Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nửa đêm thức dậy (kỳ 2)

XUÂN ĐỨC (di cảo)
...

Cái mà vợ con tôi có, có đến mức thừa thãi, có đến nỗi đã bao nhiêu lần muốn trút bỏ hoặc san bớt cho người khác, nhưng không sao san được, đấy là nỗi cơ cực.

Gặp nhau rồi cùng công tác trong độ tuyên văn Bộ chỉ huy Vĩnh Linh. Tôi viết, vợ tôi diễn, dĩ nhiên là cả tôi cùng diễn, hết trận địa này đến mặt trận khác, từ hầm bán âm dương xuống tận dưới lòng địa đạo. Lang thang, lăn lóc trên đường chiến lược lên tận mặt trận B5, lại cùng vượt sông Hiền lương, âm thầm lội qua mênh mông cát trắng vùng hàng rào điện tử Mác na ma ra, vợ tôi nằm ngoài cao điểm 31 Gio Mỹ bắc loa gọi vào bên trong, vừa nói vừa hát để làm binh vận, tôi bám theo tiểu đoàn 47 (tiểu đoàn cũ của tôi) vào tận Hoàng Hà - Lâm Xuân phía bắc sông Cửa Việt cùng chiến đấu và ghi chép. (Tôi có ghi lại sự kiện này trong bài Những dòng anh chưa viết để kể về sự hy sinh của hai nhà báo quân đội Hồ Thừa và Hồng Nhu)...

Nhà văn Xuân Đức cùng vợ con lúc còn trẻ

Nhà văn Xuân Đức cùng vợ con lúc còn trẻ

Cuối năm 1969, chúng tôi cưới nhau. Tháng 1 năm 1970 tôi được điều động ra đoàn văn công Quân khu 4 để làm cán bộ sáng tác. Vợ tôi có mang đứa con đầu. Đến tháng 7, sinh con. Sau đó phải xuất ngũ về địa phương... Bắt đầu cuộc sống xa cách, vợ tôi bắt đầu một cuộc vật lộn mới một mình với nhà cửa, ruộng nương, nuôi con, nuôi mẹ và sau này là nuôi bố chồng...

Tôi có thể kể về những ngày tháng ấy bằng một cuốn sách không dưới nghìn trang. Nhưng đó sẽ là một cuốn sách khác chứ không phải ở tập sách này.

Có những cuốn sách sợ rằng suốt đời sẽ không viết ra nổi, bởi vì cây bút ngập lụt trước thực tế, người viết ngập chìm trước kỷ niệm.

Tư duy nhà văn thường cố tình tách cuộc sống ra thành từng vấn đề. Trong mỗi vấn đề lại tách ra từng ý...

Ở trường viết văn trẻ Quảng Bá, tôi học khóa V, cụ Nguyễn Công Hoan có một cách giảng bài độc đáo. Không như các cụ khác. Nguyễn Công Hoan không chuẩn bị cho mình một bài giảng nào để đọc. Trước ngày có ghi lịch nhà văn Nguyễn Công Hoan đến lớp, thầy Nguyễn Xuân Sanh thông báo: Nhà văn cần các câu hỏi của học viên, sau đó lên lớp chỉ để trả lời. Chúng tôi, mỗi người đều gửi lên giáo vụ vài ba câu hỏi.

Nguyễn Công Hoan đứng trên bục giảng, dáng người cao to, ông đứng nghiêng nghiêng, mắt nheo nheo đọc từng câu hỏi của đám chúng tôi ghi trên từng mẩu giấy nhỏ.

Có một câu hỏi: - Làm thế nào để cho một truyện ngắn được viết thật cô đọng, súc tích.

- Mỗi truyện ngắn chỉ nên viết về một ý nào đó thôi.

- Thưa thầy, một bạn viết trẻ đứng lên, có lẽ bạn ấy chính là người đã đặt ra câu hỏi, thưa thầy, nhưng nếu em có một cốt truyện mà trong đó có đến hai ý cần phải nói, thì làm thế nào?

Nguyễn Công Hoan trả lời gần như không một thoáng đắn đo:

- Thì nên viết thành hai truyện.

Có lẽ tôi sẽ viết khoảng một triệu truyện ngắn về vợ tôi.

*

*    *

Từ cái buổi phải sống xa nhau, tôi là người chia thành hai mảnh, một mảnh dán lại với trách nhiệm công tác, một về dầm mình vào bùn đất với vợ con.

Là nói vậy, nhưng không phải ngay từ đầu đã như vậy.

Giai đoạn mới ra đoàn văn công Quân khu 4, mặc dù cũng có đôi ba lần kết hợp đi thực tế sáng tác, ghé về thăm gia đình, nhưng hầu như toàn bộ tâm trí tôi đều hút hết vào việc của đoàn. Sau này tôi mới biết, đấy là thời kỳ phẫn uất nhất của vợ tôi. Bảy năm tôi bám chặt lấy đoàn, vợ tôi bám chặt vào đồng ruộng - Bảy năm trôi qua, cả hai chúng tôi vật lộn trong một miệng hố hình tròn của sự túng quẫn, kết quả cho cả hai là hai vòng tròn đen kịt. Bảy năm, tôi viết ít nhất cũng đến ba bốn chục tác phẩm từ lớn đến nhỏ, kể từ một bài vè, bài tấu nói, bài thơ ngâm trên sân khấu trở lên, mà kết quả chẳng thành người. Vợ tôi, càng làm ruộng càng đói, có cất lên được một ngôi nhà gỗ, thì đến một đêm gió lào năm 1979 đã cháy rụi thành than. Bỗng đến một ngày, y như là sự giác ngộ nói trong kinh Phật, nhưng là sự giác ngộ thụt lùi, tôi đùng đùng vứt bỏ tất cả sự nghiệp, vứt hết mọi niềm tin và ý chí làm nghề, không cần đến cả quyết định xuất ngũ của Cục Chính trị Quân khu 4, tôi về. Câu chuyện này tôi sẽ trở lại kể ở mục sau.

Là để nói rằng, cuộc đời tôi được chia làm hai mảng, dán về hai nơi chính là từ giờ phút “đào ngũ” này.

Tôi về nhà, lặng im không giải thích gì với vợ. Nằm thừ ra một ngày như kẻ tu tâm, niệm Phật, rồi sáng hôm sau vác cuốc ra ruộng. Ba ngày, năm ngày trôi qua... Rồi nửa tháng, một tháng. Với chiếc quần cộc, mảnh áo cụt, mặt, tóc và chân tay lúc nào cũng lốm đốm đất bùn... Vợ tôi bắt đầu cảm thấy, bắt đầu lờ mờ hiểu rằng cuộc về này của tôi có cái gì đó ghê gớm hơn, chắc chắn không phải là về phép hay đi thực tế ghé tạt qua nhà...

Rồi đến một đêm, hai đứa cùng đi tát nước trộm. Sở dĩ gọi là tát nước trộm, bởi trời hạn hán, nước thủy nông không đủ tưới, người ta phải phân phối và quản lý ngặt nghèo. Khi cần cấp nước cho những thửa ruộng dưới xa thì các chân ruộng trên không được quyền lấy nước. Thế nên, đêm đến, chờ thật khuya, vợ chồng đi tát trộm.

Tát lấy, tát để, tát một mạch dài, đến lúc mặt ruộng loang loáng đều vệt nước thì dừng tay nghỉ. Cả hai chúng tôi đều hút thuốc, loại thuốc rê tự trồng nặng mùi và khét lẹt.

Ngồi lâu, có lẽ rất lâu, vợ tôi đột nhiên thì thầm hỏi:

- Hơn một tháng rồi... không thấy anh viết gì cả... Anh không viết nữa à?

Tôi khẽ thở dài, không nói. Không nói không phải vì không muốn trả lời vợ. Việc tôi quyết định vứt bút là cả một nỗi niềm dài, không thể nói một lúc mà vợ hiểu được.

Với bạn đọc cũng vậy, xin đành nói kỹ hơn ở đoạn sau.

Là nói để nói rằng, việc tôi quay trở lại quân ngũ, lại cầm bút và bắt đầu những thành công, có thể được tính từ khi câu hỏi rụt rè, sợ hãi của vợ tôi buột ra trong cái đêm đi tát nước trộm ấy. Đêm ấy về tôi không sao ngủ được, và bên tôi, hình như vợ tôi cũng không ngủ. Sau đó chừng mười ngày nữa thì đột ngột có đoàn xe Quân khu 4 vào và quan trọng hơn là họ mang theo lá thư của anh Đào Hồng Cẩm từ ngoài Tổng cục Chính trị chuyển vào. Đó là cú quyết định cho việc tôi quay lại và cũng xin để kể ở phần sau.

Khi một cuốn tiểu thuyết được viết và in ra, đến tay bạn đọc, những người ái mộ tôi thường đặt ra cho tôi ba câu hỏi.

- Này... cái nhân vật ông viết chắc là chuyện thật chứ? Chính thằng ấy (Tức là nhân vật) từng sống với tôi đấy, tôi biết rất rõ về hắn.

- Này... vẫn biết nghề văn các ông là hư cấu, nhưng có lẽ chuyện ông viết cũng có căn cứ sự thực nào đó chứ?

- Ông khá thiệt đó, bốc phét đến thế là cùng. Mình phục cái tài bịa của ông đấy. Nhưng mà này... ông lấy mấy cái trò ấy ở đâu ra để bịa giỏi thế?

Ba câu hỏi phản ánh ba cấp độ thành công khác nhau của ba cuốn sách khác nhau.

Một cuốn sách hay có thể khiến người đọc tin một trăm phần trăm vào câu chuyện trong sách.

Một cuốn sách hay cũng có thể khiến cho người đọc nhận ra tài năng nghề nghiệp đầy thuyết phục của tác giả. Truyện viễn tưởng, truyện cổ tích cũng hay theo kiểu này.

Trong lịch sử sân khấu có hai trường phái, hai quan điểm thể hiện nghệ thuật khác nhau như mặt trăng mặt trời. Một bên là ông Stanhilápski, người Nga, cho rằng sân khấu phải làm sao khiến người xem có một ảo giác ngỡ như đang sống trên đời thật, cùng đau buồn, cùng thổn thức, cùng căm hận với nhân vật. Một bên là ông BectônBrếch, người Đức thì cho rằng, sân khấu là nơi để lý giải một vấn đề. Người xem chẳng đến nỗi ngốc nghếch gì mà bị lừa. Người ta đến để xem anh lý giải cuộc sống thế nào còn tự bản thân người ta chẳng thiếu gì cảm xúc đời sống mà phải nhờ cậy ở anh...

Hai ông ấy đều là những ông lớn.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi là toàn bộ cuộc đời tôi, toàn bộ cuộc sống có thật mà tôi đã tự mình trải qua. Trong đó có nhân vật tôi viết từ nguyên mẫu bố tôi. Một nhân vật khác nguyên mẫu là vợ tôi. Bạn bè, họ hàng tôi, ai đọc vào cũng đều nhận ra. Họ nói ngay, ông ấy... tức là ông bố của cậu ta đấy. Cô ấy... thì rõ là nó viết về vợ.

Cuốn tiểu thuyết đã có thành công không chối cãi được, vì ngay khi mới in xong tập một, đã được tặng giải thưởng sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam

Có thể nói bây giờ đọc lại, người ta lại thấy có nhiều chỗ chưa ổn. Vẫn chưa thật văn. Dựng chuyện, kể chuyện chưa thật hợp lý. Gần đây, khi mổ xẻ về văn học một thời đã qua cũng có người cảm thấy hình như hỏng cả, hình như nặng về chất hùng ca mà không đào bới được tận cùng của sự đau đớn, mất mát hoặc sự heo hút của số phận cá nhân... Và có vẻ như để bù lại cho sự khiếm khuyết ấy, người ta đua nhau rạch da, xé thịt.

Riêng tôi không cho là như vậy. Nếu có gì đó đáng tiếc cho sáng tác đầu tay của mình, với tôi thì đó là điều tôi đã cả gan lấy bố và vợ tôi làm nguyên mẫu. Bởi vì tôi đã nhầm. Tôi sẽ không bao giờ viết thật đúng về họ cả.

Họ: Bố, vợ và những người thân yêu nhất của tôi, bằng cuộc sống vật lộn vĩ đại của mình họ chỉ có thể cho tôi những ý, những tứ, những chi tiết thật để tôi tạo dựng ra nhân vật theo mong muốn của tôi. Mà nếu tuân theo cách dạy nghề của cụ Nguyễn Công Hoan thì tôi sẽ viết hàng trăm, hàng ngàn truyện khác nhau về cuộc sống của họ. Nhưng họ, không phải là con số cộng của hàng ngàn câu chuyện đó.

*

*   *

Tôi ở trại Viết văn Tổng cục Chính trị từ cuối năm 1976 đến năm 1979, sau đó lại cùng cả trại nhập học vào khóa I Trường viết văn Nguyễn Du. Đấy là thời kỳ một thân đôi mảnh mà tôi vừa nói ở trên.

Lúc thì lấy cớ phải đi thực tế, lúc thì báo thẳng lý do xin về vì vợ ốm con đau, lúc lại chuồn không ai biết. Tôi cứ như một con thoi khi Vĩnh Linh, lúc Hà Nội. Bài vở kiến thức thầy giảng thì lào phào câu được câu mất, những ngày gieo mạ, những tháng gặt đập ruộng quê lại nhớ như in trong đầu. Cứ ở trường vài chục ngày lại ở nhà ngót nghét một tháng. Đó là chưa kể ngay lúc ở trường thì cũng như chiếc bóng, sáng la hét vài câu để mọi người biết mình có mặt, rồi biến luôn, hôm thì đi làm thuê băm giẻ rách cho các bà chủ làm bông tái sinh, lúc chui về dưới đồng Thường Tín quay nu làm len giả từ sợi dây hóa học. Buôn pháo trong Bình Đà ra, lấy cao hổ cốt từ thầy giáo vụ chuyển về tận Vĩnh Linh, lại thồ tiêu, lốp xe đạp Thái Lan ra Bắc bán.

Làm ruộng, buôn vặt, lên rừng chặt cây tươi, đào rễ khô về làm củi, vợ chồng o nhau hơn vài chục cây số đường rừng cắt tranh về lợp nhà...

Một vợ ba con, rồi bốn con, năm con. Lại mẹ già bên vợ và bố già bên chồng. Làm ruộng thời đó (thời chưa đổi mới ấy) có thu nhập đến lạ kỳ. Vợ tôi nhận bảy sào ruộng, làm đủ sản lượng nạp cho hợp tác, được tính trả công cả vụ là 20 kg thóc. Nhưng không làm không được trả lại ruộng. Hợp tác xã không cho, không phải như bây giờ đây dành nhau từng thước.

Thằng con trai đầu của tôi, mới lên bảy tuổi đã cầm càng xe ba gác cùng mẹ nó lên rừng kiếm củi. Ra đi khi chưa tỏ mặt người. Quay về cũng không còn nhìn rõ mặt. Nó cầm càng thì tay quá yếu, đường rừng không bẻ nổi chiếc xe nặng, nhiều lần xe trượt suýt đè lên người. Nó đẩy sau xe thì đuối sức, chẳng giúp được mẹ. Bụng đói, chân quỵ. Có lần mẹ nó đang kéo bỗng quay lại nhìn, thấy mặt con tái ngắt, cả thân người run lên...

Con gái tôi lên bốn tuổi đã phải bế em. Nó bế em nhỏ, em lớn đến vẹo cả sườn. Năm mười ba tuổi, nó tha thiết muốn đi học âm nhạc. Ngày con gái vào Huế thì đứa em chưa đầy một tuổi của nó bị sốt cao đột ngột đến mức ngỡ như không thể cứu chữa được. Vợ chồng tôi đưa con vào viện cấp cứu suốt một ngày một đêm con mới tỉnh lại. Con gái tôi mới mười ba tuổi, lần đầu tiên rời làng vào Huế một mình chỉ bằng một mảnh giấy do tôi vẽ đường. Thế mà nó vẫn tìm được vào tận trường, sau đó lại tìm về được nhà chị gái tôi. Giờ nghĩ lại, cả con lẫn tôi đều lạnh gáy.

Sinh thời, Nguyễn Minh Châu nói với tôi:

- Làm văn không phải là người thợ đục đẽo theo mực thước. Làm văn là làm con mọt. Con mọt lầm lũi, lặn mình vào trong thân gỗ, gặm dần từng tý từng tý... Quan trọng ở điều này, chỗ nào mềm gặm được thì gặm, chỗ nào cứng bỏ đi.

Thành ra, tác phẩm của sáng tạo cũng gần như tác phẩm của thiên nhiên. Đường rỗng do mọt đục nó ngoằn ngoèo, dị dạng. Cũng như mạch nước ngầm trong hang động, xói mòn nghìn năm cho ra những kỳ quan kinh ngạc trong lòng núi...

Vậy thì cái gọi là chủ đề, tư tưởng, định hướng, bố cục trong nghề viết văn có hay không có, nó ở chỗ nào?

Định hướng bất di bất dịch của đời tôi, vợ và các con tôi là dù cơ cực khốn cùng đến mấy cũng phải vực dậy, không thể khuất phục hoàn cảnh, phải đứng vững và đi lên.

Tư tưởng của chúng tôi là phải tự mình, không cậy thế ai, không quỵ lụy ai, không ăn cắp ăn cướp của ai, lấy thực chất sinh tồn làm trọng, không hư danh, phù phiếm.

Khi căn nhà tôi bốc cháy, gió Lào thổi cấp sáu, cấp bảy, vì có lửa lớn nên gió xoáy vào có lẽ phải đến cấp tám. Từng mảng tranh lợp bứt ra mang theo từng khối lửa bay vèo vèo. Mẹ vợ tôi già cả. May mắn lắm bế được đứa cháu trong nôi chạy ra ngoài. Con trai đầu và con gái thứ cũng chạy thoát được với độc nhất chiếc quần lót trên người. Hai vợ chồng tôi cắn răng giật từng mái tranh nơi cầu nối giữa nhà bếp với nhà trên với hy vọng cắt đôi ngọn lửa. Thật là vô nghĩa. Làng xóm đổ dồn đến nhưng chỉ để đứng nhìn, rồi sau đó họ bủa ra chạy cấp cứu những nhà hàng xóm.

Không còn một chút gì trong nhà không biến thành than. Cả cái chuồng bồ câu ở ngoài góc sân cũng bị trùm lửa. Bồ câu hoảng loạn bay ra, nhưng chỉ duy nhất một con thoát nạn còn lại đều bị nướng chín.

Nhưng hai vợ chồng tôi không khóc. Tôi ôm chặt lấy vai vợ, cố gằn từng tiếng: Đừng khóc... Ta sẽ làm lại... Không chết đâu...

Cuối cùng, vợ tôi có khóc. Nhưng khóc vì một lý do khác. Chiều hôm trước, khi tôi từ ngoài Quân khu 4 vào có mang về được một ăng-gô đường cát. Lâu lắm nhà mới có đường. Con trai tôi đòi ăn. Nhưng vì đang lúc ăn cơm không muốn con bỏ bữa, hơn nữa cũng muốn dạy cho con biết từ tốn trong ăn uống nên vợ tôi nghiêm mặt:

- Không được vòi đường. Ăn cơm cho no đã, sáng mai mạ cho ăn đường.

Có ai ngờ được sự thể như vậy. Quá nửa đêm, căn nhà bốc cháy. Khi tất cả cơ ngơi chỉ còn là một khối than hồng hừng hực hơi nóng, thằng con trai bất ngờ hỏi nhỏ mẹ:

- Mạ ơi, cái gô đường của ba còn không?

Thế là vợ tôi òa lên khóc.

Văn học là hiện thân của cuộc sống. Cuộc sống dĩ nhiên phải có đích. Cuộc sống cần nhất là sự định hướng. Nhưng không có cuộc sống nào là được vạch sẵn. Có câu “Bảy mươi chưa hết chữ ngờ”. Vậy thì một tác phẩm nghệ thuật phản ảnh hiện thực đời sống cũng không sao vạch trước được mọi đường đi, nước bước. Nhà văn cũng không lường hết được chữ “ngờ”.

Thế nên Nguyễn Minh Châu đã nói đúng.

X.Đ

(Còn tiếp kỳ sau)

Nửa đêm thức dậy (kỳ 1)

Xuân Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 328

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground