động đặt ra. Nếu như Hồ Sĩ Vịnh thiên về những tác giả, tác phẩm của văn học Nga Xô viết, một số vấn đề lý luận văn học nước nhà, đặc biệt là những vấn đề triết học văn hóa (tr.541), thì Trần Trọng Đăng Đàn để nhiều tâm lực, trí lực khảo sát văn học ở miền Nam giai đoạn 1954 – 1975, văn học yêu nước trên văn đàn công khai thời Mỹ - ngụy chiếm đóng (tr.640); còn Ngô Thảo (tr.745), ngoài những tập phê  bình – tiểu luận về đời sống văn học đương đại còn để tâm huyết để viết, sưu tầm chỉnh lý cho toàn tập Nguyễn Thi, một nhà văn – chiến – sĩ – liệt sĩ.

   Bộ sách tuyển tập lý luận – phê bình miền Trung thế kỷ XX đã được chuẩn bị khá công phu, có chất lượng khoa học nhất định, có sự cân đối trong việc xác lập các chuẩn mực tiếp chọn. Song, bộ sách còn một số thiếu sót, cần được sửa chữa cho lần tái bản. Ví dụ năm sinh, năm mất của một vài tác giả; lẫn lộn về ảnh chân dung, một số bài tuyển chọn chưa thật tiêu biểu cho tác giả; một số nhà thơ – chiến sĩ– liệt sĩ như Hồng Nguyên, Nguyễn Mỹ, Dương Thị Xuân Quí, Nguyễn Trọng Định…vv những người đã ngã xuống trên chiến trường miền Trung, lại được các nhà lý luận – phê bình miền Trung viết về họ vẫn chưa được tuyển chọn.

   Riêng về các nhà lý luận Quảng Trị, chúng tôi thấy cần được bổ sung những tên tuổi đã được định hình trên văn đàn như: Trần Trọng Tân, Lương An, Trần Hoàn, Phan Quang. Trần Trọng Tân là ủy viên hội đồng lý luận Trung ương, ông đã có nhiều năm chỉ đạo công tác tư tưởng và văn hóa, có nhiều bài viết lý luận sắc sảo; Lương An là nhà khảo cứu uyên thâm, trong tay ông có nhiều tư liệu về văn hóa, văn học về thời trung cận đại, có thể bổ sung cho nền lý luận và mỹ học dân tộc. Trong những năm tháng quản lý văn hóa, Trần Hoàn có trên 30 tiểu luận về suy nghiệm văn hóa, các danh nhân văn hóa và các chân dung nhà văn: Chu Văn An, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Tấn, Ngô Tất Tố, Hải Triều…vv Phan Quang đã cho in một tuyển tập (3 tập) về hoạt động báo chí và văn học, truyện ký của mình. Ở đây ta thấy có sự cảm thụ văn chương tinh tế và có sự giao thoa giữa hai loại hình báo chí và văn chương.

Đ.T

 

Đông Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 132 tháng 09/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground