Những lời trên là phát biểu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên sóng Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. Ngay sau đó ông đã hát ca khúc Nối vòng tay lớn như một hoan ca và gửi gắm thông điệp về một Việt Nam thống nhất.

Các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài cùng thể hiện ca khúc Nối vòng tay lớn trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Khúc ca hòa bình tại Quảng Trị năm 2024
Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
Sau 21 năm đất nước bị chia cắt đôi miền, từ giờ phút ấy non sông đã liền một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà. Sự kiện này cũng chấm dứt quá trình các cường quốc thế giới can thiệp quân sự vào Việt Nam trong suốt hơn một thế kỷ (tính từ khi Pháp nổ súng xâm lược nước ta năm 1858). Chiến thắng đó không chỉ là nghị lực ý chí của quân và dân, mà còn là thành quả của khát vọng hòa bình, tự do đã hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc.
Từ đây, lịch sử Việt Nam mở ra kỷ nguyên mới của độc lập, thống nhất và vững tin xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Tuy nhiên, buổi đầu hòa bình còn muôn vàn khó khăn, chiến tranh kéo dài khiến cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, nền kinh tế kiệt quệ. Thêm vào đó, là một nguyên nhân chủ quan thuộc về đường lối, khi chúng ta thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung trên cả nước kéo dài hơn một thập kỷ sau khi thống nhất. Điều này khiến nền kinh tế gặp khủng hoảng, lạm phát tăng cao, đời sống người dân thiếu thốn đủ thứ.
Kể từ Đại hội VI (năm 1986) của Đảng, công cuộc Đổi mới được khởi xướng, mở ra bước ngoặt quan trọng, đưa Việt Nam vào xu thế phát triển chung của toàn cầu, tạo tiền đề cho phát triển bền vững. Xóa bỏ nền kinh tế tập trung bao cấp, chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần đoàn kết, nhân dân đã cùng nhau vượt qua thử thách, từng bước khôi phục và phát triển trên tất cả các lĩnh vực đời sống.
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình. GDP tăng trưởng ổn định, quy mô nền kinh tế từ 14 tỷ USD năm 1985 lên hơn 476 tỷ USD vào năm 2024. Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết.
Về xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, tuổi thọ trung bình tăng lên trên dưới 75 tuổi, giáo dục và y tế phát triển vượt bậc. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.
Về đối ngoại, từ một nước bị bao vây cấm vận sau chiến tranh, Việt Nam đã hội nhập nhanh chóng, trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm, có uy tín của cộng đồng quốc tế. Việt Nam gia nhập ASEAN (1995), bình thường hóa quan hệ với Mỹ (1995), trở thành thành viên của WTO (2007) và đã nhiều lần đảm nhiệm vai trò quan trọng trên trường quốc tế như Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc… Đến nay, chúng ta đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 12 quốc gia, trong đó có các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Nhật, Mỹ.
Về quốc phòng - an ninh, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, Việt Nam vẫn kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, xem đây là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng hàng đầu của mỗi người Việt.
Sau nửa thế kỷ thống nhất và gần 40 năm đổi mới, đến hôm nay Việt Nam đã vững bước trên con đường hội nhập. “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng). Chúng ta không chỉ phát triển về kinh tế mà còn xây dựng một Việt Nam đáng sống, nhân dân hạnh phúc, ai cũng có cơ hội vươn lên. Thành tựu của nửa thế kỷ hòa bình thống nhất vừa là động lực, vừa là bài học, và cũng là lời nhắc nhở để mỗi người Việt Nam trong và ngoài nước cùng góp phần xây dựng tương lai.
Dựng tình người trong ngày mới
Dù chiến tranh lùi xa nhưng những "vết thương lịch sử" đâu đó vẫn còn âm ỉ. Trong quá trình xây dựng đất nước, vẫn còn tồn tại những quan điểm trái chiều trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, một bộ phận nhỏ kiều bào vẫn giữ thái độ tiêu cực với quê hương, bị tác động bởi những thông tin sai lệch hoặc chưa thực sự hiểu rõ về sự phát triển của đất nước. Đâu đó vẫn còn những trái ngược về nhận thức lịch sử, chiến tranh đi qua nhưng để lại những góc nhìn khác nhau giữa các thế hệ, giữa những người trong và ngoài nước.
Hàng triệu gia đình chịu mất mát, đau thương, nhiều người Việt ở nước ngoài đối diện với những khó khăn trong việc hòa nhập vào cộng đồng mới. Trong nước, những năm đầu sau chiến tranh cũng có những giai đoạn khó khăn khiến một bộ phận người dân chưa thể nhanh chóng hòa vào dòng chảy chung của thời cuộc mới.
Thấu hiểu điều này, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách quan trọng để thúc đẩy hòa hợp dân tộc. Công tác ngoại giao nhân dân và kiều bào được đẩy mạnh, giúp hàng triệu người Việt xa xứ ngày càng gắn bó với quê hương. Vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện trong nhiều văn kiện như Luật Quốc tịch Việt Nam (năm 2008, sửa đổi năm 2014) cho phép kiều bào được trở lại nhập quốc tịch Việt Nam, tạo điều kiện để đồng bào xa quê gắn kết hơn nữa với quê hương. Chính sách đại đoàn kết dân tộc khẳng định mọi công dân Việt Nam, dù trong hay ngoài nước, đều là một phần không thể tách rời của dân tộc.
Có thể nói hòa hợp dân tộc là động lực cho sự phát triển. Điều này không chỉ mang ý nghĩa chính trị - xã hội mà còn có tác động trực tiếp đến kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ. Khi mọi người dân Việt Nam dù trong hay ngoài nước đều đoàn kết hướng về mục tiêu phát triển, sẽ tạo ra nguồn lực to lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kiều bào chúng ta đã đóng góp đáng kể vào nền kinh tế Việt Nam, lượng kiều hối từ năm 1993 đến hết 2023 trên 206 tỉ USD. Nhiều năm qua, chúng ta thuộc trong top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.
Không chỉ tài chính, kiều bào còn giúp phát triển kinh tế thông qua đầu tư, chuyển giao công nghệ, kết nối thương mại. Kiều bào cũng là một kênh để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế. Người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, đã đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao tri thức, giúp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với các xu hướng mới của thế giới.
Hòa hợp dân tộc không chỉ là trách nhiệm của hệ thống chính trị, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Dựng tình người trong ngày mới, đó là tính nhân văn luôn chảy trong tim mỗi người Việt. Khi tất cả cùng bỏ qua khác biệt, cùng nhìn về phía trước, Việt Nam sẽ là một khối đoàn kết vững mạnh, vững vàng tiến vào tương lai. Lịch sử cho thấy, bất cứ khi nào con người đoàn kết, đất nước sẽ vượt qua được mọi chông gai, gian khổ. Đồng thời, khi hòa hợp dân tộc được củng cố, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, vị thế đất nước nhờ đó được nâng tầm.
Vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Hiện nay, trong bối cảnh thế giới chuyển mình nhanh chóng và vẫn còn diễn biến phức tạp, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội song cũng phải đối diện thách thức mới. Từ dấu mốc 1975, sau nửa thế kỷ, chúng ta nhìn về mục tiêu đến năm 2045: Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao (văn kiện Đại hội Đảng XIII). Điều này thể hiện một khát vọng lớn nhưng cũng đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc. Ngay từ bây giờ, phải hành động quyết liệt như chủ trương đường lối mà Đảng đã đề ra. Cần phải tính toán đến vấn đề làm sao để kinh tế tăng trưởng nhanh mà vẫn bền vững, làm sao để giữ vững bản sắc văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế.
Với tinh thần một dân tộc đã đánh thắng các cường quốc trong thế kỷ XX, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào đường lối của Đảng cũng như cả hệ thống chính trị và nỗ lực của nhân dân. Bài học lớn nhất sau 50 năm hòa bình, không gì hơn và trước hết là phải luôn giữ vững độc lập, tự chủ và tăng cường hội nhập quốc tế trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới nhiều biến động. Hội nhập quốc tế mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra bài toán về giữ gìn bản sắc dân tộc. Cần có chiến lược phát triển văn hóa bền vững, gắn kết truyền thống với hiện đại, để Việt Nam vừa hội nhập sâu rộng, vừa giữ vững giá trị đã được hun đúc qua hàng ngàn năm.
Cùng với xu thế thời đại mới, chúng ta đang nỗ lực đẩy mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra động lực. Đây sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam đột phá thông qua đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tự động hóa, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hướng đến tương lai và đảm bảo tính kế thừa, chúng ta đang cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu là thách thức lớn, đặc biệt với một quốc gia có đường bờ biển dài như Việt Nam. Chuyển đổi sang kinh tế xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon là con đường tất yếu để phát triển bền vững.
Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, ý chí dân tộc. Nhìn lại lịch sử, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn nhờ tinh thần đoàn kết. Trong tương lai, sức mạnh ấy vẫn là động lực quan trọng để đất nước tiến xa hơn. Để hòa hợp dân tộc thực sự trở thành động lực phát triển, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cần có những diễn đàn, chương trình đối thoại để kết nối cộng đồng trong nước và kiều bào, nhằm chia sẻ quan điểm, giảm bớt định kiến. Giáo dục lịch sử cần đổi mới theo hướng khách quan, nhân văn, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về quá khứ và trách nhiệm với tương lai. Đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhân dân, kết nối kiều bào với trong nước thông qua các chương trình văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ.
Trải qua chặng đường từ chiến tranh đến hòa bình, từ chia cắt đến đoàn tụ, từ nghèo khó vươn lên phát triển, hội nhập, hình ảnh Việt Nam ngày càng vươn xa trên bản đồ thế giới, tạo uy tín trên trường quốc tế. Nửa thế kỷ vừa qua, chúng ta đã đối diện nhiều thách thức để gặt hái những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, minh chứng cho bản lĩnh kiên cường và khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam. Tinh thần yêu nước thiêng liêng, cùng với giá trị nhân văn trong mỗi người Việt sẽ là sức mạnh mềm tạo nên đoàn kết. Khi cả dân tộc cùng đồng lòng, phát huy trí tuệ và nguồn lực của mọi người con đất Việt, đất nước sẽ vươn lên và hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.