Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nửa đêm thức dậy (kỳ 3)

(Kỳ 3)
...
III. Thầy trò và bè bạn
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà
(Hàn Mặc Tử)

Mở đầu bộ hồi ký của mình, Nguyên soái kiệt xuất Liên Xô G.K. Giucov viết: Con người ta khi về già khó mà nhớ hết những gì xảy ra trong đời. Có nhớ chăng chỉ là những điều không thể nào quên được.

Một kiếp sống, bao nhiêu sự đời trôi qua nhãn tiền, ai đủ đa mang ôm hết vào lòng, ai lại đi nhọc công viết hết chuyện trần gian lên trang giấy. Có viết là viết những điều không thể không thốt ra.

Có cuốn sách được viết trong ồn ào náo động. Đọc nó nghe như lẫn cả tiếng rao hàng ở chợ, tiếng va chạm của cốc chén và sằng sặc cười đùa trong bữa tiệc say.

Có trang sách viết trong hiu hắt, quạnh cô. Con chữ liêu xiêu như chiếc bóng. Thường thì những dòng chữ ấy là hậu quả của bữa tiệc tràn trề trên kia.

Thơ của một bạn thơ viết: Đời như tiệc, tiệc tàn li cốc đổ...

Nhà văn Xuân Đức (thứ 5 từ trái sang) đi thực tế cùng phân hội Sân khấu Quảng Trị năm 2018 - Ảnh: H.C.D

Nhà văn Xuân Đức (thứ 5 từ trái sang) đi thực tế cùng phân hội Sân khấu Quảng Trị năm 2018 - Ảnh: H.C.D

*

*   *

Trang sách này được viết trong thinh lặng. Thế gian còn đang mê mệt ngủ. Tôi lật khẽ trang giấy, rất khẽ như rón rén mở cánh cửa phòng riêng, sợ rằng tiếng cót két nơi bản lề làm tỉnh giấc thiên hạ.

Tôi không muốn động chạm đến ai. Không muốn bất cứ ai biết tôi đang thức. Không muốn động đến ai, hình như đó không phải là một đức tính tốt. Tôi chẳng phải là kẻ vô vi, cho dù vô vi theo nghĩa Phật hay theo nghĩa Lão.

Viết, thực chất là một cuộc đối thoại. Khi muốn đối thoại ra mồm, người ta phải chạy ra nơi đám đông, phải tìm cách xáp mặt với ai đó. Còn khi đối thoại trên trang giấy, người ta lại phải chúi vào phòng, hoặc như tôi giờ này đây, nửa đêm với mênh mông thinh lặng. Không ai dám chắc lời đối thoại nào có giá trị hơn lời đối thoại nào.

Thiền sư Không Lộ viết: :

Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư

(Có lúc trèo lên đầu chót đỉnh

Kêu dài một tiếng lạnh hư vô)

Tôi, thậm chí đến kêu dài một tiếng, cũng không dám vì sợ mất giấc ngủ say của bao người. Nghĩ âm thầm và âm thầm viết.

Âm thầm như thể nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Bố tôi dặn tôi sống phải ghi nhớ hai điều. Ơn sinh thành và đức giáo huấn. Cả hai với tôi có vẻ như không trọn được bề nào.

Sinh ra tôi chỉ có một bố và một mẹ, thế mà một chữ hiếu sinh tôi trả chẳng đầy. Huống chi nuôi tôi lớn khôn là cả một vùng quê cơ cực mà thơm thảo, dạy tôi nên người là lớp lớp những thầy và bát ngát bạn bè tôi.

Lại đôi khi, người thật sự là thầy tôi, đã không còn cho tôi tạ nghĩa, hoặc vẫn còn nhưng đang đâu đó giữa thái cực mông lung. Còn người quanh tôi, luôn bảo rằng thầy tôi, đông lắm, khiến tôi loay hoay suốt mười hai tháng không biết làm sao cho khỏi phạm lỗi với người ta. Bạn bè cũng vậy. Tôi là người hay chịu tiếng mang lời.

Người thầy thực sự đối với trò mình, là lượng tha chín phần kém cỏi, khen lấy một phần tốt đẹp nhất của trò.

Bạn bè tri âm thực sự cũng vậy, đừng chấp nệ chín điều sai trái, hãy tin ở một điều làm được của bạn mình.

Sợ rằng những dòng viết này rồi thì thầy xa không đọc được, thầy quanh tôi lại nhíu mày khó chịu: Thằng này hỏng, dạy mãi chẳng nên người.

Sợ rằng bạn tri âm không thấu được lòng mình, còn bạn quanh mình sẽ bô bô nơi quán rượu: Thằng này rồi sẽ chẳng ra sao!

Cổ thi có câu:

Sắc tài thiên hạ hữu

Tri kỷ thế gian vô

Thiền ngữ (của Thiền sư Tri Bảo) cũng có câu:

Tương thức mãn thiên hạ

Tri âm năng kỷ nhân

Cả hai đều có nghĩa là, người tài trong thiên hạ chẳng thiếu gì, quen biết họ cũng chẳng khó. Nhưng có được một bạn tri âm, tri kỷ hiếm lắm thay.

*

*   *

Trước tôi có hàng trăm người viết văn. Ngang lứa tôi dễ đến ngàn người. Còn sau tôi một bước và sau này nhiều bước nữa nói không chừng phải đến hàng triệu. Một dân tộc không phải đông dân lắm mà ví thử có khoảng một triệu nhà văn, phúc hay họa đây?

Hình như bây giờ các bạn trẻ cầm bút không có ý niệm về thầy (là tôi nói thầy của nghề văn). Tôi thì có.

Người xưa nói: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Theo nghĩa câu ấy thì dĩ nhiên đời ta có quá nhiều thầy. Vả lại tục ngữ có câu: “Đi đội đàng học sàng khôn”. Theo nghĩa ấy cuộc sống là thầy, nhân dân là thầy. Mà nhân dân và cuộc sống thì trập trùng như biển cả. Thế nên ai đó đã từng nói cuộc đời là một trường đại học lớn. Dạo bắt đầu cuộc chiến tranh, tôi chưa kịp tốt nghiệp phổ thông thì đã vang lên khẩu hiệu: Quân đội là trường đại học bách khoa. Đứng về ý nghĩa cuộc sống, định nghĩa đó không sai chút nào. Tuy vậy, sau mười lăm năm cầm súng, tôi bắt buộc phải vào trường đại học. Nguyên nhân thật đơn giản. Ở quân đội năm ấy đang có sự thay đổi chính sách. Người ta bắt đầu xét cho chuyển những sĩ quan chuyên nghiệp như tôi (loại sĩ quan không số lúc nào cũng ngang đến vạch chuẩn úy là tịt đường) sang sỹ quan thường trực, sỹ quan có số và có thể thăng hàm lên cao hơn. Muốn chuyển đổi được phải có bằng đại học...

Bạn thấy chưa, đến đây rõ ràng khái niệm thầy, trò, khái niệm có học, vô học, khái niệm đại học hay không đại học phải được định nghĩa lại. Đã học thì phải thi vào trường học chứ không thể đi một đội đàng, đã thầy thì phải đứng trên bục giảng. Và không có chuyện đại học cuộc đời. Đại học đồng nghĩa với tấm bằng.

Một bậc tiền bối trong làng văn, hễ có dịp gặp chúng tôi là kêu lên với một giọng vừa cảm thông, vừa trách móc: Các bạn thiếu học lắm... Không thể trách gì các bạn được... nhưng tôi thành tâm khuyên các bạn cần phải học, học nhiều nữa...

Các anh không trách gì chúng tôi, nhưng chúng tôi lại tự trách mình. Chúng tôi loay hoay mãi cái sự học, nhưng biết làm sao đây?

Thơ bạn tôi viết:

... Chúng tôi còn biết xoay xở ra sao

Gạo chỉ mang đủ mười ngày còn dành mang đạn

Còn mang súng

Còn mang thuốc

Còn mang nhau...

Mang bao nhiêu tai biến dọc đường

Một cuốn sách nặng bằng năm viên đạn

Chúng tôi dành mang đạn trước tiên

Không có sách, chúng tôi làm ra sách

Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình...

Tôi biết bạn tôi không có ý phân trần, không hề bảo thủ, mà chỉ loay hoay, lúng túng. Cả một lứa chúng tôi lúng túng, loay hoay với cái sự học hành. Và tôi, cũng bắt chước bạn đành kêu lên với trời, chúng tôi còn biết xoay xở ra sao!

Đành vậy, không có sách chúng tôi làm ra sách. Và những dòng rụt rè đêm nay tôi tự ghi lấy cuộc đời mình.

*

*   *

Trong số rất nhiều những người thầy của tôi, hiểu theo nghĩa “Nhất tự vi sư” ấy, có một người mà cuộc đời, sự nghiệp, kinh nghiệm, cách sống và kể cả sự nâng đỡ cụ thể nữa của ông đã thực sự hình thành nên nhân cách, bản lĩnh và định hướng nghề nghiệp cho tôi. Đấy là nhà văn, nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm.

Người thầy dạy nghề không nhất thiết phải là người có thang bậc nghề ở cấp thượng thặng, tuyệt chiêu. Đôi khi cũng không nhất thiết người đó phải trực tiếp dạy dỗ, truyền nghề cho mình. Tôi đã từng bắt gặp không ít một số bạn trẻ sáng tác nhạc đã dán ảnh Beethoven lên đầu giường. Lại cũng có nhiều họa sĩ trẻ thờ ảnh Picatxo hay Leonadovanxi. Chẳng có gì phải nghi ngờ về thiên tài của các bậc khổng lồ ấy cả. Có nghi ngờ chăng là có thật các bạn trẻ ấy là môn đệ của các cụ kia không?

Người thầy, trước hết phải là người có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thiên hướng sáng tác của mình. Sự ảnh hưởng ấy không phải bắt nguồn từ sự kính nể, thán phục, mà chính là sự bắt gặp, đồng điệu của hai tâm hồn, hai trái tim. Muốn làm thầy, hoặc muốn tôn người ta làm thầy trước hết phải kết được thành bạn.

Ít ra trong đời làm nghề (cả nghề văn lẫn nghề sân khấu) tôi cũng có chừng dăm người gọi tôi là thầy.

Có trường hợp, người đó cả đời chưa từng viết kịch, chưa có chút ý niệm gì về cấu trúc một kịch bản. Anh ta mang đến cho tôi một ao ước, một ý tưởng và một cốt truyện. Trong một buổi tối hàn huyên tôi đã “xào nấu” giúp anh. Chỉ xào nấu để thành ra một bố cục thôi, chứ về sau anh tự viết lấy. Anh ta viết hay đến mức tôi không ngờ được. Đây là một tài năng. Chẳng qua lúc khởi đầu, anh chưa từng biết đến mẹo mực, ngón nghề. Sau cái bậc cửa đầu tiên ấy, anh thành tác giả. Nghĩa thầy trò đến đó chấm hết. Chúng tôi thành bạn của nhau, thỉnh thoảng cũng đả kích chọc quê nhau....

Một anh khác, cũng như anh bạn kể trên, nhưng thiếu tài. Một lần  “xào nấu” bố cục vẫn chưa đủ. Hai lần vẫn không thành. Người thiếu tài thì lại lắm khát vọng. Anh ta cần thành danh càng sớm càng tốt, mà tôi cũng sốt ruột muốn nhanh chóng khẳng định vị thế làm thầy của mình. Cho nên đến lần thứ ba, sau khi tôi tạo dựng ra cốt truyện giúp anh, lại bố cục chi tiết thành từng màn, từng lớp, rồi hai đứa tình nguyện thức với nhau trọn đêm, tôi đọc từng câu cho anh ta chép... Kết quả thầy chẳng ra thầy, trò chẳng ra trò và tác phẩm lại không thành tác phẩm. Sau lần ấy chúng tôi chia tay. Điều đáng tiếc thêm là, bỗng dưng một thời gian sau tôi thấy anh nổi tiếng, tác phẩm ra ầm ầm, đơn đặt hàng tới tấp... Hình như anh còn trở thành thầy hướng dẫn cho vài bạn trẻ khác nữa. Chỉ có điều, bằng hàng loạt cái đã có, anh vẫn chưa thành tác giả. Tôi có lỗi gì trong chuyện này không?

