Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nửa đêm thức dậy (kỳ 1)

Kỷ niệm 75 năm ngày sinh nhà văn Xuân Đức 4/1(1947 - 2022)

LTS: Như một dự cảm, trước khi đột ngột ra đi (6/2020), nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức đã có những đêm khuya lặng lẽ ngồi viết hồi ký. “Nửa đêm thức dậy” - cuốn hồi ký đang viết chưa xong nhưng chất chứa biết bao kỷ niệm xúc động về hành trình làm nghề của một con người tài hoa. Được sự cho phép của gia đình nhà văn, tạp chí Cửa Việt trân trọng trích đăng một phần bản di cảo hồi ký này trên nhiều số báo.

Vợ chồng nhà văn Xuân Đức

Vợ chồng nhà văn Xuân Đức

 

Nửa đêm thức dậy (kỳ 1)

XUÂN ĐỨC (di cảo)

 

Nửa đêm thức dậy làm gì

Trà phai, nước nguội, lầm lỳ đơn côi

Ngày vui ta sống cho đời

Đêm hoang lạnh, sống chơi vơi cho mình

 

Một trang sách, một ngọn đèn

Nửa câu xưng tụng, nửa phần bi ai

Nửa đêm… rồi lại nửa ngày

Bạc, đen sợi tóc phân hai trên đầu

 

...

Nói nhiều về cái gì đó nghĩa là điều ấy còn quá thiếu ở bạn.

Một người làm nghề mà lúc nào cũng khua chiêng gõ trống xù lông xổ cánh để thuyết giảng về nghề, đấy là anh ta chưa đắc đạo. Ít ra là còn chỗ nào đó người đời chưa thừa nhận anh ta. Điều đó tự anh ta ý thức được nên mới phải gồng lên.

Vả lại, nghề làm văn trước hết là nghề tu tâm, là loại lao động tự mình tác động vào chính mình. Nghề ấy nói ra được không?

Phật Như Lai nói: Cái mà ta nói hết thảy pháp đó, tức không phải hết thảy pháp, vì thế cho nên gọi là hết thảy pháp.

Nếu hiểu theo nghĩa Phật thì nghề văn thực ra chẳng có nghề, thế nên nó mới gọi là nghề.

Như Lai lại nói: Nếu ai nói rằng Như Lai có thuyết pháp tức là phỉ báng Phật, là không hiểu được nghĩa cái ta nói... Thuyết pháp đó, mà thực ra không có pháp gì để thuyết cả, ấy mới gọi là thuyết pháp.

...

 

II. Bố mẹ và vợ con...

Thức đêm mới biết đêm trường

Có con mới biết tình thương mẹ già (Ca dao)

Tôi đã ngủ mất nửa đêm. May mà có phút tỉnh giấc. Tôi chua xót nhận thấy mình đã không đủ cả đêm trường thức trắng để hiểu hết bố mẹ mình. Đã ba mươi năm cầm bút, giờ này mới viết đôi dòng về họ. Muộn màng và ân hận lắm thay.

Họ không còn nữa. Cả mẹ lẫn bố!

Mẹ tôi mất vào cái năm hình như tôi mới bốn tuổi. Nói thật lòng là tôi không sao ghi nhận lại được khuôn mặt, dáng hình của mẹ. Hình như mẹ tôi có vóc người mảnh khảnh?... Vẫn còn nhớ một lần giặc Pháp càn về làng, bố tôi trốn chạy với những người đàn ông khác. Mẹ cùng với vài người đàn bà hàng xóm ngồi lại trong bếp với tụi trẻ nhỏ chúng tôi. Hẳn mẹ nghĩ rằng, đàn bà con trẻ thì tụi giặc sẽ không làm khó.

Nhưng khi tụi lính “bảo vệ” vào làng, chúng đã bắt tất cả đưa lên phố huyện. Đường lên chợ huyện, chẳng hiểu vì sao lại phải chui qua rú Đơn Thầm. Men theo một choi ruộng bùn sâu có tên là Khe Cấm. Người dân quê tôi gọi những thửa ruộng bùn sâu lút người là ruộng nẩy. Người xuống ruộng nẩy nếu không lên được sẽ chết, trâu bò càng dễ chết hơn. Mẹ bế tôi, còn một lính “bảo vệ” cõng anh trai tôi. Men theo bờ Khe Cấm đột nhiên gặp một con bò đực mắc nẩy. Nó mắc ngay sát bờ ruộng nhưng không sao lên được. Cả người nó ngập xuống bùn, còn lồi lên một phần mông và phía trước là cái đầu phì phò tuyệt vọng. Mỗi tên lính “bảo vệ” đi qua, nghịch ngợm đâm một nhát dao, máu loang loáng ruộng bùn. Những người đàn bà ứa nước mắt nhưng lại vội vã ngoảnh nhìn hướng khác.

Chuyện như vậy, tôi xin thề là tôi nhớ, nhớ như in từng chi tiết, chi tiết đến mức cầu kỳ. Tôi thề rằng là chính do tôi nhớ chứ không phải ai đó đã kể lại cho tôi nghe. Thậm chí, nếu không nhầm thì trong vụ này có lẽ chỉ có tôi còn nhớ. Hỏi anh tôi, không nhớ. Có người bạn con hàng xóm cũng xấp xỉ tuổi tôi và cũng bị bắt trong cuộc ấy, dạo anh ta chưa đi bộ đội, có lần ngồi chơi với nhau, tôi hỏi, anh ấy chẳng nhớ gì. Giờ thì anh ấy đã hy sinh. Bà già hàng xóm cũng khuất bóng lâu rồi. Cái điều tôi vừa kể trên quả thật chỉ có tôi nhớ được.

Vậy mà, điều quan trọng hơn, đơn giản hơn, sâu sắc hơn, thường xuyên hơn nhiều cái sự kiện kể trên kia, là khuôn mặt mẹ tôi, vì sao tôi lại không nhớ?

Mẹ ốm nặng khi còn mang thai, nghĩa là đáng lý ra tôi sẽ còn một đứa em nữa. Nguyên nhân của trận ốm thập tử nhất sinh này là do trên đường đi chợ về, mẹ gặp con rắn “quăng” và bị nó đuổi. (Điều này thì đúng là do bố tôi kể lại). Rắn “quăng” là loại rắn mà theo bố nói, lúc nào cũng khoanh tròn, khi đuổi người, nó không bò dài cả mình mà quăng cả khoanh tròn ấy văng đi từng đoạn. Không biết điều này có thực hay không, và suốt cả cuộc đời tôi đến hôm nay từng gặp bao nhiêu là loại rắn nhưng chưa hề thấy rắn “quăng” kiểu ấy bao giờ.

Bố tôi mời một thầy lang đến bốc thuốc cho mẹ. Sau khi uống thuốc xong được một buổi thì vào lúc chập choạng mẹ tắt thở. Mẹ mất, cái thai bảy tháng trong bụng cũng mất theo...

Dạo cải cách ruộng đất, người dân làng tôi được đội cải cách phát động, ai cũng phải kể khổ, ai cũng phải tham gia đấu tố tội ác của một người khác. Bố tôi, nghĩ mãi suốt mấy đêm không biết đấu ai, không biết tố chuyện gì. Cuối cùng, Bố đấu tố ông thầy lang nọ, rằng ông ta đã cho mẹ tôi uống sai thuốc nên mẹ đã lìa bỏ chồng con!

Tất cả những chuyện ấy, sao tôi không nhớ gì hết. Nhưng cái buổi chập choạng tối mẹ tôi tắt thở, người nhà xúm xít quanh mẹ tôi khóc lóc, van kêu, thì tôi nhớ. Tôi nhớ rất rõ rằng mình cũng khóc. Và vì tôi quá bé nên chị cả tôi đã bế tôi chạy ra đứng ngoài sân không cho tôi xáp vào gần mẹ. Tôi cam đoan là tôi nhớ như in điều ấy. Thế mà vẫn không sao nhớ được khuôn mặt mẹ tôi?

Nhưng mà, thật kỳ lạ, trong tâm khảm tôi, từ rất lâu rồi có một dáng hình của mẹ, rất riêng, rất cụ thể. Cụ thể đến mức có lần vào hồi đầu chiến tranh, trong một chuyến công tác có cả vợ tôi cùng đi, tôi gặp một cô gái xa lạ. Tôi sững ra nhìn. Tôi đã khẳng định với vợ tôi, người đó giống mẹ tôi vô cùng, giống từ nét mặt, giống cả nụ cười và ánh mắt!

Tôi có một cách hình dung ra mẹ tôi. Một người mẹ trong tôi, rất riêng, không lẫn vào ai trong số những người phụ nữ quen biết, thân thích kể cả các chị gái của tôi.

Và bây giờ, nếu cần viết cuốn tiểu thuyết tự thuật, chắc chắn tôi sẽ khắc họa, miêu tả được hình ảnh mẹ tôi. Tôi dám chắc rằng sự miêu tả của tôi là chính xác.

*

*   *

Với bố thì khác. Bố tôi gà trống nuôi con, nuôi cả mấy anh chị em tôi khôn lớn. Nhưng anh lớn rồi lấy vợ, chị lớn lấy chồng. Năm 1961, người chị cuối cùng xách áo ra đi. Năm 1963, người anh cuối cùng của tôi cũng đi nhập ngũ. Còn lại có hai người.

Nhà cũ của bố con tôi ở giữa một vùng đất giáp lại hai xóm. Bên trong là Tây Hiền, bên dưới là Tây Hòa. Quanh nhà tôi chỉ có lơ thơ vài gia đình khác. Vì vậy, coi như là ở bìa làng. Xóm xưa vốn đã là hoang vắng, u tịch, cái nhà và mảnh vườn tôi càng lẻ li, vắng lạnh hơn.

Ngày, tôi đi học trường xa, bố tôi lầm lũi cuốc đất trong vườn. Đêm, bố nằm ở một góc nhà, đèn dầu tối om, bố ngân nga những tuồng tích cũ.

Tôi thường lén lút đọc sách khuya, sáng dậy muộn. Từ nhà lên trường hơn ba cây số, lại phải đi bộ. Đi học sáng lúc đường còn dày đặc sương mù. Bố dậy từ khi gà gáy, ông là người rất lo xa. Lúc nào bố cũng sợ tôi đi học chậm. Ông nấu cơm chín rồi, trời vẫn chưa sáng, ngủ lại thì sợ quá giấc không gọi kịp con. Ông ngồi bên bếp, khi thì khoanh tay lên hai gối, đầu gục xuống vòng tay. Lại có khi ông kê đứng một hòn gạch lên trên hòn núc đá bắc bếp rồi cúi đầu tựa trán vào hòn gạch mà ngủ. Ông ngủ ở tư thế như vậy cốt là nếu ngủ say sẽ trượt đầu và giật mình tỉnh lại... Đêm nào, sáng nào cũng vậy. Người trở thành hòn núc.

Bát cơm tôi ăn nên người hôm nay hơn bát cơm người đời. Nó được bắc lên trên bếp có đến bốn ông táo!

Bố tôi tài giỏi hơn tôi nhiều. Bố biết quá nhiều thứ. Chỉ có điều chẳng có cái gì đắc đạo.

Bố học chữ Hán, biết khá nhiều, cũng có thể gọi là uyên thâm, nhưng không phải là nhà Nho.

Cụ thân sinh của nhà văn Xuân Đức

Cụ thân sinh của nhà văn Xuân Đức

Bố học thuốc, cũng hiểu căn cơ bản chất từng loại dược liệu, biết cách bốc thang, sao thuốc, thậm chí còn biết nhiều ngón độc chiêu theo kiểu lấy độc trị độc mà không phải thầy lang nào cũng dám dùng. Nhưng người không thành lương y.

Bố thông thạo thuyết âm dương ngũ hành, biết thuật bát quái, một thời từ trước cách mạng tháng 8, bố tôi lang thang làm nghề thầy cúng, cũng phiêu bạt nhiều nơi. Trước khi đôi mắt người bị mù, bố là ông thầy xem giò gà cỡ thượng thặng. Nhưng nhà tôi, thờ cúng, kỵ giỗ lại rất giản đơn. Nhờ bố truyền cho trong hàng chục năm, cho nên những thuyết lý bói toán kia tôi điều biết cả. Nhưng cũng như bố, tôi không hề xem ngày, xem giờ, xem tháng, xem năm kể cả những việc đại sự như làm nhà, cưới vợ...

Bố tràn đầy chất nghệ sĩ. Giọng hát theo kiểu hát cổ của người thật tuyệt vời. Bố say đắm âm nhạc dân tộc. Từ khi tôi học phổ thông, bố đã sắm cho tôi một cây đàn nguyệt, rước về nhà một lão nghệ nhân bậc thầy về ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên, đấy là cụ Duyến. Cụ Duyến dạy tôi đàn và hát. Bây giờ, tôi thành người truyền dạy dân ca, sáng tác và dàn dựng kịch hát. Còn bố tôi, cho đến lúc tắt thở vẫn chỉ là một ông già nhà quê.

Tuy vậy, những ngày sắp tàn hơi kiệt sức, ông bị mù phải ôm gối nằm trên giường. Chẵn mười năm như vậy, có phải ít đâu. Người ngồi một mình. Vợ tôi bận bịu lo cơm nước, các con tôi phải đi học. Nào có ai đủ kiên nhẫn là thời gian để tâm sự với người. Thành ra, người chỉ còn biết hát. Người ngâm nga những vần thơ do người viết, ngâm nga những tích tuồng xưa chan chứa tình đời. Giọng người vẫn hay, hay cho đến khi đứt hơi không còn ngâm được nữa. Tôi không học được người làn hơi ấy, giọng ca ấy. Mãi mãi tôi không thể bằng người.

Bố tôi là một nhà văn, hoàn toàn đúng theo nghĩa đen của nó. Người viết thơ, bài ngắn, bài dài, hầu hết là lục bát, cũng có khi theo thể thơ Đường. Bố không gọi đó là thơ Đường. Người dạy tôi, đó là thể thơ tám câu năm vần.

Bạn có thấy bao giờ chưa, loại nhạc sĩ sáng tác bài hát mà không hề biết nhạc, hoặc những nhạc sĩ mù. Họ tự hát lên, hát thuộc làu cả bài hát, rồi sau đó mới nhờ người khác ghi giúp ra giấy nhạc. Thơ của bố tôi cũng không hề viết ra giấy mà chỉ nhẩm thuộc trong đầu. Thơ dân dã, mộc mạc, tùy hứng có vẻ như ưng sao nói vậy, đôi khi nghe cũng tức cười. Nhưng giờ đọc lại, tôi cam đoan đó tuyệt nhiên không phải là báo tường, thậm chí cũng không phải là thơ trên báo lá cải. Nó chan chứa tình đời, nó day dứt nghĩa cả. Nó là lời ru thay mẹ. Lời ru của người đàn ông.

Bố không chỉ làm thơ lẻ từng bài. Bố còn viết kịch bằng thơ. Nói cho đúng ra, ông chưa tự viết được thành vở kịch mà chỉ là nhại lại. Đó là vào những năm 1960, bố dẫn tôi từ làng lên tận thị trấn Hồ Xá để xem đoàn ca kịch Huế biểu diễn. Vở kịch có cái tên cực kỳ khêu gợi: “Ái tình trong bể bạc”. Chuyện kịch kể về mối tình chung thủy cùng với nỗi bất hạnh của người vợ tên là Thu Ba khi bị chồng là Tuấn Nghị bội bạc. Vở kịch đã gây cho bố tôi một sự xúc động mãnh liệt. Suốt đêm về ông không ngủ. Sau nhiều đêm như vậy, bỗng một đêm, cũng trên chiếc giường tre kê cuối hè nhà, tôi nghe ông ngâm nga một kịch bản dài viết theo thể song thất lục bát. Vở kịch viết lại i xì như vở kịch đã xem. Tuy rằng viết ra thành văn vần nhưng không phải là diễn ca, trường ca, mà là kịch bản, vì cũng có đối thoại giữa nhật vật này với nhân vật khác hẳn hoi. Xem kịch dài năm màn, chỉ xem một lần mà đã nhớ tỉ mẩn từng chi tiết, chỉ thế thôi cũng đủ thấy năng lực của người to lớn biết chừng nào. Lại có thể viết lại bằng văn vần từ đầu đến cuối, cũng màn, cũng lớp, cũng xung đột, cao trào. Lời thơ viết lại cũng chan chứa, cũng day dứt, thậm chí tôi còn nghe bùi ngùi hơn cả khi xem vở. Viết trong đầu và đọc ra từ đầu đến cuối cũng ở trong đầu. Lẽ nào đó không phải là một đấng siêu phàm?

Trong tất cả mọi người, tôi là kẻ được ở gần bố nhiều nhất, hiểu Người sâu nhất, hiểu hết cả ngóc ngách tài năng, hiểu đến mức không biết nên gọi người là gì? Là một lão nông, một nhà nho, một nghệ sĩ?... Đều không phải.

Trong ký ức tôi, bố trở nên lung linh, chấp chới. Dù cố hết sức vẫn không hội tụ lại được thành chân dung.

Thế nghĩa là sao đây?

Với mẹ, một người tôi gần như không có chút kỷ niệm, chỉ loáng thoáng vài ba câu chuyện kể, lại là người lắng đọng trong tâm khảm tôi một dáng hình, cho dù dáng hình đó không chắc gì giống mẹ. Nhưng bất luận thế nào thì đó vẫn là dáng mẹ của riêng tôi.

Với bố, một người tôi thuộc đến từng dáng ngồi, cách nói, nhớ tỉ mẫn từng bước chân, vẫn nghe đâu đây tiếng quạt mo khua lạc rạc... Sao tôi không thể phác thảo ra được một khuôn hình?

Lỗi không phải vì tôi là một đứa con vô ý thức.

Có lẽ do tôi từ nhỏ đã có năng khiếu của kẻ làm văn chương.

Sự giàu có chưa hẳn là diễm phúc.

Sự thiếu hụt không phải lúc nào cũng là niềm bất hạnh.

Người ta dạy cho tôi viết văn, điều số một là hiện thực và vốn sống. Dĩ nhiên là tôi không nghi ngờ điều ấy.

Nhưng văn là rượu chứ không phải là cơm mẻ, là giọt sương chứ không phải nước trong hồ. Mặc dù không có cơm mẻ, không có nước hồ thì không thể có rượu và sương.

Mẹ tôi mất đã gần nửa thế kỷ. Bố quy tiên cũng đã mãn tang rồi. Giờ tôi mới viết được đôi dòng về họ. Nói về hiếu nghĩa, tôi thật có lỗi. Nhưng luận về nghề văn, có lẽ tha thứ được cho tôi. Thời gian giúp tôi ủ nồi cơm rượu để chứng cất lên một chén nồng. Thời gian đủ cho nước trong hồ bốc hơi, trọn một vòng luân hồi để trở về thành giọt sương trên lá.

Người tiều phu lên rừng đẵn bao nhiêu là củi. Cồng kềnh như thế, ô tạp như vậy, ai dám bảo gánh được càn khôn. Bao nhiêu củi đốt lên trong lửa mới gom được gánh than, mới ngất ngưởng về xuôi mà vỗ đòn gánh hát rằng: “Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn”.

Tố Hữu có một bài thơ gửi bạn văn xa, luận về giá trị của tri âm tri kỷ:

“Biết mấy hoa hồng một giọt sương

Biết bao than đá một kim cương...”

Chợt nửa đêm tỉnh giấc, tôi đã gặp lại bố, đã nhận ra mẹ của mình. Âu cũng là phút bừng tâm, giác ngộ trong nhận thức tôi như đạo Phật đã dạy.

X.Đ

(Còn tiếp kỳ sau)

 

Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 328

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Quãng vắng quạnh quẽ

20 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tâm sự với anh; Hồn nhiên lính trẻ

23/12/2024 lúc 16:53

Tâm sự với anhGửi tặng vợ các liệt sĩ hy sinh ở Rào Trăng và Đoàn KTQP 337Con bây giờ đã khôn

Mùa xuân và người lính đảo; Bên hàng mộ vô danh

23/12/2024 lúc 16:51

Mùa xuân và người lính đảo Mùa xuân này ta lại phải xa nhauHai nửa nhớ thương chia đôi nhiệm vụAnh vẫn biết nhiều đêm không

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground