Với quyền năng và thiên chức đặc biệt, lý luận phê bình văn học nghệ thuật có thể thoát ra mọi giới hạn gò bó, tham gia giao lưu, tiếp biến vào đời sống văn nghệ các nước một cách tích cực và chủ động. Giới hạn của lý luận phê bình văn học, nghệ thuật đều do con người mà ra. Giao lưu, tiếp nhận văn học, nghệ thuật nói chung, lý luận phê bình nói riêng như thế nào là phù hợp và cần thiết là vấn đề đặt ra nghiêm túc cần phải giải quyết.
Thực trạng
Mở cửa, hội nhập và phát triển hàm chứa hai mặt của một vấn đề. Trách nhiệm của mỗi dân tộc là phải thể hiện cho thế giới rõ bản sắc dân tộc mình. Mỗi dân tộc đều có trách nhiệm làm cho cái ưu tú nhất trở thành tài sản chung của nhân loại. Sứ mệnh của các học giả, các nhà lý luận phê bình là tạo ra không gian rộng mở cho giao lưu, tiếp biến giữa các nền lý luận phê bình khác nhau. Chính ở đó, lý luận phê bình mỗi dân tộc đều có cho đi và nhận lại. Những giá trị mang tính nhân loại ta có thể tìm thấy trong nguồn cội nền văn hoá, văn học nghệ thuật của dân tộc. Ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… từ rất sớm khái niệm hội nhập, giao lưu văn hoá đã xuất hiện. Tác phẩm của Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị (Trung Quốc), Kalidasa, Kabir (Ấn Độ), Sikibu (Nhật Bản)… bằng nhiều cách khác nhau đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia hoà vào dòng chảy của văn hoá nhân loại. Nếu R. Tagore là biểu tượng văn hoá Ấn Độ, thì Y. Kwabata là biểu tượng vẻ đẹp của Nhật Bản… Tất cả họ đến với hiện đại từ truyền thống hoà vào dòng chảy lớn và mạch nguồn riêng của văn học, nghệ thuật dân tộc. Ở nước ta từ lâu, tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương… đã được biết đến với lòng ngưỡng mộ, ngợi ca của nhân loại tiến bộ. Tất cả các tên tuổi sáng giá đó đều được UNESCO vinh danh.
Nhìn vào tiến trình hình thành và phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà, thành công nhất là ở thời kỳ mở cửa, đổi mới và hội nhập. Đất nước ta bước vào giai đoạn đổi mới (1986), vấn đề hội nhập và toàn cầu hoá của văn học, nghệ thuật mới đặt ra bức thiết, lĩnh vực lý luận phê bình ngày càng gay gắt hơn. Từ đó, văn học, nghệ thuật Việt Nam tham gia vào tiến trình hội nhập và toàn cầu hoá tuy muộn và thành tựu còn khiêm tốn, nhất là lĩnh vực lý luận phê bình. Song, đây là cơ hội, điều kiện để kiến tạo một không gian văn học, nghệ thuật thông thoáng, rộng mở. Đó là tiền đề, động lực cho văn học, nghệ thuật trong đó có lĩnh vực lý luận phê bình phát triển và hoà vào dòng chảy lớn của văn chương thế giới hiện đại. Thành tựu văn học, nghệ thuật có được trong giai đoạn này rất đáng trân trọng. Nhiều nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hoá, lý luận phê bình đã tích cực, chủ động, nhiệt huyết tham gia vào quá trình giao lưu, tiếp biến, kết nối với các nền văn học, nghệ thuật các nước. Thật đáng mừng là có một số tác phẩm văn học, nghệ thuật Việt Nam đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia đến với bạn đọc ở nhiều châu lục, trong đó phải kể đến nhà văn Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Tư…
Bìa tác phẩm Tướng về hưu của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được NXB Esditions de Laube (Pháp) tái bản nhiều lần
Những năm gần đây, một số tác giả có tên tuổi xuất hiện trên diễn đàn văn học nghệ thuật thế giới, có nhà văn được ghi danh trong từ điển văn học ở Mỹ như Hồ Anh Thái… Thế hệ các tác giả thời hậu chiến ở Việt Nam trên con đường hội nhập văn chương xuất hiện một số tên tuổi đang bước đi vững chãi… Tác phẩm của họ theo những cách khác nhau đều lộ rõ thiên hướng đối thoại, tiếp biến và tích hợp văn hoá Đông - Tây; truyền thống - hiện đại; dân tộc - nhân loại… Sự trải nghiệm phong phú, sâu sắc và cách nhìn mới mẻ đã giúp họ có cái nhìn điềm tĩnh, sâu sắc, tinh tế về nhiều vấn đề. Với họ, viết không chỉ để giao tiếp, tiếp nhận mà còn đối thoại, chất vấn, phản biện từ một sự vật, hiện tượng. Thật ra có những đề tài họ viết không mới, cái mới ở đây là cách nhìn. Bởi vì, hiện thực không phải chỉ cái nhìn thấy mà còn rất nhiều bí ẩn trong đó. Đó là hiện thực đa diện, đa chiều, không chỉ ở bề rộng mà còn có chiều sâu, bề xa.
Các tác giả đã có ý thức tìm kiếm những giá trị mới. Dường như họ muốn nói rằng, thế hệ cầm bút hậu chiến ở Việt Nam cần tìm ra những giá trị mới, không phải đoạn tuyệt hoàn toàn giá trị cũ hay đoạn tuyệt sạch trơn những giá trị cũ; không phải tiếp nhận hết thảy các giá trị văn học, nghệ thuật nước ngoài mà phải chọn lọc tiếp nhận tinh hoa văn hoá của nhân loại. Thế hệ đi trước, những người hiểu hết các giá trị đấu tranh giải phóng, thành quả cách mạng quả là có nhiều chỉ dẫn quan trọng cho thế hệ tiếp nối. Trong sáng tạo văn học, nghệ thuật, nhất là lý luận phê bình, những giá trị mới chỉ có được ở những trăn trở, suy tư, tài năng, cá tính sáng tạo của tác giả. Ý thức sáng tạo phải luôn đặt ra một cách nghiêm túc thường trực được hiện thực hoá trong từng trang viết. Tác phẩm nhờ đó mà có được sức hấp dẫn, khả năng lan toả vượt qua mọi khác biệt, thu hút, hấp dẫn công chúng trong và ngoài nước. Để định nghĩa và định hướng cho mình, thế hệ cầm bút hậu chiến phải dũng cảm, sẵn sàng tiếp nhận món nợ quá khứ, nhưng cũng phải có khả năng tiếp nhận món nợ của quá khứ; đồng thời có khả năng thấy hết cái gì cần phải thay đổi, cần phải phê phán; phải xây dựng cái mới trên nền tảng quá khứ, chứ không phải dừng lại. Trước nguy cơ hiện đại hoá gấp gáp, chúng ta ngày nay muốn tìm một phương sách vượt qua những truyền thống lâu đời là điều đáng trân trọng, nhưng không phải nhân danh truyền thống đó để giam hãm trong lầu son gác tía. Chúng ta có một số tác phẩm vượt ra ngoài biên giới, chạm đến những vấn đề của thời đại, của văn nghệ tiến bộ.
Sức hấp dẫn của tác phẩm lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, không chỉ ở cái nhìn mới về hiện thực mà còn ở sự độc đáo, mới lạ trong sáng tạo của người cầm bút. Sức hấp dẫn của tác phẩm lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam gần đây, không chỉ giúp người đọc nhận thấy những khác lạ của văn hoá, xã hội Việt Nam, mà còn ở khả năng dẫn dụ, mê hoặc của một văn phong đa dạng, nhân văn. Dù có khác biệt về văn hoá, quan điểm, lối sống, tập quán, phong tục… nhưng ở mọi quốc gia, người đọc đều có nhu cầu giao tiếp, nhận thức, thẩm mĩ… Để có thể “xuất ngoại” tác phẩm trong đó có lý luận phê bình văn học, nghệ thuật các học giả, nhà văn Việt Nam không thể không quan tâm đến thị hiếu, nhu cầu của người đọc quốc gia nào đó.
Những năm gần đây, văn học dịch xuất bản ngày càng nhiều. Nhờ đó người đọc tự do hơn trong việc lựa chọn, tiếp nhận những tác phẩm mới lạ về nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật, cách thể hiện. Năm 2003, một hợp tuyển văn xuôi đương đại Việt Nam có quy mô, bằng Tiếng Anh: Love After War(Tình yêu sau chiến tranh) được nhà xuất bản Curbstone Press (Mỹ) phát hành trên khắp thế giới. Với 650 trang, gồm 50 truyện ngắn của các nhà văn tên tuổi như: Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Khải, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Kiên, Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh, Ngô Thị Kim Cúc, Lê Minh Khuê, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Tư… Cuốn sách đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với công chúng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là giới nghiên cứu, phê bình văn học Mỹ. Báo Ký sự San Francisco (Mỹ) bình chọn đây là một trong 100 cuốn sách hay nhất năm 2003. Nữ nhà văn Gloria Emerson đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia Mỹ (1978) viết: “Những truyện hay nhất của các nhà văn Việt Nam có thể làm sửng sốt và vui thú cho những ai vẫn còn nghĩ đến Việt Nam chỉ như một giai đoạn đầy bạo lực”(1). Thời báo St. Petersburg (14/9/2023) viết: “Love After War là một tuyển tập văn xuôi sinh động của những tác giả mà tác phẩm xếp vào loại hay nhất của văn chương thế giới(2).
Tuy có một số thành tựu bước đầu trong quá trình giao lưu, tiếp biến lý luận phê bình văn học, nghệ thuật các nước, nhưng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nghệ thuật đặt câu hỏi: Tại sao chúng ra chỉ sản xuất ra những sản phẩm hạng hai, hạng ba của văn học, nghệ thuật thế giới? Tại sao sản phẩm văn học, nghệ thuật Việt Nam chỉ quanh quẩn ở trong biên giới quốc gia mà không phải là sản phẩm của nhân loại? Về tác phẩm xuất ngoại rất đáng suy nghĩ, chúng ta đang ở tình trạng “nhập” nhiều hơn “xuất”, nói cách khác “nhập siêu”. Điều đáng băn khoăn là việc dịch, giới thiệu tác phẩm của Việt Nam ra nước ngoài còn quá khiêm tốn. Trăn trở về việc đưa tác phẩm văn học, nghệ thuật đương đại Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào đời sống văn nghệ thế giới, nên đã có nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn về vấn đề này, nhưng đến nay vẫn còn nhiều trở ngại, thách thức lớn, nhất là lĩnh vực lý luận phê bình. Trong giao lưu, tiếp nhận văn học nghệ nước ngoài, không ít trường hợp có khuynh hướng sùng ngoại một chiều, chê bai các giá trị truyền thống và chưa thật sự chọn lựa một cách nghiêm túc tinh hoa các nước; chưa chú trọng tiếp nhận bổ trợ, nâng cao gia trị lý luận phê bình của Việt Nam.
Những vấn đề đặt ra cần giải quyết
Chúng ta không thể phủ nhận cống hiến của lý luận phê bình văn học, nghệ thuật nước ngoài ở Việt Nam, cũng không thể phủ nhận những tiêu chuẩn các nước hiện đại mà chúng ta đang vận dụng, đã giúp chúng ta thuận tiện trong việc đối thoại, giao lưu và kết nối trong nghiên cứu văn nghệ các nước. Song, chúng ta không thể không nghiêm túc suy nghĩ tại sao lại thiếu đi sự tham gia của Việt Nam trên phương diện bản quyền sáng tạo và quyền phát ngôn về phương pháp lý luận phê bình? Vì sao trong thành tựu lý luận phê bình lại không có cái mới và cống hiến của Việt Nam?
Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trao chứng nhận tập huấn Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong tình hình mới tại Ninh Bình - Ảnh: I.T
Vấn đề đặt ra là giao lưu, tiếp nhận lý luận phê bình văn nghệ nước ngoài để chúng ta tìm kiếm sự đối thoại bình đẳng với học thuật các nước, thúc đẩy từng bước can dự của giới lý luận phê bình của Việt Nam vào diễn đàn văn học, nghệ thuật quốc tế, đóng góp sáng tạo và quyền phát ngôn phương pháp lý luận phê bình, khẳng định cái mới và cống hiến của học giả nước ta với nhân loại. Mục tiêu cao cả của văn học, nghệ thuật là khám phá các giá trị của nó bằng cách xây dựng hệ thống lý luận và phương pháp phê bình của riêng mình để giúp con người lĩnh hội các chỉ dẫn và lựa chọn đúng đắn, góp phần thúc đẩy nền văn minh nhân loại tiến về phía trước.
Trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp, tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể giao lưu, nghiên cứu, tiếp nhận lý luận phê bình các nước, nên chăng lưu tâm các vấn đề sau:
Thứ nhất, khi giao lưu, nghiên cứu, tiếp nhận lý luận phê bình các nước, các học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn, nghệ sĩ chúng ta cần nắm vững nền tảng mĩ học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để soi xét. Nền tảng đó được cụ thể hoá trong các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng ta qua các giai đoạn cách mạng, nhất là các chủ trương, quan điểm của Đảng thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bởi vì, bất kỳ lý thuyết về văn học, nghệ thuật nào của Việt Nam, trong đó có lý luận phê bình cũng cần có một nền tảng tư tưởng, nền tảng mĩ học vững chắc, đáng tin cậy. Văn học, nghệ thuật nước nhà phải bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của Nhân dân, bảo vệ, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Đảng ta khẳng định: “Tổ chức nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc thành quả lý luận văn học, nghệ thuật của ông cha ta và của thế giới, vận dụng sáng tạo làm phong phú lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho mọi năng lực sáng tạo có cơ hội phát huy, phát triển, khích lệ những tìm tòi, tôn trọng những ý kiến khác nhau về lý luận phê bình văn nghệ vì lợi ích chung và sự phát triển lạnh mạnh của văn nghệ”(3). Do vậy, việc giao lưu, nghiên cứu, tiếp nhận lý luận phê bình văn nghệ nước ngoài, chúng ta nhất thiết phải dựa trên nền tảng mĩ học chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không được chủ quan, lơ là, chệch hướng.
Thứ hai, lý luận phê bình chủ đạo, bao trùm là phải mang hồn cốt, bản sắc Việt Nam. Thật khó để các học giả Việt Nam sáng tạo ra một hệ thống lý thuyết lý luận phê bình hoàn toàn mới, nhưng có thể học hỏi cách làm lý luận phê bình dựa trên những cái đã có để phát triển những nội dung, phương pháp mới thiết thực, hiệu quả hơn. Chúng ta có thể kế thừa truyền thống dân tộc và tiếp thu phương pháp của các nước hiện đại. Vấn đề đặt ra làm sao có được lý luận phê bình văn nghệ mang đậm dấu ấn Việt Nam. Hiện nay, chúng ta có một đội ngũ đông đảo các nhà lý luận phê bình văn nghệ rất trí tuệ, tâm huyết và có không ít các tác giả trẻ, chuyên sâu từng lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Đội ngũ các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn nghệ nước ta hiện nay là sự cộng hưởng của nhiều thế hệ, nhiều phong cách, nhiều phương pháp. Tuy nhiên, việc tập hợp các học giả có uy tín, cùng chí hướng xây dựng nền học thuật mang dấu ấn Việt Nam và các điều kiện cần và đủ để hình thành lên nó là câu hỏi cần có lời giải nghiêm túc. Chúng ta cần có nhiều học giả đầy đủ uy tín học thuật và đạo đức xứng đáng là ngọn đuốc dẫn đường; đồng thời có cơ chế, chính sách tài trợ, đầu tư cho việc tập trung xây dựng hệ thống lý luận phê bình mang dấu ấn, sắc thái Việt Nam. Muốn thành công nhất định phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước nhất là hỗ trợ đầu tư các dự án, đề án nghiên cứu trọng điểm quốc gia. Các dự án, đề án này, cần mời các học giả uy tín quốc tế và trong nước tham gia nghiên cứu. Cần xây dựng tạp chí chuyên biệt thật sự có chất lượng, có uy tín để truyền bá lý luận phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam thường xuyên và sâu rộng cả phạm vi trong nước và quốc tế. Vấn đề này, Đảng ta chỉ rõ: “Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, phát triển lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, nâng cao tính khoa học, tính thuyết phục góp phần hướng dẫn, điều chỉnh sáng tác, phê bình văn nghệ…”(4).
Thứ ba, việc xây dựng lý luận phê bình văn học nghệ thuật mang yếu tố đặc trưng của Việt Nam, chúng ta phải tập hợp mọi nguồn lực, xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp Nhân dân. Để đáp ứng mục tiêu quan trọng này, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật cần chú trọng yếu tố độc đáo, đặc sắc, đặc trưng của văn hoá, văn học, nghệ thuật nước ta. Đồng thời, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam phải có tính phổ quát, tính quốc tế để nó trở thành một lý thuyết, một phương pháp phê bình cho tất cả mọi người. Nếu chỉ là sản phẩm của người Việt Nam dùng cho người Việt thì nó sẽ không đáp ứng được nhu cầu và mục tiêu đổi mới, hội nhập sâu rộng. Hơn nữa, việc kết hợp hài hoà giữa yếu tố bản sắc dân tộc với yếu tố bên ngoài là rất phù hợp với quan điểm của Đảng ta: “Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài…”(5). Như vậy, việc xây dựng lý luận phê bình văn nghệ mang sắc thái Việt Nam, phải thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Đảng ta tại các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị quan trọng về văn học nghệ thuật trong từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam.
Thứ tư, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam cần đề cao trách nhiệm xã hội của các học giả, nhà nghiên cứu, thông qua hoạt động văn học, nghệ thuật. Quá trình giao lưu, nghiên cứu, sáng tạo, tiếp nhận văn học nghệ thuật nước ngoài, họ phải đứng về lợi ích tối thượng của quốc gia, dân tộc và người dân; phải ủng hộ, quảng bá các giá trị cốt lõi tốt đẹp của dân tộc; giá trị nhân văn, dân chủ; giá trị chân, thiện, mĩ; các tấm gương đạo đức, lối sống; đề cao chức năng giáo dục… Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật phải can dự trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc đẩy lùi suy thoái đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng con người mới, nhân nghĩa, nhân tình, văn minh, hiện đại. Quan điểm này không đồng nghĩa với việc hoà lẫn khái niệm văn học, nghệ thuật với chính trị; văn học, nghệ thuật với đạo đức, luân lý… Ở đây, muốn nhấn mạnh khía cạnh trách nhiệm xã hội của học giả, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Bất luận ở đâu, lĩnh vực nào thì phương pháp lý luận phê bình văn nghệ phải hướng đến giá trị nhân văn, nhân bản do con người, vì con người, vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Thứ năm, quá trình giao lưu, nghiên cứu, tiếp nhận văn học, nghệ thuật nước ngoài là cần thiết và bức thiết hiện nay của chúng ta. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của thế giới để làm cho các giá trị truyền thống Việt Nam được bổ sung, bồi đắp theo hướng đã chọn một cách sinh động, giàu sức sống. Một yêu cầu luôn phải chú trọng là tích cực xây dựng cầu nối truyền bá giá trị Việt Nam, giá trị văn hoá, văn học, nghệ thuật Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Phải thường trực nhiệt huyết, truyền bá tinh hoa văn học, nghệ thuật Việt Nam làm cho thế giới hiểu hơn bản sắc dân tộc Việt Nam, giúp họ hiểu hơn về đất nước ta, về truyền thống anh hùng, về giá trị văn hoá, văn học, nghệ thuật độc đáo, đặc sắc; về sự đổi mới, hội nhập sâu rộng và khát vọng hoà bình, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường… Từ đó, chúng ta khẳng định được tiếng nói, quyền diễn ngôn của các học giả, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình, các nhà văn, nghệ sĩ Việt Nam; đồng thời góp sức vào quá trình giao lưu, hợp tác, phát triển và chuyển giao văn hoá, văn học, nghệ thuật giữa Việt Nam với các quốc gia trên mọi châu lục.
Kết luận
Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập sâu rộng để phát triển đất nước nhanh và bền vững hiện nay, việc giao lưu, tiếp biến văn học, nghệ thuật nước ngoài làm giàu các giá trị truyền thống Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết, là đòi hỏi chính đáng của độc giả trong và ngoài nước. Vấn đề đặt ra là việc giao lưu, nghiên cứu, tiếp nhận văn học, nghệ thuật nước ngoài, các học giả, nhà nghiên cứu nước ta nhất thiết phải dựa trên nền tảng mĩ học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nói rộng hơn là phải trên cơ sở chủ trương, quan điểm của Đảng ta về văn học, nghệ thuật được thể hiện tại các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị chính thống của Đảng. Nếu việc giao lưu, tiếp nhận văn học, nghệ thuật nước ngoài mà chúng ta không tuân thủ các chủ trương, quan điểm của Đảng sẽ dễ dẫn đến chủ quan, phiến diện, chệch hướng… gây nguy hại cho sự phát triển đúng hướng của nền văn học, nghệ thuật nước nhà, trong đó có lý luận phê bình văn nghệ.
Trên cơ sở định hướng đúng, cần tiếp tục tạo ra không gian thông thoáng, khích lệ, động viên các học giả, nhà nghiên cứu lý luận phê bình, các nhà văn, nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm có giá trị để “xuất ngoại” đem đến cho học giả, độc giả các nước giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hoá, văn học, nghệ thuật Việt Nam; quảng bá bản sắc độc đáo và các giá trị cốt lõi của dân tộc, làm cho thế giới hiểu hơn về Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế, trong đó có vị thế lý luận phê bình văn nghệ Việt Nam. Đồng thời, cần tỉnh táo, nghiêm túc tiếp nhận có chọn lọc các giá trị tinh hoa lý luận phê bình các nước để chúng ta học hỏi, vận dụng sáng tạo, làm cho nền lý luận phê bình Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập sâu rộng hơn với thế giới văn minh.
Chúng ta học hỏi cái hay, cái văn minh, hiện đại của văn học, nghệ thuật cũng như lý luận phê bình văn nghệ các nước để xây dựng một hệ thống lý luận phê bình văn nghệ mang bản sắc dấu ấn Việt Nam, có tính dân tộc và mang tính phổ quát của nhân loại. Cần khẩn trương và thận trọng chọn lựa quy tụ các học giả tên tuổi, cùng chí hướng và mời gọi một số học giả hàng đầu của các nước tham gia vào các dự án, đề án trọng điểm quốc gia về lý luận phê bình văn học, nghệ thuật. Đồng thời tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, có cơ chế và chính sách đặc thù, ưu tiên đầu tư thoả đáng cho việc xây dựng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam. Với tinh thần đó, hy vọng chúng ta có một nền lý luận phê bình văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có quyền diễn ngôn, có cống hiến xứng đáng với nền văn học, nghệ thuật hiện đại của nhân loại.
N.V.D
_________________
1,2 https://nld.com.vn (ngày 03.3.2004)
3,4 Nghị quyết số 23 – NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị, Khoá X, về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong tình hình mới” (Chủ trương và giải pháp)
5 Nghị quyết số 23 – NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị, Khoá X, về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong tình hình mới” (Quan điểm chỉ đạo).