Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phan Quang với quê hương miền Trung

 

N

ăm nay anh đã ở vào đúng tuổi bảy mươi và đến với nghề báo trọn năm mươi năm trời. Báo chí là chuyện thời sự hàng ngày. Người viết hơn ai hết có ý thức về thời gian. Từng ngày lại từng ngày, trong tháng năm chiến tranh, trong ngày hòa bình đang sôi động và lặng lẽ trôi đi trên dòng thời cuộc. Và cũng từng ngày niềm vui, rồi nỗi buồn trong cuộc sống riêng tư đang trở thành những kỷ niệm gần gũi và xa xôi dần. Và nửa thế kỷ đã đi qua trong cuộc đời một nhà báo Phan Quang với những thành tựu và đóng góp quan trọng. Con số 50 là con số đẹp, nhất là khi chỉ mang ý nghĩa kỷ niệm rồi lại nối tiếp, lại lên đường.

            Hoạt động báo chí của ông bắt đầu từ những ngày gian khổ của cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Lần giở lại từng trang báo Cứu Quốc Liên khu IV, Phan Quang với bút danh Hoàng Tùng đã viết những bài ngắn gọn về phong trào chiến đấu của du kích, dũng khí của dân quân xã, phong trào đấu tranh chống dồn làng ở Hải Lăng, Quảng Trị… Điểm xuất phát là từ đời sống lăn lộn gần gũi với thực tế kháng chiến. Hòa bình lập lại, ông về công tác ở Báo Nhân Dân. Một sự gặp gỡ ngẫu nhiên. Một bút danh Hoàng Tùng không thể nào chung cho hai nhà báo. Và từ đấy chúng ta có một nhà báo trẻ Phan Quang. Đã xa rồi những tháng ngày gian khổ, ấy nhưng dường như đó là mối đầu của sợi chỉ xanh bền vững qua trang viết: Tấm lòng sâu nặng với quê hương. Đất Quảng Trị nghèo khổ vào bậc nhất của dân miền Trung, nhưng cũng rất kiên cường bất khuất. Ngòi bút báo chí và sức sáng tạo của Phan Quang được nuôi dưỡng trực tiếp từ mảnh đất quê hương. Quê hương – hai chữ thân yêu ấy được khai thác không phải trong cảm hứng thi ca, mà bằng ngòi bút báo chí. Phan Quang viết nhiều bài về Quảng Trị rồi phong trào Đại Phong, Quảng Bình. Lúc này anh phụ trách phần nông nghiệp của báo Nhân Dân nên các bài viết đều liên quan đến vòng quay muôn đời của sản xuất nông nghiệp: đất, cây trồng, lao động, lương thực. Không phải là đất bình thường theo chuẩn mực mà là đất bạc màu, đất khô hạn đòi hỏi phải cải tạo và còn khẩn thiết hơn là thiếu đất, không có đất. Và người lao động tuy cần cù dũng cảm nhưng phương thức canh tác còn lạc hậu thô sơ, tổ chức sản xuất cần được cải tiến. Rồi lương thực, nói như tác giả: “Mối quan tâm lớn của loài người”, cũng là nỗi lo toan, day dứt muôn đời của người dân quê Việt Nam. Trong văn học, Nam Cao đã thấu hiểu nỗi thống khổ của người nông dân thiếu ăn, thiếu mặc. Gái quê đang tuổi trưởng thành, đang độ yêu đương, đang mùa sinh nở cũng vấp phải bi kịch “gái quê không mấy khi được thỏa cơm”. Phan Quang đã điều tra, khảo sát, nêu vấn đề của đất đai nông nghiệp, quản lý và phương hướng khắc phục. Trong các bài viết của ông luôn có một tấm lòng và niềm tin “Đất đai, nguồn nước, khí hậu cũng như sức lao động dồi dào của nhân dân Việt Nam được khai thác dưới một chiến lược kinh tế đúng, sẽ đảm bảo cho nhân dân ta no đủ sớm hơn so với nhiều nước hiện đang giàu có hơn ta. Còn lại chỉ là vấn đề thời gian và sự nỗ lực đồng bộ của mọi người và mọi ngành kinh tế” (Mối quan tâm lớn của loài người). Điều ông mong ước nay đã thành sự thật. Chúng ta đã có của ăn, của để, có hạt gạo cho ta và hạt gạo đến với xứ sở của người.

            Trong hoạt động báo chí của mình, thời kỳ sau 1975, là gian đoạn mà Phan Quang đi nhiều, viết nhiều. Dõi theo hành trình, chúng ta thấy ông có mặt khắp nơi: Quảng Trị, Huế, Đà Lạt, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên… Cảm hứng của trang viết xúc động, phấn chấn trong niềm vui của một dải non sông đất nước vẹn toàn. Dường như trước đây có những miền đất chỉ được lắng nghe trong mơ ước nay đã được diện kiến, gặp gỡ với đồng bào đồng chí trong niềm vui tay bắt mặt mừng. Từ một miền Trung chật chội, vất vả gian lao trong sinh hoạt và đấu tranh, trang viết tạo ra viễn cảnh mới về không gian rộng mở với đất đai màu mỡ tươi tốt, với cảnh với người vừa lạ vừa thân quen của miền Nam anh hùng. Ngòi bút của Phan Quang đã mở ra được dòng bút ký vừa giàu chất hiện thực vừa trữ tình gợi cảm giữa hai bờ báo chí và văn học.

            Trước hết là những bài viết về một nửa quê  hương miền Trung vừa được giải phóng với bao tàn tích trong chiến đấu và trên mình cũng còn lại nhiều thương tích. Nghĩ về quê hương với bao kỷ niệm một thời ấu thơ và những năm xa quê đi chiến đấu, trong lòng luôn đau đáu một nỗi nhớ quê Phan Quang đã diễn tả sâu sắc tình cảm ấy với cảm xúc và của ngòi bút chân thực.

            “Cái nhớ ấy nhiều khi quay quắt lạ. Bao nhiêu năm đi vào kháng chiến rồi hòa bình sống trong lòng nhân dân, tưởng đâu cũng là gia đình, đâu cũng là quê hương; mà quả vậy bát cháo hoa của bà mẹ chiến sĩ gần mặt trận nấu cho lúc bị cảm sưởi ấm lòng tôi còn hơn cả thang thuốc của mẹ đẻ khi tôi còn thơ ấu. Thế mà có những buổi chiều, dừng chân tạm ghé một thôn nào đấy, nhìn qua hàng rào dâm bụt thấy một gia đình quây quần ăn cơm, dưới ánh hoàng hôn, nghe một tiếng sáo diều vi vu trên không, một giọng cười vui từ góc vườn nào vọng lại bỗng dưng đau nhói thấy mình đang không có quê hương. Đất nước bao la đẹp đẽ vô ngần vẫn không choán hết chỗ trong lòng ta, tình nhân dân mặn mà ruột thịt vẫn không làm cho ta quên hình dung bà cụ hàng xóm lom khom, chống gậy sang xoa đầu ta và dúi vào tay ta một trái roi rôn rốt vừa hái trong vườn bà… Quê hương! Hai tiếng thân yêu ngân mãi như tiếng chuông chùa làng buổi thu không” (Quê hương).

            Với tình cảm ấy ông đã viết với lòng cảm phục quê hương trong chiến đấu, cái xã Hải Thượng sống trong sóng gió dập vùi của bạo lực phản cách mạng, từ cuộc vận động “ly khai” tố cộng’ thời Diệm đến “bình định” “sóng thần” của Mỹ – Thiệu cho đến cuộc chuyển hàng ngàn dân đi suốt bảy ngày đêm ròng rã dưới bom đạn, đến vùng giải phóng Quảng Trị là nơi đụng đầu lịch sử. “Những mũi dùi chính trị của Mỹ – ngụy bị bẻ gãy ở dải đất hẹp này. Huyền thoại về sự hùng mạnh của quân đội Mỹ bị đập nát ở Dốc Miếu, Khe Sanh. Chút tàn dư về uy thế Mỹ tan biến luôn với những thất bại của chúng ở trên đường Chín và Cửa Việt…(Kể về làng quê). Và những chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị, những dũng sĩ của hôm nay và của muôn đời. Phan Quang muốn đến với từng người để yêu thương và cảm phục. Những cái tên chắc nịch: Võ Thả, Trương Cuông, Lê Văn Vự… và mọi người với bản thành tích chiến đấu rạng rỡ thắm tươi (Chiến sĩ giữ thành cổ).

            Phan Quang nói đến Huế với những tình cảm thân thiết. Ở mảnh đất thơ mộng này cuộc sống không thanh bình yên ả mà vẫn bị dập vùi trong chiến tranh. Nhưng rồi khói lửa qua đi tất cả vẫn còn đấy, cuộc sống và con người không tránh khỏi mất mát nhưng cũng từ đó trở nên cao đẹp hơn, thiêng liêng hơn.

            Và hòa bình đã trở lại với Vĩnh Linh, Bến Hải, mảnh đất đã chứng kiến những đổi thay của lịch sử. Từ cây cầu Hiền Lương và đôi bờ ngăn cách, từ đồn lũy dày đặc của địch ở phương Nam và âm mưu tiến công ra đất Bắc. Và một ngày đã đến “Ngày 30 tháng 3 năm 1972, trời đất bỗng dậy vang tiếng súng của quân dân ta mở màn chiến dịch đồng loạt trút bão lửa xuống các căn cứ địch ở Đồi Tròn, Ba Hồ, Quán Ngang, Dốc Miếu, Ái Tử, La Vang…”

            Ông hiểu kỹ những con người miền Trung khắc khổ, dũng cảm, ân tình, những con người đã tạo nên truyền thống văn hóa đẹp của một vùng đất và nếp sống tình nghĩa nhân ái giữa người và người. Không gì hơn bằng mượn lời thơ xưa, câu hò quen thuộc của Trị Thiên để nói về tình đất, tình người:

            Thiên sinh nhơn, hà nhơn vô lộc

            Địa sinh thảo, hà thảo vô căn

            Cho dù đèn tắt đã có trăng

            Có khổ em thì em chịu, chứ bỏ anh làm răng đặng chừ.

            Ký viết về miền Trung của Phan Quang có chiều sâu, ông ít đi vào miêu tả cảnh vật mà chủ yếu là nói về con người. Người Huế thâm trầm, kín đáo, nói năng nhẹ nhàng mà sâu sắc, thanh lịch; người Quảng Trị chân chất, bộc trực mà tình nghĩa…và càng đi xa vào phía trong cho đến nơi đất Mũi cùng trời cuối đất, chúng ta vẫn bắt gặp những con người vừa lạ vừa thân quen của tính cách và tâm hồn Việt Nam(…)

            … 50 năm hoạt động báo chí qua nhiều giai đoạn, Phan Quang có mặt và là thành viên tích cực trong những bước chuyển biến quan trọng của phong trào. Điều này thật không dễ dàng với những người viết lâu năm.Và quan trọng hơn ông đã kết hợp được giữa công tác quản lý và sức viết đều đặn, chín chắn và mới mẻ. Bởi thế con số thành của một đời hoạt động qua tác phẩm và cho phong trào là đáng trân trọng,

                                                                                    H.M.Đ

GS. Hà Minh Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 81 tháng 06/2001

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground