Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người lưu ý: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Đó cũng là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta đối với văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị sáng tác tại Tà Rụt, huyện Đakrông Ảnh: Hồ Thanh Thọ.
>> Kỳ 1: Bay theo đường dân tộc đang bay
Kỳ 2: Đừng ngủ yên cho đời chật (*)
Trong một lần đến thăm, làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người”. “Nhà văn là kỹ sư tâm hồn”, “là người thư ký của thời đại” (Ban-dắc), vì thế mỗi văn nghệ sĩ cần bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, làm sao cho mỗi tác phẩm của họ phản ánh chân thực cuộc sống, làm sao cho người đọc sau khi gấp sách lại đều cảm thấy “mạch đời đập dưới bìa sách như mạch máu đập dưới làn da” (Ka-li-nin).
Cái chỉ là thơ thôi, giết chết thơ
Theo báo cáo đánh giá tổng kết Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X, hàm lượng chất xám trong tác phẩm còn hạn chế, văn học thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao, chưa đủ sức vươn ra ngoài biên giới. Họa sĩ Thế Hà nhận xét: “Họa sĩ trẻ ngày nay theo cảm xúc, thích sự đột biến trong cách thể hiện, phá phách, tìm tòi và bằng lòng với cái anh ta nghĩ ra. Việc tìm kiếm phong cách lạ lẫm đang được khuyến khích nhưng quá xa rời thực tế, tác động đến xã hội ít và chỉ thỏa mãn tính tò mò”.
Lê Quý Đôn cho rằng: “… Văn học không phải là trò chơi, là câu chuyện phiếm. Muốn văn hay phải hiểu biết và từng trải nhiều. Văn chương chữ nghĩa không phải là lời nói suông. Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được”. Trong lời nói ấy của Lê Quý Đôn, mặc nhiên nhà văn đã được đặt vào địa vị “trí thức”, thậm chí phải là người trí thức nhất trong cộng đồng. Do đó, đây là lúc văn nghệ sĩ cần nhìn nhận đúng về nghề nghiệp, quá trình sáng tạo và cần phải vun bồi những điều gì để có tác phẩm văn học “sống” được trong lòng bạn đọc.
Một trong những “căn bệnh trầm kha” của văn nghệ sĩ hiện nay là “lười đọc”, bao gồm các nội dung: đọc tác phẩm của người khác, đọc bổ sung những kiến thức khác, đọc để hiểu rõ về công việc của mình… Theo Nhà văn Văn Thành Lê, không đọc thì không biết trước mình người ta đã viết gì, và bây giờ người ta đang viết gì. Không tiệm cận được hơi thở của đời sống văn chương dễ thành ếch ngồi đáy giếng, dễ thấy chỉ có mình là nhất, rồi tự… phong thánh cho mình thì quả là nguy hiểm. Trong tất cả những kiểu chết, chết vì ảo tưởng là cái chết vừa buồn cười vừa lãng xẹt lại vừa đau đớn nhất.
Thực tế quá trình sáng tạo của văn nghệ sĩ Quảng Trị cho thấy, những văn nghệ sĩ còn sức đọc tốt thì quá trình sáng tác đạt kết quả tốt như: họa sĩ Thế Hà, nhà thơ Nguyễn Văn Dùng, họa sĩ - nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hoàng Tân, nhạc sĩ Võ Thế Hùng... Dù bước qua tuổi 70, họa sĩ Thế Hà vẫn chăm chỉ đọc sách mỗi ngày để bổ sung kiến thức. Họa sĩ cho biết: “Thời tuổi trẻ tôi rất thích đọc về văn học, đến độ tuổi chín hơn đọc nhiều về lý luận mỹ thuật, lý luận VHNT… để xem xu hướng phát triển nghệ thuật nói chung, đặc biệt là đương đại. Việc đọc sách giúp cho mình vừa biết về các danh họa thế giới, trong nước, các bậc tiền bối vẽ thế nào, đồng thời biết được các phong cách nổi trội của họa sĩ trẻ bây giờ thông qua các phân tích, bình luận… để rút ra điều gì đó cho việc sáng tác của mình. Từ đó mà vượt qua cái cơ bản để rút ra cái riêng của mình mà thể hiện cái mới, giàu tính hiện thực…”.
Trong căn nhà nhỏ của mình, họa sĩ Thế Hà bố trí một gian nhỏ làm thư viện cá nhân và say mê đọc sách mỗi ngày. Ảnh: MT.
Các nhà thơ, nhà văn lớn của thế giới và của Việt Nam đều có một sức đọc, sức học “đáng sợ”. Nhà thơ Hữu Thỉnh nói rằng, nhà thơ Chế Lan Viên chính là bộ óc bách khoa điện tử của Hội Nhà văn Việt Nam. Suốt đời ông học hỏi để bồi đắp kho tàng tri thức cá nhân. Để có “tầm nhìn vượt trước”, nếu muốn trở thành nhà thơ lớn, theo Chế Lan Viên và như ông, phải là người có kiến thức toàn diện về nghệ thuật. Khi nói về bước đầu tập viết, Chế Lan Viên đã nhắc ý kiến của một nhà thơ nước ngoài: “Cái chỉ là thơ thôi, giết chết thơ”. Bằng con đường tự học, tự đào tạo, Chế Lan Viên có trình độ hiểu biết được những kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Qua đó, thể hiện nổi bật tố chất của một nhà khoa học, có tư cách đầy đủ của một nhà trí thức, hiểu biết tinh thông nghề nghiệp.
Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: “Công chúng nói chung, văn nghệ sĩ nói riêng cần đọc. Đọc để thu lượng được kiến thức, nâng cao nhận thức, tri thức của mình và bổ trợ hoạt động văn học nghệ thuật. Các tác giả viết về văn học rất cần đọc. Một ngày không đọc gì thì tôi cảm thấy ngày đó trôi qua rất vô bổ. Là chủ tịch Hội còn phải đọc thêm văn kiện, nghị quyết, các báo cáo… Mặc dù mọi người nói báo cáo, một bài phát biểu sẽ có “khuôn mẫu” nhưng nếu thật sự với một người có vốn văn hóa, đọc nhiều, hiểu rộng thì bản báo cáo của họ cũng hấp dẫn, lôi cuốn hơn”.
Là một nhạc sĩ say mê với việc đọc và “được đền đáp” bằng chính những tác phẩm mới đầy thăng hoa với nhiều giải thưởng đạt được, nhạc sĩ Võ Thế Hùng cho biết: “Theo tôi, có ba lý do để người làm nghệ thuật nên đọc sách. Một là nó cho ta vốn tri thức, thứ hai cho mình trí tưởng tượng và thứ ba rèn mỗi người sự trầm lắng, biết bình tĩnh và ứng xử chừng mực trong công việc và cuộc sống. Từ trẻ, tôi luôn khắt khe với thị hiếu đọc của mình. Tôi đọc chậm và “tiêu hóa” sách từ từ vì nghĩ rằng: Đọc sách là ta đang trên hành trình tìm kiếm niềm vui, sự thư giãn, tìm kiếm nguồn tri thức vô tận để từ đó cho ta có cái nhìn toàn diện hơn, sắc nét hơn về thế giới quan sinh động này”.
Anh cũng lý giải rằng, đơn cử nhận viết một kịch bản, một ca khúc, nếu một người có chiều sâu về tri thức sẽ đủ năng lực để nâng tầm và phát triển tác phẩm hơn. Việc đọc sách sẽ giúp thanh lọc tâm hồn, qua đó bạn có thể mở mang suy nghĩ và tái sản xuất các giá trị nghệ thuật mới. Khi có sự trau dồi về kiến thức, cái nghề của bạn sẽ nâng cao hơn rất nhiều. Thành ra vốn hiểu biết quyết định cho người nghệ sĩ chuyển tải tác phẩm sâu hơn, rộng hơn.
Tìm mình và tìm đường
Hiện nay có một thực trạng mà Hội VHNT các tỉnh hầu như đang gặp phải đó là việc phát triển hội viên, nhất là hội viên trẻ, gặp nhiều khó khăn, bởi một phần người trẻ thờ ơ vào hội và một phần nữa là sự nghiệp sáng tạo VHNT đòi hỏi phải có những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách, bản lĩnh, đặc biệt là có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn, khách quan, khoa học. Người nghệ sĩ trong quá trình sáng tác luôn có những đấu tranh nội tâm. Đó là cuộc tìm mình, cuộc đi tìm cái tôi bản ngã và bản lĩnh nghệ sĩ. Cũng chính là con đường giữ vững và phát huy cá tính sáng tạo trong hoạt động thơ ca, nghệ thuật. Điều này cũng để trả lời câu hỏi lớn ám ảnh, đeo bám một đời: Ta là ai? Ta vì ai?
Bên cạnh số đông văn nghệ sĩ gắn bó máu thịt và cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung, cũng có những người phai nhạt mục tiêu lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Tác phẩm của họ thường xa rời thực tiễn đời sống của đất nước, của nhân dân. Một số phát ngôn, viết hồi ký, sách báo, trang điện tử có nội dung thiếu xây dựng, thậm chí cực đoan, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, con đường đi của dân tộc. Cá biệt, có người còn lên tiếng đòi “hạ bệ”, “giải thiêng”, “bôi đen” các giá trị to lớn, thiêng liêng của đất nước, của chế độ; khơi dậy, truyền bá quan niệm mơ hồ về quan hệ giữa VHNT với chính trị thông qua việc tuyệt đối hóa tính độc lập tương đối của VHNT để tách lĩnh vực này khỏi chính trị; đề cao và tuyệt đối hóa cái tôi cá nhân văn nghệ sĩ để kêu gọi tự do sáng tác..., qua đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với VHNT.
Hoặc có hiện tượng, nhân danh tiếp cận mới, nhận thức mới để hạ thấp giá trị, thậm chí là để xuyên tạc hoặc phỉ báng một số tác phẩm xuất sắc và một số tên tuổi lớn của VHNT. Ngoài ra, lợi dụng việc mở rộng giao lưu, tiếp nhận lý thuyết VHNT của thế giới, một số người đã du nhập quan điểm trái ngược với quan điểm chính thống của xã hội về vai trò và sự phát triển của VHNT. Đây là cơ hội để những người có động cơ xấu lợi dụng, xuyên tạc, phủ nhận các giá trị VHNT ra đời trong thời kỳ cách mạng hoặc sử dụng lý thuyết VHNT nước ngoài để biện hộ, cổ vũ cho loại sản phẩm không phù hợp với hệ thống tiêu chí tư tưởng và nghệ thuật của VHNT cách mạng... Để rồi biến mình “Đang là ngọc, tự vùi mình là hạt sỏi” (Chế Lan Viên).
Con người thông minh thời công nghệ còn cần tiếp tục khám phá mạnh mẽ vào khát vọng người, vào chiều sâu thế giới tinh thần, để giải mã, kiếm tìm những hạt nhân trí tuệ phong phú có sức mạnh ghê gớm cho năng lượng nghệ thuật. Cuộc sống đánh vào thơ trăm nghìn lớp sóng / Chớ ngồi trong phòng mà ăn bọt bể anh ơi. Những tự vấn, xót ca, day dứt, ân hận về trách nhiệm, lương tâm nghệ sĩ trước cuộc sống hiện thực đòi hỏi. Người sáng tạo nghệ thuật “phải có tài, có đức nhưng cao hơn đạo đức thông thường như luân lý, còn phải có đạo – tức đạo lý với nghệ thuật, tất nhiên phải tu dưỡng suốt đời để đắc đạo” (PGS. TS Đoàn Trọng Huy - Phẩm cách, vị thế nhà thơ).
Bản lĩnh nghệ thuật, bản lĩnh cuộc đời
Tiếp nhận văn học là một sự tổng hợp cổ kim, đông tây. Qua nhà trường, qua sách vở và qua đời sống, văn nghệ sĩ tích lũy được một khối lượng khá phong phú về tri thức văn hóa. Từ hành trang đó cần phải có kim chỉ nam để đi đúng hướng. Đó là quan điểm mỹ học hay rộng hơn chính là quan điểm tư tưởng, quan điểm nghệ thuật.
Nhìn lại cuộc đời nhà thơ lớn Chế Lan Viên, chúng ta thấy rõ ràng, “từ khi nhận thức chức năng, nhiệm vụ của nhà thơ trong thời đại mới, Chế Lan Viên ráo riết đi tìm và tự tạo mình một nhà thơ kiểu mới”(PGS. TS Đoàn Trọng Huy). Thế hệ Thơ mới với các tên tuổi như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Chế Lan Viên… được hồi sinh và “kẻ trước người sau” dần chín lại về nghệ thuật. Đó là vì họ đã thực sự dấn thân, nhập cuộc vào dòng chảy lịch sử mới, vào cuộc sống vô cùng sôi động trong lao động, chiến đấu gian lao và lâu dài của toàn dân. Đó chính là lòng yêu đời, khát vọng sống và tinh thần dân tộc. Trên nền tảng đó mà người nghệ sĩ tự đổi mới để tìm một tầm cao mới, tạo ra những năng lực sáng tạo mới đầy biến hóa. Hình thức cũng là vũ khí / Sắc đẹp câu thơ cũng phải đấu tranh cho chân lý (Chế Lan Viên).
Nhiều văn nghệ sĩ sau khi mất, di cảo của họ lại được tìm kiếm. Tất nhiên, ngoài lý do đó là những tác phẩm cuối cùng, còn là lý do khác là khi dư luận thuận lợi, ấy là khi trình độ đọc (của người đọc, người phê bình…) đã được nâng lên tạo ra sự hội ngộ tâm hồn cần thiết. Thế nên, có nhiều tác phẩm phải chờ dịp công bố. Công bố dịp nào, lúc nào… thể hiện bản lĩnh của người sáng tác.
Nhiều người cho rằng, hiện nay thiếu tác phẩm hay là do… đang thiếu đề tài. Thiếu là vì Tổ quốc trong lòng ta mà có cũng như không / Nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng thấy (Chế Lan Viên). Từ bao đời nay, Nhân dân, Dân tộc, Tổ quốc luôn là những giá trị được tôn vinh, chiêm ngưỡng và suy tưởng với bao điều lớn lao, kỳ vĩ. Sức mạnh của tình yêu và nghĩa vụ, về mối quan hệ cá nhân và cộng đồng, con người và đất nước, dân tộc và thời đại… luôn là những đối tượng có tầm vóc để luận bàn triết lý. Nhiều văn nghệ sĩ thoát ly ra khỏi đời sống nhân dân, do đó bị mất đi nguồn nhựa sống để sáng tác. Bác Hồ từng dặn: “Chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu các nhà văn quên điều đó, nhân dân cũng sẽ quên anh ta.”
“Trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền văn học, văn hóa, văn hiến Việt Nam, mỗi chữ cũng cần được bảo vệ như mỗi tấc đất biên thùy” (Chế Lan Viên). Bàn về văn hóa đầu tiên là bàn về con người và bảo vệ văn hóa rốt lại là phải bảo vệ độc lập. Để làm được điều này, cần có sự vào cuộc của Trung ương và các ngành chức năng, đặc biệt là sự đổi mới mạnh mẽ từ Hội VHNT các tỉnh.
C.Đ
_______________________
* Thơ Chế Lan Viên
>> Kỳ 3: Một số giải pháp phát triển văn học nghệ thuật trong bối cảnh mới