Lại một trường hợp khác, người tìm đến tôi mang theo một mẫu chuyện nhỏ, vặt vãnh, chẳng nói lên được điều gì. Nhưng ước mơ thì to lớn. Chưa chi tôi đã thấy nản, có cảm giác như đang cầm trong tay một hạt đậu lép giữa buổi trưa khô hạn với cồn cát cháy khét cỏ lau. Tự lượng thấy không đủ kiên nhẫn làm thầy, tôi đành làm thợ. Tự mình bài binh bố trận rồi tự mình viết một mạch ra thành tác phẩm. Ơn trời cũng dùng tạm được. Nhưng đến khi thành công rồi thì ơn đầu chẳng thấy oán lại đổ lên đầu. Anh ta nói với thiên hạ rằng. Ông ấy (tức là tôi) còn thiếu gì những thành công nữa mà lại dán tên mình bên cạnh tên anh ta vào cái tác phẩm này, lẽ ra ông ta nên công bố với mọi người rằng mình tuyệt nhiên không hề dây chút gì vào tác phẩm ấy. Anh ta cần cái danh trọn vẹn!

Vấn đề ở chỗ, sau cái đó, anh ấy chẳng thể có thêm cái gì nữa. Giá như có, hẳn anh ta chẳng cần tựa vào cái cũ làm gì để đến mức ôm hận oán tôi.

Chuyện này, có lẽ tôi có lỗi thật. Tôi làm thầy mà chẳng hiểu chút gì về điều mong muốn của trò. Một đêm nghĩ lại, tôi bỗng nghĩ đến người thầy của tôi: Nhà văn Đào Hồng Cẩm. Hóa ra tôi mới học được thầy tôi đôi chút kinh nghiệm viết lách mà chưa học được tý náo cái đạo lý làm thầy.

*

*   *

Giữa tôi và anh Đào Hồng Cẩm có một điều khó xử trong quan hệ sinh hoạt. Đó là cách xưng hô.

Chúng tôi gặp nhau lần đầu tại mặt trận B5 (Miền Tây Quảng Bình - Quảng Trị) vào năm 1966. Đây là năm mặt trận này được mở ra để kéo bọn Mỹ từ trong các vùng chiến thuật xa xôi ra đường Chín giáp mặt với miền Bắc tạo điều kiện cho các chiến trường phía trong nổi dậy. Đào Hồng Cẩm cùng đi thực tế chiến trường với nhạc sĩ Huy Du và nhà thơ Xuân Sách. Lúc đó ông là thiếu tá, còn tôi mới trung sĩ. Tuổi của ông trên tôi 20 tuổi. Nhưng chúng tôi là lính, lại gặp nhau ở chiến trường. Vì vậy tất cả bọn trẻ chúng tôi đều xưng em gọi anh. Nhiều năm sau anh về dưới đồng bằng Vĩnh Linh, sống cùng bọn tôi trong hầm, thương nhau như anh em ruột. Nhớ rằng lúc đó cái sống cái chết chỉ trong gang tấc nên tình đồng chí đồng đội, bạn bè sâu nặng lắm. Cả tôi và vợ tôi đều trở thành những đứa em gần như em kết nghĩa của anh.

Cho đến khi ra Hà Nội, tới thăm nhà riêng của Đào Hồng Cẩm, tôi mới biết con cả, con thứ của ông đều lớn tuổi hơn tôi. Tôi đâm ra ngọng miệng. Gọi con bằng anh chị, lại gọi bố mẹ cũng bằng chị, bằng anh...

Cuối cùng tôi lựa chọn cách xưng hô thế này. Ở bên đơn vị (Lúc đó Đào Hồng Cẩm là giám đốc Nhà hát nghệ thuật Quân đội) tôi xưng em gọi anh. Về chơi bên gia đình, tôi gọi thầy.

Nhưng nghe tôi gọi thầy, Đào Hồng Cẩm đã trừng mắt:

- Cậu hiểu thế nào về tiếng thầy? Anh hỏi tôi như vậy. Tôi trả lời rất đơn giản:

- Thì chính anh là người dạy em làm nghề...

Đào Hồng Cẩm “hừ” lên một tiếng rồi ngồi im lặng hồi lâu. Anh có dáng ngồi rất đáng sợ, Ai chưa quen thì thật sự không dám đến gần. Ngồi bệt, cả thân hình anh vừa to, vừa thô, hai tay chống xuống chiếu, cặp mắt long lanh phía trong mắt kính... Tôi còn nhớ một chuyện rất ngộ thế này. Cái năm còn đi thực tế ở Vĩnh Linh, một lần anh và tôi được xã Vĩnh Thủy đón về giúp tập luyện cho đội văn nghệ xã. Tôi viết một vở kịch nhỏ. Anh dàn dựng. Độ một tuần lễ, vở diễn hoàn thành. Chiều đó lãnh đạo xã tổ chức một bữa liên hoan chung cho cả đội văn nghệ, các thầy và tập thể lãnh đạo. Trời rất nóng. Đào Hồng Cẩm ngồi nghỉ tạm dưới một căn hầm. Khi cơm nước soạn sửa xong, ông chủ tịch mới bảo một cô dân quân trẻ đi qua hầm bên mời ông nhà văn. Cô gái được cử đi mừng lắm. Nên nhớ cái tên tuổi Đào Hồng Cẩm lúc ấy lừng lẫy vô cùng, ai có cớ tiếp xúc được với anh coi như là một vinh hạnh. Cô gái trẻ xăng xái chạy qua, ào xuống cửa hầm. Bỗng cô hét lên một tiếng thất thanh, nhào trở lui, mặt tái mét. Đừng quên rằng cô ấy là dân quân xã Vĩnh Thủy anh hùng, từng coi máy bay phản lực Mỹ như đồ giẻ rách. Ở trong hầm, ông nhà văn cũng không hiểu thế nào cả. Đến khi tôi chạy vội lại, nhìn xuống thì tôi hiểu. Cái dáng ngồi dữ tợn ấy của ông, ma quỷ cũng phải kinh...

Đào Hồng Cẩm ngồi đúng dáng ngồi như thế, cũng dữ dằn như thế, khi lần đầu tiên nghe tôi gọi bằng thầy. Rồi đột ngột anh chuyển giọng, vừa ấm cúng vừa xa xôi:

- Làm thầy... được gọi là thầy, ai chả thích. Nhưng tao không có nghề ấy. Tao chưa được học nghề ấy bao giờ...

- Thì có khác gì thầy giáo ở nhà trường đâu. Ở trường thầy dạy học trò làm văn làm toán. Ở đây thầy dạy bọn em cách hư cấu, cách bố cục, cách trau dồi chữ nghĩa...

- Mi nhầm (Đào Hồng Cẩm rất quen xưng hô bổ bả mi tau với bọn tôi). Thầy ở trường là mang cái đã biết dạy cho kẻ chưa biết. Mang đáp số đúng để giải cho học trò bài toán tìm đáp số. Cái gì thầy nói là đúng, vì cái đó thầy biết trước rồi hoặc đã có sách giải đáp số. Còn tao với mi, cái nghề văn bọn mình làm gì có đáp số sẵn. Cùng một chuyện, cùng một vấn đề, mỗi một người cầm bút sẽ tìm thấy một đáp số riêng. Cái tao nói chắc gì đã đúng. Nếu đúng chắc gì đã hay hơn cái đáp số do mi tìm ra. Đứng trước một vấn đề, mi lúng túng giải đáp không được nên phải tìm đến tao hỏi. Nhưng mi tưởng tất cả có sẵn trong đầu tao ư? Nếu có sẵn thế, tại sao tao không viết ầm ầm ra đi, tại sao tao vẫn như gà mắc tóc, rặn mãi không thành tác phẩm? Tóm lại, mi lần mò, tao cũng lần mò. Có khi chính mi mò được vàng còn tao thì nhặt phải hòn đá cuội...

Bỗng nhiên tôi thấy Đào Hồng Cẩm buồn. Một nét buồn cũng rất chi là dữ tợn. Phải nhiều năm sau nữa, tôi mới hiểu ra và thấm thía được cái nỗi buồn ấy của một nhà văn. Nỗi buồn không san sẻ cho ai được.

Thầy Đào Hồng Cẩm đã không còn nữa. Nhưng chính cái điều thầy tự thú nhận không thể làm thầy được ấy, giờ nghĩ lại tôi mới hay đó là đạo làm thầy đúng đắn nhất của nghề văn.

*

*   *

Làm thầy đã khó, làm trò cũng chẳng dễ dàng gì. Độ mươi năm lại đây bỗng dưng tôi phải làm trò quá nhiều người. Trò nói ở đây là học trò ở trường phổ thông. Tôi rời ghế nhà trường đã tròn 35 năm. Mà những năm cuối cùng ở tuổi đi học lại phải cảnh nhốn nháo khi quê tôi sắp sửa đối mặt với đại họa chiến tranh... Những ngày tháng ấy thú thực học hành cứ như cơm nguội. Đến chơi bời cũng chả thiết. Chỉ có những tốp bạn thật thân với nhau, và cũng chỉ có mấy thầy chủ nhiệm là thường cuyên gắn bó với học trò trong lớp, từng tốp nhỏ thầy trò như thế hay túm tụm với nhau. Những năm ấy, câu chuyện bạn bè, thầy trò thường già hơn lứa tuổi. Chúng tôi linh cảm thấy sự chia li và thảm họa. Chúng tôi bàn nhiều đến lý tưởng, lẽ sống và nhiều điều xa xôi, cao cả của cuộc sống chiến tranh.

Thế nên giờ đây, có một số hình ảnh thầy và bạn thì tôi nhớ rất sâu, nhớ tường tận từng bước chân lặng lẽ buông trên phố nhỏ thị trấn, nhớ bàn tay thầy chủ nhiệm khẽ khàng áp lên vai tôi... Nhưng lại quên đi rất nhiều. Tóm lại cái diện rộng, diện đông, với những người ít thân, ít chơi thì hầu như không nhớ... Tôi có lỗi trong chuyện này không?

- Thằng ấy là học trò mình đấy... Thằng ấy... mình dạy nó đấy... Thằng ấy... đại loại như vậy. Rồi bạn bè nữa. Thằng ấy cùng học với tao đấy, nó học 8A tao 8E... thế mà làm vẻ không nhớ, đồ đểu... tao là đếch gì cái thằng ấy... thế mà... vân vân...

May mắn thay tôi có rất nhiều thầy, nhiều bạn. Tôi biết làm sao đây. Cách ứng xử thỏa đáng nhất là cười thật tươi: Em vẫn nhớ chứ, chỉ có điều hơi... quên tên một tẹo thôi... Ồ, mình làm sao quên được bạn chỉ có điều...

Rồi sau đó lén lút hỏi khẽ ai đó: Ông ấy tên là gì ấy nhỉ?

Người xưa nói: Giàu vì bạn, sang vì vợ. Thế mà tôi được cả hai. Nhưng chợt giật mình lo xa, cái sự giàu này không biết được bao lâu nữa. Biết đâu đến lúc nào đó, muốn nhận là trò người ta, muốn xưng là bạn người ta, chẳng ai thèm cho nhận.

Nhớ bài thơ của một bạn gái trẻ. Đây là một tác giả trẻ chưa hề có tên tuổi gì trong làng văn. Thơ viết thế này không biết có nên gọi là thơ trẻ nữa không?

... Bỗng sợ một mai nằm xuống

Đìu hiu nắm đất nghĩa trang

Ngọt nhạt muôn lời tống tiễn

Biết đâu thật giả trần gian

...

X.Đ

XUÂN ĐỨC (di cảo)
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 330

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

5 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground