Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Quảng Trị mảnh đất anh hùng, mảnh đất tâm linh

L

ịch sử Việt Nam là lịch sử trận mạc. Con người Việt Nam dẫu không muốn cũng là con người trận mạc. Số phận con người gắn liền với số phận cộng đồng. Số phận người lính gắn kết với số phận dân tộc. Chưa bao giờ trong các mốc son chói lọi của lịch sử chống ngoại xâm cận đại của nhân dân ta, hình ảnh người lính lại được tôn vinh, được nổi lên đến thế. Mốc son Phai Khắt Nà Ngần, mốc son Điện Biên Phủ, mốc son 68 Mậu Thân, mốc son 75 mùa xuân đại thắng và mốc son Quảng Trị những năm binh lửa 72- 73.

  Phải chăng đã từng là một người lính có mặt trên hầu hết các chiến trường, phải chăng đề tài Thành Cổ Quảng Trị mấy năm gần đây cứ ám ảnh, hút chặt, bám dính lấy tâm hồn, cũng phải chăng lâu nay bỗng dưng đánh mất thói quen đọc tiểu thuyết mà chỉ thích đọc ký sự, hồi ký, hồi ký quân sự, hồi ký chính trị, hồi ký chính khách, hồi ký quân nhân bên này bên kia… nên khi cuốn hồi ức Một thời Quảng Trị của tướng Nguyễn Huy Hiệu lọt vào tay, tôi đã đón nhận một cách trân trọng và hồ hởi để rồi sau đó không buông rời ra được nữa.

Cuốn sách không chỉ là một biên niên sử chiến trận sinh động, lấp lánh của một vùng đất, của một chiến dịch, của một chủ nghĩa anh hùng hào sảng, của một quy luật thắng thua, hơn thế nó còn là số phận một con người, số phận những con người, từ người lính binh nhì nhỏ bé nhất đến vị tướng chỉ huy cấp cao, từ cô du kích mảnh mai đến vị bí thư tỉnh uỷ, khu uỷ dày dạn. Nó là bài ca về chủ nghĩa nhân văn một khi con người biết đứng dậy mang hết tâm sức, máu xương của mình để giữ gìn non nước.

Và trước hết nó là một bài ca bất hủ về người lính.

Một bài ca trải dài, bay lên trên các tầng địa danh đã trở thành huyền tích, thành ẩn số tâm linh, thành niềm tự hào không cùng. Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đường 9, Khe Sanh, Tà Cơn, Thành Cổ, sông Thạch Hãn, suối La La..

Chiến tranh đối với bất kỳ dân tộc nào cũng đều là bi kịch, chiến tranh tự vệ của Việt Nam, của Quảng Trị lại khoác thêm ánh thần quang của sự bi tráng.

Đau thương và hào sảng. Bình dị và anh hùng. Mềm mại và gang thép. Nước mắt và lời ru. Tình yêu và mất mát.. Cuốn sách đã chạm đến tất cả và không né tránh bất cứ một điều gì. Tại sao phải né tránh một khi cuộc chiến đã lùi xa được trên ba mươi năm, một khi để thắng được một kẻ thù giàu nhất hành tinh con người Việt Nam, con người Quảng Trị đã phải trả một giá rất đắt đến nhường nào, và một khi giờ đây trên khắp các bản làng, ngõ phố, trên các bàn thờ vẫn nghi ngút khói hương tử sĩ.

Đó là một phong cách, tư duy, lời kể chân tình, trầm tĩnh của một người lính, của một người anh hùng được phong từ khi còn rất trẻ. Ông không kể về ông, ông chỉ muốn cái tôi nhỏ bé của mình tạo thành chất kết dính những bạn bè, đồng đội, tạo thành cái mốc xích của hàng chuổi những sự kiện xảy ra trên mười năm gian nan, bão lốc.

Đúng như lời tâm sự của ông ở cuốn sách: “Chiến tranh là thế. Một thời Quảng Trị là thế! Xin hàng ngàn, ngàn lần được hôn vào lòng đất mẹ, mảnh đất lớp lớp địa tầng, đồng đội chúng tôi đông. Năm nào tôi cũng trở vào Quảng Trị một đôi lần, năm nào tôi cũng đến thắp hương cho đồng đội trong các khu nghĩa trang Đường 9, Hải Lăng, Thành Cổ .. Tôi nghĩ phải bằng mọi cách nói lại, kể lại để các thế hệ mai sau không lãng quên quá khứ hào hùng, đau thương của dân tộc, không lãng quên. Một thời Quảng Trị, mảnh đất thiêng liêng và huyền thoại, mảnh đất đau đáu trong tôi suốt cả cuộc đời”.

Lời tâm sự như có nước mắt chảy ngầm bên trong. Nước mắt của một người lính mang quân hàm thượng tướng giờ đây đang giữ những trọng trách trong Đảng, trong Nhà nước và quân đội. Đó cũng là những giọt nước mắt của tôi, của chúng tôi, những người lính già đã đi qua một thời máu lửa. Giống như ông, như một ám ảnh giằng xé và ngọt ngào, năm nào tôi cũng trở về địa bàn chiến đấu của tôi tại ngã ba sông Sài Gòn, địa phận Bình Dương, trở về chẳng để làm gì, ngồi âm thầm đốt hết một bao thuốc rồi lại âm thầm ra đi. Cho nên tôi thấu hiểu nỗi lòng người lính trong ông và có lẽ chỉ có người lính đã từng vào sinh ra tử, đã trãi qua những khoảnh khắc ngặt nghèo mỏng manh nhất của đời người thì mới có được cái nỗi lòng thẳm sâu, bền dai mà người ta thường gọi là nỗi hoài niệm chiến hào ấy. Nỗi hoài niệm làm cho con người ta cao lên, vị tha, nhân ái hơn.

Đọc sách ta bỗng hiểu ông hơn, hiểu người lính hơn để một lần nữa xác định được toạ độ cảm mến vững bền về hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong lòng người đọc. Hơn thế, ta càng hiểu cái giá trị sức mạnh tinh thần vô song mà dân tộc ta đã được trang bị để đánh bại một giá trị vật chất siêu nhiên mà cách đây hàng trăm năm, sau cơn cuồng phong đế chế, chính vị hoàng đế danh tướng bất khả chiến bại Napoleon đã phải đau đớn thốt lên ở hòn đảo tù đày:“Than ôi, nếu ta biết rằng trong chiến tranh, cái sức mạnh vật chất bao giờ cũng chỉ bằng một phần ba sức mạnh tinh thần thì ta đâu đến nỗi phải rơi vào tình cảnh ô nhục này”.

540 trang sách là 540 những trận đánh, những cuộc hành quân, những ý tưởng tiến công, những cánh rừng lở loét bom phá, những ngày đói gạo, những đêm sốt rét rung người, những hy sinh thầm lặng, những tấm lòng trung trinh đùm bọc của người dân và cả những thất bại khó tránh. Những người lính tìm được trong đó một thời cao đẹp của mình. Những người tuổi trẻ tìm được trong đó phong độ, khí phách, phẩm chất phi thường của lớp cha anh sẵn sàng hy sinh không tiếc máu xương để có ngày hoà bình thơ thới hôm nay. Cuốn sách, bằng tâm huyết và sự trung thực đến giản dị của mình đã đánh thức dậy tất cả những gì mà con người trong thời buổi biến động khôn lường hôm nay đã có chiều quên lãng. Cuốn sách không nói về một con người mà thông qua con người - kể chuyện ấy để nói về một vùng đất, một dấu mốc lịch sử, một tượng đài bi hùng, một khúc tráng ca ngàn năm sau sẽ còn vang vọng. Phải chăng vì thế mà nó khách quan, nó truyền cảm, nó đã đạt đến độ chín của thẩm mỹ thông tin.

Trong đó có độ chín của bút pháp.

Người lính Quảng Trị và người lính Tây Nguyên. Hai người lính, hai chiến trường, một người kể một người ghi, người kể tháo cởi hết lòng mình, người ghi cũng dồn hết tâm hết sức. Cái mẫu số chung trận mạc đó đã cộng hưởng thành những con chữ thấm đẫm nhân tình. Nếu không cùng cảnh ngộ, cùng một độ rung cảm nhận, dù lời kể có phong phú sinh động đến mấy thì người ghi chưa chắc đã thổi hồn thổi vía vào được. Ngược lại, người ghi có tài hoa giỏi giang cỡ nào nhưng người kể không thả hết lòng mình thì những con chữ bung ra vẫn rất dễ rơi vào vô hồn, đuỗn đệt. Hai mà một, một mà hai. Thể loại hồi ký hồi ức rất cần sự khăng khít, thấu đáo như một mã khoá của sự thành công này.

Một thời Quảng Trị do đại tá Lê Hải Triều thể hiện là một cuốn sách thành công. Thành công không hẳn vì cách xử lý tài liệu đạt tầm chuyên nghiệp, vì những gì cần viết, đã viết đủ đầy, vì sự tuân thủ nghiêm ngặt của thể loại đòi hỏi độ chính xác rất cao mà trước hết, trên hết, Hải Triều đã thổi được cái hồn của mình vào từng trang viết. Anh nâng niu nó, kỹ lưỡng với nó, anh tôn trọng người kể, tôn trọng bạn đọc, anh không muốn hồi ức chỉ là hồi ức mà muốn nâng nó lên thành một thông điệp nhân văn gửi cho người hôm nay, gửi cho người mai sau.

Ai cũng hiểu khi khai triển thể loại này, nhất là một khi nó dính đến chiến dịch chiến lược, các vấn đề sẽ trở nên hết sức rậm rạp, nếu không dụng công vắt óc thì người đọc chỉ thấy những đoàn quân mà không thấy một con người, chỉ thấy những trận đánh gầm gào mà không thấy mọi nỗi buồn vui ẩn chìm trong đó. Ngược lại, quá chú trọng đến con người lại dễ nhấn chìm sự kiện và quá tập trung vào sự kiện lại dễ đánh tuột đi con người. Khác với tiểu thuyết có quyền năng hư cấu, cái khó của một cuốn hồi ký lịch sử chiến tranh là ở chỗ đó. Vừa phải bay lên lại phải vừa hạ xuống, tâm tình riêng tư thế nào cũng không được thoát độ chân xác của sự thật. Ngả bên này sách sẽ thành bản tổng kết chiến công chiến lệ, ngả bên kia sách sẽ trở nên vụn vặt, nhẹ hều.

Hải Triều với bút lực, bề dày kinh nghiệm và tấm lòng của mình đã khéo léo dung hoà được cả hai để tạo ra được một cuốn hồi ký có VĂN và có TÌNH.

Đọc Một thời Quảng Trị và tiếp xúc với một số tác phẩm của những vị danh tướng, chính khách mới xuất bản gần đây về Điện Biên Phủ mặt đất, Điện Biên Phủ trên không, về đại thắng mùa xuân, về Mậu Thân 68, về hội nghị Paris, về chiến tích của các nhà tình báo chiến lược, về sức mạnh của chiến tranh nhân dân, về đường lối quân sự bách chiến bách thắng… ta không thể không phần nào, phần nào thôi, liên tưởng đến những cuốn hồi ký đã trở thành kinh điển trên thế giới như Nhớ lại và suy nghĩ của nguyên soái Giu Côp, Mười ngày rung chuyển thế giới củaGion Rít, Bộ tổng tham mưu quân đội xô viết trong chiến tranh, Khói lửa của Bac Buytse

Trong khi nền văn học ta chưa có được những bộ tiểu thuyết đồ sộ mang tầm vóc sánh ngang hiện thực chiến tranh vĩ đại mà nhân dân mong đợi như Sông Đông êm đềm, Đội cận vệ thanh niên, Con đường đau khổ, Bác sỹ Divago… của thiên hạ thì, những cuốn hồi ký như thế này chính là một đáp ứng cần thiết, trước mắt, kịp thời cho nhu cầu nhận thức, cảm thụ của con người, của cuộc đời.

Tự thân nó đã tạo ra một dòng chảy văn học tuy còn đôi chút thô rám, vụng về, tất nhiên, song lại nghiêm cẩn, chính thống và giàu tính nhân văn.

Hồi ức của một cá thể không gì khác ngoài việc nó chính là hồi ức của một vùng đất, của cả cuộc chiến tranh và cũng là phẩm chất của cả dân tộc đã biết từ bùn đen đứng dậy sáng loà lấy máu sông xương núi rửa sạch nỗi nhục nô lệ, dựng lên bức tượng đài chất ngất giữa trời xanh về lời nguyền kiêu hãnh Không gì quý hơn độc lập tự do.

Trong bản tổng phổ anh hùng ca bất diệt đó, những cuốn sách, những con người nhưMột thời Quảng Trị đã lặng lẽ, khiêm nhường góp vào một giai điệu thật đẹp.

***

Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác!Cuốn sách không trực diện nói lên điều nhức nhối đó nhưng từng trang từng dòng vẫn neo tâm hồn người đọc vào câu nói bất hủ của nhà văn vĩ đại Nga vừa quá cố: Raun Gamjatop.

Và cả điều này nữa mà cuốn sách cũng như muốn gióng một tiếng chuông cảnh tình nhằm nối nhịp cầu giữa quá khứ và hiện tại, giữa chiến tranh và dựng xây trên ngụ ý: Không ai có thể ngủ quên mãi trên vinh quang quá khứ, bởi quá khứ chỉ giúp cho người ta hiểu anh, hiện tại mới khiến người ta trọng anh.

Vừa rồi, do thôi thúc của nghiệp chướng văn chương, tôi có chuyến đi một mình lặng lẽ vào vùng Quảng Trị, đã nhảy xuống bơi một vòng qua dòng Thạch Hãn, đã ngủ một đêm ướt sương dưới tượng đài Thành Cổ, đã chuyện trò với các cô du kích ngày nào chở thương chở đạn qua sông khổ đau, mất mát nhiều thế mà nhắc lại chuyện cũ vẫn chỉ cười, đã ngồi lặng phắc hàng giờ bên các bia mộ liệt sĩ… Có nơi nào như nơi này mà số nghĩa trang, số liệt sĩ lại nhiều đến ngút ngàn như thế. Chỉ một khu Thành Cổ rộng chưa đầy 3 cây số vuông mà lượng bom đạn kẻ thù đã đổ xuống có sức công phá của 7 quả bom đã thả ở Hyrosima trong đại chiến 2 cộng lại. Tám mốt ngày đêm, mỗi ngày một đại đội trên trăm chàng trai ưu tú ngã xuống. Tất cả quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.  Tất cả cho dáng đứng kiên trung của một phẩm cách dân tộc. Thà mất tất cả chứ không thể mất tự do và danh dự.

Một thời Quảng Trị cũng thì thầm, khe khẽ nhắc lại với ta điều đó. Và cả điều này nữa: Cái nhục mất nước ta đã không chịu được thì giờ đây, chả lẽ cái nhục lạc hậu, đói nghèo ta lại có thể dửng dưng nhẫn chịu hay sao?

Thì thầm như câu thơ xao động tâm linh của người lính bảo vệ Thành Cổ Lê Bá Dương đã lan toả trên khắp sông nước, bản làng, ngõ phố mảnh đất Quảng Trị anh hùng:

Đò xuôi Thạch Hản xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm …

Cám ơn một cuốn hồi ức nhỏ đã giúp cho ta hiểu thêm được chiều sâu và chiều rộng của toàn bộ cuộc chiến tranh vệ quốc trầm tích, huy hoàng của dân tộc.

C.L

 

 

______

*Một thời Quảng Trị- Nguyễn Huy Hiệu- Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tháng 6-2008.

 

Chu Lai
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 168 tháng 09/2008

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground